Chuyển từ Mỹ tới đây vào năm 2016, ông Philip Krein giữ chức viện trưởng Viện nghiên cứu Urbana-Champaign ở Hải Ninh – kết quả hợp tác giữa trường Đại học Chiết Giang/trường Đại học Illinois Mỹ. “Các viện nghiên cứu hàn lâm đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển của Trung Quốc”, ông nói.
Thế mạnh của Triết Giang là vị trí địa lý nổi bật, đây là trung tâm trung chuyển và điểm nút vào khu vực trung tâm Trung Quốc. Tuy nhiên những người lãnh đạo Chiết Giang vẫn cho rằng, sự phát triển của nền kinh tế tương lai sẽ đến từ việc đầu tư vào nền kinh tế số. Ở mọi tầng nấc của đời sống công cộng, từ các chương trình về giáo dục đại học đến quản trị thành phố, các nhà chức trách đều làm việc với các nhà khoa học và kỹ sư để đặt khoa học tiên tiến– như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và điện toán đám mây, vào tâm điểm phát triển của vùng, và quốc tế hóa khu vực này. Ý nghĩa toàn cầu của Chiết Giang đã được đặt ra vào năm 2016, khi thành phố Hàng Châu tổ chức Hội nghị Thượng dỉnh G20 – hội nghị thu hút nhiều nhà lãnh đạo của các nền kinh tế thế giới.
Sự thay đổi quan điểm về phát triển kinh tế diễn ra ở Hàng Châu cũng phản ánh tham vọng lớn của đất nước Trung Quốc là trở thành cường quốc KH&CN dẫn đầu thế giới vào năm 2049 – năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Bức tranh toàn cảnh
Một thập kỷ trước, chính quyền Trung Quốc đưa ra một sáng kiến để đảo ngược tình hình trong nước sau khi có nghiên cứu cho thấy: kể từ năm 1978, 1,1 triệu người Trung Quốc đã ra nước ngoài học tập nhưng chỉ có 270.000 người trở về - theo số liệu tháng 6/2007. Các trường đại học đã trả mức lương cao cho các giáo sư Trung Quốc nhưng được đào tạo và nghiên cứu tại phương Tây như một phần của chương trình mang tên “1000 tài năng”.
Mặc dù nhiều nỗ lực nhưng các nhà khoa học trẻ vẫn muốn ra nước ngoài sau khi kết thúc chương trình học của mình ở trong nước bởi vì kinh nghiệm làm việc và nghiên cứu ở các phòng thí nghiệm quốc tế vẫn được đánh giá cao. Tình trạng này khiến cho các trường đại học Trung Quốc trở nên khó khăn hơn trong việc tuyển mộ các tài năng trẻ ở trình độ postdoc, Jiaming Hu – nhà khoa học thần kinh ở trường Đại học Chiết Giang, cho biết, các trường đại học thường yêu cầu tuyển dụng các giáo sư và phó giáo sư có ít nhất hai năm kinh nghiệm nghiên cứu ở nước ngoài.
Mọi người thích thú theo dõi robot tại triển lãm thiết bị quốc tế tại Nghĩa Ô, Chiết Giang. Nguồn: Nature
Tuy vậy các nhà khoa học trẻ Trung Quốc đang ở giai đoạn đầu sự nghiệp có thể tìm được những vị trí nghề nghiệp vững chắc ở Chiết Giang, cả trong những phòng thí nghiệm có kinh phí do chính phủ đầu tư lẫn ngành công nghiệp đầu tư bởi vùng này đang “đặt cược” tương lai của cả vùng vào sự phát triển của KH&CN. Phòng thí nghiệm của Hu mới được thành lập có 3 năm, và nhận được khoản đầu tư 25 triệu USD trong vòng 5 năm. Tiền được dùng để mua một cơ sở nuôi động vật linh trưởng lớn để phục vụ nghiên cứu, điều mà Hu cho biết không giống như những gì ở các phòng thí nghiệm phương Tây. “Một vài người bạn của tôi ra nước ngoài và thi thoảng cho biết là không dễ dàng gì có được nguồn động vật linh trưởng mà họ cần”, Hu kể.
Guohua Xu – nhà di truyền học tiến hóa làm việc cùng với Jiaming Hu tại Đại học Chiết Giang, cho biết thêm là nhiều học giả hàng đầu lĩnh vực nghiên cứu của mình cũng thường xuyên đến trường và giảng dạy. Cả Hu và Xu đều nhấn mạnh đến nguồn ngân quỹ lớn mà các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc có thể nhận được. Tuy nhiên có một vấn đề là “lợi thế mà chúng tôi có là thường có những thiết bị mà nhiều trường đại học ở phương Tây không có nhưng bất lợi là trình độ của chúng tôi không đủ cao để đủ sức cạnh tranh với các nhóm nghiên cứu quốc tế xuất sắc nhất và thu hút tài năng”.
Tăng cường hợp tác nghiên cứu và công nghiệp
Để thúc đẩy các nhà khoa học có tinh thần kinh doanh ở Chiết Giang, đưa kết quả nghiên cứu mang tính hàn lâm thành những sản phẩm tương mại. Trường Đại học Chiết Giang đã đầu tư xây dựng một vườn công nghệ, một trong số 15 vườn khoa học trên khắp Trung Quốc được thành lập để thực hiện các công việc như ươm tạo doanh nghiệp và startup. Kinh phí đầu tư đến từ cả hai lĩnh vực công và tư. Những thành công thương mại gần đây bao gồm công nghệ Drore – có khả năng cung cấp công nghệ thông minh như bản đồ tương tác, những hướng dẫn nghe nhìn thông minh, và NationalChip – đem lại những bộ chip máy tính.
Năm ngoái, một vùng đất rộng 113m2 đã được dành để phát triển KH&CN mang tên thành phố KH&CN Hàng Châu tương lai (Hangzhou Future Sci-TechCity), trong đó có khu vực mang tên thị trấn Trí tuệ nhân tạo (AI), với mục tiêu đến năm 2022 có 20.000 nhà nghiên cứu, 200 nhóm nghiên cứu đổi mới sáng tạo do các nhà công nghiệp tiên phong và các nhà khoa học xuất sắc dẫn dắt chọn nơi này làm việc. Mối liên kết rộng lớn này sẽ mang các công ty đổi mới sáng tạo như Alibaba và nhà khổng lồ công nghệ Baidu, đến hợp tác với những nhóm nghiên cứu của các trường đại học hàng đầu.
Động lực này sẽ đưa kết quả nghiên cứu thành những sản phẩm khả thi và trở thành một phần của văn hóa nghiên cứu trong trường đại học, Anna Wang Roe - nhà khoa học thần kinh tại trường Đại học Chiết Giang, nhận xét. Các giảng viên và postdoc đều được khuyến khích ứng dụng các kết quả nghiên cứu thành các cơ hội đầu tư liên doanh mới. Mỗi năm, chính quyền vùng đầu tư khoảng 2 triệu đến 20 triệu USD cho Đại học Chiết Giang để phát triển các công ty spinoff. Vào đầu năm 2018, chính quyền vùng thông báo, số lượng các công ty công nghệ cao là các doanh nghiệp KH&CN nhỏ và vừa tăng lên gấp đôi từ 11.462 lên 40.440 công ty giữa những năm 2013-2017.
Hiện nay với 90% các thành viên trong trường là giảng viên quốc tế đại học Chiết Giang là trường có mật độ người nước ngoài cao bậc nhất Trung Quốc, góp phần đưa trường lên sân chơi toàn cầu.