PV: Được biết, ĐHQG mới ban hành quyết định về chính sách cấp học bổng cho NCS, và đây có lẽ chưa phải là chính sách phổ biến ở các đại học (ĐH) công lập ở Việt Nam hiện nay. Chính sách này có tầm quan trọng ra sao đối với sự phát triển của ĐHQG HN, thưa GS?
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Trong xếp hạng ĐH, thì các tiêu chí về đào tạo, theo tôi với ĐHQG là tương đối ổn, nhưng tiềm lực để phát triển nghiên cứu trong trường ĐH thì khác, phải có công bố quốc tế, nhất là các công bố có trên các tạp chí có Impact factor cao. Trên thực tế ở ĐHQGHN có tới 90% các nghiên cứu và công bố là có sự tham gia của NCS.
Mỗi năm, ĐHQG tuyển khoảng 350 NCS và tổng quy mô đào tạo hiện nay khoảng 1400 NCS, trong đó, quy mô đào tạo của riêng khối KHTN và công nghệ khoảng hơn 500 NCS, 80% các em trong số đó có bài ISI/Scopus. Như vậy là trong số khoảng 600 bài ISI/Scopus hằng năm của ĐHQGHN có hơn 400 bài có sự đóng góp tích cực của các NCS.
Nhưng từ năm ngoái, theo Quy chế đào tạo Tiến sĩ mới của ĐHQG Hà Nội, yêu cầu nâng cao chuẩn đầu vào đối với NCS (thầy hướng dẫn cũng phải có bài ISI/Scopus), thì ngay sau đó số lượng NCS sụt giảm mạnh. Ví dụ như ở trường ĐH KHTN, đợt tuyển sinh lần thứ hai của năm 2017 chỉ tuyển được 5 NCS, đối với toàn ĐHQG HN, nếu kỳ tuyển sinh đợt 1 (4/2017) năm ngoái được 220 NCS thì đợt 1 năm nay (4/2018) chỉ tuyển được 54 NCS, giảm khoảng 75%. Như vậy nếu tiếp tục, sẽ chỉ tuyển mới được khoảng 100 NCS/năm, thì quy mô đào tạo sẽ là khoảng 300 NCS thôi, số lượng các công bố quốc tế sẽ giảm, với quy mô NCS này chắc mỗi năm chỉ còn 150 bài ISI, thay vì 400 bài như trước. Thế thì nghiên cứu khoa học (NCKH) sẽ đi đến đâu nếu chúng ta không có những chính sách thỏa đáng để thu hút, đào tạo, bồi dưỡng NCS?
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (giữa) cùng với nhóm NCS. Ảnh: NVCC
Nhiều người cũng cho rằng, hiện nay chúng ta chưa có chính sách để NCS có thể toàn tâm, toàn ý cho nghiên cứu?
Theo tôi, trước hết ở tầm vĩ mô, Nhà nước phải xem xét lại chính sách đào tạo NCS trong nước nếu như chúng ta muốn đào tạo những tiến sĩ thực tài. Riêng đối với ĐHQG HN, lãnh đạo của ĐHQGHN đã đưa ra các giải pháp quyết liệt để hỗ trợ NCS. Cụ thể, ngày 17/5/2018, Giám đốc ĐHQGHN đã ký Quyết định số 1600/QĐ-ĐHQGHN về việc ban hành Quy định hỗ trợ học bổng cho NCS của ĐHQGHN. Mức học bổng cho NCS có bằng thạc sĩ là 60 triệu VNĐ/ khóa học, với NCS chuyển tiếp từ cử nhân là 90 triệu VNĐ/khóa học. Ngoài học bổng của ĐHQGHN, các đơn vị đào tạo có trách nhiệm tìm nguồn bổ sung để có thể cấp học bổng cho thêm tối thiểu 10% số NCS đang được đào tạo tại đơn vị.
Nhiều nhà khoa học tin rằng, bên cạnh việc tạo điều kiện về tài chính, thì các NCS cần được làm việc trong một không gian chuyên nghiệp, tham gia vào các nhóm nghiên cứu mạnh, từ đó mới phát triển được hướng nghiên cứu lâu dài, vậy ĐHQG có chính sách gì cho vấn đề này?
Đúng vậy, ĐHQGHN rất chú trọng đến việc gây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu, đã ban hành tiêu chí, công nhận được 27 nhóm nghiên cứu mạnh và có chính sách ưu tiên trong đầu tư và hỗ trợ nghiên cứu. Thông qua nhóm nghiên cứu, NCS có thể chọn các cán bộ hướng dẫn trong nước, quốc tế, có nhiều thành tích trong NCKH. Ngoài ra, ĐHQG HN cũng hỗ trợ NCS thông qua các hình thức hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ví dụ, ĐH Công nghệ có ký kết với ĐH Công nghệ Sydney, bên cạnh hỗ trợ phòng thí nghiệm, tham gia các nhóm nghiên cứu mạnh, mỗi năm họ cấp học bổng đào tạo cho từ 2-5 NCS, năm thứ nhất khi NCS ở Việt Nam 500 USD/ tháng, từ năm thứ hai NCS được đào tạo tại trường đối tác với học bổng khoảng 2500 đô la Úc/tháng. Hoặc gần đây ĐH Công nghệ còn ký kết hợp tác 3 bên với tập đoàn FPT, nếu thầy và trò (trong hợp tác với ĐH Công nghệ Sydney) nghiên cứu theo đặt hàng của FPT thì FPT sẽ hỗ trợ thêm 15 triệu/tháng/NCS.
Nguồn học liệu cũng là một vấn đề “sống còn” đối với các NCS, ĐHQG cũng đã mua cơ sở dữ liệu các công bố quốc tế trên Science direct và có account cho các em truy cập dùng chung để tìm kiếm tài liệu.
Đặc biệt là ĐHQGHN đã có sáng kiến và đang chuẩn bị triển khai hệ dự bị NCS, chắc sẽ được Giám đốc ĐHQGHN ký ban hành trong vài ngày tới. Sở dĩ cần có hệ này, bởi vì thông thường các bạn thi vào NCS thường yếu về ngoại ngữ, phương pháp NCKH và lo nhất là công bố quốc tế. Do đó, khi được vào hệ dự bị, các ứng viên sẽ được học về ngoại ngữ, phương pháp NCKH. Thậm chí, các bạn xuất sắc có thể nghiên cứu để có kết quả bước đầu công bố trên các tạp chí quốc tế rồi mới bắt đầu đăng ký làm NCS.
Đây cũng là mô hình mà nhóm nghiên cứu của tôi đã âm thầm thực hiện trong nhiều năm qua, đầu tiên, các em “đi theo” nhóm nghiên cứu, tham gia các senimar, được giao đề bài nghiên cứu. Năng lực của các em cũng được nâng dần từng bước: lúc đầu là báo cáo ở seminar trong nhóm, sau đó tham gia hội nghị trong nước, thậm chí có bạn được cử đi dự hội nghị quốc tế, có công bố quốc tế. Lúc đó tôi mới bảo các bạn đó đăng ký dự tuyển vào NCS. Chính vì vậy, các NCS trong nhóm của tôi đều trưởng thành và có nhiều công bố quốc tế khi bảo vệ luận án tiến sĩ.
Ông vừa nhắc tới cần phải điều chỉnh chính sách đào tạo NCS, vậy hiện nay còn những bất cập gì trong chính sách đào tạo NCS?
Hiện nay mức kinh phí cho đào tạo NCS quá thấp (khoảng 15 triệu/1 NCS/năm). Thêm vào đó học phí NCS phải đóng mỗi năm khoảng 30 triệu. Với mức kinh phí này không đủ để trang trải cho NCS thực hành, thực tập, làm thí nghiệm (với KHTN, CN) và điền dã (với khối XHNV) chứ chưa nói đến đủ để chi cho NCS tham gia các hội nghị khoa học quốc gia, quốc tế. Kinh phí hỗ trợ cho thầy hướng dẫn NCS lại vô cùng ít ỏi, mức thù lao chỉ khoảng 1,5 triệu/1 cán bộ hướng dẫn/1 NCS/năm. Lại càng chưa nói đến các điều kiện khác như mời GS nước ngoài đồng hướng dẫn NCS. Hay chỉ đơn giản như, chúng ta nhắc nhiều tới việc tránh đạo văn, nhưng trên thực tế các trường đâu đã có kinh phí để mua các phần mềm kiểm tra trùng lặp, cung cấp cho các NCS sử dụng.
Chúng ta không thể có nghiên cứu sinh giỏi, không thể có chất lượng luận án tốt với nhiều công bố quốc tế hoặc sản phẩm KHCN có uy tín nếu duy trì mãi nguồn kinh phí đào tạo tiến sĩ ít ỏi và quá rẻ rúng như hiện nay.
Vậy chính sách với postdoc thì sao thưa GS?
Đúng vậy, bảo vệ án tiến sĩ mới chỉ là bước đầu ghi nhận sự trưởng thành của người làm khoa học. Để có thể phát triển được hướng nghiên cứu cũng như tổ chức được các nhóm nghiên cứu, các tiến sĩ thường phải qua quá trình đào tạo postdoc. Nhưng hiện nay trong các quy chế, quy định của chúng ta chưa nói đến vấn đề này. Đây là điểm mới mà chúng tôi nghĩ tới đây Bộ GD&ĐT cũng như Bộ Nội vụ nên có thông tư liên tịch để hướng dẫn và ban hành.
Đối với các trường ĐH, các viện nghiên cứu cũng cần đẩy mạnh việc mời các nhà nghiên cứu uy tín ở nước ngoài về làm giảng viên mời, nghiên cứu viên mời. Không chỉ cử cán bộ của ta đi làm postdoc ở nước ngoài, mà các ĐH lớn, viện nghiên cứu trong nước cũng có thể nhận các thực tập sinh nước ngoài làm postdoc ở các bộ môn, phòng thí nghiệm của mình để tạo ra được môi trường làm việc có tính quốc tế.
Trân trọng cảm ơn ông!