Covid-19 đang đẩy những nhóm yếu thế nhất trong xã hội vào tình thế khó khăn, và tình thế sẽ càng khó khăn hơn nữa khi mà chính nhiều doanh nghiệp xã hội (DNXH), nơi đang hỗ trợ họ, cũng phải ngừng hoạt động. Vì vậy chính phủ cần đưa ra chính sách hỗ trợ cho các DNXH. Mặt khác, đây cũng là thời điểm mà DNXH cần đổi mới hoạt động của mình.


Imagtor là một DNXH ra đời với hướng đi hoàn toàn mới nhờ vận dụng năng lực của người khuyết tật trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chỉnh sửa ảnh. Đây được xem là ví dụ tiêu biểu về phát triển mô hình kinh doanh xã hội theo hướng bền vững. Ảnh: Imagtor
Imagtor là một DNXH ra đời với hướng đi hoàn toàn mới nhờ vận dụng năng lực của người khuyết tật trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chỉnh sửa ảnh. Đây được xem là ví dụ tiêu biểu về phát triển mô hình kinh doanh xã hội theo hướng bền vững. Ảnh: Imagtor

Hơn 3.6 triệu người bị ảnh hưởng

“Trung tâm chúng tôi chuyên trị liệu cho trẻ khuyết tật, nhưng đã dừng hoạt động từ Tết đến bây giờ, đã phải cho nhân viên nghỉ việc nhưng vẫn hỗ trợ lương, thanh toán bảo hiểm và chi trả mặt bằng trong suốt ba tháng. Chúng tôi đang hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội nhưng từ lúc dịch đến giờ chưa thấy có một chính sách nào cho những người/đơn vị như chúng tôi.”

Đây là chia sẻ của một chủ doanh nghiệp xã hội khi tham gia khảo sát “Ảnh hưởng của Covid-19 đến Khu vực Doanh nghiệp Xã hội và nhu cầu hỗ trợ”, do Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội (CSIE) - trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội thực hiện.

Không chỉ doanh nghiệp này, mà khảo sát còn cho thấy, nếu dịch bệnh kéo dài đến hết quý II/2020, ước tính khoảng 46 nghìn lao động của DNXH và 990 nghìn lao động của các DN tạo tác động xã hội bị giảm về những hỗ trợ nhận được. Nhiều hơn nữa, khoảng 163 nghìn người hưởng lợi từ các DNXH và 3,5 triệu người hưởng lợi từ các DN tạo tác động sẽ không còn tiếp tục được nhận hỗ trợ (ước tính hiện nay có 1000 DNXH và 21000 DN tạo tác động xã hội).

Nếu kịch bản Covid-19 kéo dài đến hết quý III, hơn một nửa số DNXH sẽ phải tạm ngừng các hoạt động hỗ trợ nhóm yếu thế để tập trung hoàn toàn vào kinh doanh thương mại nhằm sinh tồn. Và xa hơn, nếu Covid-19 kéo dài đến hết năm 2020, dự kiến chỉ còn 5% DNXH còn tồn tại với rất nhiều khó khăn, phần lớn là doanh nghiệp trong ngành thực phẩm.Tất cả những con số này cho thấy một viễn cảnh tăm tối đối với các DNXH, đặc biệt là những người hưởng lợi, vì bản thân nhiều người trong số họ ở sát với vạch nghèo.

Chính vì vậy, nhóm doanh nghiệp dễ tổn thương này cũng như người lao động và đối tượng hưởng lợi của họ rất cần được hỗ trợ trong khi còn có khả năng cầm cự.

Hỗ trợ tức thời và cơ chế lâu dài

Trên thực tế, Chính phủ đã hành động rất kịp thời về an sinh - xã hội cho doanh nghiệp và người dân nói chung, bao gồm việc phê duyệt gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng cho người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tuy nhiên, lại thiếu vắng các chính sách tập trung cho khu vực DNXH.

Do vậy, nhóm nghiên cứu kiến nghị: gói hỗ trợ an sinh xã hội vừa qua có thể ưu tiên DNXH (người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính), người lao động trong các DNXH (với tư cách người lao động được hưởng các trợ cấp thất nghiệp, mất việc), người hưởng lợi của DNXH (hộ nghèo, hộ cận nghèo). Về trung bình, mỗi DNXH trong mẫu khảo sát hỗ trợ cho 510 người hưởng lợi trực tiếp, từ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo... đều là những người nên được ưu tiên để duy trì sinh tồn. Do đó, các khoản hỗ trợ của Chính phủ và cộng đồng nên đi vào kênh này – là sẽ “tới đích” thay vì phải tìm kiếm và chọn lọc người cần hỗ trợ. Bên cạnh các hỗ trợ trực tiếp mang tính “sống còn” trong giai đoạn khó khăn này, về lâu dài các DNXH còn cần có các cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động.

Các doanh nghiệp đều cho biết cần được hỗ trợ về mặt truyền thông, để các sản phẩm và mô hình kinh doanh của họ tiếp cận tốt hơn đến người tiêu dùng và nhà tài trợ. PGS.TS Trương Thị Nam Thắng (Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội) chia sẻ: “Vài ngày trước tôi có trao đổi với một số doanh nhân xã hội có sử dụng lao động là người yếu thế. Một nửa cho rằng họ không cần ủng hộ từ thiện mà cần người tiêu dùng mua sản phẩm của họ, để từ đó họ có thể tự nuôi sống chính mình.”

Nhưng vẫn còn khó khăn phía trước vì một bộ phận DNXH không thể tiếp cận được nguồn vốn vay. Phần lớn các DNXH đều siêu nhỏ, “thường không có báo cáo tài chính để làm bằng chứng vay tiền từ các ngân hàng thương mại.” – PGS Thắng cho biết. Thêm vào đó, các doanh nghiệp như cắt tóc, dịch vụ massage có sử dụng người khuyết tật đều phải đóng cửa, vì thế họ cần sự ủng hộ trực tiếp. Các nhà nghiên cứu khuyến nghị, lúc này, hình thức gây quỹ từ cộng đồng (crowd funding) có thể là một cách ứng phó kịp thời trong tình hình hiện nay. Đây cũng là hình thức mà các DNXH ở nhiều nước thực hiện.

Thế nhưng ở Việt Nam, trong nhiều năm liền hình thức gọi vốn cộng đồng chưa được Chính phủ chấp thuận cơ chế vận hành, cũng như chưa được cộng đồng đón nhận. Đây là thời điểm rất tốt để Việt Nam bắt kịp các thông lệ tốt nhất của quốc tế trong lĩnh vực DNXH.

Hoàn cảnh khó khăn này cũng là lúc mà các tổ chức hỗ trợ DNXH và tổ chức xã hội nên khởi kích một đợt vận động chính sách mạnh mẽ để DNXH được nhận các cơ chế ưu đãi hoặc ưu tiên từ các gói hỗ trợ khẩn cấp của Chính phủ; xây dựng một làn sóng người mua hàng với nhận thức giá trị mà họ đóng góp cho xã hội, cũng như kêu gọi hợp thức hóa những hình thức tài chính tốt nhất đang được thế giới áp dụng. Đó là những phương án khả thi không chỉ giúp các DNXH vượt qua thời điểm khó khăn này mà còn tạo tiền đề cho họ vực dậy về sau

Số hóa mô hình kinh doanh

Covid-19 không chỉ mang lại những khó khăn về doanh thu, việc làm mà còn làm lộ ra điểm yếu của DNXH là chưa bắt kịp các xu thế công nghệ, số hóa các dịch vụ và cách thức phục vụ khách hàng của mình.

Chính vì thế đây là thời điểm đổi mới khu vực DNXH, họ cần nâng cao năng lực cho nhân viên của mình, nhất là kỹ năng công nghệ thông tin” – PGS.TS Trương Thị Nam Thắng cho biết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, các DNXH không chỉ cần can đảm và kiên trì, mà còn cần tới sự chỉ dẫn của CSIE hay UNDP và những tổ chức phi chính phủ hỗ trợ cộng đồng khác.

Dịch bệnh cho thấy được tầm quan trọng trong hợp tác giữa các tổ chức phi chính phủ NGO và DNXH. “NGO có mạng lưới rất mạnh, DNXH thì có sự thấu hiểu về cộng đồng địa phương. Đây là cơ hội để tất cả cùng ngồi lại với nhau nhằm tìm kiếm giải pháp cải thiện tình hình.” – ông Alforde Charumbira (Chuyên gia phân tích tác động xã hội, Đại học Cape Town, Nam Phi) nhận định. Các bên có thể phối hợp với nhau trong những hoạt động liên quan đến công nghệ như hỗ trợ hoạt động bán hàng online, thiết kế website, chạy các chiến dịch gọi vốn trực tuyến,… và về lâu dài, còn có thể hợp thành liên minh vận động chính sách, tổ chức sự kiện truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng.