Trong 18 tháng tới, startup cần tập trung làm 2 việc quan trọng nhất: kiểm soát thật tốt chi tiêu của mình, và tập trung để kéo dài “đường băng” – khoảng chạy đà cần thiết – hay là “thời gian sống sót khi không có thị trường hoặc đầu tư mới”.
Sáng 20.04, một cuộc hội thảo trực tuyến nối 4 đầu cầu: Boston (Mỹ), Ấn Độ, Hà Nội và TP.HCM với chuyên gia đủ thành phần: thủ lĩnh thanh niên của Thành Đoàn Hà Nội, phó giáo sư của Đại học Harvard, nhà sáng lập một doanh nghiệp sản xuất hàng đầu, chuyên gia về đầu tư mạo hiểm và nhà phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đồng ý với nhau một điều quan trọng: 18 tháng tới đây, runway – “đường băng” của startup dài tới đâu sẽ quyết định tất cả, do Viet Challenge tổ chức thu hút sự quan tâm lớn của mọi người, không chỉ là nhóm các doanh nghiệp khởi nghiệp mà còn “hút” khán giả là các nhà đầu tư mạo hiểm ở Mỹ muốn tìm hiểu về cơ hội tại “thị trường khởi nghiệp Việt Nam”.
Có một khái niệm được đưa ra bởi ban tổ chức khá thú vị: lướt trên con sóng của những thay đổi. Bởi đại dịch này, đang làm thay đổi gần như mọi thứ, mà một nhà nghiên cứu lâu năm – kiêm cả vai trò đầu tư thiên thần như phó giáo sư Andy Wu của trường kinh doanh Harvard cũng lắc đầu: “Không ai có thể dự đoán được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Kịch bản “hậu đại dịch” đang được bàn luận và để mở rất nhiều hướng khác nhau. Nhưng chắc chắn là mọi thứ sẽ khác”. Andy đưa ra một con số làm mọi người có chút lo ngại: 18 tháng. Đó là khoảng thời gian cần thiết để nền kinh tế nói chung hồi phục. Và trong 18 tháng đó, thì startup cần tập trung làm 2 việc quan trọng nhất: kiểm soát thật tốt chi tiêu của mình, và tập trung để kéo dài “đường băng” – khoảng chạy đà cần thiết – hay là “thời gian sống sót khi không có thị trường hoặc đầu tư mới”.
Cùng một quan điểm này, từ đầu cầu Ấn Độ, chị Malavika V Tiwari Vinod Tiwari – CEO của Care Invalids chia sẻ bằng trải nghiệm thực tế của doanh nghiệp chị: “Chuỗi cung ứng toàn cầu đang thực sự bị đứt gãy. Và chúng ta phải trở về với những điều cơ bản nhất của việc kinh doanh: tiền mặt là vua (cash is king). Chúng tôi bị cách ly hoàn toàn, nhưng phương thức cầm cự được đặt ra là cố gắng không cho nhân viên nghỉ việc, mà tập trung việc chuyển đổi công việc của mọi người từ những bộ phận đang không có việc làm như tiếp tân, giao nhận… sang các bộ phận khác đang cần nhân lực trong hoàn cảnh đặc biệt này”. Các diễn giả khác và nhiều khán giả đồng tình: đúng là thời điểm để thử thách bản lĩnh của những nhà cầm quân khởi nghiệp, cũng là thách thức khả năng thay đổi bản thân, uyển chuyển để ứng phó với những thay đổi mới của xã hội với từng người lao động.
Tất cả đều phải được nhìn ở 2 khía cạnh của thị trường, là “cung” và “cầu”. Anh Bung Trần, chủ tịch AI Education bảo rằng, đại dịch làm những nhu cầu xa xỉ bị cắt giảm phần lớn, các công việc không quá cần thiết bị triệt tiêu, và là lúc đối diện với những sự thật trần trụi nhất về khởi nghiệp: tại sao doanh nghiệp của mình cần thiết có mặt trên thị trường, vì sao khách hàng và nhà đầu tư phải tiếp tục trả tiền cho mình?
Bung, cũng đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Saigon Innovation hub tin rằng, đại dịch sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của rất nhiều ngành nghề một cách nhanh chóng hơn so với tốc độ bình thường, và tạo ra một lực lượng lao động thừa phải tự thân tìm cách reskill – tái đào tạo hoặc upskill – đào tạo để nâng cấp tay nghề của mình lên. Mô hình này đã được chứng thực ở nhiều quốc gia trong các lần khủng hoảng trước: khi cuộc khủng hoảng đi qua, chỉ những ai thức thời và chịu nâng cấp bản thân liên tục mới tìm thấy cơ hội mới.
Ông Bobby Liu, nhà đồng sáng lập Topica Founder Institute, cũng là người sắp xếp nhiều thương vụ đầu tư mạo hiểm lớn, thì tin rằng: “Tiền đầu tư mạo hiểm thì vẫn còn đó. Nhiều nhà đầu tư vẫn muốn tiếp tục công việc của mình và nhìn thấy những cơ hội đầu tư khởi nghiệp trong thời kỳ lạ lùng này”. Anh chuẩn bị công bố một dự án đầy hứng thú mang tên “meet and match” (tạm dịch: gặp và kết nối 2 bên phù hợp) giữa 100 nhà đầu tư và 100 startup. Việc nhà đầu tư mạo hiểm quốc tế vẫn hào hứng tham gia, đồng nghĩa với sức hấp dẫn của khởi nghiệp Việt.
Thị trường, dù có hồi phục hình chữ V (xuống đáy rồi bật dậy ngay), hay chữ U (đi xuống, nằm yên một thời gian rồi mới đi lên), hoặc xấu nhất, là chữ L (đi xuống đáy rồi nằm yên ở đó hoài), thì việc của khởi nghiệp, là kéo dài đường băng của mình và sẵn sàng cho sự cất cánh.