Năng lượng hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy 17 vấn đề của Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà Liên hợp quốc đề ra từ năm 2015.
Đây cũng là thông điệp Tập đoàn Năng lượng hạt nhân quốc gia Nga ROSATOM nhấn mạnh trong triển lãm ATOMEXPO 2019, diễn ra từ ngày 15 và 16/4/2019 tại Sochi, Nga thông qua chủ đề “Hạt nhân cho cuộc sống tốt đẹp hơn” (Nuclear for better life).
Diễn ra trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang phải cùng tập trung trả lời câu hỏi làm thế nào đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đó và làm thế nào để thiết lập được một cuộc sống ngày càng “xanh” hơn, ATOMEXPO 2019 trở thành mối quan tâm của nhiều nhà hoạch định chính sách, chuyên gia quốc tế, doanh nghiệp, đại diện các tổ chức xã hội từ 74 quốc gia. Ngay cả con số gần một nửa số trong tổng số 3.600 người tham dự là khách quốc tế cũng cho thấy sức hút của sự kiện này.
Một nét đặc biệt trong chương trình ATOMEXPO 2019 là lần đầu tiên có sự điều hành của một ủy ban quốc tế, gồm William D. Magwood IV – tổng giám đốc cơ quan Năng lượng hạt nhân OECD (OECD-NEA), Agneta Rising – tổng giám đốc Hiệp hội Hạt nhân thế giới, Jacques Regaldo – cựu chủ tịch Hiệp hội Những nhà vận hành hạt nhân thế giới, Luis Echávarri – cựu tổng giám đốc OECD-NEA.
Đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu
Tại phiên họp toàn thể, ông Alexey Likhachev, Tổng giám đốc ROSATOM tin tưởng vào vai trò của năng lượng hạt nhân với xã hội hiện đại: “Mọi khía cạnh trong đời sống con người đều chịu ảnh hưởng của những thành tựu trong lĩnh vực công nghiệp hạt nhân. Và năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình có liên quan đến tất cả các mục tiêu của chương trình phát triển bền vững mà Liên hợp quốc đã đặt ra”. Ông cũng nhấn mạnh đến khía cạnh đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải carbon của nguồn năng lượng này: “Điện hạt nhân là nguồn năng lượng xanh có thể góp phần giải quyết vấn đề thách thức mà lĩnh vực năng lượng thế giới đang phải đối mặt ngày nay là giảm thiểu phát thải CO2”. Đây là lý do để ông hi vọng, “diễn đàn này sẽ trở thành không gian để thảo luận về các công nghệ mới nhất sẽ đặt nền tảng cho tương lai của hành tinh của chúng ta”.
Ông Alexey Likhachev (thứ 2 từ trái sang) Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nga, đơn vị tổ chức Diễn đàn phát biểu khai mạc. Ảnh: Thu Quỳnh
Đồng thuận với quan điểm này, bà Agneta Rising cho rằng giới công nghiệp hạt nhân toàn cầu đã “tạo ra một tiến triển rất lớn” và báo cáo đặc biệt của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) năm 2018 cũng đã ghi nhận sự gia tăng của nguồn điện hạt nhân có thể góp phần giúp giữ cho hiện tượng ấm lên của trái đất ở mức dưới 1,50C. Nhắc đến sáng kiến Harmony, bà nêu các mục tiêu của điện hạt nhân là cung cấp 25% tổng điện năng thế giới vào năm 2050 và là một phần trong cơ cấu các nguồn điện năng đa dạng ít phát thải carbon để tránh gây ra những hậu quả tiêu cực với môi trường.
Dự báo trong vòng 20 năm tới, nhu cầu năng lượng trên toàn cầu sẽ tăng mạnh, khoảng 1/3 so với hiện nay. Mức tăng trưởng kinh tế và đời sống người dân được nâng cao lại càng thúc đẩy việc tiêu thụ năng lượng cao hơn. Ông Gerassimos Thomas, phó tổng giám đốc Ủy ban năng lượng của Ủy ban châu Âu lưu ý, hơn một phần ba điện năng do các quốc gia thành viên EU đều là điện hạt nhân. “EU đang đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là giảm thiểu phát thải khí nhà kính tới 45% vào năm 2030. Nếu chúng ta đạt được điều đó, và nếu không có thay đổi gì về chính sách năng lượng hiện nay đến năm 2030, thì vào năm 2050, khí thải nhà kính sẽ giảm xuống 60%. Trong tất cả các kịch bản mà chúng tôi đã kiểm tra, châu Âu nói chung cần một lượng lớn năng lượng từ điện hạt nhân. Yêu cầu này ngày càng tăng lên với nhu cầu điện của xe ô tô điện”.
Xung quanh chủ đề đã đặt ra về mối quan hệ giữa phát triển bền vững và vai trò của KH&CN hạt nhân, 18 phiên thảo luận chung và bàn tròn đã cùng “mổ xẻ” các khía cạnh cụ thể gồm: các vấn đề toàn cầu trong phát triển năng lượng không phát thải carbon, các cách tiếp cận có trách nhiệm với môi trường và tài nguyên thiên nhiên, các ứng dụng của khoa học hạt nhân trong công nghiệp, y học và nông nghiệp, thúc đẩy giải pháp số cho quản lý năng lượng hiệu quả,… Tham dự các phiên thảo luận tại triển lãm, TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, nhận xét: “Các thảo luận bàn tròn này có số lượng chuyên gia tham dự đông, chất lượng tốt, hướng đến các giải pháp thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hạt nhân, qua đó tạo cơ hội để công nghệ hạt nhân đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển KH&CN để có thể ứng phó với các thách thức toàn cầu hiện nay. Từ đây có thể thấy rõ là điện hạt nhân sẽ cùng năng lượng tái tạo sẽ là giải pháp cung cấp điện năng cho tương lai, chống biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu”.
Cần nhìn nhận đúng vai trò của công nghệ hạt nhân
Trong bức thư chào đón các thành viên đến với ATOMEXPO 2019, tổng thống Nga Vladimir Putin đã khái quát vai trò của công nghệ hạt nhân: “Ngày nay, về cơ bản, công nghệ hạt nhân đã đưa ra những cơ hội mới cho phát triển y học, tạo ra những vật liệu độc nhất vô nhị, những chuyến thám hiểm không gian, sự phát triển ở Bắc cực, và nó cũng giúp củng cố nền tảng điện năng của nền kinh tế”.
Đại diện Viện nghiên cứu năng lượng hạt nhân và Ủy ban quốc gia về năng lượng hạt nhân Brazil nhận giải thưởng ATOMEXPO 2019. Ảnh: Thu Quỳnh
Tại ATOMEXPO 2019, những ứng dụng phi năng lượng của công nghệ hạt nhân trong các lĩnh vực đời sống đã được đề cập tới, đặc biệt trong y học. Y học hạt nhân hiện là một trong những lĩnh vực phát triển năng động nhất hiện nay của y học thế giới. Các phương pháp điều trị của y học hạt nhân đã giúp chống lại các bệnh ung thư và đối phó với các dịch bệnh khác một cách hiệu quả, đặc biệt là khi chưa có một phương thức thay thế nào khác. Với các quốc gia đang phát triển, vốn còn thiếu thốn về điều kiện cơ sở vật chất và thuốc men, càng thấm thía điều đó. Trao đổi tại diễn đàn này, ông Roland Msiska, giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Zambia, đã đề cập đến vai trò của công nghệ hạt nhân với y tế Zambia cũng như sự hỗ trợ của ROSATOM - “một công ty có kinh nghiệm rất lớn trong lĩnh vực này”, theo đánh giá của ông - để thúc đẩy ứng dụng năng lượng hạt nhân trên nhiều khía cạnh: “Chúng tôi đã có cơ hội thiết kế hệ thống y tế của chúng tôi thông qua việc xây dựng một lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân. Trước đây chúng tôi chưa dám nghĩ về điều này. Đây là cơ sở để chúng tôi lập kế hoạch về một tương lai công nghệ hạt nhân cho Zambia cho 100 năm tới”.
Dù còn được ít người biết tới, những đóng góp phi năng lượng của công nghệ hạt nhân vẫn góp mặt vào quá trình phát triển của nhiều quốc gia. Ông Kamlesh Nilkanth Vyas, chủ tịch Ủy ban Năng lượng nguyên tử Ấn Độ - quốc gia đang vận hành 22 nhà máy điện hạt nhân và xây dựng trên 10 nhà máy khác để gia tăng sản lượng điện năng, cũng chia sẻ tại diễn đàn: Ấn Độ đã sử dụng công nghệ hạt nhân cho nhiều lĩnh vực khác, ví dụ trong y học hạt nhân để điều trị ung thư, nông nghiệp để bảo vệ mùa màng, xác định nguồn nước, bảo vệ xói mòn đất đai… Ấn Độ cũng là một trong những quốc gia xuất khẩu nhiều trái cây ra thị trường thế giới, đặc biệt là xoài, sau khi đã được chiếu xạ tiệt trùng các mầm bệnh bằng công nghệ hạt nhân.
Tuy nhiên có một vấn đề tồn tại là ngày nay, người ta còn chưa hiểu đúng về công nghệ hạt nhân. Ông Kamlesh Nilkanth Vyas cho rằng, sự sợ hãi điện hạt nhân vì “sợ hãi điều chưa biết rõ” và do đó, “nỗi sợ hãi về hậu quả của phóng xạ cũng là thách thức lớn hiện nay với ngành hạt nhân”.
Vậy cần làm gì để vượt qua những thách thức đó? Quan sát các xu hướng phát triển của công nghệ hạt nhân tại triển lãm, TS. Trần Chí Thành cho rằng, việc phát triển công nghệ hạt nhân trên thế giới hiện nay dều hướng đến vấn đề đảm bảo an toàn – yêu cầu số một của các dự án điện hạt nhân. Đây là vấn đề anh từng chia sẻ sau khi tham dự Diễn đàn kinh tế Saint Peteburg năm 2015, “yêu cầu về an toàn đối với thiết kế công nghệ điện hạt nhân ngày càng cao hơn. Nếu như trước đây, người ta cho rằng xây tổ máy điện hạt nhân giống như mua ôtô, có ôtô sang, có ôtô rẻ hơn, không quan trọng, miễn là chạy được ổn định, thì hiện nay quan niệm này đã không còn nữa. Các nước bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân đều muốn có công nghệ điện hạt nhân tiên tiến và an toàn nhất có thể”.
Theo phân tích của TS. Trần Chí Thành, đối với các dự án hạt nhân, bên cạnh vấn đề công nghệ, cần phải làm tốt một số vấn đề liên quan khác như năng lực của ngành công nghiệp để có thể cung cấp những thiết bị liên quan cho dự án hạt nhân, năng lực quản lý để đảm bảo vận hành thông suốt các dự án, và đặc biệt là nguồn nhân lực, “cần phải được chuẩn bị lâu dài và bài bản”.
Liên quan đến rất nhiều lĩnh vực của kinh tế xã hội và có sức ảnh hưởng lâu dài, các dự án về công nghệ hạt nhân đòi hỏi một tầm nhìn dài hạn trong phát triển. Trên cơ sở thành công của các dự án hạt nhân của nhiều quốc gia tham gia ATOMEXPO như Nga, Ấn Độ…, TS. Trần Chí Thành nhấn mạnh đến vấn đề “xây dựng năng lực khoa học hỗ trợ chương trình phát triển điện hạt nhân, coi đó là một phần quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng cho điện hạt nhân. Việc xây dựng và vận hành thành công các tổ máy điện hạt nhân đầu tiên đồng nghĩa với việc thúc đẩy năng lực khoa học công nghệ của đất nước”.
Tại không gian triển lãm rộng 13.000 m2 trong khuôn khổ Diễn đàn, các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học hạt nhân, năng lượng nguyên tử các nước trưng bày những dự án, thành tựu mới của mình. Bên lề triển lãm cũng có hàng chục cuộc ký kết thỏa thuận hợp tác, đối tác chiến lược và đầu tư dự án mới giữa Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nga với chính phủ, cơ quan phát triển năng lượng các nước, các doanh nghiệp, hiệp hội năng lượng… |
Để ghi nhận sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức đối với quá trình thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và sử dụng các công nghệ hạt nhân vì lợi ích của nhân loại, kể từ 2018, ATOMEXPO đã tổ chức Giải thưởng ATOMEXPO. Trong năm 2019, một hội đồng giải thưởng quốc tế độc lập bao gồm các chuyên gia trong ngành hạt nhân (từ nhiều nước, trong đó Việt Nam có một chuyên gia) đã đánh giá 52 dự án từ 25 quốc gia tham gia cuộc thi. Giải thưởng ATOMEXPO 2019 đã được trao với năm hạng mục: “Công nghệ hạt nhân: Nâng cao chất lượng cuộc sống” (Các dự án trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ hạt nhân cho mục đích phi năng lượng) được trao cho dự án Thiết bị chiếu xạ tia Gamma và di động đa mục tiêu với bộ gia tốc chùm tia điện tử của Viện nghiên cứu Năng lượng hạt nhân và Ủy ban quốc gia về Năng lượng hạt nhân Brazil; “Đổi mới sáng tạo cho tương lai” (các dự án công nghệ đột phá và sáng tạo nhất) - công ty Marubeni Utility Services từ Nhật Bản; “Dự án có khởi đầu tốt nhất” (dự án liên quan đến việc khởi động chương trình quốc gia trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân) - Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi FNPP Tianwan (Trung Quốc); “Dự án được sự chấp thuận của công chúng và truyền thông hiệu quả nhất” - Dự án năng lượng sáng tạo của nhà máy điện hạt nhân Pak Paks (Hungary); “Dự án phát triển nguồn nhân lực tốt nhất” – Dự án quản lý năng lượng hạt nhân của IAEA.
|