Sự thiếu khả năng quản lý các dự án khoa học lớn cộng với sự tùy tiện và quan liêu khiến một số quốc gia đang phát triển ngày một lâm vào trì trệ, bất chấp việc có những cơ hội đem lại sự phát triển trong tương lai, không chỉ cho khoa học mà cho cả đất nước.

Các nhà quản lý EU trao đổi với các nhà khoa học Romania về dự án ELI. Ảnh: spotmedia.ro

Đó là câu chuyện của Romania, một quốc gia Đông Âu đang muốn có được sự chuyển mình trong khoa học và mong muốn gia tăng vị thế của mình trong bản đồ khoa học châu Âu. Đây là lý do để họ tham gia The Extreme Light Infrastructure (ELI), một dự án lớn của EU do Diễn đàn Chiến lược về các cơ sở hạ tầng nghiên cứu châu Âu nhận diện như một ưu tiên hàng đầu từ năm 2006 với tổng kinh phí của dự án là 875 triệu euro. 13 quốc gia châu Âu tham gia dự án với mong muốn xây dựng cơ sở nghiên cứu này ở Đông Âu để cân bằng phân bố các cơ sở nghiên cứu trên khắp lục địa này.

Theo truyền thống, EC thiết kế các gói đầu tư để hỗ trợ những khu vực nghèo cải thiện cơ sở hạ tầng và kinh tế. Các khoản đầu tư thường phân bổ vào những dự án về cơ sở hạ tầng cơ bản ở các quốc gia châu Âu kém phát triển nhưng nay EU muốn thay đổi, khuyến khích việc sử dụng kinh phí cho các dự án thúc đẩy khoa học, phát triển cơ sở hạ tầng khoa học ở các vùng và khuyến khích hợp tác giữa các quốc gia.

Thay vì phải đi tới các quốc gia mạnh để tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học ở khu vực Đông và Trung Âu có thể tham gia tạo thành các nhóm nghiên cứu và mời các đồng nghiệp quốc tế tới để cùng nhau giải quyết những vấn đề mới của khoa học laser, trải rộng từ các câu hỏi cơ bản như tại sao vũ trụ lại bị vật chất lấn át? Tại sao phản vật chất lại bị triệt tiêu? Cái gì bao trùm cả vật chất tối và năng lượng tối? cho đến những câu trả lời cho chính cuộc sống hiện tại, ví dụ như tạo ra những công nghệ nào có thể xử lý được chất thải phóng xạ? làm thế nào để tạo ra các phương pháp điều trị phóng xạ hiệu quả nhất? và thậm chí mở ra nhiều bí mật khác về thế giới xung quanh chúng ta…

Năm 2011, EC đã chấp thuận khoản đầu tư 325 triệu euro cho ELI ALPS, trụ cột đầu tiên của dự án này ở Prague, Czech với mong muốn có được chùm ánh sáng laser ở phạm vi 10-picosecond (10−13 giây) để gia tốc các chùm hạt tới mức năng lượng đủ cao để có thể nghiên cứu sự tương tác của chúng. ELI Beamlines, cơ sở khác ở Szeged, Hungary với kinh phí 240 triệu euro sẽ tạo ra những luồng xung ngắn hơn ở mức attosecond (10−18 giây), cho phép các nhà vật lý chụp ảnh được động lực của các electron trong nguyên tử, phân tử, plasma và trạng thái đậm đặc.

Là trụ cột thứ ba, ELI-NP - dự án về phòng thí nghiệm có chùm laser mạnh nhất thế giới đặt tại Viện Nghiên cứu vật lý và Kỹ thuật hạt nhân quốc gia Horia Hulubei (IFIN-HH) của Romania, cơ sở nghiên cứu mang tên nhà vật lý hạt nhân Romania có nhiều đóng góp trong lĩnh vực quang phổ tia X. Ngày 18/9/2012, EU đã chấp thuận dành 180 triệu euro (tương đương 310 triệu USD) chỉ để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công trình. ELI-NP sẽ tạo ra những luồng xung laser tới 10 petawatts (1016 watts), gấp 10 lần sức mạnh hiện tại của các thiết bị laser tiên tiến nhất, đủ để tìm hiểu những cấu trúc nội tại của các hạt nhân nguyên tử. 44 viện nghiên cứu ở 13 quốc gia thành viên EU đã tham gia lập kế hoạch ELI-NP, dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Khi hoàn thành, cộng đồng nghiên cứu quốc tế sẽ được sử dụng miễn phí các thiết bị ở ELI-NP còn các công ty tư nhân sẽ phải trả tiền để được sử dụng nó. Việc chi trả để sử dụng các thiết bị sẽ do hội đồng khoa học quốc tế đánh giá.
Sau những niềm vui trong ngày khởi công, những gì diễn ra trên thực tế trong những năm sau đó lại không hoàn toàn như mong đợi. Đến nay chỉ có hai cơ sở ở Hungary và Czech đã hoàn tất với sự hợp tác khá suôn sẻ với các đối tác nước ngoài, bất chấp một số điều tiếng về sự can thiệp của chính quyền Viktor Orbán với dự án ELI Beamlines. “Khi dự án ELI bắt đầu, chúng tôi nỗ lực làm tất cả mọi thứ ở mức cao khả năng gấp 10 lần”, Pavel Bakule, người phụ trách dự án ELI ALPS ở Czech nói với Laserfocusworld.com còn Georg Korn, giám đốc khoa học của ELI Beamlines thì cho rằng “xây dựng điều gì đó mới mẻ là một công việc thú vị. Mục tiêu rất tham vọng nhưng chúng tôi vẫn cố gắng đi đúng hướng”. Thậm chí, những kết quả nghiên cứu đầu tiên đã được công bố trên cơ sở hợp tác của ELI Beamlines và các đồng nghiệp quốc tế ở Phòng thí nghiệm quốc gia Mỹ Lawrence Livermore, Phòng thí nghiệm Rutherford Appleton (Anh)…

Rắc rối ở Romania

“ELI-NP sẽ cho phép chúng tôi thực hiện nghiên cứu một dạng vật lý hạt nhân hoàn toàn mới mà hiện nay chưa đủ khả năng thực hiện,” nhà khoa học phụ trách dự án là Nicolae-Victor Zamfir, Viện trưởng viện Horia Hulubei gần thủ đô Bucharest, hào hứng nói với Nature trong ngày khởi công công trình cách đây tám năm. “Năng lượng của các luồng xung tia laser sẽ hầu như ở cấp độ cực mạnh đến mức các liên kết hạt nhân cũng sẽ bị chúng làm nhiễu loạn”.

Cũng trong ngày khởi công công trình, Dragos Ciuparu, một nhà kỹ thuật hóa học tại trường Đại học Dầu khí ở Ploieşti đã tham gia vào việc tư vấn và hỗ trợ chính quyền Romania về mặt khoa học của dự án từ năm 2010, hi vọng vào khả năng ELI-NP sẽ giữ các nhà nghiên cứu ở lại đất nước, vốn đang trong tình trạng chảy máu chất xám. “Chính quyền sẽ phải đầu tư rất mạnh vào cộng đồng vật lý để có thể tận hưởng được lợi ích mà công trình tiên tiến này mang lại”.

Dự án ELI sẽ giúp các nhà khoa học nghiên cứu những vấn đề mới của khoa học laser.Nguồn: Nature.

Được mong đợi như vậy nhưng ELI-NP lại là dự án gây thất vọng nhất. Mối bất hòa giữa các nhà nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm và các nhà phát triển nguồn gamma của nó khiến ngưng trệ quá trình thực hiện. Vào năm 2014, EuroGammaS, một nhóm hợp tác quốc tế, đã thắng thầu hợp đồng xây dựng hệ thống cơ sở vật chất ở Măgurele, Bucharest. Căng thẳng đã bùng lên với dự án này từ ít nhất 18 tháng trước và vào tháng 11/2018, ông Nicolae-Victor Zamfir, người phụ trách dự án, đã hủy bỏ hợp đồng.

Nguyên nhân là những cơ sở lắp đặt các nguồn gamma, tia X… đều phải đáp ứng được những yêu cầu hết sức nghiêm ngặt về an toàn. EuroGammaS cho rằng tòa nhà đặt nguồn gamma ở Măgurele phải được thay đổi về kết cấu để đạt các quy định về an toàn cho nhân viên và tuân theo những điều kiện cần thiết với thiết bị phức tạp này (tòa nhà này thực chất là một khối bê tông có gắn các thiết bị giảm chấn động đất với 12 tầng hầm nên cần có 1.100 giếng để giảm mực nước ngầm). Tuy nhiên ông Zamfir cho rằng ông không đủ thẩm quyền để thay đổi và cũng không quan trọng để thay đổi, bất chấp EuroGammaS đề xuất sẽ trả thêm tiền.

Rắc rối xuất hiện vào năm 2018 khi EuroGammaS từ chối lắp đặt thiết bị laser vì cho rằng tòa nhà không đạt yêu cầu kỹ thuật và ông Zamfir hủy hợp đồng để gọi một nhà thầu mới. Do đó, EuroGammaS đã kiện Viện Nghiên cứu vật lý và Kỹ thuật hạt nhân quốc gia ra tòa án Romania vào tháng 10/2019.

Ông Zamfir, người khiến dự án ELI-NP chậm trễ, mới đây chịu thêm nhiều rắc rối. Vào tháng 7/2020, công đoàn các nhà khoa học tại Viện Horia Hulubei đã đưa ra cáo buộc ông tội tham nhũng. Tháng 2/2020, Tổng thư ký ủy ban khoa học nhà nước Dragoş Ciuparu thông qua quyết định tái bổ nhiệm ông Zamfir ở tuổi 68 vào vị trí viện trưởng – cao hơn giới hạn cho một vị trí ở một đơn vị công tới ba năm.

Trong buổi công khai ý kiến trước công luận, 45 người đại diện cho 250 nhà khoa học ở IFIN-HH phản đối việc gia tăng thời gian tại vị của Zamfir và kết tội việc đồng lõa của Dragoş Ciuparu và Zamfir làm ảnh hưởng đến tương lai của khoa học đất nước. Họ cho rằng việc tái bổ nhiệm Zamfir là trái luật bởi ông ta không đủ khả năng quản lý một viện nghiên cứu quan trọng như IFIN-GG. “Nhiều nhà khoa học ở IFIN-HH không còn muốn Zamfir dẫn dắt họ bởi ông ta đã làm ảnh hưởng đến nghiên cứu khoa học và hủy hoại nhiều cơ hội khi tham gia dự án tia laser châu Âu của Romania”, George Epurescu, một nhà vật lý tại Viện nghiên cứu Laser, Plasma và phóng xạ quốc gia gần Bucharest, nói. “Chúng tôi không tin vào sự tái bổ nhiệm này là đúng luật”.

Một số nhà nghiên cứu tại IFIN-HH cho biết, vài tháng trước, Zamfir đã tự thực hiện một số quyết định với danh nghĩa cá nhân và tổ chức có khả năng ảnh hưởng đến kết quả khoa học và hợp tác quốc tế, dẫn đến gia tăng những căng thẳng giữa các nhà nghiên cứu và nhà quản lý. Vào tháng tư, ông Zamfir giải thể hội đồng khoa học viện, lấy cớ là hội đồng này chỉ được các nhà nghiên cứu nhiều kinh nghiệm bầu ra nên cần có hội đồng khác được đầy đủ các nhà khoa học khác bầu chọn.
Cựu chủ tịch hội đồng khoa học viện, giáo sư Livius Trache đã trao đổi với các đồng nghiệp nước ngoài qua email về sự tồn tại của “một cuộc chiến giữa nhà quản lý và các nhà nghiên cứu tại Viện”, chỉ trích phong cách quản lý của Zamfir và hành động giải thể hội đồng phi lý của ông ta, đồng thời nhấn mạnh giá trị của dự án ELI-NP khiến cần phải “giải cứu” nó khỏi sự quản lý tồi.

Vào 24/7/2020, Zamfir sa thải Trache bởi vì “vi phạm nghiêm trọng quy định về việc cấm lan truyền tin giả về viện”, theo lời giải thích của ông ta với Nature. Các đồng nghiệp quốc tế bênh vực Trache, gửi thư ngỏ với chữ ký của 66 nhà vật lý thuộc 16 quốc gia tới Bộ trưởng Bộ Khoa học và Thư ký ủy ban khoa học nhà nước vào ngày 9/8/2020, kêu gọi phục hồi chức vị của “một nhà nghiên cứu tầm cỡ quốc tế về vật lý hạt nhân và vật lý thiên văn tại IFIN-HH”.

Ông Zamfir thì bác bỏ mọi cáo buộc của các nhà khoa học về khả năng quản lý tồi và cho rằng “IFIN-HH đang ở trình độ của một trong những cơ sở nghiên cứu xuất sắc bậc nhất châu Âu cũng như thế giới. Trong nhiệm kỳ của tôi, công việc đầu tiên là tăng cường mối hợp tác, đưa viện trở thành một phần của cộng đồng khoa học châu Âu và thế giới”.

Nicolae-Victor Zamfir (trái), Viện trưởng Viện Horia Hulubei, bị cáo buộc làm ảnh hưởng đến dự án ELI cũng như đến Viện. Nguồn: sciencebusiness.net.

Tuy nhiên, các nhà khoa học thế giới thì lo ngại về sự tùy tiện trong hợp tác của ông Zamfir. Vào tháng 11/2019, Zamfir đã phá vỡ một thỏa thuận hợp tác với Viện Nghiên cứu Laue-Langevin (ILL), một tổ chức quốc tế cung cấp các chùm tia neutron cho nghiên cứu ở Grenoble, Pháp. Các nhà nghiên cứu ở ILL cho rằng Zamfir hủy không cho mượn những máy dò rất quan trọng nhằm cải thiện độ chính xác một thiết bị mới ở ILL về cấu trúc hạt nhân nguyên tử, dẫu đã ký một thỏa thuận chính thức với ILL về việc này. Giáo sư Silvia Leoni tại Viện Nghiên cứu vật lý hạt nhân Ý ở Milan và là thành viên của hội đồng cố vấn khoa học của ILL nói “chúng tôi đang chờ những chiếc máy dò đó tới” và việc không thực hiện thỏa thuận dẫn đến “thiệt hại cho ILL là ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu”.

Hậu quả nhãn tiền

Dường như không thể chờ trước sự chậm trễ của Romania, vào tháng 7/2020, Czech và Hungary đã quyết định đưa riêng hai dự án của mình thành một liên doanh cơ sở hạ tầng nghiên cứu châu Âu mới (European Research Infrastructure Consortium ERIC). Do đó, Romania đang bị đe dọa mất vai trò chủ chốt trong pha sau của dự án – việc lập bộ phận có tư cách pháp nhân với chức năng giám sát hoạt động ở ba địa điểm là Romania, Czech, Hungary và chịu trách nhiệm huy động 75 triệu euro để vận hành ELI, phần lớn từ phí thành viên của những quốc gia tham gia như cách đã áp dụng thành công ở CERN – trung tâm vật lý hạt nhân châu Âu. Đã gần hoàn thành dự án xây dựng nên Czech và Hungary muốn thúc đẩy việc thành lập một cơ quan quản lý cấp chính phủ mà không cần đến Romania, vì như thế họ sẽ có cơ hội chào đón cộng đồng khoa học quốc tế tới làm việc vào năm tới. Tuy nhiên, mong muốn này cũng chạm đến một vấn đề: một tổ chức điều phối như vậy cần có ít nhất ba quốc gia chủ chốt tham gia. Do đó, Italy, quốc gia cùng với Pháp, Đức và Anh tham gia điều phối sự phát triển của dự án ELI – cho rằng sẽ can thiệp để thúc đẩy việc thành lập ERIC ngay trong năm nay. “Chúng tôi tin tưởng vào giá trị mà những nghiên cứu tiên phong có thể thực hiện ở ELI, và ở Italy, chúng tôi có một cộng đồng đông đảo và đa dạng các nhà khoa học có khả năng khai thác nó”, Massimo Inguscio, chủ tịch Hội đồng nghiên cứu Italy (CNR) cho biết. Còn Allen Weeks, người được EU đề cử làm Giám đốc điều phối dự án ELI cũng mong muốn “các đồng nghiệp Romania sẽ có khả năng khai thác các vấn đề và họ sẽ có triển vọng tham gia ERIC vào năm nay”.

EU cố gắng dàn xếp mọi chuyện nhưng không thành công. Vào tháng 1/2020, Corina Creţu, cố vấn vùng Đông Âu của EU và Carlos Moedas, cố vấn phụ trách khoa học của EU, đã đạt tới một thỏa thuận với đại diện của Romania, Pháp và Italy. Một văn bản kết luận cuộc trao đổi này cho thấy các bên đồng ý với việc tiếp tục thực hiện hợp đồng, IFIN-HH cần thay đổi kết cấu tòa nhà đặt nguồn gamma như yêu cầu và EuroGammaS phải dừng kiện cho đến khi hết giai đoạn hòa giải. Romania không ký vào thỏa thuận này và thậm chí khi EU cùng các Bộ trưởng Bộ Khoa học Pháp và Italy viết thư gửi Bộ trưởng Bộ Khoa học Romania Nicolae Hurduc để kêu gọi ông phản hồi thì ông này vẫn im lặng.

Tình trạng này khiến các quốc gia tham gia ELI lo ngại. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Czech gửi thư tới ông Hurduc là trong phiên họp toàn thể dự án ELI vào tháng 10 tới, Pháp, Italy, Đức và Anh sẽ cùng biểu lộ “những quan ngại sâu sắc” về việc này và có thể là tình trạng bất ổn này khiến nhiều quốc gia xem xét lại khả năng tham gia dự án ELI-ERIC trong tương lai gần.

Theo một báo cáo vào ngày 14/7/2020 của ủy ban Cố vấn khoa học và kỹ thuật quốc tế cho dự án ELI (International Scientific and Technical Advisory Committee ISTAC), nỗ lực vào năm 2018 của EU để hòa giải vụ việc và để EuroGammaS lắp đặt nguồn γ “đã bị Romania từ chối”. ISTAC kết luận “việc quản lý ELI-NP cần thể hiện được sự tin cậy và năng lực để có thể vận hành một cơ sở nghiên cứu theo một cách minh bạch và có thể kiểm tra được”. Sandro de Silvestri, một nhà vật lý của trường Đại học Bách khoa Italy ở Milan và là chủ tịch ISTAC nói “chúng tôi đều hy vọng ELI-NP sẽ vẫn đủ khả năng tham gia ELI ERIC, sau khi giải quyết được tất cả các vấn đề”.

Romania là quốc gia có mức đầu tư cho R&D thấp nhất châu Âu với mức 0,5% GDP, theo số liệu của EU vào năm 2017. Tình trạng càng khốc liệt hơn khi vào năm tiếp theo, chính phủ đã hai lần cắt giảm ngân sách dành cho khoa học tới hai lần để dành ngân sách cho những khoản đầu tư khác. Theo bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo dựa trên nhiều chỉ số về năng lực điều hành, đầu tư vào các lĩnh vực, giáo dục, sở hữu trí tuệ… của EU năm 2018, quốc gia này cũng ở vị trí thấp nhất. Các nhà khoa học Romania thất vọng vì chính phủ không đạt mức đầu tư cho khoa học như hứa hẹn trong Chiến lược nghiên cứu và đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2014 là 0,83% GDP vào năm 2019 và 0,97% năm 2020.

Khi vấn đề còn chưa được giải quyết thì người thiệt thòi nhất trong vụ rắc rối này là các nhà nghiên cứu tại Viện IFIN-HH, nơi có từ 10 đến 15% thành viên tham gia vào sự án ELI-NP. Họ lo ngại đến tương lai của dự án: khả năng Romania sẽ mất đi nguồn tài trợ của EU, sự đóng góp của các quốc gia thành viên và phải tự trả kinh phí vận hành – khoảng 30 triệu euro mỗi năm. “Toàn bộ ngân sách quốc gia cho các dự án khoa học theo phương thức cạnh tranh trong ba năm tới, từ lĩnh vực vật lý, sinh học đến nghệ thuật chỉ khoảng 6 triệu euro”, Octavian Micu, một nhà vật lý tại Viện nghiên cứu Khoa học không gian ở gần Bucharest, nói. “Nó chỉ bằng một phần năm so với con số 30 triệu euro mà Romania có thể phải trả hằng năm để vận hành ELI-NP khi không còn là thành viên của ERIC”.

Và bây giờ, với những bê bối về năng lực quản lý cũng như việc để tồn tại sự tùy tiện trong điều hành các viện nghiên cứu, Romania đang tự làm ảnh hưởng đến sự phát triển của khoa học của mình. □