Các nhà nghiên cứu sợ hãi cho một tương lai bất định của Viện nghiên cứu Khoa học cơ bản bởi nó đang phải đối mặt với những cáo buộc về quản trị và ngân sách bị cắt giảm đáng kể.
Năm 2019 là một năm rắc rối với Viện Nghiên cứu khoa học cơ bản ở Hàn Quốc – một cụm các trung tâm nghiên cứu được thành lập vào năm 2011 với mục tiêu đem về cho đất nước này giải thưởng Nobel đầu tiên. Học hỏi cấu trúc và vận hành của Hội Max Planck (Đức) và Viện RIKEN (Nhật Bản), viện nghiên cứu này đặt ra nhiệm vụ là thúc đẩy các nghiên cứu cơ bản đỉnh cao trong một đất nước về truyền thống là tập trung vào khoa học ứng dụng. Nhưng trong hơn 12 tháng qua, tổ chức này đang phải đối mặt với một chuỗi các cuộc điều tra của chính phủ, khả năng cấu trúc lại bộ máy, theo sau một loạt cáo buộc về gia đình trị và yếu kém về quản lý tài chính - cũng như việc bị cắt giảm ngân sách đầu tư lớn.
Viện Nghiên cứu khoa học cơ bản (IBS) hiện đang chờ một lãnh đạo mới: nhiệm kỳ của Doochul Kim, giám đốc viện hiện nay sẽ kết thúc vào cuối tháng 9/2019. Tuy nhiên nhiều nhà nghiên cứu của Viện IBS cho rằng, người thay thế vị trí của ông sẽ gặp phải nhiều thách thức để đưa viện trở lại đúng hướng. Dù cho rằng những lý lẽ được vin vào để chống lại Viện IBS đều bị phóng đại nhưng nhiều người trong số họ vẫn lo ngại các sự kiện diễn ra trong năm qua có thể gây khó khăn cho IBS trong nghiên cứu.
“Triết lý cơ bản của Viện IBS là trao tự do sáng tạo tuyệt đối cho các nhà nghiên cứu để họ có thể làm bất cứ cái gì mình muốn”, Narry Kim, giám đốc của Trung tâm nghiên cứu RNA của IBS nói. Các nhà khoa học hàng đầu Hàn Quốc và nước ngoài được tuyển dụng vào những trung tâm của IBS, còn viện được hứa hẹn trao quyền tự chủ trong hoạt động với kinh phí khoảng 10 tỷ won (8,4 triệu USD) mỗi năm. Tuy vậy, một số giám đốc trung tâm lo ngại rằng những đề xuất cải cách có thể ảnh hưởng quyền tự chủ của họ đến tận cốt lõi, do đó có thể làm suy giảm khả năng thực hiện sứ mệnh ban đầu của viện.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng IBS đã góp phần toàn cầu hóa hoạt động nghiên cứu ở Hàn Quốc. Quy mô và nguồn lực của các trung tâm nghiên cứu của IBS cũng giúp họ mở rộng hợp tác với các nhà nghiên cứu nước ngoài, Philip Kim, một nhà nghiên cứu vật lý chất rắn tại trường đại học Harvard ở Cambridge, Massachusetts, nói. “Đó là điều tốt nhất mà IBS đã làm được cho khoa học Hàn Quốc,” ông bình luận.
Năm khó khăn
Những rắc rối mà Viện IBS đang gặp phải bắt nguồn từ tháng 10/2018, khi các nhà lập pháp từ Đảng Dân chủ cầm quyền đặt câu hỏi cho Doochul Kim trong các phiên điều trần trước Quốc hội thường niên. Họ chỉ trích một dự án của IBS về máy gia tốc hạt ion ở Daejeon đã vượt quá kinh phí ban đầu cũng như trễ hạn. Dự án Khoa học đồng vị hiếm này “ngốn” mất của IBS tới một phần ba ngân sách được cấp. Doochul Kim trả lời Nature: một trong những nguồn ion của dự án đã bị chậm mất một năm nhưng thực ra đây chỉ là một cấu phần nhỏ trong dự án quy mô lớn.
"Triết lý cơ bản của Viện IBS là trao tự do sáng tạo tuyệt đối cho các nhà nghiên cứu để họ có thể làm bất cứ cái gì mình muốn. Ân hận lớn nhất của tôi tại IBS là không thích ứng được với môi trường chính trị và thất bại trước việc thúc đẩy có thêm nhiều chính trị gia ủng hộ tầm nhìn của viện", theo Doochul Kim, Giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học cơ bản (IBS).
Sau các phiên điều trần, Chính phủ Hàn Quốc loan báo vào tháng 11/2018 là kiểm toán 4 trong số 30 trung tâm của IBS. Sau đó một tuần, chính phủ tiếp tục xác nhận là ngân sách nghiên cứu của Viện IBS có thể bị cắt giảm 7%, từ 254 tỷ xuống còn 236,3 tỷ won. Việc cắt giảm đã khiến cho kinh phí cấp cho từng trung tâm nghiên cứu giảm còn hơn 6 tỷ won, Doochul Kim nói.
Tổ chức này còn bị cả xã hội chú ý khi nhiều đài truyền hình lớn của Hàn Quốc đưa tin về kết quả kiểm toán trong tháng 6/2019, ít nhất hai trung tâm đã “vung tay quá trán” ngân sách được cấp. Truyền thông đã nêu ra nhiều thủ tục đáng ngờ ở các trung tâm của viện, bao gồm cả những trung tâm bị kiểm toán vào cuộc. Kiểm toán nhà nước đã theo sát diễn biến truyền thông và lần này làm việc với 24 trong số 30 trung tâm của IBS. Các cuộc điều tra đã kết thúc vào tháng 8 vừa qua. Bộ Khoa học không thông báo gì về các kết quả làm việc còn truyền thông tiếp tục theo sát diễn biến của viện.
Trả lời Nature, Doochul Kim cho rằng phần lớn những gì được sử dụng để chống lại IBS của truyền thông đều thuộc về lỗi quản trị và ông nghĩ kiểm toán là hành động mang tính chính trị nhiều hơn, đồng thời chỉ trích việc để lọt những thông tin ban đầu cho báo chí.
Kể từ đó, IBS đã bị nhiều người chỉ trích vì nghĩ viện nghiên cứu này lấy đi nhiều kinh phí đầu tư cho khoa học cơ bản của Hàn Quốc. Đây là “đồ thị hình sin” của Viện IBS, So Young Kim, một nhà nghiên cứu về chính sách KH&CN tại Viện KAIST, nhận xét. IBS do một đảng khác thành lập và khi nắm quyền vào năm 2017, Đảng Dân chủ quan tâm nhiều hơn đến việc rải kinh phí cho nhiều nhà nghiên cứu hơn. So Young Kim nói, “đây là một triết lý đầu tư hết sức khác biệt”.
Khi Tổng thống Moon Jae-in vận động tranh cử vào năm 2017, Đảng Dân chủ cam kết tăng gấp đôi tài trợ cho các nhà nghiên cứu hàng đầu của đất nước trong nghiên cứu cơ bản. Bộ Khoa học nói việc đầu tư này đi đúng hướng để đạt kết quả vào năm 2020.
Doochul Kim cho rằng ân hận lớn nhất của ông tại IBS là không thích ứng được với môi trường chính trị và thất bại trước việc thúc đẩy để có thêm nhiều chính trị gia ủng hộ tầm nhìn của viện.
Việc chuyển hướng về mặt chính trị đã tác động đến tầm nhìn của IBS, Doochul Kim cay đắng nói. Các trung tâm của IBS về cơ bản là được cấp một khoản kinh phí kéo dài trong vòng 10 năm. Sau 8 năm triển khai, nhóm thành lập các trung tâm sẽ tới nhận xét kết quả để kéo dài khoản chi cho năm tiếp theo và chỉ có một số khoản được gia hạn.
Nỗi đau lớn dần
Narry Kim, phụ trách trung tâm nghiên cứu RNA của IBS, nói bà đã phải trải qua một đợt kiểm toán vào tháng 7/2019 và cho biết thêm những điều bị chỉ trích bắt nguồn phần lớn từ việc nhầm lẫn về quy tắc. Việc chỉ trích trở thành “nỗi đau lớn dần” cho một lối làm việc khuyến khích đổi mới sáng tạo ở tổ chức này. Thành lập để phá vỡ khuôn khổ vẫn tồn tại ở các viện viện nghiên cứu và trường đại học công lập ở Hàn Quốc, IBS được quyền tự do học thuật và nguồn ngân sách lớn để theo đuổi các dự án có kinh phí lớn và tính rủi ro cao với hi vọng giành giải Nobel. Hàn Quốc chưa có nhà khoa học nào giành giải Nobel và IBS được coi là “dự án Nobel” của đất nước.
Nhưng sự thoải mái ở IBS thi thoảng cũng dẫn đến sự nhập nhằng, Kim nói. Ví dụ, 10 trung tâm của IBS, bao gồm cả trung tâm của bà, do các trường đại học mà nó đặt trụ sở quản lý và vì vậy phải vận hành theo quy định của cả hai nơi, nên cũng có lúc xảy ra xung đột hoặc dẫn đến tình trạng nhập nhằng.
Doochul Kim cũng đồng ý là một số điểm IBS cần thay đổi để bảo vệ các trung tâm khỏi các rắc rối. Ông đã đề xuất đánh giá lại nguyên tắc cốt lõi về tự chủ của viện để các lãnh đạo trung tâm không còn thẩm quyền tuyển dụng trực tiếp các nhà nghiên cứu theo nhiệm kỳ, tránh những cáo buộc về gia đình trị, đồng thời đề xuất thay đổi cấu trúc quản trị của viện, ví dụ 5 trung tâm của viện tại Viện KAIST cùng chia sẻ một văn phòng trung tâm chung và làm giảm bớt gánh nặng kinh phí quản trị, tăng khả năng nắm bắt các quyết định.
Tuy nhiên những đề xuất này có thể làm xói mòn mục tiêu ban đầu của IBS là trao cho các giám đốc trung tâm quyền quyết định về cách vận hành trung tâm, Yannis Semertzidis, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Axion và vật lý chính xác của IBS đặt tại Viện KAIST ở Daejeon, nói.