Trong một cuộc tọa đàm về khởi nghiệp quy mô toàn cầu, có người hỏi: Sức mạnh của khởi nghiệp của quốc gia các bạn là gì? Tôi nói ngay, mà không cần suy nghĩ: “Là cộng đồng người Việt trên toàn thế giới”. (Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng)
Ngày 7/9/2019, chung kết cuộc thi cho các startup Việt Nam trên toàn thế giới VietChallenge đã được diễn ra tại khuôn viên Viện Công nghệ Massachusetts. Chị Mai Phan, chủ tịch Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Mỹ, trưởng ban tổ chức VietChallenge, khẳng định cuộc thi là một nỗ lực để chứng minh tiềm năng của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt. “Sức mạnh của người Việt nổi trội nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Nhưng tôi tin rằng, Việt Nam không chỉ là một quốc gia gia công phần mềm, mà tài năng công nghệ của Việt Nam còn nhiều hơn thế. Chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm công nghệ, và thiết lập những công ty khởi nghiệp xứng đáng với tiềm năng của mình”.
Năm nay, từ hơn 200 đội thi ở khắp thế giới, ban tổ chức đã chọn ra 6 đội xuất sắc nhất là Tubudd, Medink, Emmay, Smilee, Oxtale, No Spilled Milk và 3 đội xuất sắc nhất cuộc thi khởi nghiệp Viettel Advanced Solution 2019 (một nhánh thi đặc biệt của VietChallenge 2019) vào chung kết. 9 đội trình bày dự án khởi nghiệp trước hội đồng giám khảo quốc tế để tìm ra quán quân.
Bản lĩnh “nữ tướng Việt”
Hội trường lớn của Đại học MIT – đại học hàng đầu thế giới về công nghệ, gần như không còn một chỗ trống nào ở vòng chung kết cuộc thi. Điểm ấn tượng nhất và làm cho mọi người hào hứng nhất trong vòng thi năm nay có lẽ là phần trình diễn của các nữ startup. Chúng tôi ngạc nhiên hỏi nhau: “Làm thế nào để những cô gái mình từng biết ngày nào khi làm khởi nghiệp ở Việt Nam, lột xác trở thành những nữ tướng bản lĩnh mạnh mẽ và hoàn toàn làm chủ sân khấu, bảo vệ dự án trước những câu hỏi hóc búa của giám khảo và nhà đầu tư…”.
Đó là Vân của Nấm tươi cười ngày trước, từng đoạt chức vô địch của startup Việt của VnExpress, giờ trình bày giải pháp tạo ra bao bì mới bằng nấm. Đó là Linh của Smiley – chuyển đổi từ việc bán các sản phẩm làm trắng răng đóng thành hộp sang mô hình kinh doanh trực tuyến đăng ký dài hạn (subcription model). Đó là Annie – một cô gái gốc Nghệ An luôn là cô em gái bé bỏng thuở trước giờ hoàn toàn làm choáng ngợp với phần trình bày về ứng dụng tìm kiếm các hướng dẫn viên địa phương trên toàn thế giới cho thị trường du lịch không nói tiếng Anh…
Sau khi nghe các startup trình bày về công ty của mình, ban giám khảo đã chọn ra nhà thắng cuộc của cuộc thi năm này – Medlink, nền tảng kết nối trực tiếp người tiêu dùng, công ty sản xuất thuốc và các nhà thuốc. Trước khi sáng lập Medlink, nhà sáng lập Nguyễn Thị Ngọc Huyền đã có thời gian dài làm việc tại Ecomedic, một trong những cộng đồng chăm sóc sức khỏe trực tuyến lớn nhất Việt Nam. Kinh nghiệm làm việc tại Ecomedic đã giúp cho Huyền có cơ hội thấy được những vấn đề xuất hiện bởi chính sản phẩm và người dùng, đặc biệt là trong khâu phân phối sản phẩm. Do đó, Medlink được xây dựng như một sáng kiến để giải quyết các vấn đề đang mắc phải trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhờ vào việc kết nối nhà thuốc với các công ty dược và người tiêu dùng.
Tại VietChallenge 2019, Medlink đang trên đường đưa dịch vụ của mình ra thế giới. “Là một team tham gia VietChallenge, chúng mình có cơ hội tương tác với các doanh nghiệp khởi nghiệp và với các doanh nhân có nhiều kinh nghiệm. Được gặp họ trực tiếp, nói chuyện và trao đổi kiến thức là những khoảnh khắc đáng nhớ và quý giá nhất mà chúng mình từng có.”
Về Việt Nam
Tham dự tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng khẳng định sáng kiến VietChallenge là một hoặt động thiết thực nhằm không chỉ thúc đẩy đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp mà còn tìm kiếm những tài năng khởi nghiệp Việt trên khắp thế giới, đồng thời kết nối chuyên gia Việt kiều trên thế giới với hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam.
Đến nay, sau 4 năm tổ chức, VietChallenge đã trở thành một sự kiện lớn và uy tín cả trong nước và thế giới, một mặt tạo cơ hội cho các startup Việt Nam được học hỏi và thiết lập mối quan hệ với các quỹ đầu tư uy tín, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, đồng thời cũng là điểm nhấn thu hút và quy tụ nhân tài Việt từ nhiều nơi trên thế giới.
Tại hội nghị mang tên East West conference (Gặp gỡ Đông Tây), trong khuôn khổ tuần lễ VietChallenge, trước rất đông những chuyên gia người Việt đang sống ở Mỹ, chị Dịu Nguyễn, Phó tổng Giám đốc tập đoàn Vingroup, đưa ra thông điệp: “Come back – Về đi”. Ừ, về để làm cho Việt Nam tự hào về bạn, và bạn tự hào được làm người Việt Nam… Và câu cuối cùng mà mọi người nói nhiều nhất với nhau trong đêm tiệc mừng sau thành công đặc biệt của mùa giải năm nay, cũng chính là niềm tin mà cuộc thi đã tạo ra: Hẹn gặp ở Việt Nam, nhé.
Là một nền tảng B2B, Medlink – quán quân của VietChallenge 2019 – là nhà cung cấp ứng dụng và website của các công ty dược cho nhà thuốc, cho phép các nhà thuốc nhỏ và vừa có thể đặt hàng trực tiếp từ công ty mà không phải trải qua các khâu trung gian. Đổi lại, các công ty dược sẽ có thể quản lý và vận chuyển đơn hàng, giảm chi phí và nguồn nhân lực, cũng như hỗ trợ khách hàng dễ dàng và hiệu quả hơn.
Kể từ khi được thành lập từ tháng 12 năm 2018, Medlink đã hợp tác với hơn 18 công ty dược và 4000 nhà thuốc tại Việt Nam. Về lâu dài, họ mong rằng có thể chạm đến người dùng cuối cùng, những người đang quá quen với việc mua thuốc không kê đơn. Khi sử dụng Medlink, khách hàng cá nhân có thể đặt hàng các loại thuốc thông thường mà không cần phải trực tiếp đến nhà thuốc, do đó giảm được thời gian, chi phí và các rắc rối khi mua thuốc.
Có tuổi đời khá trẻ, Medlink đang là một ngôi sao khởi nghiệp mới nổi cả trong và ngoài nước. Năm 2018, Medlink được bình chọn là một trong ba nền tảng hàng đầu tại TechFest Vietnam, được tổ chức bởi Bộ Khoa học và Công nghệ. Startup vừa thắng cuộc tại Techsauce Global Summit 2019 ở Bangkok và nhận 30000 USD Mỹ tiền mặt và cơ hội tham gia Chinaccelerator, một trong những trung tâm tăng tốc khởi nghiệp xuyên quốc gia ở Thượng Hải. |
9 đội vào chung kết
Emmay cung cấp sản phẩm từ Mycelium (thể sợi) thân thiện với môi trường.
Medlink hướng tới mục tiêu thay đổi hệ thống phân phối thuốc tại Việt Nam bằng cách tạo ra nền tảng kết nối trực tiếp người tiêu dùng, các công ty sản xuất thuốc và các nhà thuốc trên cả nước.
Tubudd mang đến nền tảng sáng tạo hỗ trợ dịch vụ độc đáo và không giới hạn kết nối các cá nhân du lịch tại Việt Nam với người dân địa phương.
Smilee Vietnam cung cấp bộ làm trắng răng thân thiện, đơn giản cho người tiêu dùng gồm keo làm trắng răng hỗ trợ từ đèn LED.
Oxtale là nền tảng phân phối thực phẩm D2C với tiềm năng trên 100 tỷ USD trên toàn thế giới, hỗ trợ người dùng nấu những món ăn mình yêu thích trong 30 phút chỉ với 4 loại thực phẩm.
No Spilled Milk cung cấp hệ thống phân phối từ nông dân tới các nhà phân phối nguồn hoa quả, rau tự nhiên.
VVN AI (Việt Nam) cung cấp các giải pháp trí tuệ nhân tạo tùy chỉnh để cho phép các quy trình kinh doanh tự động, đưa khách hàng lên hàng đầu trong cuộc cạnh tranh bằng cách cắt giảm chi phí và cải thiện trải nghiệm của khách hàng.
TiMobile (Indonesia) với giải pháp tự động thay thế nhạc chuông của người nhận bằng một video cụ thể do người gọi đặt.
Graam (Việt Nam) cung cấp cho doanh nghiệp một giải pháp trung tâm liên lạc dựa trên đám mây bao gồm pin mà không phải trả chi phí trả trước. |