Anh Nhật Nguyễn– Giám đốc điều hành của startup Otrafy – một trong 10 startup đã được nhận vào chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cho lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm của Techstar vào năm 2019 đã chia sẻ với Khoa học & Phát triển cách làm của mình.
Câu hỏi đầu tiên mà tất cả mọi người cùng quan tâm là “startup ở Việt Nam có thể nộp đơn tham gia chương trình của Techstar hay không?” thì câu trả lời là có. Techstar có tới 45 chương trình dành cho các startup ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, thực phẩm, y tế, công nghệ… ở nhiều thành phố khác nhau tại Mỹ, châu Âu và Úc. Mỗi chương trình có thời gian mở đơn, khẩu vị lựa chọn startup riêng. Có startup khi vào Techstar doanh thu hằng năm lên tới 1 triệu USD nhưng cũng có startup hoàn toàn mới, chưa có doanh thu như Otrafy. Theo anh Nhật Nguyễn, bất cứ startup nào xác định thị trường hướng tới là Mỹ, châu Âu hay Úc… đều có thể nộp hồ sơ tham gia chương trình đào tạo của Techstar và nhận được những ưu đãi đặc biệt của khi có vườn ươm uy tín này đứng sau.
Để gây ấn tượng với đội ngũ lãnh đạo của các chương trình ươm tạo, anh Nhật Nguyễn cho rằng startup cần chuẩn bị bài bản, thời gian có thể lên tới cả năm, năm nay không được nhận thì năm sau hoặc năm sau nữa tiếp tục nộp đơn.
5 tiêu chí chọn lựa
Techstar nổi tiếng khắt khe khi tuyển lựa startup. Để hiểu rõ hơn về Techstar, anh Nhật Nguyễn khuyên các startup cần tìm kiếm các chương trình phù hợp trong tổng số 45 chương trình hàng năm và những startup đã từng trải qua chương trình đào tạo để hỏi kinh nghiệm. Việc này giúp startup hiểu được ‘khẩu vị” mà ban lãnh đạo của chương trình đang tìm kiếm. “Khi đã hiểu họ là ai và cần gì, tôi tham gia các hoạt động thảo luận, tọa đàm online hoặc offline có giám đốc điều hành của chương trình tham gia. Vừa có thêm kiến thức, tôi vừa có thêm cơ hội trò chuyện và chia sẻ kinh nghiệm với những người có vai trò quyết định ai sẽ được nhận vào chương trình đào tạo này” – anh Nhật Nguyễn nói.
Bằng cách này, Otrafy có cơ hội chia sẻ sản phẩm đang xây dựng và gây ấn tượng với vị giám đốc điều hành của chương trình về tầm nhìn, khát vọng và đam mê. Những cuộc trò chuyện trực tiếp hoặc online giúp người sáng lập startup tạo thiện cảm cũng như thể hiện khả năng kết nối, xây dựng mạng lưới quan hệ - điều rất cần thiết với bất kỳ doanh nghiệp nào.
Những cuộc trò chuyện như thế giúp anh Nhật Nguyễn có được mối quan hệ thân thiết với người điều hành chương trình về công nghệ trong nông nghiệp và thực phẩm. Khi chương trình mở đơn, anh cũng nhận được lời mời nộp đơn và bắt đầu hành trình kì diệu của mình với Techstar, được học hỏi, gặp gỡ hàng trăm mentor và được thay đổi tư duy sản phẩm cũng như tìm kiếm thị trường phù hợp trong 13 tuần.
“Techstar có 5 tiêu chí khi tìm kiếm startup là đội ngũ – đội ngũ – đội ngũ – sản phẩm – thị trường. Sự nhấn mạnh yếu tố đội ngũ cho thấy vai trò cốt lõi của đội ngũ sáng lập có vai trò đến quyết định của nhà đầu tư cũng sự thành công của chính startup” – anh Nhật Nguyễn nói và cho rằng, đội ngũ sáng lập lý tưởng thường gồm ba người phụ trách công nghệ, thị trường, vận hành và khuyên “không nên chỉ có một người”.
Techstar không chỉ tìm kiếm những người có nhiều kinh nghiệm mà coi trọng việc đội ngũ thể hiện được kinh nghiệm cùng ‘chiến đấu’ và vượt qua nhiều thử thách. Nhờ chiến thắng tại nhiều cuộc thi hackathon khác, Otrafy chứng minh được khả năng phối hợp và làm việc ăn ý của các thành viên trong team.
Bởi vậy, anh dành lời khuyên cho startup trong bất cứ hoạt động hay chương trình phỏng vấn nào trước Techstar, đội ngũ người sáng lập phải luôn tham gia cùng nhau, thể hiện rõ sự ăn ý, thấu hiểu và có thể bổ trợ cho nhau.
Chuẩn bị một câu chuyện hấp dẫn
Tại sao khi đi khởi nghiệp chúng ta cần chuẩn bị cho mình một câu chuyện? Thực tế, nếu có một bằng sáng chế độc nhất vô nhị, bạn không cần kể chuyện thì cả thế giới vẫn quan tâm tới bạn. Nhưng nếu sản phẩm của bạn chỉ là một ứng dụng, một mô hình kinh doanh mới, một sản phẩm giải quyết vấn đề của một lĩnh vực… bạn cần một câu chuyện thật hấp dẫn, để thu hút nhà đầu tư, đội ngũ và khách hàng của mình. Nếu không có câu chuyện đủ hay, chúng ta sẽ chẳng có ai cả. “Đó là câu chuyện về sản phẩm, về tầm nhìn sứ mệnh mà startup đang hướng tới. Nó khiến đội ngũ sáng lập cùng ngồi lại, gắn bó với nhau, vượt qua mọi thử thách trong hiện tại và tương lai – Nhật Nguyễn đưa ra lời khuyên và không quên nhấn mạnh “các startup thường nói với nhau rằng ‘chúng ta chỉ có “team – dream” (đội ngũ và những giấc mơ).
Bên cạnh đó, lời khuyên mà giám đốc điều hành Otrafy dành cho startup khi nộp đơn vào các chương trình vườn ươm là “nộp đơn tham gia tất cả các chương trình phù hợp”. Cái hay ở chỗ, trong các chương trình, bộ câu hỏi làm hồ sơ giống nhau khoảng 80%. Bới vậy nếu đã mất công chuẩn bị thì nên tìm kiếm càng nhiều cơ hội cọ xát càng tốt.
“Tham gia phỏng vấn nhiều, dưới áp lực của nhà đầu tư, người cố vấn, startup sẽ tự hoàn thiện cho sản phẩm, câu chuyện và tìm kiếm được thị trường tiềm năng phù hợp nhất” – anh Nhật Nguyễn khẳng định.
Bên cạnh đó, hai trong số những câu hỏi chung mà startup thường sẽ phải trả lời là “các bạn kiếm tiền bằng cách nào?’ và “đối thủ cạnh tranh của bạn là ai”. Đây là những câu hỏi đơn giản, phổ biến nhưng giúp startup hiểu chính mình hơn. Thời gian đầu khi phát triển Otrafy, anh Nhật Nguyễn cũng rơi vào sai lầm này, tức là chỉ cắm cúi làm cho ra sản phẩm mà không hề biết “sẽ kiếm tiền bằng cách nào” và “đối thủ là ai”.
Bởi vậy, theo anh “chỉ khi trả lời tốt câu hỏi này startup mới nên quyết định có tiếp tục khởi nghiệp hay không?”.