Sau 14 năm, PCI đã trở thành một bộ chỉ số được tham khảo và ứng dụng rộng rãi trong hoạch địch chính sách, mặc dù còn nhiều hạn chế, chưa thể tạo ra những thay đổi mang tính bước ngoặt và giúp năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam thăng tiến vượt bậc.

Kết quả xếp hạng PCI 2018. Nguồn: VCCI.
Kết quả xếp hạng PCI 2018. Nguồn: VCCI.

Sáng 28/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp cùng Cơ quan Viện trợ phát triển Hoa Kỳ (USAID) công bố PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) 2018. Báo cáo được xây dựng căn cứ vào kết quả điều tra khảo sát đối với gần 12.000 doanh nghiệp trên khắp cả nước, phản ánh chất lượng điều hành kinh tế; mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh; và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh/thành phố, nhằm thảo luận để đề ra chính sách thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân.

Kết quả xếp hạng PCI 2018, theo nhiều nhận định đã phản ánh khá sát tình hình tại các tỉnh/thành. Trong lúc những điểm sáng như Quảng Ninh, Đồng Tháp, Long An … đang rất khẩn trương và quyết liệt hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính (thông qua ứng dụng công nghệ, nâng cao kỷ luật, bài trừ tham nhũng …) để xây dựng hình ảnh của những chính quyền gần dân, thân thiện với doanh nghiệp, biết coi trọng và phát huy những mô hình sáng tạo (như cà phê doanh nhân, hội quán nông dân …) nhằm ghi điểm trong mắt các nhà đầu tư thì một số địa phương thuộc nhóm cuối như Bắc Kạn, Bình Phước, Lai Châu, Đắk Nông … vẫn loay hoay với rất nhiều khó khăn cần phải tháo gỡ. Ở đây, những nỗ lực của Đồng Tháp là đặc biệt đáng khen ngợi, khi một tỉnh không có quá nhiều tiềm năng hay điều kiện thuận lợi, thay vì đứng yên “than thân trách phận”, đã 11 năm liên tiếp đứng ở vị trí top đầu.

Bài học Đồng Tháp dường như cũng khá đúng với quan điểm của ông Vũ Tiến Lộc – chủ tịch VCCI: Năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam phần lớn sẽ được quyết định bởi chất lượng điều hành và môi trường kinh doanh thuận lợi cấp tỉnh/thành. Cho nên, sự năng động, tiên phong của hàng ngũ lãnh đạo cùng sự chuyên nghiệp, mẫn cán của bộ máy công chức sẽ đóng vai trò lớn trong định hình đường hướng phát triển của đất nước trong thời gian tới. Vì thế, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng có những bảng xếp hạng hay bộ chỉ số – do các tổ chức công hoặc tư xây dựng – để phản ánh thực trạng và năng lực cạnh tranh của các đô thị, trung tâm kinh tế … nhấn mạnh tính cấp thiết của đòi hỏi phải có những chính trị gia (lập pháp), lãnh đạo địa phương (hành pháp) tài giỏi, mang phong cách kỹ trị và tầm nhìn xa.

Nhìn sang các láng giềng châu Á, nếu Philippines có chỉ số Cities and Municipalities Competitiveness Index (thành phố và vùng đô thị cạnh tranh) tập trung vào 4 cột trụ cơ bản, bao gồm kinh tế năng động (economic dynamism), chính quyền hiệu quả (government efficiency), cơ sở hạ tầng (infrastructure) và tính chịu lỗi (resilience) – với Quezon và Manila dẫn đầu bảng xếp hạng mới nhất (2018), thì Trung Quốc cũng có China City Competitiveness Ranking hay China Urban Growth Competitiveness Index do một nhóm trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học Xã hội nước này xây dựng với những tiêu chí gọn hơn nhiều (như nhấn mạnh yếu tố công nghệ và đổi mới sáng tạo) – với những cái tên quen thuộc như Thâm Quyến, Hongkong, Thượng Hải, Hàng Châu … thường thay nhau nắm giữ các vị trí top đầu.

So với phương pháp của các nước, chỉ số PCI của Việt Nam lại bao gồm rất nhiều thành phần như chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, sự ổn định trong sử dụng đất; tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức; tính năng động của chính quyền địa phương; môi trường cạnh tranh bình đẳng; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự … vì thế đã xuất hiện không ít ý kiến chưa đồng tình hoặc tỏ ra nghi ngại tính chính xác của PCI – như liên quan đến yếu tố tiếp cận đất đai, làm sao các tỉnh thành đạt được bước tiến lớn cũng như rất khó đánh giá khi Việt Nam vẫn đang áp dụng một chính sách chung, nhất quán cho cả nước? hay nhiều người cũng phân vân về tính trung thực, khách quan của điểm số tham nhũng, nhất là tham nhũng vặt. Như vậy, phải chăng chúng ta cũng nên thu hẹp lại tiêu chí xếp hạng và hướng trọng tâm như Philippines hay Trung Quốc?

Một trong những nút thắt lớn nhất kìm hãm sự phát triển của Việt Nam có lẽ lại chính là ở mô hình vừa quá tập trung song cũng lại quá phân tán. Cả nước, với hơn 320 ngàn km2 và 95 triệu dân, hiện đang được tổ chức thành 63 tỉnh thành – vượt xa cả những quốc gia lớn hơn ta nhiều về diện tích, dân số lẫn quy mô kinh tế. Chẳng hạn, Trung Quốc chỉ đang duy trì 22 tỉnh, 5 khu tự trị, 4 đô thị trực thuộc và 2 đặc khu hành chính, với nhiều địa phương như Thượng Hải (GDP gần 500 tỷ USD, gấp hơn 2 lần Việt Nam) từ lâu đã xác lập thành công sức nặng kinh tế và tầm ảnh hưởng toàn cầu. Cho nên, nếu mãi duy trì nguyên trạng (status quo), dẫu các tỉnh thành có đạt được thành tích ấn tượng đến mấy đối với PCI thì Việt Nam cũng khó lòng vươn lên trên quy mô quốc tế.

Ở thời đại này, chúng ta không thể và không nên chỉ chạy đua với chính mình, mà nhất thiết phải tự thích nghi, hội nhập với những tiêu chí, chuẩn mực cao nhất của thế giới để thỏa mãn khát vọng về những đầu tàu kinh tế theo kiểu Singapore, hay hoài niệm về danh xưng “hòn ngọc Viễn Đông” . Vì vậy, không thể mãi trì hoãn, Việt Nam cần sớm đẩy mạnh cải cách thể chế theo mô hình tản quyền (decentralize) thay vì quá tập quyền (centralize). Một vài đề xuất có thể xem xét: hãy gom các đầu mối tỉnh/thành lại và chia vùng, thực hiện tinh gọn, cắt giảm bộ máy hành chính, chấm dứt tình trạng chồng chéo, trùng lặp chức năng và định hướng tập trung cho những thế mạnh đặc thù. Chẳng hạn, vùng Đông Bắc Bộ nên ưu tiên công nghiệp, y tế, giáo dục; Đông Nam Bộ đẩy mạnh công nghệ, tài chính, dịch vụ; Trung Bộ chú trọng kinh tế biển, dầu khí, năng lượng; Tây Nam Bộ thúc đẩy thủy sản, nông nghiệp … không nhất thiết tỉnh/thành nào cũng phải lấy công nghiệp, hàng không hay du lịch làm mũi nhọn).

Sau cùng, cần nhấn mạnh các địa phương nên được trao nhiều quyền tự chủ hơn nữa, nhất là đối với những quyết định [không thể chậm trễ] liên quan đến ngân sách, cơ sở hạ tầng, đất đai, thu hút đầu tư và đặc biệt phải sớm chấm dứt tình trạng “lấy chỗ dư bù chỗ thiếu” khi những tỉnh/thành năng động như TP. Hồ Chí Minh, Bà Riạ Vũng Tàu, Bình Dương … mặc dù đã tạo ra rất nhiều đóng góp cho ngân sách trung ương song lại đang rất thiếu vốn để phát triển.