Theo UNESCO, đại dịch COVID-19 là sự kiện gây gián đoạn giáo dục lớn nhất trong lịch sử. Nhưng các nhà nghiên cứu đã tìm ra một số biện pháp dựa trên bằng chứng để giúp trẻ em bù đắp tiến trình học tập đã mất.

Sự mất mát mang tính thế hệ

Tháng 10 năm ngoái, Meg Brydon có thể thấy những thiệt hại khủng khiếp mà đại dịch gây ra cho những đứa trẻ ở trường của cô. Brydon là giáo viên tại Trường trung học Ashwood, ở ngoại ô Melbourne, Úc - thành phố phong tỏa do COVID-19 lâu hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Các trường học ở Melbourne đóng cửa liên tục trong khoảng bảy tháng.

Tính đến tháng 2 năm nay, trung bình mỗi trường học trên toàn cầu đã phải đóng cửa 4,5 tháng, ảnh hưởng đến khoảng 1,6 tỷ học sinh. Trong ảnh: Hai đứa trẻ ở Dehradun, Ấn Độ, học từ xa bằng điện thoại thông minh trong thời gian diễn ra đại dịch.

Trước đại dịch, khoảng 10% học sinh nhập học ở Trường Ashwood có năng lực học tập thấp hơn tiêu chuẩn quốc gia của Úc. Nhưng trong kỳ nhập học gần nhất, con số này lên đến 30%. Ảnh hưởng đối với trẻ em còn nghiêm trọng hơn nữa ở chỗ nhiều trẻ gặp vấn đề về hành vi hoặc tâm lý sau khi ở nhà một thời gian dài. Có những em trở nên bạo lực, và nhà trường đã phải thuê một nhà tâm lý học làm việc tại trường toàn thời gian. Và rất nhiều học sinh được giới thiệu đến gặp nhà tâm lý, Brydon nói.

Tình trạng tương tự xảy ra ở các lớp học trên khắp thế giới. Tính đến tháng 2 năm nay, trung bình mỗi trường học trên toàn cầu đã phải đóng cửa 4,5 tháng, ảnh hưởng đến khoảng 1,6 tỷ học sinh. Đến tháng 5/2022, 48 nước vẫn chưa mở cửa lại trường học hoàn toàn, theo UNESCO.


Hậu quả là nghiêm trọng và có thể đoán trước. Ở các nước giàu, trẻ em thuộc các nhóm yếu thế bị tụt hậu nhiều nhất. Ở các nước nghèo hơn, cũng là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch, hàng triệu trẻ sẽ không bao giờ đi học trở lại. UNESCO ước tính thế hệ học sinh ngày nay sẽ mất 17 nghìn tỷ USD thu nhập suốt đời (tính theo giá trị hiện tại) vì bỏ lỡ tiến trình học tập và trau dồi kỹ năng. “Chúng ta đang chứng kiến sự mất mát mang tính thế hệ,” Margarete Sachs-Israel, người đứng đầu Bộ phận Giáo dục hòa nhập và chất lượng tại UNESCO, Bangkok, cho biết.

Giờ đây, các chính phủ và trường học cần có biện pháp để bù đắp tiến trình học đã mất. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một số cách, nhưng họ lo ngại rằng, nghiên cứu giáo dục hiếm khi đưa ra những câu trả lời đơn giản về những việc phải làm. Nếu có, các nước cũng chưa chắc chịu ứng dụng để tạo ra những thay đổi cần thiết mang tính hệ thống.

Thiếu lòng tin vào khoa học giáo dục

Rất khó thuyết phục các bên liên quan ứng dụng các kết quả nghiên cứu giáo dục. “Vấn đề cơ bản là nhiều người thực hành giáo dục không tin rằng nó là một khoa học,” Andreas Schleicher, người đứng đầu ban giáo dục và kỹ năng tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Paris, cho biết.

Chẳng thể trông mong các giáo viên đọc qua các khám phá giáo dục mới nhất trên các tạp chí học thuật, và các chính sách giáo dục thường được đặt ra dựa trên hệ tư tưởng của các quan chức thay vì dựa trên bằng chứng nghiên cứu.

Một số nhà nghiên cứu và nhà giáo dục đã cố gắng thay đổi quan điểm đó trong nhiều thập kỷ. Họ muốn giáo dục hoạt động giống như y dược học: mỗi loại thuốc đều phải được chứng minh có hiệu quả trong các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng trước khi được sử dụng rộng rãi, thay vì sử dụng theo thói quen, quan điểm chủ quan hoặc xu hướng mới nhất. Nhưng họ thừa nhận, việc kiểm tra một phương pháp giáo dục có hiệu quả hay không thường phức tạp hơn kiểm tra hiệu quả của một loại thuốc.

Cuối năm 2010, giáo dục dựa trên bằng chứng đã gây tiếng vang lớn khi chính phủ Anh đầu tư 125 triệu bảng (156 triệu USD) để thành lập Quỹ Tài trợ Giáo dục (EEF). EEF đã tài trợ ít nhất 160 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng trong giáo dục, nhiều hơn bất kỳ tổ chức nào trên thế giới. Khoảng một nửa số trường học ở Anh đã tham gia các thử nghiệm này. Khoản đầu tư vào EEF được cho là có tác động lan tỏa khắp thế giới.

Sau đó, các cơ sở dữ liệu khác về nghiên cứu giáo dục cũng nở rộ. Có một dự án đã tổng hợp bằng chứng từ khắp nơi trên thế giới về những yếu tố ảnh hưởng đến việc học. Và, Viện Khoa học Giáo dục của Bộ Giáo dục Mỹ tạo ra What Works Clearinghouse - nguồn thông tin về các chương trình giáo dục đã được chứng minh có hiệu quả thông qua nghiên cứu nghiêm cẩn. Với những cơ sở dữ liệu như vậy, một số nhà nghiên cứu cho rằng lĩnh vực này không cần thêm bằng chứng, mà thách thức nằm ở việc thuyết phục các chính phủ và trường học sử dụng thông tin đã có.

Về lý thuyết, đại dịch có thể giúp đạt được mục tiêu này. Các nước trên toàn thế giới đang muốn biết cách tốt nhất để phục hồi giáo dục, và hàng tỷ USD đã được đổ vào các trường học. “Đây là cơ hội duy nhất để thay đổi cách tiếp cận giáo dục. Người ta đang muốn biết những cách có hiệu quả, chứ không muốn cứ tiếp tục theo lối cũ,” Nancy Madden, nhà tâm lý học và nhà nghiên cứu tại Trường Giáo dục Đại học Johns Hopkins, nói.

Gỡ bỏ giáo điều

Báu vật tại EEF là Bộ công cụ dạy và học. Nó được xây dựng từ việc phân tích và tổng hợp nhiều nghiên cứu/thử nghiệm giáo dục, như thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng 30 phương pháp giáo dục. Bộ công cụ thể hiện tất cả các kết quả thu được dưới dạng một thước đo dễ hiểu: số tháng tiến trình học tập tăng thêm mỗi năm nếu trẻ được nhận một biện pháp can thiệp, so với những trẻ tương tự không được can thiệp. Thước đo này được xây dựng dựa trên nền tảng bằng chứng rất vững chắc, và cho thấy cả chi phí của biện pháp can thiệp.

Bộ công cụ của EEF đã phá bỏ nhiều quan niệm “thông thường”. Chẳng hạn, giảm quy mô lớp học (ví dụ, từ 30 xuống 20 học sinh), bắt buộc mặc đồng phục và phân nhóm trẻ là các biện pháp ít hiệu quả, thậm chí không hiệu quả. Các biện pháp can thiệp hiệu quả nhất bao gồm: giúp trẻ hiểu những gì chúng đọc; phản hồi cho trẻ về tiến trình học một cách có ý nghĩa; và cải thiện khả năng học sinh tự suy nghĩ, lập kế hoạch và đánh giá việc học của mình. Những biện pháp này trung bình mang lại cho trẻ thêm sáu hoặc bảy tháng tiến trình học mỗi năm so với trẻ không được áp dụng biện pháp.

Hơn 70% lãnh đạo các trường trung học ở Anh hiện sử dụng bộ công cụ này khi ra quyết định về chi tiêu. Ngoài Anh, EEF đã hợp tác để giúp Úc và các khu vực châu Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Phi ứng dụng bộ công cụ.

Từ trước đại dịch, người ta cho rằng một trong những cách tiếp cận hiệu quả nhất về chi phí là dạy kèm, theo nhóm nhỏ hoặc kèm riêng. Bộ công cụ khẳng định biện pháp này có thể giúp tăng thêm bốn đến năm tháng tiến trình học, với chi phí tương đối thấp. Và, không giống các biện pháp đòi hỏi thay đổi mang tính hệ thống, dạy kèm có thể được triển khai một cách nhanh chóng. Vì vậy, năm 2020, khi đánh giá tác động đại dịch, EEF nhấn mạnh, dạy kèm có thể là một biện pháp can thiệp đặc biệt hiệu quả để giúp trẻ em bắt kịp tiến trình học.

Dạy kèm theo nhóm nhỏ hoặc kèm riêng được coi là một trong những cách tiếp cận hiệu quả nhất về chi phí trong việc giúp học sinh lấy lại đà học tập sau đại dịch. Trong ảnh: Một học sinh ở Tokyo được dạy kèm 1-1 qua rào chắn, tháng 8/2020.

Tháng 6/2020, chính phủ Vương quốc Anh đã công bố Chương trình Gia sư Quốc gia trị giá 350 triệu bảng (giao cho EEF thực hiện trong năm đầu tiên, sau đó giao cho một công ty tên là Randstad của Hà Lan trong năm thứ hai), nhưng chương trình đã bị một số người chỉ trích vì không tiếp cận được đủ số trẻ em mong muốn, đặc biệt là những trẻ em cần hỗ trợ nhất, và nhiều người hoài nghi về sự khác biệt chất lượng giữa các gia sư. Tháng 3 năm nay, chính phủ Vương quốc Anh đã chấm dứt hợp đồng với Randstad và thông báo rằng tài trợ cho việc dạy thêm sẽ được chuyển trực tiếp đến các trường trong năm học 2022–23. Quỹ Quốc gia về Nghiên cứu Giáo dục Anh đang tiến hành các đánh giá độc lập về tác động của chương trình dạy kèm đối với kết quả học tập của học sinh.

Cả EEF và Randstad đều nói rằng họ tự hào về những gì đã đạt được với chương trình dạy kèm. Theo EEF, đến tháng 7/2021, 60% số trường trung học ở Anh đã tiếp cận chương trình dạy kèm và Randstad cho biết so với trước khi triển khai, số học sinh được dạy kèm đã tăng gấp ba lần.

Những trường hợp điển hình

Một chương trình hỗ trợ dựa trên bằng chứng khác được áp dụng ở Anh và ít gây tranh cãi hơn, sử dụng Phương pháp Can thiệp Ngôn ngữ Sớm Nuffield (NELI). NELI đã được chứng minh trong các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng là có thể tăng cường kỹ năng ngôn ngữ ở trẻ em từ 4–5 tuổi sau một loạt các buổi dạy theo từng nhóm nhỏ. NELI hiện đang được sử dụng trong 2/3 số trường tiểu học Anh để bù đắp cho tiến trình học bị bỏ lỡ do đại dịch, và kết quả cũng đang được đánh giá độc lập.

Một số nhà nghiên cứu chỉ ra rằng Hà Lan là một trường hợp mẫu mực trong việc đưa ra chính sách phục hồi giáo dục dựa trên bằng chứng. Chính phủ đã tài trợ 4,2 tỷ euro (4,4 tỷ USD) cho các trường để hỗ trợ học sinh; và các trường dùng số tiền này để chi cho các biện pháp can thiệp, được chọn từ “menu” các biện pháp can thiệp đã được khẳng định hiệu quả bởi bộ công cụ của EEF. Nhà chức trách Hà Lan cho biết muốn đảm bảo rằng các trường đưa ra quyết định dựa trên kiến ​​thức đã có về khoa học giáo dục.

Và ở Panama, nơi các trường học đã đóng cửa hoàn toàn trong hơn một năm, vào tháng 4, Bộ Giáo dục đã khởi động các chương trình tập huấn về cách ứng dụng các biện pháp can thiệp dựa trên bằng chứng cho giáo viên.

Mỹ cũng đã nhấn mạnh các biện pháp dựa trên bằng chứng khi thực hiện kế hoạch phục hồi giáo dục. Năm 2021, các trường học đã được cấp122 tỷ USD từ gói kích thích kinh tế khổng lồ. Theo quy định, trường phải sử dụng ít nhất 20% ngân sách nhận được để thực hiện các biện pháp hỗ trợ dựa trên bằng chứng, nhằm đáp ứng các nhu cầu học tập, xã hội và tình cảm của học sinh.

Vấn đề là dạy kèm có nhiều kiểu: kèm riêng hoặc kèm theo nhóm nhỏ; trực tuyến hoặc trực tiếp; giáo viên dạy hoặc chương trình hỗ trợ tự động. Không có gì đảm bảo rằng một chương trình cụ thể sẽ hiệu quả, hoặc sẽ thành công ở một trường học cụ thể hoặc cho một đứa trẻ nào đó.

Tại Melbourne, Brydon đã nhìn thấy những thách thức của việc áp dụng chương trình dạy kèm. Trường Ashwood bố trí thêm một giáo viên trong một số lớp học để giúp đỡ những học sinh bị tụt hậu, sử dụng số tiền mà trường nhận được theo chương trình hỗ trợ của chính phủ. Tuy nhiên, trường không dễ tìm được giáo viên vì nhiều người trong số họ đã bỏ việc do kiệt quệ sức lực sau đại dịch.

Vấn đề toàn cầu

UNESCO ước tính, đến tháng 4/2020, hơn 1,2 tỷ trẻ em ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa trường học. Và, trong khi trường học ở Nhật Bản và Singapore chỉ đóng cửa trên dưới một tháng, trường học ở Bangladesh và Philippines đã đóng cửa đến 13 tháng, thuộc nhóm trường học đóng cửa lâu nhất trên thế giới.

Sachs-Israel cho biết ngay cả trước COVID-19, đã có một cuộc khủng hoảng học tập trong khu vực, bởi rất nhiều trẻ em không đạt được năng lực học tập như mong đợi. Ước tính có khoảng 10 triệu trẻ em ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ không đi học trở lại, và dự kiến hôn nhân sớm, hôn nhân cưỡng bức và lao động trẻ em ​​sẽ tăng cao.

Quy mô của vấn đề này chỉ mình biện pháp dạy kèm không giải quyết được. Theo các chuyên gia giáo dục, với nhiều trường học vẫn còn đóng cửa, ưu tiên hàng đầu rõ ràng là mở cửa các lớp học trở lại ngay cả khi số trường hợp COVID-19 tăng lên.

Theo một báo cáo năm 2020 từ nhóm Ban Cố vấn Bằng chứng Giáo dục Toàn cầu, một biện pháp can thiệp hiệu quả về chi phí mà các trường có thể thực hiện là nhắm mục tiêu giảng dạy theo trình độ học tập thay vì theo độ tuổi. Và các trường học nên đánh giá năng lực của từng học sinh khi các em bắt đầu quay lại trường.

Đây chính là chiến lược đằng sau chương trình Dạy ở Cấp độ Phù hợp, đang được tổ chức học tập Pratham triển khai ở Ấn Độ. Giám đốc điều hành của tổ chức, Rukmini Banerji, cho biết, họ đang làm việc với một số chính quyền bang ở Ấn Độ cũng như các nước khác, và nhận thấy trẻ em tiến bộ về khả năng đọc viết và làm toán cơ bản chỉ trong vài tuần. “Chúng tôi tin rằng đây là thứ thế giới thật sự cần,” bà nói.

Tập huấn giáo viên

Về lâu dài, một cách quan trọng để các nghiên cứu giáo dục được ứng dụng thường xuyên hơn là tập huấn giáo viên. Ví dụ, ở Nhật Bản, các giáo viên đã tiến hành “nghiên cứu tiết học” từ hàng thập kỷ nay. Đây là một hình thức nghiên cứu, trong đó giáo viên đặt ra một mục tiêu - chẳng hạn như nâng cao hiểu biết về phân số - sau đó, họ soạn một kế hoạch bài giảng chi tiết, quan sát tiết học thực tế và thảo luận về những gì họ quan sát được. Mô hình “nghiên cứu tiết học” thường tham khảo ý kiến chuyên gia bên ngoài trong quá trình tổ chức. Theo chuyên gia giáo dục toán học Toshiakira Fujii tại Đại học Tokyo Gakugei, cách phát triển nghề nghiệp liên tục này hiện không phổ biến, trong khi nó không chỉ giúp giáo viên hiểu sâu tài liệu giảng dạy mà còn giúp họ học cách học như một giáo viên.

Các nước khác cũng đang bắt đầu tích hợp bằng chứng vào đào tạo giáo viên. EEF và SUMMA (tổ chức nghiên cứu giáo dục và đổi mới sáng tạo cho khu vực Mỹ Latinh và Caribe, có trụ sở ở Santiago, Chile) đang làm việc với Đại học West Indies ở Jamaica để tập huấn giáo viên về các phương pháp thực hành giáo dục dựa trên bằng chứng, như phản hồi cho sinh viên về tiến trình học. Và bắt đầu từ năm nay, tất cả 650 sinh viên theo học chương trình thạc sĩ giáo dục tại Trường Giáo dục Sau đại học Harvard sẽ phải tham gia một khóa học về bằng chứng. Ý tưởng là tạo ra một thế hệ lãnh đạo hiểu được giá trị của bằng chứng trong quá trình ra quyết định của họ.

Brydon nói, cô hầu như không được dạy gì về việc sử dụng bằng chứng nghiên cứu trong quá trình đào tạo. Nhưng hiện cô tham gia Dự án Q - một dự án của Úc nhằm cải thiện việc sử dụng bằng chứng nghiên cứu giáo dục trong trường học. Tuy nhiên, cô cho rằng rào cản lớn nhất là thiếu thời gian. “Thời gian của chúng tôi rất eo hẹp, và khi phải chọn giữa chấm bài luận cho học sinh lớp 12 của mình hay đọc một số bằng chứng nghiên cứu, tôi biết chắc mình sẽ luôn chọn việc nào.”

Trong Chương trình Gia sư Quốc gia (NTP) ở Vương quốc Anh, các trường được tài trợ để cung cấp dịch vụ dạy kèm chất lượng cao cho những học sinh bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Số tiền phân bổ cho mỗi trường được tính toán theo số lượng học sinh thực tế.

Các trường có thể thuê chính nhân sự trong trường hoặc gia sư và các tổ chức gia sư để dạy kèm học sinh theo nhóm 3 hoặc dạy kèm 1:1, 60-70% chi phí dạy kèm được chính phủ tài trợ. Trước khi bắt đầu, người dạy kèm được tham gia một khóa đào tạo để có thể dạy kèm hiệu quả.