Một trong những nguyên nhân chính khiến việc chuyển giao công nghệ giữa viện, trường và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn là do những vướng mắc trong định giá công nghệ, phân chia quyền sở hữu,...

Hiện nay ĐH Huế có một kết quả nghiên cứu về y dược mà doanh nghiệp đang rất cần, họ giục liên tục nhưng chúng tôi chưa có cách nào để chuyển giao theo Nghị định 70/2018/NĐ-CP về quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước. Đó là điều ThS. Trần Vinh Phương, Ban Khoa học Công nghệ và Quan hệ quốc tế (ĐH Huế) kể lại trong hội thảo “Quản lý quyền sở hữu trí tuệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp” do Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH&CN) tổ chức vào ngày 27/5 vừa qua.
Mặc dù có nhiều tài sản trí tuệ song Viện Lúa ĐBSCL cũng gặp không ít vướng mắc trong quá trình chuyển giao. Nguồn: nhandan.vn

Những vướng mắc trong giao quyền sở hữu theo Nghị định 70 là câu chuyện quá quen thuộc với các viện, trường chứ không chỉ riêng ĐH Huế. “Kể từ khi Nghị định 70 ra đời, xác định kết quả của nhiệm vụ KH&CN được ngân sách hỗ trợ trên 30% sẽ thuộc quyền sở hữu của đơn vị cấp kinh phí, người chủ trì không được tự phép chuyển giao cho doanh nghiệp, đã gây ra rất nhiều khó khăn cho viện khi đứng ra đăng kí bảo hộ sở hữu trí tuệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu”, TS. Nguyễn Thúy Kiều Tiên, Phó Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho biết trong hội thảo.

Việc tiến hành các thủ tục để được trao quyền theo đúng quy định khiến quá trình chuyển giao công nghệ thêm phức tạp và tốn nhiều thời gian. “Chúng tôi đã gửi công văn cho Bộ KH&CN để xin được giao quyền theo Nghị định nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Các doanh nghiệp hiện nay sắp nản rồi, nhưng chúng tôi cũng không dám làm liều vì theo luật thì mình đâu phải chủ sở hữu”, ThS. Trần Vinh Phương nói.

Trước thực trạng này, không có gì khó hiểu khi các nhà nghiên cứu đặt nhiều kỳ vọng vào dự thảo sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ. “Sắp tới nếu Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua như phiên bản đề xuất, quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp, kiểu dáng công nghiệp - kết quả của các đề tài nghiên cứu, sẽ được chuyển giao tự động, miễn phí, không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì nghiên cứu”, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục SHTT phản hồi ý kiến của các viện, trường trong hội thảo. “Để đảm bảo thuận lợi cho việc triển khai quy định này, Luật Quản lý sử dụng tài sản công và Luật KH&CN cũng sẽ được sửa đổi. Nghị định 70 sẽ không còn là rào cản nữa”.

Thiếu quy định phân chia quyền sở hữu

Bên cạnh nút thắt trao quyền, có những vấn đề tưởng chừng “nội bộ” như phân chia quyền lợi cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình chuyển giao công nghệ. Với xu hướng nghiên cứu và hợp tác liên ngành như hiện nay, vấn đề phân chia quyền sở hữu phát sinh ngày càng nhiều. “Ngày xưa khi nhóm chúng tôi chủ yếu tự nghiên cứu thì khá đơn giản, có kết quả thì tự bảo hộ và chuyển giao. Nhưng bây giờ các quy trình công nghệ ngày càng đòi hỏi cao hơn, phải tăng yếu tố đổi mới sáng tạo, do vậy chúng tôi phải kết hợp với các đơn vị khác để tạo ra các sản phẩm có tính sáng tạo hơn, đa chức năng hơn để phục vụ rộng rãi hơn trong cuộc sống. Khi phối hợp nhiều bên sẽ nảy sinh vấn đề, chẳng hạn với kết quả nghiên cứu là bằng sáng chế, chúng ta phải xác định quyền sở hữu như thế nào”, TS. Hà Phương Thư ở Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đặt vấn đề.

Về mặt lý thuyết, sáng chế xuất phát từ đề tài của đơn vị nào thì bên đó được quyền sở hữu. “Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy. Nhiều khi đề tài của viện A chủ quản, nhưng quy trình công nghệ lại do người của viện B tạo ra. Vậy trong trường hợp đó xác định quyền sở hữu, phân chia như thế nào để đảm bảo công bằng, hợp lý cho tất cả các bên?”, chị nói.

Việc phân chia quyền lợi giữa các đơn vị tham gia thực hiện đề tài, cũng như giữa tổ chức chủ trì với các tác giả là nỗi trăn trở chung của nhiều nơi. Thậm chí những đơn vị lớn như Viện Dầu khí Việt Nam cũng phải đối mặt: “Mỗi năm chúng tôi thực hiện khoảng 100 dự án lớn nhỏ với nhiều đơn vị khác nhau, dù có kết quả là bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích nhưng chưa có thỏa thuận nào về phân chia quyền sở hữu trí tuệ giữa các bên. Ngoài ra, chúng tôi đã có một số sản phẩm nghiên cứu được chuyển giao, thương mại hóa, song cũng chưa có chính sách phân chia quyền lợi cụ thể giữa đơn vị chủ trì và nhóm tác giả”, bà Hoàng Linh Lan, Phó Trưởng ban Khoa học - Chiến lược, Viện Dầu khí Việt Nam (tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) cho biết.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do thiếu chính sách nội bộ về sở hữu trí tuệ tại các viện, trường. “Mặc dù Viện đã có hơn 40 năm phát triển nhưng sở hữu trí tuệ mới được chúng tôi quan tâm gần đây. Chúng tôi nhận ra nguyên nhân chủ yếu là do Viện chưa có bộ phận chuyên trách, cũng như chính sách riêng về sở hữu trí tuệ, bao gồm chính sách phân định quyền sở hữu trí tuệ để phân chia lợi nhuận khi thương mại hóa công nghệ”, bà Lan nói.

Ngoài việc ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà nghiên cứu, việc thiếu chính sách rõ ràng trong phân chia quyền sở hữu còn gây khó khăn cho hoạt động chuyển giao công nghệ. Chẳng hạn như ở Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù đã xác định tỉ lệ sở hữu dựa trên mức độ đầu tư, giải quyết được vấn đề phân chia lợi ích song lại chưa đề cập đến vấn đề phát sinh khi chuyển giao công nghệ. Do vậy, trong trường hợp hai đơn vị cùng nghiên cứu tạo ra kết quả, “nếu sau đó họ không muốn hợp tác với chúng tôi để khai thác công nghệ, thì chúng tôi rất khó chuyển giao cho đơn vị đơn vị thứ ba. Bởi lẽ, dù tỉ lệ sở hữu của Viện là trên hay dưới 50% thì việc chuyển giao cho bên thứ ba vẫn cần sự đồng ý của hai đối tác đồng sở hữu”, TS. Nguyễn Thúy Kiều Tiên giải thích.

So với viện, trường, các doanh nghiệp thường quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này. “Chính sách sở hữu trí tuệ rất quan trọng với tổ chức, nên ngay từ đầu, chúng tôi đã thiết lập chính sách rõ ràng về sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, mọi người rất quan tâm vấn đề ai sẽ là người sở hữu, phân chia như thế nào,... Ở doanh nghiệp, tất nhiên khi ký hợp đồng lao động thì quyền sở hữu tài sản trí tuệ sẽ thuộc về công ty, còn nhà sáng chế sẽ được hưởng các quyền lợi được quy định trong chính sách của công ty”, ông Nghiêm Biên, Quản lý Sở hữu trí tuệ ở Công ty Bosch Việt Nam cho biết.

Khó định giá tài sản trí tuệ

Các viện, trường có thể chủ động xoay xở, giải quyết vấn đề phân chia quyền sở hữu bằng cách xây dựng chính sách riêng. Tuy nhiên, có những công đoạn phải có sự hỗ trợ của các tổ chức bên ngoài như định giá công nghệ - một trong những yếu tố then chốt trong quá trình chuyển giao công nghệ. Việc định giá không chỉ cân bằng quyền lợi cho hai bên mà còn góp phần không làm thất thoát giá trị của các kết quả nghiên cứu hình thành từ ngân sách nhà nước. Dù vậy, định giá công nghệ vẫn là bài toán mà chưa nơi nào tìm ra lời giải: “Trong số hàng trăm kết quả nghiên cứu, chỉ có một vài cái là doanh nghiệp mua, nhưng đến bước đó lại vướng phải rào cản định giá công nghệ, hiện nay rất khó định giá”, ThS. Trần Vinh Phương nói.

Mặc dù các phương pháp định giá tài sản trí tuệ đã có từ lâu, song hoạt động định giá trong thực tế ở Việt Nam vẫn còn hạn chế, do thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn cũng như thông tin thị trường. Cả ba phương pháp định giá phổ biến hiện nay (phương pháp tiếp cận theo chi phí, phương pháp thị trường và phương pháp thu nhập) đều phức tạp và cần nhiều dữ liệu khác nhau: chẳng hạn cách tiếp cận thị trường sẽ so sánh, phân tích với tài sản trí tuệ tương tự trên thị trường, phương pháp chi phí sẽ dựa trên chi phí tái tạo ra tài sản trí tuệ; cách tiếp cận cuối cùng sẽ xác định thông qua giá trị hiện tại của các khoản thu nhập, dòng tiền do tài sản trí tuệ mang lại.

Do vậy, khi có nhu cầu định giá công nghệ, các nhà sáng chế không biết “gõ cửa” nơi đâu. “Nếu doanh nghiệp muốn mua sáng chế thì chúng tôi cũng lúng túng không biết định giá thế nào, mặc dù hiện nay đã có các viện, cơ quan chức năng phụ trách định giá. Vừa rồi chúng tôi có hai sáng chế đem đi định giá mặc dù công nghệ tương tự nhau, nhưng khi định giá thì một cái xuất phát từ đề tài cấp cơ sở 150 triệu đồng thì được định giá khoảng hơn 450 triệu, trong khi đề tài khác cũng tạo ra công nghệ tương tự như vậy, chúng tôi được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp cho kinh phí khoảng 1,1 tỷ đồng thì chúng tôi lại được định giá hơn 1 tỷ đồng. Như vậy định giá đó phụ thuộc vào cái gì? Nhà khoa học có nên chuyển giao cả sáng chế đấy cho doanh nghiệp không hay chỉ nên giữ mô hình chuyển giao nguyên liệu cho doanh nghiệp?”, TS. Hà Phương Thư băn khoăn.

Nhiều nhà nghiên cứu khác cũng đồng tình với ý kiến này: “Các sản phẩm nghiên cứu khoa học hiện nay rất khó định giá. Vì vậy khi chuyển giao sẽ rất rủi ro cho hai bên, nhất là khi chuyển giao cả quyền sở hữu. Chẳng hạn một sản phẩm sau này phát triển rất tốt, nếu định giá thấp thì bên chuyển giao là viện, trường sẽ rất thiệt thòi, nếu định giá quá cao, nhưng sản phẩm ra không phát triển được thì sẽ rủi ro cho các doanh nghiệp nhận chuyển giao”, TS. Nguyễn Thúy Kiều Tiên nói.

Hiện nay, chúng ta mới có tiêu chuẩn về định giá tài sản vô hình, trong đó có tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, việc định giá tài sản trí tuệ lại tương đối trái chiều, thậm chí là xung đột nhau. Đây không chỉ là vấn đề riêng của Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang phải đối mặt”, ông Trần Lê Hồng nói. “Vấn đề này sẽ được bàn rõ thêm, nhưng trước mắt, chúng ta có thể định giá tạm thời thông qua sự hỗ trợ của các công ty tài chính hoặc kiểm toán”.