Từ ngày 23/7, các tên miền vi phạm luật về SHTT sẽ bị buộc trả lại hoặc thu hồi. Những tên miền .vn có nội dung phản cảm, mang dụng ý bôi nhọ, gây ảnh hưởng xấu hoặc chào bán sản phẩm, hàng hóa vi phạm, xâm phạm quyền SHTT đã được bảo hộ cũng bị thu hồi.
Đây là một quy định tại thông tư liên tịch hướng dẫn trình tự, thủ tục thay đổi, thu hồi tên miền vi phạm pháp luật về SHTT được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Bộ Thông tin và Truyền thông ký (TT&TT) ký ban hành sáng 8/6 tại Hà Nội.
Việc gỡ bỏ tên miền sai phạm sẽ dễ hơn
Thông tư này được ban hành trong bối cảnh các vi phạm về SHTT trên mạng ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong việc đưa thông tin lên các trang mạng xâm phạm quyền SHTT đã được bảo hộ.
Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định cụ thể hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với tên miền. Các chế tài, hình thức xử lý cũng đã được quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, theo ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, trong quá trình triển khai, một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thay đổi hoặc trả lại tên miền đã không được tổ chức, cá nhân vi phạm thực hiện.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh cho biết: “Khi vụ việc chuyển sang cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm để tiến hành thu hồi tên miền, việc phối hợp giữa các cơ quan chưa được đồng bộ và hiệu quả, điển hình như việc thu hồi tên miền aigvietnam.vn, amway2u.vn... Nguyên nhân là chưa có văn bản quy định về cơ chế phối hợp cũng như trình tự, thủ tục thu hồi tên miền vi phạm pháp luật SHTT”.
Có rất nhiều tổ chức, cá nhân bị phạt hành chính do tên miền vi phạm về SHTT, nhưng việc gỡ bỏ tên miền đó lại gặp khó khăn. Ông Lê Ngọc Lâm lý giải: “Do Trung tâm Internet thuộc Bộ TT&TT nên việc tiếp nhận kết quả xử lý xâm phạm gặp nhiều vướng mắc. Sự ra đời của thông tư liên tịch này giúp giải quyết vấn đề trên, đáp ứng được việc xử lý tên miền vi phạm về SHTT”.
Doanh nghiệp nên “giữ chỗ” tên miền
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, để phù hợp với các cam kết trong Hiệp định TPP, Việt Nam sẽ phải rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật về SHTT, đặc biệt là biện pháp bảo vệ quyền SHTT trong môi trường số. Cần có chế tài thích hợp để xử lý trường hợp đăng ký, chiếm giữ tên miền trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn về nhãn hiệu nhằm cạnh tranh không lành mạnh. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp tên miền phải phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
“Trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật SHTT và các văn bản có liên quan, về vấn đề xử lý tên miền vi phạm pháp luật SHTT, Bộ KH&CN rất mong nhận được sự hỗ trợ, phối hợp tích cực từ Bộ TT&TT, đảm bảo các văn bản được ban hành đáp ứng yêu cầu cam kết trong TPP” - ông Khánh nói.
Nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng nhãn hiệu của người khác để đăng ký tên miền khi Việt Nam gia nhập TPP, ông Lê Ngọc Lâm cho rằng, chủ sở hữu nhãn hiệu phải có ý thức tự bảo vệ bằng cách kịp thời đăng ký nhãn hiệu, tên miền, thương hiệu… của mình để giữ chỗ trong sản xuất, kinh doanh. Nếu họ chậm trễ hay bỏ qua hai bước đó thì sau này sẽ gặp nhiều khó khăn khi đã có người đăng ký trước.
“Việc tên miền vi phạm về SHTT ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh, lợi ích của doanh nghiệp. Khi bị chiếm đoạt tên miền, các hoạt động quảng cáo, quảng bá thương hiệu sẽ không thực hiện được. Khách hàng dễ lầm tưởng người chiếm giữ tên miền bất hợp pháp chính là nhà cung cấp hợp pháp. Việc đưa sản phẩm ra thị trường cũng bị ảnh hưởng, hàng chính gốc có thể bị người tiêu dùng nghi ngờ về chất lượng, ảnh hưởng lớn đến doanh thu” - ông Lâm cảnh báo.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh kỳ vọng, khi thông tư có hiệu lực, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm, cơ quan quản lý tên miền và nhà đăng ký tên miền sẽ phối hợp đồng bộ và hiệu quả trong việc xử lý tên miền vi phạm về SHTT.
Trình tự, thủ tục thay đổi, trả lại và thu hồi tên miền được thực hiện đúng quy định, đảm bảo quyết định phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền được thực thi. Điều này giúp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan, đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn của xã hội.