Tình trạng bất bình đẳng dễ thấy trên toàn cầu trong việc tiếp cận vaccine COVID chính là một sự thất bại cả về trí tuệ lẫn đạo đức. Thông điệp rõ ràng từ đại dịch là chúng ta cần tư duy vượt khỏi ranh giới hạn hẹp của tính duy lý kinh tế để xem lợi ích của người khác cũng như của mình.

Khi mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát COVID thứ hai còn vượt xa lần đầu, sự phân hóa trên quy mô toàn cầu lại càng trở nên rõ rệt. Dịch đang dần thuyên giảm và không đều tại các nước giàu hơn song lại bùng phát ở một số quốc gia đang phát triển mới nổi, nhất là Ấn Độ, hay với mức độ khác nhau tại Bangladesh, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Ethiopia, Kenya, …

.

Nhân loại cần nhiều sáng kiến nữa ngoài COVAX để đưa vaccine tới mọi quốc gia, không phân biệt giàu nghèo.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng phân hóa này, trong đó sự tiếp cận không đồng đều đối với dịch vụ chăm sóc y tế – đặc biệt: sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine COVID – là không thể làm ngơ. Hôm 18/01, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Tedros Ghebreyesus lưu ý rằng đã có hơn 39 triệu liều vaccine được phân phối ở ít nhất 49 quốc gia thu nhập cao. Ngược lại, ông nhấn mạnh: “Chỉ 25 liều được phát cho một quốc gia thu nhập thuộc loại thấp nhất. Không phải 25 triệu hay 25.000 mà là 25 liều.”

Sự khác biệt này vẫn còn quá lớn cho dù hơn một tỷ liều vaccine đã được phân phối trên toàn thế giới. Đứng đầu danh sách là đảo quốc Seychelles (thuộc khối Thịnh vượng Anh) với 59% công dân được tiêm chủng đầy đủ; trong khi Israel (56%), Chile (34%) và Mỹ (30%) cũng xếp hạng rất cao. Tuy nhiên, Brazil đứng thứ 43 mới chỉ có 5,9% dân số được tiêm chủng đầy đủ; còn Ấn Độ và Bangladesh thì thấp hơn nhiều, với tỷ lệ lần lượt là 1,8% và 1,7%. Trong khi tại nhiều nước khác, chủ yếu ở khu vực hạ Sahara châu Phi, hầu như chưa có ai được tiêm chủng.

Nếu xem vaccine COVID cũng là một loại hàng hóa quan trọng như thực phẩm và nơi ở, chúng ta nên cảm thấy xấu hổ về tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng này. Nhiều nước giàu đang dự trữ vaccine quá mức cần thiết với lý do phòng ngừa lại càng khiến vấn đề thêm tồi tệ.

Vài tháng trước, những nhà hoạt động tranh đấu cho quyền tiếp cận dược phẩm và khoa học mở đã kỳ vọng: tình hình khủng khiếp do đại dịch gây ra sẽ tạo tiền đề tiến tới xóa bỏ thực trạng độc quyền trong khoa học và thị trường bằng sáng chế. Lấy ví dụ, tháng 5/2020, WHO đã ra mắt Quỹ Tiếp cận Công nghệ Phòng chống COVID toàn cầu (C-TAP) nhằm khuyến khích các tổ chức tự nguyện chia sẻ tài sản trí tuệ (IP) liên quan đến dịch bệnh. Một sáng kiến khác là Cơ chế Tiếp cận Vaccine COVID toàn cầu (COVAX), cũng ra đời vào năm ngoái, với nhiệm vụ cung cấp vaccine trợ giá cho các nước nghèo nhờ hỗ trợ tài chính từ những nước giàu. Nhưng dẫu vậy, theo nhận định của tác giả Alexander Zaitchik trên tờ The New Republic thì: “Sự lạc quan và cảm giác khả thi ban đầu đã biến mất.”

Suy ngẫm về sự thất bại của thế giới trong việc đảm bảo các nước có quyền tiếp cận công bằng đối với vaccine, chúng ta ít nhất sẽ cố không để những nước nghèo bị bỏ lại. Đó là sự thất bại cả về trí tuệ lẫn đạo đức. Bằng ý định tốt đẹp nhất, các kế hoạch và đề xuất của nhiều nhà hoạt động thường ít hướng đến những biện pháp khuyến khích cá nhân. Nhưng cho dù không sai trong việc vận động các tập đoàn hành xử đạo đức thì chúng ta thật “khờ khạo” khi tin rằng họ có đạo đức.

Bạn hãy thử hình dung về một tương lai mà mọi người đầu tư vào sáng tạo tri thức rồi đóng góp thành quả vào một nguồn truy cập mở, thay vì cố kiếm tiền từ chúng. Nhưng viễn cảnh đó rõ ràng còn rất xa vời. Hiện tại, các công ty tư nhân vẫn nắm quyền đối với IP mà họ tạo ra để đảm bảo tiếp tục đầu tư cho những nghiên cứu đắt đỏ.

Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để buộc các công ty dược phẩm cắt giảm bớt lợi nhuận khủng – bằng cách yêu cầu họ bán sản phẩm rẻ hơn và cấp phép cho nhiều nhà sản xuất được hoạt động ở cùng một khu vực – mà không giết chết động lực đầu tư vào nghiên cứu của ngành dược phẩm.

Để làm đúng, chúng ta cần hiểu biết toàn diện về cấu trúc của thị trường cho những sản phẩm mang nhiều hàm lượng tri thức như vaccine mới. Nhưng hiện tại thì chúng ta dường như vẫn chưa hiểu: “thị trường” là một mớ hỗn độn bởi cạnh tranh và các giao dịch ngoài lề. Theo một bài báo gần đây do Viện Tư duy kinh tế kiểu mới (INET) công bố, những công ty dược phẩm đã ký kết khoảng 44 hợp đồng song phương với các chính phủ để cung cấp vaccine COVID trong năm ngoái, với nhiều chi tiết không được tiết lộ và những điều khoản miễn trách khó hiểu. Các nước nghèo nhìn chung đã bị bỏ rơi.

Chúng ta rất cần một khung lý thuyết để nắm bắt thị trường này. Hiện tại, nó khá giống với hiện tượng oligopoly (độc quyền quả bán), mà phải đến năm 1838, Augustin Cournot mới khám phá ra bản chất. Phát hiện đột phá của Cournot đã đặt nền móng cho sự phát triển của những đạo luật chống độc quyền đầu tiên như US Sherman Antitrust Act (Mỹ, 1890) – cho các công ty quyền định giá nhưng cấm bí mật giao dịch đa phương để nâng giá. Theo thời gian, những đạo luật này dần trở nên sắc bén hơn.

Hiện nay, chúng ta đang cố tạo ra các quy tắc cho thị trường vaccine trong sự mù mờ về nó. Từ những gì ít ỏi mà chúng ta biết được, quyền sở hữu trí tuệ vẫn phải tiếp tục đóng vai trò, ít nhất là tính đến thời điểm này. Mặt khác, các công ty dược phẩm rõ ràng đang tạo ra lợi nhuận lớn hơn mức cần thiết để duy trì động lực đổi mới (kết luận dựa trên số lượng IP là kết quả của những nghiên cứu được tài trợ công khai). Trong những biến cố như đại dịch này, các hãng dược nên được bù đắp bằng những khoản thanh toán trọn gói giúp họ trang trải chi phí, thu hồi vốn từ bằng sáng chế, và cấp phép sản xuất vaccine hàng loạt cho các doanh nghiệp cùng ngành.

Về lâu dài, chúng ta có thể tiến xa hơn bằng cách nhấn mạnh: sự thắng lợi của xã hội không phải chỉ tới từ lợi nhuận. Câu khẩu hiệu phổ biến: “Không ai trong chúng ta an toàn cho đến khi tất cả đều an toàn” ra đời là để thúc giục người giàu trở nên ít vị kỷ, bởi việc giúp đỡ người khác cũng là vì lợi ích của chính họ.


(*) Tác giả Kaushik Basu là cựu kinh tế trưởng tại World Bank, cố vấn kinh tế trưởng cho Chính phủ Ấn Độ, giáo sư kinh tế tại Đại học Cornel, nghiên cứu viên cấp cao không thường trú tại Viện Brookings Institution.