Cuối năm 2019, Đại học VinUni chính thức được thành lập và trở thành đại học tư thục đầu tiên của Việt Nam tuyên bố phát triển theo mô hình đại học tinh hoa.

Mặc dù sự kiện này gây ra nhiều phấn khởi lẫn ngờ vực, và mặc dù còn quá sớm để kết luận liệu dự án Đại học VinUni có thành công hay không, nhưng rõ ràng tuyên bố đó khiến chúng ta nhận ra sự lớn mạnh nhanh chóng của hệ thống đại học ngoài công lập tại Việt Nam.

Đại học VinUni là đại học tư thục đầu tiên của Việt Nam tuyên bố phát triển theo mô hình đại học tinh hoa. Trong ảnh: Một buổi phỏng vấn ứng viên cho ngành Khoa học sức khỏe của Đại học VinUni. Nguồn: baotintuc.vn
Đại học VinUni là đại học tư thục đầu tiên của Việt Nam tuyên bố phát triển theo mô hình đại học tinh hoa. Trong ảnh: Một buổi phỏng vấn ứng viên cho ngành Khoa học sức khỏe của Đại học VinUni. Nguồn: baotintuc.vn

Nhìn chung, đa số đại học tư thục hiện nay vẫn thường được xem là trường hạng hai (so với các đại học công lập), nhưng trên thực tế, đã có nhiều trường đại học tư thục đủ mạnh để trở thành đối trọng của những đại học công lập hàng đầu. Chúng tôi gọi đây là những đại học tư thục bán-tinh-hoa, một trong những lựa chọn ưu tiên của tầng lớp trung lưu Việt Nam.

Giáo dục và giai tầng xã hội

Giai cấp, đẳng cấp xã hội là những khái niệm phức tạp và gây tranh cãi. Nhiều nhà xã hội học chủ yếu dựa vào thu nhập cá nhân để phân định giai tầng xã hội. Tuy nhiên, một số khác cho rằng giai tầng xã hội không chỉ dựa vào việc một người kiếm được bao nhiêu tiền, mà còn cần phải xem họ chi tiêu như thế nào, và chiến lược chi tiêu đó có mang lại cho họ uy tín xã hội hay không. Chúng tôi theo góc nhìn này.

Giai tầng xã hội có liên hệ chặt chẽ đến giáo dục, nhất là giáo dục đại học, vốn được xem là phương tiện quan trọng để một giai tầng thấp phát triển trở thành giai tầng cao hơn. Ví dụ, những vị đỗ cao trong các kì thi thời phong kiến – bất kể là thuộc giai tầng nào – đều được trao cho chức tước. Vai trò thăng cấp xã hội (social upward mobility) của giáo dục đại học cũng diễn ra tại các nền văn hóa bên ngoài Khổng giáo.

Những nhà xã hội học theo lí thuyết Marx thường chia xã hội ra làm hai nhóm: thống trị và bị trị, tư bản và vô sản; những người thuộc tầng lớp tiểu tư sản sẽ dần nhập vào một trong hai giai tầng còn lại. Đây là nhận định gây nhiều tranh cãi. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hiện nay, tầng lớp trung lưu/ tiểu tư sản dường như đang phát triển và mở rộng tại nhiều nước.

Tầng lớp trung lưu đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của xã hội, bao gồm giáo dục. Nhìn chung, giới trung lưu có một sự độc lập nhất định so với nhà nước, và họ lớn mạnh lên cùng với nền kinh tế tư nhân. Khác với giới bình dân, giới trung lưu có nhiều điều kiện và hiểu biết hơn để đưa ra những lựa chọn giáo dục phù hợp. Và cũng khác với giới thượng lưu, giới trung lưu không quá dư dả để có thể phung phí cơ hội – nếu đầu tư sai lầm, họ dễ dàng trở lại vạch xuất làm người bình dân. Nhìn chung, giới trung lưu dễ bị “tổn thương” hơn giới bình dân lẫn giới thượng lưu, và điều này buộc họ phải suy tính để đưa ra những lựa chọn giáo dục đúng đắn nhất.

Tầng lớp trung lưu hiện đang phát triển mạnh tại Việt Nam, nhất là từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), dù khó xác định được độ lớn của tầng lớp này. Một số nhà nghiên cứu chỉ ra rằng bên cạnh nhiều khác biệt, tầng lớp trung lưu Việt Nam nhìn chung cũng có nhiều nét tương đồng với tầng lớp trung lưu trong khu vực – bao gồm đặc tính sẵn sàng đầu tư mạnh vào giáo dục.

Đại học tư thục bán tinh hoa

Hệ thống đại học tư thục trên thế giới có nhiều dạng trường, theo nhiều mô hình quản trị, sở hữu và phát triển khác nhau. Theo GS. Daniel C. Levy - chuyên gia hàng đầu thế giới về hệ thống giáo dục đại học tư thục, có ba nhóm đại học tư thục chính: các đại học do các tổ chức tôn giáo, xã hội thành lập; các đại học tinh hoa; và các đại học đại trà. Trong đó, các đại học tư thục tinh hoa là những đại học hàng đầu của cả nước về chất lượng và danh tiếng, cũng như thu nhận phần lớn sinh viên từ tầng lớp thượng lưu. Các đại học tư thục tinh hoa hầu như chỉ tồn tại chủ yếu ở Mỹ và một số nước Mỹ Latin.

Kể từ đầu thập niên 2000, GS. Levy và các cộng sự bắt đầu quan sát thấy sự phát triển tích cực của nhiều đại học đại trà. Một mặt, các đại học tư thục này không thể vượt qua các đại học công lập hàng đầu về chất lượng và danh tiếng, nhưng khoảng cách giữa hai nhóm đại học này không lớn, và có thể bị thu hẹp dần. Mặt khác, các đại học tư thục này cũng đồng thời được đánh giá cao hơn so với đa số đại học công lập mới thành lập. Xu hướng này diễn ra ở nhiều nước, bao gồm Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ba Lan, Bulgaria và Kenya. Họ gọi tên nhóm đại học này là đại học bán tinh hoa.

Một số đặc điểm của nhóm đại học này bao gồm áp dụng mô hình quản trị chuyên nghiệp, có nhiều yếu tố quốc tế (nhất là châu Âu và Mỹ), có liên kết chặt chẽ với thị trường lao động, có mức học phí cao, thu hút được nhiều sinh viên và giảng viên giỏi; một số trường cũng đặt ra định hướng phát triển nghiên cứu, nhất là các nghiên cứu theo hướng ứng dụng. Nhìn chung, các đại học này dần trở thành sự lựa chọn của nhiều sinh viên thuộc tầng lớp trung lưu, và cạnh tranh trực tiếp với một số đại học công lập hàng đầu, có lịch sử phát triển lâu hơn.

Đại học tư thục Việt Nam và những tiềm năng của đại học bán tinh hoa

Năm 1988, Trung tâm Đại học dân lập Thăng Long được hình thành, đánh dấu sự ra đời của hệ thống đại học tư thục (lúc đó vẫn gọi là đại học ngoài công lập) tại Việt Nam. Ngay từ thời điểm đó, các trường đại học tư thục nhìn chung đã bị coi là trường hạng hai, hiếm khi là “nguyện vọng 1” trong hồ sơ dự tuyển đại học của sinh viên. Cách đây vài năm, Hiệp hội Các trường đại học – cao đẳng ngoài công lập Việt Nam vẫn liên tục cho rằng các trường đại học tư thục không tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh phần lớn là do các trường công lập được mở ra ồ ạt tại nhiều địa phương. Lập luận này ngụ ý rằng các trường đại học tư thục vẫn bị xem là trường hạng hai so với các đại học công lập. Nhiều lãnh đạo các trường tư thục cho rằng có quá nhiều chính sách bất công đối với hệ thống trường tư, và ví von trường tư như con ghẻ, trong khi trường công mới là con đẻ của nhà nước. Gần đây, hệ thống đại học tư thục đã có nhiều động thái đòi hỏi bình đẳng quyết liệt hơn.

Giữa thập niên 2000 là cột mốc quan trọng trong hệ thống kinh tế chính trị cũng như giáo dục của Việt Nam. Đây là thời gian Việt Nam đàm phán và gia nhập WTO, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân chuyển mình mạnh mẽ. Cụm từ “đại học tư thục” chính thức được công nhận lần đầu tiên, thay thế cho “đại học ngoài công lập.” Sự công nhận về mặt luật pháp và quyền sở hữu này đã gián tiếp thúc đẩy các công ty có tiềm lực tài chính mạnh dạn đầu tư vào các trường đại học tư thục. Dù điều này mang lại những nguy cơ tiềm ẩn của xu hướng thương mại hóa giáo dục, nhưng đồng thời cũng mang lại luồng gió mới trong mô hình quản trị của các đại học tư thục.

Mô hình quản trị mới thường kéo theo những định hướng chiến lược mới, như chiến lược “nhập khẩu” các yếu tố quốc tế. Phát triển các chương trình đào tạo liên kết với đối tác nước ngoài là một trong số đó. Tuy nhiên, quan trọng hơn là việc áp dụng – ví dụ như tại Đại học Tân Tạo, Đại học Hoa Sen – các mô hình và triết lý giáo dục từ phương Tây, tiêu biểu là “Giáo dục khai phóng”. Bên cạnh đó, có một số đại học – như Đại học Anh Quốc tại Việt Nam, Đại học RMIT Việt Nam – được đầu tư từ vốn nước ngoài, giảng dạy các chương trình hoàn toàn bằng tiếng Anh, cấp bằng quốc tế, và thu học phí (rất) cao. Các trường công lập thường không có được độ tự chủ đủ để theo đuổi những yếu tố quốc tế này, trong khi các yếu tố đó lại thu hút rất nhiều sinh viên thuộc tầng lớp trung lưu Việt Nam.

Các đại học tư thục nhìn chung thường tập trung vào các ngành phục vụ nền kinh tế thị trường – nơi sản sinh ra tầng lớp trung lưu. Đầu thập niên 1990, khi Việt Nam đang chuyển mình từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều trường đại học ngoài công lập đã rất nhạy bén và nhanh chóng phát triển các chương trình đào tạo quản trị. Hiện nay, khi các đại học công lập cũng đã phát triển mạnh các ngành liên quan đến nền kinh tế thị trường, thì nhiều chương trình tại các đại học tư thục vẫn được đánh giá cao hơn bởi tính ứng dụng cao. Nhìn chung, đại học tư thục gắn kết chương trình giảng dạy của mình với thị trường lao động hiệu quả hơn so nhiều đại học công lập. (Điều này cũng là một trong những điểm chung của giáo dục đại học tư thục trên thế giới – các đại học tư thục nhìn chung không có ngân sách nhà nước, nên thường phải phục vụ nền kinh tế thị trường, và vì thế họ có nhiều động lực gắn kết việc đào tạo với nền kinh tế thị trường hơn.)

Ngoài ra, hiện đã có một số trường đại học tư thục được cấp phép đào tạo những chương trình liên quan đến khoa học sức khỏe – nhất là bác sĩ đa khoa (như Đại học Tân Tạo, Đại học Phan Châu Trinh) – và đào tạo bậc tiến sĩ (như Đại học Duy Tân, Đại học Hồng Bàng). Sinh viên tốt nghiệp từ hai chương trình này có nhiều cơ hội để trở thành giới trung lưu của Việt Nam. Hai chương trình này trước đây vốn chỉ được đào tạo ở hệ thống đại học công lập.

Một vài ứng viên

Để xác định liệu một trường đại học tư thục có phải là bán tinh hoa hay không, chúng ta có thể phải xét nhiều tiêu chí, ví dụ mô hình quản trị, yếu tố quốc tế, mức học phí, trình độ giảng viên và sinh viên, các chương trình nghiên cứu, tỉ lệ sinh viên có việc làm với mức thu nhập khá-cao. Dựa vào bộ số liệu năm 2015 – được truy xuất từ website diemtuyensinh – bao gồm các con số thống kê về chỉ tiêu tuyển sinh, số sinh viên thực tuyển, điểm chuẩn, học phí, chúng tôi đã phân tích, đánh giá và xác định được ba ứng viên đại học tư thục bán tinh hoa tại Việt Nam: Hoa Sen, Duy Tân, Văn Lang. Ba trường này vừa có điểm sàn cao, vừa đưa ra mức học phí cao nhưng là ba trong số những trường tư thục tuyển được nhiều sinh viên nhất. Đây là những sinh viên có tiềm lực tài chính, đồng thời có thành tích học tập khá. Ba trường cũng có mô hình quản trị tiên tiến, chú ý áp dụng nhiều yếu tố nước ngoài, và ít nhiều chú trọng đến nghiên cứu khoa học.

Một số trường đại học tư thục hiện nay vừa có điểm sàn cao, vừa đưa ra mức học phí cao nhưng vẫn tuyển được nhiều sinh viên. Trong ảnh: Sinh viên Khối ngành Sức khỏe, Trường ĐH Văn Lang trong giờ thực hành. Nguồn: cohoi.tuoitre.vn
Một số trường đại học tư thục hiện nay vừa có điểm sàn cao, vừa đưa ra mức học phí cao nhưng vẫn tuyển được nhiều sinh viên. Trong ảnh: Sinh viên Khối ngành Sức khỏe, Trường ĐH Văn Lang trong giờ thực hành. Nguồn: cohoi.tuoitre.vn

Mặc dù mang một số tính chất của nhóm trường bán tinh hoa trên thế giới, nhưng vẫn còn quá sớm để kết luận về tính chất bán tinh hoa của ba trường này. Thứ nhất là vấn đề số liệu – các nhà nghiên cứu xã hội như chúng tôi thường đặt ra nhiều hoài nghi về các con số được công bố tại Việt Nam. Thứ hai, tầng lớp trung lưu Việt Nam – cũng như các lựa chọn giáo dục của họ – cần thêm nhiều thời gian để tạo được những căn tính rõ nét. Dù gì thì sự phân tầng trong xã hội Việt Nam vẫn còn là một hiện tượng mới.

Phản ứng của hệ thống công lập

Sự hình thành của nhóm các đại học tư thục tinh hoa sẽ sớm tạo ra những thách thức cho các đại học công lập của Việt Nam. Điều này sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh, và từ đó kích thích hệ thống đại học phát triển.

Tuy nhiên, sẽ là ngây thơ nếu nghĩ rằng các đại học công lập không chủ động thay đổi để nắm lấy cơ hội từ tầng lớp trung lưu. Trong những năm gần đây, hệ thống công lập đã được trao thêm nhiều quyền tự chủ, và nhờ đó tạo ra những thay đổi tích cực. Song các chính sách tự chủ đại học công lập hiện nay dường như tập trung quá nhiều vào các khía cạnh tài chính, cụ thể là tăng học phí. Điều này có thể sẽ tạo ra hiệu ứng ngược, khiến các đại học công lập trở nên kém cạnh tranh hơn so với các đại học tư thục. Một trong những “thế mạnh” của trường công lập là học phí rẻ. Nếu chỉ chú trọng vào yếu tố tài chính trong quá trình tự chủ thì sẽ dẫn đến hiện tượng tăng học phí trong khi chất lượng không đổi. Lúc đó, lợi thế cạnh tranh về học phí sẽ không còn.

Chúng tôi cho rằng các chính sách tự chủ cần thực chất hơn (tự chủ chương trình học, tự chủ nhân sự), trong khi nhà nước vẫn phải tiếp tục duy trì một mức ngân sách ổn định hằng năm cho các đại học công lập. Nếu các đại học công lập không đáp ứng được nhu cầu học tập ngày càng cao của tầng lớp trung lưu, có thể chúng ta sẽ sớm chứng kiến hiện tượng chảy máu chất xám ở một mức độ nghiêm trọng hơn – nhiều sinh viên thuộc tầng lớp trung lưu hiện đã có đủ điều kiện để du học và đang tích cực tìm kiếm cơ hội định cư ở nước ngoài.

Chú thích:

Bài viết được rút gọn và bổ sung từ chương Fighting the Stigma of “Second-Tier” Status: The Emergence of “Semi-Elite” Private Higher Education in Vietnam của chính tác giả, trong cuốn sách Higher Education in Market-Oriented Socialist Vietnam: New Players, Discourses, and Practices do GS.TS. Phan Lê Hà và TS. Đoàn Bá Ngọc chủ biên, Palgrave Macmillan xuất bản tháng 9/2020. Các thông tin trong bài viết có nguồn trích dẫn đầy đủ trong bản gốc tiếng Anh.