Với các nhà nghiên cứu, tình thế nguy ngập của việc rời châu Âu của Anh khiến nhiều vấn đề thực tế như di chuyển, các khoản đầu tư cho nghiên cứu… khó có thể cân bằng.

Thủ tướng Anh Boris Johnson tới thăm các phòng thí nghiệm xét nghiệm Covid-19 của Trung tâm Sinh học Anh ở Milton Keynes ngày 13/6/2020. Nguồn: ukbiocentre.com
Thủ tướng Anh Boris Johnson tới thăm các phòng thí nghiệm xét nghiệm Covid-19 của Trung tâm Sinh học Anh ở Milton Keynes ngày 13/6/2020. Nguồn: ukbiocentre.com

Nhiều nhà nghiên cứu ước là họ có thể quên đi “thực tại” Brexit nhưng không thể.

Ngày 1/1/2021 sẽ đến mang theo những thay đổi với đời sống xã hội và chính trị, bao gồm cả việc nghiên cứu khoa học.

Trước mắt đã đạt được một vài tiến bộ nhất định trong việc quy định mới về việc di chuyển từ Anh sang châu Âu và ngược lại trong quá trình hợp tác, tìm việc….của các nhà khoa học. Tuy nhiên vấn đề làm đau đầu các nhà khoa học Anh nhất là việc thiếu sự rõ ràng về việc liệu họ có còn được hưởng lợi ích từ các chương trình ưu tiên của EU hay không. Nhiều người coi đây là vấn đề cốt lõi với tương lai khoa học Anh.

Dưới đây là những vấn đề sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khoa học Anh, theo tạp chí Nature.

Di chuyển: visa đặc biệt cho các nhà khoa học

Với hệ thống quy định về di chuyển, Anh và EU đã đạt được nhiều tiến bộ và các nhà hoạch định chính sách đã tạo được những giải pháp đặc biệt cho các nhà khoa học. Nếu bất kỳ ai trong số 14,4 triệu nhà khoa học và kỹ sư ở EU muốn làn việc tại Anh sau 1/1/2021, họ có thể nộp hồ sơ xin visa Global Talent, vốn có thời gian xét nhanh hơn các đối tượng thông thường. Chính phủ Anh sẽ thiết lập một văn phòng riêng (The Office for Talent) để hỗ trợ các nhà khoa học và những người khác trong quá trình làm visa.

Thách thức hiện giờ là thu hút những nhà khoa học tới Anh làm việc và nhà khoa học Anh nào muốn di chuyển tới một quốc gia EU nào đó làm việc sẽ còn phụ thuộc vào kết quả các cuộc đàm phán Anh-EU. Nếu không đạt được thỏa thuận, họ sẽ phải tuân theo quy định của từng quốc gia một. Nhà di truyền học Paul Nurse, giám đốc Viện Nghiên cứu Francis Crick ở London, nhận xét. “Dẫu chúng ta nói là chúng ta mở cửa nhưng thực tế lại không như vậy. Nó giống như là việc chúng ta đang chia tách khỏi người hàng xóm thân thiết nhất của chúng ta vậy”, ông nói.

Kinh phí đầu tư cho nghiên cứu: Chưa rõ ràng

Mong ước của các nhà khoa học Anh là họ vẫn là thành viên của Horizon EU, chương trình đầu tư cho nghiên cứu hàng đầu châu Âu và sẽ khởi động vào ngày 1/1/2021. Các chính trị gia Anh vẫn lặp đi lặp lại tuyên bố mục tiêu của Anh vẫn là hướng đến kế hoạch có kinh phí 80 tỉ bảng (88 tỉ USD) như một thành viên liên kết – vốn là điều kiện để các nhà nghiên cứu Anh có thể tham gia tương tự như các đồng nghiệp EU. Nhưng điều này sẽ còn phụ thuộc vào kết quả thỏa thuận chung trong vài ngày tới.

Về mặt lịch sử, Anh đã nhận được nhiều kinh phí từ nguồn ngân sách EU hơn cả phần tiền đóng vào đó và hiện không muốn trả quá nhiều tiền để được quyền tham gia chương trình này. EU đang đề xuất với Anh một phương án tài chính có lợi cho mình, điều đó có nghĩa Anh phải trả một khoản lớn để được quyền tham gia Horizon EU. Và điều đó không làm Anh thích thú. “Nếu không hạ mức kinh phí cho Anh, thì rất khó để chứng minh được giá trị mà số tiền phải đóng vào EU đem lại cho Anh”, Beth Thompson, người phụ trách mảng chính sách Anh và EU tại Quỹ từ thiện trong lĩnh vực y sinh Wellcome Trust ở London nói.

Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận Brexit, Chính phủ Anh sẽ lập một dạng Kế hoạch Khám phá có thể thay thế những nguồn đầu tư ưu tiên của EU. Chính phủ cho biết sẽ có những khoản đầu tư dài hạn cho các nhà nghiên cứu ở Anh hoặc cho các nhà nghiên cứu đến từ bất cứ nơi nào trên thế giới.

Quy định, dữ liệu và thử nghiệm lâm sàng

Các ca thử nghiệm lâm sàng có thể phải dừng lại nếu Anh và EU không đạt được một thỏa thuận “được công nhận chung” để chấp nhận các tiêu chuẩn của nhau trong y học và thử nghiệm. Thiếu nó, hàng triệu loại thuốc và các ca điều trị từ EU vào Anh mỗi năm có thể đối mặt với những kiểm tra an toàn và chất lượng thêm. Nó có thể dẫn đến việc làm ngưng các pha điều trị lâm sàng và chăm sóc bệnh nhân, Emlyn Samuel, người phụ trách phát triển chính sách tại Trung tâm nghiên cứu bệnh ung thư Anh (CRUK), dự đoán.

Không có thỏa thuận cũng có thể gây cản trở việc trao đổi dữ liệu giữa các nhà nghiên cứu, đem lại tác động lên các ca điều trị lâm sàng, vốn đòi hỏi trao đổi luân phiên dữ liệu về bệnh nhân giữa các bên, Samuel chỉ ra. Anh đang chờ EU quyết định về các điều khoảng bảo vệ dữ liệu sẽ “bất bình đẳng” để các viện nghiên cứu Anh có thể tiếp tục tự do đón nhận dữ liệu các nhân từ EU sau ngày 1/1/2021. Nếu không có điều này, các nhà nghiên cứu EU đang hợp tác với Anh có thể sẽ cần thêm điều khoản trong hợp đồng để đảm bảo việc gửi dữ liệu tới Anh. Đây cũng là một thứ rắc rối khiến Anh khó khăn trong làm việc với EU.

Thành lập các cơ sở nghiên cứu mới

Các cơ sở nghiên cứu hạt nhân và khí hậu là nơi các nhà nghiên cứu muốn bảo vệ khỏi ảnh hưởng của Brexit. Trung tâm Dự báo thời tiết hạn vừa châu Âu đặt tại Anh (ECMWF) là một tổ chức độc lập nhưng phần lớn các dự án khoa học ở đây do EU tài trợ như một phần của chương trình quan sát trái đất Copernicus. Do đó người ra đang thành lập một cơ sở mới để có thể tiếp tục triển khai hoạt động của EU, tránh ảnh hưởng Brexit. Các quốc gia EU đang tìm địa điểm mới và quyết định có thể là vào tháng 12 tới.

Dòng chảy đầu tư là một vấn đề đáng lo ngại: các nhà nghiên cứu Anh có thể bị bỏ lại nếu họ không nhận được kinh phí đầu tư từ Horizon Europe. Trong một cuộc điều tra năm 2017, 84% trong tổng số 135 cơ sở nghiên cứu Anh cho biết là có nhận kinh phí từ nhiều nguồn của EU. Chính phủ Anh không thể bù được những khoản mất mát đó trong tương lai gần.

Phòng thí nghiệm chung Joint European Torus (JET) gần Oxford chủ yếu là trên kinh phí đầu tư của EU. Đây là thực nghiệm nhiệt hạch hạt nhân lớn nhất thế giới (ITER) và theo thỏa thuận với EC thì kinh phí dẫn còn được đảm bảo đến tận tháng 10/2021. Ian Chapman, CEO của Cơ quan năng lượng nguyên tử Anh phụ trách dự án này. Ông tin tưởng vào một thỏa thuận sẽ đạt được để điều hành phòng thí nghiệm đến năm 2024.

Thiết bị và vật tư phòng thí nghiệm: Nỗi sợ hãi chậm trễ

Các nhà nghiên cứu lo ngại những trang thiết bị thiết yếu cho phòng thí nghiệm sẽ có thêm một số rào cản sau ngày 1/1/2021. Thiếu thỏa thuận, các sản phẩm qua lại giữa Anh và EU sẽ phải đối mặt với một số loại thuế và kiểm tra hải quan mới, qua đó dẫn đến những chậm trễ ngắn hạn khi nhập khẩu vào Anh. “Rõ ràng chúng tôi lo ngại về việc liệu vật tư cấp cho chúng tôi có sẵn sàng đáp ứng yêu cầu đó không,” theo Don Bowman, giám đốc London Universities Purchasing Consortium, một trong sáu tổ chức cung cấp hợp đồng cho các phòng thí nghiệm.

Đồ nhựa như đĩa Petri, thường đến từ Đức có thể là thứ bị hạn chế vận chuyển nếu không có thỏa thuận, Jiteen Ahmed, người phụ trách kỹ thuật tại trường Đại học Aston ở Birmingham và chủ tịch nhóm phòng thí nghiệm tại Southern Universities Purchasing Consortium, nói. “Nếu xảy ra tình trạng thiếu thiết bị thì có thể các nhà nghiên cứu không thực hiện được dự án của mình”, ông nói.

Nguồn: Nature.com