Tình cảnh túng quẫn của những người mắc kẹt ở Nhật Bản đang chờ đợi chuyến bay trở về chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh chung người lao động Việt Nam ở nước ngoài bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Bữa cơm của những người mắc kẹt do Covid-19 ở Đại Ân tự (Daionji), TP.Honjo (tỉnh Saitama, Nhật Bản). Nguồn: Chụp màn hình của The Asahi Shimbun.

Một thực trạng đau lòng

Có lẽ phần lớn những người Việt tại Nhật Bản không còn nghĩ đến “vận may” khi chưa bị mắc Covid vì dưới góc độ khác, họ đã bị con virus này dồn vào chân tường: thứ nhất là nhiều người mất việc và thứ hai là không thể về quê hương do không có các chuyến bay thương mại thường xuyên nên phải lang thang vạ vật xếp hàng chờ đến lượt được bước lên những chuyến bay giải cứu do chính phủ tổ chức. Ngày 16/2 vừa qua, một video clip có tiêu đề “Tôi không thể về nhà, nhưng tôi cũng không tìm được việc làm”1 trên blog đài phát thanh truyền hình NHK Nhật Bản nói về tình thế mắc kẹt của họ. Đây là tình trạng mà không chỉ đài NHK mà các tờ báo lớn khác của Nhật như The Asahi Shimbun, phản ánh từ năm ngoái, kể từ khi Covid xảy ra.

Trước đó, những người Việt bị mắc kẹt ở lại đã được truyền thông Nhật chú ý khi vào tháng 10, cảnh sát Nhật Bản đã bắt giữ khoảng 20 người Việt Nam ở các tỉnh Gunma và Saitama vì giết mổ lợn trái phép và ở quá hạn thị thực. Những kênh truyền thông này quan tâm đặc biệt đến người Việt vì theo thống kê hiện nay, tính đến cuối năm 2019, có khoảng 410.000 người Việt sống tại Nhật (tăng khoảng 10 lần sau 10 năm). Và hơn một nửa trong số 410.000 lao động theo chế độ thực tập sinh nước ngoài tại Nhật (tức khoảng 220.000 người) là người Việt Nam. Từ 2016, Việt Nam đã vượt Trung Quốc có số lao động xuất khẩu theo diện thực tập sinh đông nhất tại Nhật. Ngoài ra còn có khoảng 80.000 du học sinh Việt Namđang học tập ở đây2.

Do khó có thống kê và mô tả nào cho thấy hết được những khó khăn của đồng bào xa xứ, chúng ta chỉ có thể hình dung một phần nào thông qua câu chuyện của những người Việt tìm đến chùa Đại Ân (Daionji) ở TP.Honjo (tỉnh Saitama, Nhật Bản) - ngôi chùa thường giúp đỡ những người Việt cơ nhỡ, đặc biệt trong thời điểm Nhật Bản chịu cơn sóng thần năm 2011, mong được cưu mang. Sư cô Hiền Nhiên, một vị tu hành ở chùa Đại Ân trả lời phóng viên Tia Sáng, “thông thường trước đây mỗi tháng chỉ có vài người, khi cao điểm là vài chục người tới chùa xin cơm, gạo, mỳ gói hoặc tá túc để giải tỏa những khó khăn tinh thần sau khi lao động quá cực nhọc nhưng kể từ Covid, nhà chùa đã tiếp nhận trung bình mỗi tháng 150 em, năm vừa qua đã lên tới hơn 2000 em”. Theo lời kể của sư cô, có thể chia những người xin tá túc vào ba nhóm chính: những lao động xuất khẩu theo diện thực tập sinh hết hạn không có chỗ ở và việc làm; những người không xin được visa để tiếp tục; những người lao động bất hợp pháp chỉ được thuê làm việc tay chân và đã hoàn toàn mất việc. Đáng thương nhất là trong số những người đó có rất nhiều phụ nữ trẻ đang mang bầu, trung bình từ lúc Covid mỗi tháng có 8-9 phụ nữ mang thai tới đây xin tá túc.


Hàng dài những bản thông tin về người mắc kẹt do Covid-19 ở Đại Ân tự. Nguồn: Chụp màn hình video của The Asahi Shimbun.

Lúc đầu, các sư cô còn có nguồn dự trữ là mấy trăm thùng mì, gạo do Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi sang tiếp tế cho nhà chùa để nuôi các em nhưng rồi cũng không đủ, mà phải kêu gọi cộng đồng người Việt Nam ở Nhật cùng hỗ trợ. Sau khi đài NHK của Nhật Bản làm phóng sự về chùa thì người dân Nhật Bản đã thương cảm gửi lương thực, tiền bạc tiếp tế. Để lo cho sự sinh tồn trước mắt của người Việt lâm vào cảnh khốn khổ, nhà chùa còn vận động tài trợ để mua được hơn 100 tấn gạo, mì gói chất lên xe tải chở đi các điểm, các tỉnh có người Việt đang ở để cứu đói. “Có nhiều bạn đã viết thư về cho nhà chùa là ‘nếu không có 5 kg gạo này thì con chết đói ở nơi này mất sư cô ơi’”, sư cô Hiền Nhiên kể.

Nhưng cái đói cái rét không phải là nỗi ám ảnh duy nhất với những người mắc kẹt, mà còn vấn đề khủng hoảng tâm lý. Hồi tháng 12 năm ngoái3, độc giả của The Asahi Shimbun, một trong năm tờ báo lớn nhất ở Nhật đã biết tới câu chuyện của một lao động 29 tuổi được bạn bè phát hiện trong tình trạng bất tỉnh và con dao đâm vào ngực. Sau khi tỉnh lại, được Đại Ân tự cưu mang, anh đã viết: “Tôi mất việc vì Covid-19. Tôi bị trầm cảm và từng tìm cách tự sát. Xin giúp đỡ tôi!”. Rất nhiều trường hợp như vậy. Mạng lưới của chùa Đại Ân đã kịp thời cứu 10 trường hợp tự tử, có nhiều em về đến chùa, mặc cho mùa đông lạnh vẫn cứ nửa đêm đứng dưới trời tuyết rơi dày, nhưng cũng có mấy trường hợp tự tử mà không ai biết cả, các sư cô chỉ có thể đi cầu siêu cho các em, sư cô Hiền Nhiên cho biết.

Ai giải cứu họ?

Mặc dù chưa phản ánh hết những khó khăn hằng ngày mà những người mắc kẹt tại Nhật Bản phải đối mặt nhưng dữ liệu của Bộ Tư pháp quốc gia này đã vẽ nên một bức tranh tồi tệ: tính đến cuối năm ngoái, khoảng 36.000 thực tập sinh không thể về nước do hạn chế đi lại ngay cả khi thời gian đào tạo của họ ở Nhật Bản đã kết thúc. Sư cô Hiền Nhiên kể, theo thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, đến nay có tới 50 nghìn người đăng ký các chuyến bay giải cứu để về nước, và sau hơn một năm Covid mới giải cứu được 30 nghìn. Nhà chùa Đại Ân cũng hỗ trợ những người xuất khẩu lao động đang ở chùa liên lạc với đại sứ quán để đăng ký trở về.

Có lẽ con số mà nhà chùa và đại sứ quán nắm bắt được cũng chưa phản ánh hết những gì mà người Việt đang trải qua ở Nhật. Tôi đã vào trang chủ của sư cô Tâm Trí, trụ trì chùa Đại Ân, vẫn có những comment xin tá túc, bị trôi, chìm lẫn trong số hàng trăm comment bên dưới các post mà nhà chùa, với chỉ vỏn vẹn bốn sư cô, chưa thể đọc được, ví dụ có tin nhắn “thưa sư phụ, con thất nghiệp đã mấy tháng nay, xin nhà chùa cho đến ở để đợi vé về được không ạ?” vẫn chưa được trả lời. Lần theo facebook của một số bạn, tôi mới biết là nhiều bạn ngay tối hôm qua vẫn phải ngủ ngoài vỉa hè Tokyo. Họ cũng đã liên lạc với đại sứ quán nhiều lần nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm, không biết khi nào mới có thể trở về. Sư cô Hiền Nhiên cho biết, các sư cô, có người vẫn còn đang phải đi học đại học, thường phải mở điện thoại, facebook 24/ 24 để tránh sót tin nhắn, fanpage quá nhiều người follow (theo dõi) cũng phải được check tin nhắn chờ, nhưng vẫn không xuể. Có thời điểm cả ba sư cô đều mắc Covid-19 và phải cách ly, chỉ còn lại duy nhất một người lo công việc.


Một thực tập sinh thất nghiệp, hết hạn thị thực đang comment xin tá túc ở chùa Đại Ân. Ảnh chụp màn hình

Theo các thống kê chính thống, Việt Nam có khoảng hơn 500.000 người xuất khẩu lao động đang ở các nước. Ngoài ra, còn có lưu học sinh, chưa kể di cư tự do. Trong tổng số ấy, “con số mắc kẹt, mất việc làm do Covid có lẽ là rất lớn, chưa kể trong bối cảnh hậu Covid vẫn tiếp tục khiến kinh tế các nước gặp khó khăn thì cơ hội tìm kiếm việc làm của người Việt ở nước ngoài cũng rất khó khăn”, TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, nhận định.

TS. Phùng Đức Tùng cho rằng, người lao động Việt Nam ở nước ngoài có vai trò rất quan trọng với kinh tế xã hội Việt Nam, khi một mặt giúp giảm bớt thâm hụt thương mại cho Việt Nam trong nhiều năm nay, là nguồn vốn quan trọng giúp cho Việt Nam có nguồn lực để phát triển kinh tế; đồng thời giúp giảm sức ép các vấn đề xã hội khi tạo ra việc làm (vì hiện nay Việt Nam chưa thể tạo được đủ việc làm thâm dụng lao động năng suất cao). Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH, lượng kiều hối do người lao động Việt Nam ở nước ngoài chuyển về ước đạt 3-4 tỉ USD hằng năm. Để làm được những điều ấy, “họ gần như phải hi sinh toàn bộ cuộc sống của mình, có những người nhiều năm không trở về, cuộc sống như khổ sai, không thể hòa nhập cộng đồng bên đó, tiếng không biết, gia đình không gặp, cuộc sống khổ sở ngay cả lúc bình thường chứ chưa nói lúc Covid”, TS. Phùng Đức Tùng nhận xét. "Do vậy, chính phủ cần nhanh chóng thúc đẩy các giải pháp để đón họ về, chứ các chuyến bay giải cứu hiện nay còn quá ít ỏi, chưa thấm vào đâu so với nhu cầu trở về của người Việt Nam đang mắc kẹt ở nước ngoài”.

Anh cũng nói tới vấn đề sức tải, khả năng nhận cách ly hiện nay ở Việt Nam mà báo chí đã nêu từ cuối năm ngoái và cho rằng vẫn có cách để tận dụng các cơ sở hạ tầng hiện nay làm nơi cách ly cho người Việt Nam từ nước ngoài trở về. Theo anh, đón người Việt trở về, ngoài việc sử dụng các doanh trại quân đội như hiện nay thì có thể sử dụng các trường học nghỉ hè trong ba tháng hè tới để đón người về. Tận dụng các khu vực hải đảo biệt lập cũng giúp cách ly mà không gây nguy cơ lây nhiễm Covid cho cộng đồng. “Huy động cộng đồng, đào tạo cho cộng đồng cách xử lý, làm dịch vụ đón người về. Tôi cho rằng việc huy động cộng đồng để đón người lao động hồi hương về cũng không khó khăn, nhìn từ trận lũ vừa qua có thể thấy được sức mạnh của cộng đồng”, TS. Phùng Đức Tùng nói.□

Cũng có một số trường hợp người xuất khẩu lao động mất việc may mắn tìm được công ăn việc làm mới, nhưng không thấm vào đâu so với số mắc kẹt quá lớn. Trước đây Nhật Bản không cho phép những người lao động xuất khẩu theo diện thực tập sinh hết thời hạn thị thực được phép ở lại, nhưng trong bối cảnh Covid – 19, chính phủ cũng cho phép những người hết hạn thị thực ra khai báo và sẽ được phép làm việc 28 giờ mỗi tuần. Một số tổ chức phi chính phủ như nhóm Hỗ trợ Chung sống Việt Nam – Nhật Bản (Japan-Vietnam Coexistence Support Group) cũng đang nỗ lực hỗ trợ người Việt mắc kẹt ở Nhật tìm việc làm. Jiho Yoshimizu, điều hành nhóm Hỗ trợ, ở Tokyo, cho biết cho đến nay nhóm của cô đã nhận được hàng nghìn trường hợp tìm kiếm sự giúp đỡ, nhưng mới chỉ hỗ trợ tìm việc được cho gần 100 trường hợp.

Nhưng ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản vẫn là phải hỗ trợ chính người lao động Nhật Bản trước, khi mà bất kỳ nước nào bây giờ cũng đều phải ứng phó với nạn thất nghiệp, kinh tế khủng hoảng do Covid-19 gây ra. “Chính sách chống virus coronavirus của chính phủ hiện tại là tập trung vào việc giúp đỡ người Nhật”, Yoshimizu trả lời Reuteurs4

-----

Chú thích

1 https://www.nhk.or.jp/osaka-blog/ohayou/443695.html?

2 http://www.asahi.com/ajw/articles/14125024?

3 http://www.asahi.com/ajw/articles/13968578?

4 https://www.reuters.com/article/us-health-coronavirus-japan-temple-idUSKBN2480P2