Hiện nay, cứ ba ngày Ấn Độ lại có thêm hơn 1 triệu ca nhiễm Covid-19. Số người chết luôn vượt 2.500 ca/ngày trong ba ngày trở lại đây.

Các bác sĩ cho biết, tỷ lệ dương tính Covid ở Delhi đang ở mức trên 35%; trong khi ở thành phố Kolkata thuộc Tây Bengal, nơi vẫn đang trải qua các cuộc bầu cử cấp bang, con số này là gần 50%.

Các nhà dịch tễ học và các chuyên gia đang suy đoán rằng, sự kết hợp của 4 yếu tố, như liệt kê dưới đây, đã tạo ra điểm bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất thế giới ở nước này.

Các nhân viên y tế chăm sóc một bệnh nhân Covid tại một bệnh viện ở Mumbai, Ấn Độ.

Biến thể

Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, như biến thể Anh và biến thể B1617, đang gây ra các ca nhiễm ở một số vùng của Ấn Độ, cùng với các biến thể khác đến nay chưa được nghiên cứu đầy đủ. Nhìn chung, các nhà dịch tễ học dự đoán các biển thể này đều có khả năng lây lan cao hơn so với biến thể SARS-CoV-2 lây nhiễm ở Ấn Độ vào năm ngoái.

“Có thể đánh giá những biến thể này đều có khả năng lây nhiễm cao hơn, dựa trên hành vi của chúng”, TS Shahid Jameel, nhà virus học và giám đốc Trường Khoa học sinh học Trivedi tại Đại học Ashoka, nói. “Mặc dù ở Ấn Độ, chúng tôi không thể liên kết một biến thể nhất định nào với sự gia tăng số ca nhiễm [chẳng hạn như ở Anh hoặc Nam Phi], nhưng đó là lời giải thích hợp lý”.

Thất bại chính trị

Các biến thể mới đã xuất hiện ở Ấn Độ ít nhất từ tháng 12 năm ngoái, khi số ca nhiễm đang trên đà giảm, vì vậy đây không thể là yếu tố duy nhất đằng sau đợt bùng phát mới này. Ấn Độ đã nới lỏng phần lớn các biện pháp cách ly và giãn cách xã hội vào tháng 3 - một quyết định hiện được coi là sai lầm nghiêm trọng.

Số ca nhiễm được ghi nhận ở Ấn Độ bắt đầu giảm mạnh từ tháng 9/2020, đáng nhẽ đây là một cơ hội để củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe và xây dựng cơ sở hạ tầng tiêm chủng trước khi xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai. Làn sóng thứ hai thường lây lan rộng hơn, như các quốc gia khác đã chứng kiến, và nhiều nhà khoa học đã cảnh báo là không thể tránh khỏi.

Thay vào đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ủng hộ các cuộc biểu tình bầu cử, nơi ông tỏ ra tự hào về quy mô của đám đông, và ủng hộ các trận đấu cricket trong một sân vận động mới mang tên ông. Đảng Bharatiya Janata của Modi tuyên bố Ấn Độ đã đánh bại Covid-19 trong một bản tổng kết tuyên dương vào tháng 2/2021.

Các sự kiện được phép tiếp tục bao gồm Kumbh Mela, một trong những cuộc tụ họp lớn nhất trên thế giới, thu hút hàng triệu người hành hương đến bờ sông Hằng trong vài tuần. Trong số đó có lẽ không thiếu các vật chủ tiềm năng cho bất kỳ biến thể SARS-CoV-2 nào đang lưu hành.

Đối với nhiều người Ấn Độ sống trong những khu ổ chuột đông đúc hoặc buộc phải làm việc để tồn tại, giãn cách xã hội là không thể. Tuy nhiên, những người khác, đặc biệt là những người thuộc tầng lớp trung lưu ở các thành phố lớn hơn, đáng nhẽ đã có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa Covid-19 để giúp làm chậm sự lây lan của virus. Nhưng nhận được tín hiệu "chiến thắng" từ các lãnh đạo, nhiều người Ấn Độ đã từ bỏ các biện pháp này trong suốt tháng 2 và tháng 3/2020 và quay trở lại các nhà hàng, thẩm mỹ viện, trung tâm thương mại...

Cơ sở hạ tầng y tế yếu kém

Ấn Độ có nhiều bệnh viện và chuyên gia y tế giỏi, nhưng hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia của nước này là một trong những hệ thống "nghèo" nhất trên thế giới, chỉ ở mức hơn 1% GDP. Cứ 1.000 người mới có ít hơn 1 bác sĩ, và con số này còn giảm hơn nữa ở các vùng nông thôn và các bang nghèo.

Kết quả là một hệ thống chăm sóc sức khỏe mong manh, ít giường bệnh hơn nhu cầu, và nguồn cung cấp thiết bị y tế, thuốc và oxy hạn chế, không thể chịu được số lượng ca bệnh tăng nhanh.

Khả năng theo dõi quy mô thực tế của đại dịch ở Ấn Độ cũng tương đối kém. Ở các vùng nông thôn, nhiều trường hợp tử vong tại nhà và nguyên nhân tử vong không được ghi nhận.

Vaccine

Ấn Độ bước vào đại dịch với tư cách là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Nước này vẫn tiếp tục sản xuất hơn 80 triệu liều vaccine mỗi tháng, nhưng hiện đang bị bỏ xa bởi Trung Quốc và Mỹ, những nước đã đầu tư đáng kể vào năng lực sản xuất hồi năm ngoái. Ngược lại, Ấn Độ đang rơi vào tình trạng thiếu hụt, việc triển khai vaccine trong dân số Ấn Độ chậm hơn dự kiến - đến nay cứ mỗi 100 người thì có khoảng 9 người được tiêm ít nhất một liều vaccine.

Do kích thước dân số quá lớn, việc tiêm chủng để tránh làn sóng thứ hai là điều nằm ngoài tầm với của Ấn Độ. Tính đến ngày 24/4, đã có khoảng 1 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn thế giới. Giả sử tất cả 1 tỷ liều đó đều được sử dụng ở Ấn Độ, thì cũng mới tiêm chủng được cho khoảng 500 triệu người (hầu hết vaccine Covid đến nay vẫn cần tiêm 2 liều/ một người) - để lại khoảng 400 triệu người Ấn Độ trưởng thành chưa được tiêm vaccine.

Nguồn: