Sáng 2/6, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.
Báo cáo trước Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ những điểm đã được tiếp thu, chỉnh lý của dự án luật. Theo đó, sau khi tiếp thu, chỉnh sửa, dự thảo luật có 6 chương, 63 điều (tăng 1 điều so với dự thảo Chính phủ trình Quốc hội).
Liên quan đến chính sách của Nhà nước đối với chuyển giao công nghệ (CGCN) ở điều 4, một số ý kiến đề nghị chỉnh sửa, bổ sung chính sách để làm rõ hơn đối với 3 luồng CGCN. Đối với luồng CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam, cần khuyến khích CGCN cao, tiên tiến đã được kiểm chứng. Đối với luồng CGCN trong nước, cần có chính sách thúc đẩy việc CGCN từ các viện, trường, các tổ chức KH&CN trong nước vào sản xuất, coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới và CGCN, đẩy mạnh sự lan tỏa công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang khu vực doanh nghiệp trong nước. Đối với luồng CGCN từ Việt Nam ra nước ngoài, cần coi đây là một trong những động lực quan trọng của đổi mới công nghệ.
Ông Dũng cho biết: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được tiếp thu ý kiến xác đáng của các đại biểu và đã bổ sung, chỉnh sửa điều 4 về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động CGCN, gồm 6 khoản như trong dự thảo luật. Đồng thời, các điều, khoản của dự thảo luật đã cụ thể hóa các chính sách này”.
Về các ý kiến đại biểu quốc hội cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có sự tham gia của gần 70% dân số trong lĩnh vực nông nghiệp nên cần có chính sách thúc đẩy phát triển KH&CN trong lĩnh vực này, nhất là ở những vùng kinh tế- xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xác định đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, do đó khoản 2, điều 4 đã quy định: Ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cho hoạt động CGCN trong nông nghiệp, nông thôn, miền núi. Đồng thời, các điều 52, 53 và 54 đã quy định cụ thể hoạt động CGCN ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; điều 55 đã quy định về CGCN trong nông nghiệp” – ông Dũng cho biết.
Trước một số ý kiến của đại biểu quốc hội đề nghị không nhập khẩu công nghệ lạc hậu vào Việt Nam, đặc biệt là máy móc, thiết bị cũ; quy định cụ thể và rõ ràng hơn tiêu chí của công nghệ khuyến khích chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao và công nghệ cấm chuyển giao để có chính sách quản lý phù hợp làm cơ sở cho việc kiểm soát công nghệ được chuyển giao; tạo điều kiện cho công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ mới được chuyển giao vào Việt Nam, ông Dũng khẳng định các ý kiến này đã được ban soạn thảo rà soát, chỉnh sửa.
Theo đó, đã có quy định cụ thể về công nghệ khuyến khích chuyển giao (điều 10), công nghệ hạn chế chuyển giao (điều 11) và công nghệ cấm chuyển giao (điều 12). Dự thảo Luật đã phân định rõ các luồng công nghệ chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam, trong lãnh thổ Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài. Để linh hoạt và thích hợp với từng thời kỳ phát triển và sản xuất, theo dự thảo luật, Chính phủ được giao quy định cụ thể các danh mục công nghệ này (điều 56).
Ngay sau phần trình bày báo cáo của Ủy ban Thẩm tra, tại phiên thảo luận hội trường, đã có 26 lượt đại biểu đăng ký phát biểu góp ý thêm cho dự thảo Luật và 6 đại biểu đã đăng ký nhưng không còn thời gian phát biểu.
Theo đó, cơ bản các ý kiến tán thành báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) do ông Phan Xuân Dũng trình bày. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cơ quan thẩm tra, ban soạn thảo rà soát bổ sung một số điều trong dự thảo để luật được chặt chẽ hơn.
Ngay sau phần ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã đề nghị Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh giải trình thêm.
Bày tỏ sự cảm kích trước các ý kiến góp ý của đại biểu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định đây là cơ hội để ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự án luật.
Liên quan đến các nhóm vấn đề được các đại biểu góp ý, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, ban soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan khẩn trương tiếp thu các ý kiến đại biểu để hoàn thiện, chỉnh lý để dự thảo Luật đạt kỳ vọng như đại biểu Quốc hội đã đặt ra.
Theo chương trình, vào ngày 19/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi).