Sáng 16/3, tại Phiên họp lần thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi).
Đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo (Bộ Khoa học và Công nghệ - KH&CN), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dự thảo lần này và báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý đã tiếp thu rất tốt hầu hết ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Cụ thể, trong phần đầu về chính sách của Nhà nước đã khái quát đầy đủ được các chủ trương nhằm đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ (CGCN). Cụ thể, việc hạn chế, ngăn chặn thiết bị lạc hậu vào Việt Nam được thể hiện rõ ở chương 2 với 6 điều đã được Bộ KH&CN tiếp thu đầy đủ các ý kiến. Nhiều cơ chế, chính sách, nhiều quy định mới tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động chuyển giao công nghệ.
“Sau khi luật này ra đời, hoạt động CGCN sẽ tốt hơn, việc phát triển thị trường công nghệ sẽ đi nhanh hơn” - Chủ tịch Quốc hội kỳ vọng.
Theo báo cáo của Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - tại phiên họp, từ ý kiến của các đại biểu thảo luận ở tổ và tại hội trường trong phiên họp thứ hai Quốc hội khóa XIV, Ban soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với ủy ban để nghiên cứu, tiếp thu. Dự thảo luật với 6 chương, 59 điều đã bao quát tất cả các vấn đề đặt ra như: Phạm vi điều chỉnh của luật; chính sách của Nhà nước đối với hoạt động CGCN; công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư; phát triển thị trường KH&CN; thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ; chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động chuyển giao công nghệ.
Các nhóm vấn đề chính gồm: Chính sách của Nhà nước về CGCN; đối tượng CGCN; thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư (chương II); đăng ký CGCN; các biện pháp khuyến khích thúc đẩy CGCN và phát triển thị trường công nghệ; quản lý nhà nước với hoạt động CGCN.
Cụ thể,
về chính sách của Nhà nước vềCGCN:Đối với hoạt động chuyển giao công nghệ, 9 nội dung thể hiện tại điều 4 đã tiếp thu, cập nhật, khái quát được tất cả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hoạt động CGCN. Cụ thể, đã bổ sung các chính sách về CGCN từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động CGCN; khuyến khích hợp tác công - tư để triển khai các dự án đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng và hoạt động nghiên cứu chung với doanh nghiệp. Từ những quan điểm, định hướng chính sách đã nêu, các vấn đề cụ thể đã được xử lý triệt để tại nội dung của các chương, điều của dự thảo luật.
Về thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư: Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Ban soạn thảo nhất trí rằng để có thể kiểm soát hiệu quả các dự án đầu tư, cần phân luồng công nghệ, quy định trách nhiệm, trình tự, thủ tục thẩm định công nghệ ngay trong luật này, đồng thời phải phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Xây dựng và các luật khác có liên quan để giảm thiểu tối đa thủ tục đầu tư, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và thuận lợi trong đầu tư của doanh nghiệp.
Về đăng ký CGCN: Dự thảo luật quy định chỉ những hợp đồng CGCN sau đây phải đăng ký để được cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng CGCN: Hợp đồng CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài; CGCN trong nước có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước. Trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN để được cấp giấy chứng nhận đăng ký CGCN. Trong dự thảo luật đã chỉnh sửa quy định về hồ sơ đăng ký CGCN, thời hạn đăng ký CGCN và bổ sung trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký CGCN, giấy phép CGCN cho phù hợp với thực tế và giảm thiểu thủ tục hành chính. Đồng thời, dự thảo đã tiếp thu đề nghị quy định cấm tiết lộ thông tin cho bên thứ ba làm ảnh hưởng đến lợi ích của bên giao và bên nhận công nghệ...
Về các biện pháp khuyến khích thúc đẩy CGCN và phát triển thị trường công nghệ: Nghiên cứu tiếp thu các ý kiến của đại biểu quốc hội, dự thảo luật đã chỉnh sửa, bổ sung, đề xuất một số chính sách đối với các hoạt động KH&CN nói chung như nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và triển khai thực nghiệm, phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, dịch vụ KH&CN, phát huy sáng kiến và hoạt động sáng tạo khác để thúc đẩy phát triển và thương mại hóa công nghệ...
Đối với việc khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ: Dự thảo quy định doanh nghiệp thành lập tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; doanh nghiệp đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật hoạt động giải mã công nghệ được ưu tiên xem xét hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ lãi suất vay vốn từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia và các tổ chức tín dụng khác. Dự thảo luật cũng đã mở rộng phạm vi sử dụng Quỹ phát triển KH&CN, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia đối với hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ, khuyến khích hình thức hợp tác công- tư, tổ chính chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia vào các dự án đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Để thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN, tạo lập môi trường cho hoạt động CGCN, dự thảo luật quy định Nhà nước khuyến khích, đầu tư từ nguồn ngân sách dành cho hoạt động KH&CN và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để phát triển tổ chức trung gian, nâng cao năng lực nguồn cung và nguồn cầu công nghệ. Căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ có liên quan để xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển thị trường KH&CN quốc gia.
Đồng thời, Dự thảo Luật đã rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các biện pháp khác để khuyến khích thúc đẩy CGCN và phát triển thị trường công nghệ được quy định tại các điều về chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; chính sách thuế thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ; góp vốn bằng công nghệ vào dự án đầu tư; công bố trình diễn, giới thiệu công nghệ, quyền của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ CGCN; hoạt động môi giới, tư vấn và xúc tiến CGCN; hoạt động đánh giá, định giá và giám định công nghệ, trách nhiệm của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đối với hoạt động CGCN cho phù hợp với thực tế và văn phong pháp luật.
Về quản lý nhà nước đối với hoạt động CGCN: Dự thảo luật đã rà soát, chỉnh sửa, bổ sung trách nhiệm của Chính phủ, Bộ KH&CN, các bộ có liên quan, chính quyền địa phương trong việc quản lý hoạt động CGCN và bố cục thành một chương (Chương V - Quản lý Nhà nước về CGCN).
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường, Ban soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để chỉnh lý Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Theo đó, có các nhóm ý kiến lớn đã được tiếp thu giải trình gồm: Chính sách của Nhà nước về CGNC nói chung,chính sách của Nhà nước về CGCN với lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, các biện pháp khuyến khích CGCN, thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư, hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng đổi mới công nghệ, và quản lý nhà nước trong hoạt động CGCN cùng với một số nội dung khác.
Cụ thể, dự thảo luật trước đó có 7 chương, 62 điều, nay đã xem xét thay thế 11 điều cũ, bổ sung 8 điều mới, điều chỉnh, ghép thêm 3 điều và rút đi 1 chương, điều chỉnh lại kết cấu và hiện nay đã đảm bảo bao quát toàn bộ phạm vi điều chỉnh chính sách của Nhà nước trong hoạt động CGCN.
Kết luận phiên họp, ông Phùng Quốc Hiển - Phó Chủ tịch Quốc hội - cho rằng, về cơ bản, UBTVQH thống nhất với các hướng tiếp thu, giải trình và các nội dung đã được chỉnh sửa của Dự án Luật CGCN (sửa đổi); yêu cầu cơ quan thẩm tra, Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, đảm bảo sự thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Ông Hiển cũng đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Kinh tế, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phối hợp với Bộ KH&CN rà soát, sau đó chuyển cho các đoàn đại biểu quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật CGCN (sửa đổi).