Tôi nhận được tin nhắn của Nhi Nguyễn, Phó Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng DNES, hỏi thăm về việc cô muốn lập một group trên Facebook để làm “trạm thông tin” hỗ trợ cho Đà Nẵng trong mùa dịch. Mới trả lời “vô cùng ủng hộ” thì đã thấy group xuất hiện và số lượng thành viên tăng lên với cấp số nhân, và vô vàn những câu chuyện ấm tình đồng bào.
Chuyện những thiết bị “hỗ trợ người đeo khẩu trang thường xuyên”
Trái tim như ngừng lại một nhịp khi nhìn thấy hai bức ảnh và câu chuyện của bạn Anh Phan, chủ một tiệm đồ gỗ nội thất và nhiếp ảnh gia ở Đà Nẵng. Bạn và đồng đội của mình ngồi cắt và làm vệ sinh 1.000 cái dụng cụ bảo vệ vành tai, dùng cho người phải đeo khẩu trang thường xuyên đỡ bị những vết hằn, vết cấn trên tai, sau đầu… Bạn đăng vào mục “Muốn giúp đỡ” của nhóm, mong muốn được trao tặng cho bệnh viện cần, anh em trực chốt, hay anh chị em làm việc chống dịch. “Bạn này dẻo dai và không làm vướng hay khó chịu khi sử dụng ạ” – Anh Phan nói, và bạn có sức tới đâu sẽ làm tới đó, hoàn toàn không bán, chỉ tặng.
Người xin 5 cái cho ê kíp trực của bệnh viện miền núi, người nhận đi giao 20 cái cho nhóm đang trực vùng cách ly. Hình như, không có ai muốn xin nhiều, xin cho mình. Nhi Nguyễn nói: “Trong khó khăn mọi người thương nhau nhường nhau đến lạ, chứng kiến những gì diễn ra trong group mà em vừa mỉm cười vừa muốn rớt nước mắt. Có giao dịch đăng thông tin người cần củi nấu nước, vừa đăng lên 4 phút sau có người vô gọi sang chặt gốc cây làm củi... Người khác xung phong mang xe tới chở đi miễn phí”.
Nó giống như chuyện, ai tăng giá khẩu trang thì không biết, nhưng nhà sản xuất vô trong nhóm này, rao bán: Thông tin hỗ trợ giá dành cho những người đi từ thiện: khẩu Trang kháng khuẩn: 1.000đ/ cái; bảo hộ chống dịch: 40.000đ/bộ. Nước uống, mì tôm, gạo… có người thì tặng, có người chỉ bán nửa giá, có người vào mua ủng hộ, có người xung phong đi chuyển quà, đi khuân vác…
Và câu chuyện mỗi ngày một ấm áp hơn, khi mà bác sĩ Ngân Hồ, dù đang trực, vẫn tham gia: “Mọi người ra quân rất nhiệt tình, nhưng mình nghĩ là cuộc chiến sẽ còn rất dài và dai, nên mình nghĩ ai cũng phải giữ sức kể cả các tình nguyện viên, kể cả nguồn thu mà các bạn quyên góp được. Các bạn không thể quyên góp cho chúng tôi mãi nếu như dịch bệnh kéo dài hai tháng, ba tháng, hay tận cuối năm... Các bạn không thể ngày nào cũng chạy ào ào, làm cật lực để hỗ trợ mãi... Mà càng về sau, chúng tôi sẽ càng cần các bạn khi sức lực và tinh thần của chúng tôi giảm dần. Bây giờ mới là bắt đầu thôi... Cho nên, thiết nghĩ mọi người hãy lập kế hoạch thật kĩ, hỗ trợ là tốt nhưng cần nắm rõ thông tin bệnh viện nào thiếu, khoa nào thiếu, hỏi rõ trước khi cho vì đó đều là tiền của công sức của các bạn, vì đã có nơi khẩu trang dùng dễ dãi quá, nơi lại ko có, có bạn đem cơm đi phát phải mang về trong khi có nơi lại thiếu. Khoa mình hiện mới chỉ nhận 1 thùng mì và 7 thùng nước, chưa nhận thêm gì khác, nhưng mình nghĩ lúc này mọi người còn có thể tự mua đồ, tự chuẩn bị được thì cứ thế đã, khi nào bệnh viện mình bị cách li, hoặc tụi mình phải lên đường mà thiếu thốn thực sự, mình mới lên tiếng xin nhờ hỗ trợ. Không thể ỷ lại vào những ngày này được.
Cần cố gắng cho nhiều ngày sau!”.
Nghề xây dựng và hỗ trợ cộng đồng
Chị Ngân Sâu – một trong những người tiên phong làm hỗ trợ khởi nghiệp – hiện đang mắc kẹt tại Mỹ, đi loan tin giúp: “Hiện nay những thông tin hỗ trợ ở Đà Nẵng tản mác cũng nhiều, nên bạn mình - người có uy tín nhất định với cộng đồng lập trình và startup ở khu vực Miền Trung đứng ra làm Facebook Group này để tập hợp lại các nguồn lực. Ai cần thì vào xem để liên hệ nhận đồ hỗ trợ; ai có khả năng chia sẻ nguồn lực được gì thì có thể hê lên cho mọi người cùng biết. Tất cả đồng lòng, stay strong Đà Nẵng”.
Quả thật, Đà Nẵng đã “stay strong” – rất mạnh mẽ nhờ vào sức mạnh của cộng đồng. Chỉ sau chưa đầy một tuần, group mang tên “Together we share – Đà Nẵng” (tạm dịch: Cùng sẻ chia) đã có hơn 1.000 thành viên tham gia vào các nhóm chủ đề khác nhau, như “Muốn giúp đỡ”, “Cần giúp”, “Vận chuyển”, “Thông tin”, “Đã hoàn tất”. Phạm vi thông tin và hỗ trợ đã lan ra khỏi phạm vi Đà Nẵng và đến với nhiều địa phương lân cận hơn, từ Quảng Nam, Huế và cả Quảng Ngãi. Nhiều người con Đà Nẵng cũng theo dõi sát sao các thông tin của nhóm để sẵn sàng “chia lửa” với tiền tuyến.
Nhi Nguyễn bảo, “mình cứ tưởng tượng một ngày mà chia sẻ chéo 5-7 post thông tin về dịch thì sau đợt dịch không còn nhận ra Facebook cá nhân nào nữa. Cho nên mình hy vọng các thông tin được tập hợp vào một hub, sau đó mình sẽ cùng các bạn trong nhóm cố gắng tổng hợp, gọi điện xác nhận xem các hỗ trợ hoặc dịch vụ còn hoạt động hay không? để giúp mọi người có được thông tin chính xác và kịp thời, hiệu quả. Hiện nay các cá nhân, tổ chức đứng ra giúp đỡ hoặc kêu gọi giúp đỡ khá nhiều, mọi người đăng rồi tag rồi hỏi tìm nhau loạn xạ, mình nghĩ mọi người cùng nên gom nhau vào một mối. Người muốn giúp cũng sẽ có cái nhìn tổng quan và xem xét mình nên tham gia hỗ trợ vào nhóm nào phù hợp. Người cần giúp cũng có thể đưa ra những đề xuất giúp đỡ cụ thể để được hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra thì việc có các thông tin tổng quát cũng sẽ giúp các tổ chức và đơn vị chức năng điều phối nguồn hỗ trợ, tài trợ sao cho hợp lý, tránh tình trạng lúc thì chỗ dồn ứ đọng không có sức chứa, chỗ thì thiếu thốn. Nên em mạo muội lập group này, chỉ đơn giản là nơi để người cần giúp - người có thể giúp gặp nhau. Nhóm Together We Share - Đà Nẵng không trực tiếp nhận tài trợ, hỗ trợ mà sẽ dốc hết sức trong việc kết nối cung cầu, tổng hợp thông tin, đề xuất các giải pháp cho các vấn đề liên quan mà các tổ chức/cá nhân gặp phải trong công cuộc chống dịch”.
12 giờ đêm, vẫn thấy Nhi và đồng đội của mình miệt mài làm việc, kết nối và sẻ chia thông tin. Là Lưu Duy Trân – chàng thạc sỹ báo chí mang xe nhà đi chở hàng miễn phí. Là Hoàng Thái Lê, ông chủ hệ thống nhà hàng đang phải đóng cửa vì dịch nhưng lăn xả nấu ăn cho những người bị cách ly. Là Jenny Lý, đang chuẩn bị lên đường du học mà mỗi ngày lụi cụi xin đầu này đầu kia mớ khẩu trang để chở về chi viện. Là bao nhiêu người có tên lẫn không tên đang lặng lẽ tham gia câu chuyện “cùng Đà Nẵng vững vàng chống dịch”.
Lại nhớ những lúc thấy Nhi xông pha xây dựng cộng đồng khởi nghiệp Đà Nẵng, cộng đồng lập trình viên miền Trung, làm giảng viên các khóa học về làm event, tổ chức online hackathon… Mới thấy, năng lượng của người làm khởi nghiệp, làm cộng đồng luôn là thứ tài sản quý giá của xã hội.