Việc học sinh được nghỉ liên tiếp 2 tuần để ứng phó với dịch do virus corona chủng mới (Covid-19) ban đầu làm nhiều phụ huynh e ngại vì chuyện học hành của con, nhưng đây hóa ra lại là cơ hội để nhiều trường bước vào ứng dụng hình thức học trực tuyến và học từ xa.
Giải tỏa lo lắng
Nhận thông báo tuần nghỉ đầu tiên vì dịch bệnh, chị Mỹ Hằng ở quận Ba Đình, Hà Nội, nghĩ ngay đến việc giao bài vở cho con tự làm ở nhà. Nhưng đến ngày nghỉ thứ hai, cô chủ nhiệm đã gửi đề cương tự học vào nhóm của các phụ huynh trên Zalo, biến thời gian “nghiện” máy tính, điện thoại chơi game, lướt web ở nhiều bạn thành những giờ sử dụng hữu ích… Chị thấy yên tâm hẳn. Đề cương có đủ các môn từ Toán, Lý, Văn, Ngoại ngữ đến Sinh, Sử, Địa, Tin học, kể cả môn Thể dục – chắc các thầy cô muốn khuyến khích học sinh tăng cường sức khỏe đối phó với dịch bệnh. Đề cương cho tuần nghỉ thứ hai có thêm môn Công nghệ và Âm nhạc. Với tất cả các môn, thầy cô đều ghi rõ phần lý thuyết cần ôn hoặc xem trước, cộng với giao bài tập để thầy cô chấm sau khi học sinh trở lại trường.
Đối tác dạy chương trình Cambridge mà con trai chị đang theo học cũng thông báo các giờ học trực tuyến với giáo viên người nước ngoài ở các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh. Tuần đầu chỉ một buổi, mỗi buổi 3 tiết, tuần sau nâng lên thành 2 buổi. Dù đã quen với việc nhận và làm bài tập trên phần mềm của chương trình Cambridge ở hệ song bằng, cậu bé và các bạn trong lớp vẫn khá hào hứng với giờ học trực tuyến đầu tiên. Bạn thì thiếu mic, bạn bị đường truyền nhiễu, nhưng giờ học cơ bản diễn ra suôn sẻ, vẫn có thể đặt câu hỏi và được giải đáp như ở các giờ học trên lớp… Chị Hằng nhìn nhận, đây thực sự là bước chuyển biến với trường của con chị, một trường cấp 2 công lập quận Tây Hồ.
Chị Phương Nhung, một phụ huynh khác có con theo học trường công ở quận Đống Đa, Hà Nội, thì cho biết, “cô chủ nhiệm hàng ngày gửi bài tập cho các con, và các con phải làm bài, nộp bài ngay trong ngày cho cô giáo bộ môn qua email hoặc Zalo.” Nề nếp học tập của cô bé lớp 6 được duy trì trong những ngày nghỉ vì dịch bệnh. Chị Nhung chỉ tiếc là trường chưa thể tổ chức những giờ học trực tuyến để cô giáo giảng bài trực tiếp cho con.
Cơ hội cho các trường thích nghi và sáng tạo
Dịch viêm phổi cấp lần này là một sự cố bất ngờ với các trường học trong nước, từ mẫu giáo đến đại học. Nhưng đây cũng là cơ hội để nhiều trường, nhất là các trường công, thử nghiệm chuyển đổi sang hình thức học trực tuyến. Trong khi nhiều trường ở khu vực giáo dục tư nhân hay nước ngoài đã quen với việc ứng dụng các nền tảng học trực tuyến hoặc ứng dụng công nghệ, thì điều đó còn hạn chế với các trường công, nơi mà học sinh cấp hai trở lên chủ yếu được khuyến khích sử dụng máy tính để tìm kiếm tư liệu, làm bài thuyết trình cho một số môn học.
Lần này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhanh chóng ra văn bản hướng dẫn các trường tổ chức dạy và học trong mùa dịch, trong đó có việc học onine. Nhưng trước cả khi có sự khuyến khích mạnh mẽ đó, nhiều trường ở Hà Nội, Đà Nẵng, Thái Nguyên… đã sớm hành động. Có lẽ sự phổ biến và tác động không thể đảo ngược của công nghệ trong tất cả các lĩnh vực đời sống, cộng với cú hích từ trận dịch, đã buộc các trường phải thay đổi nhanh chóng khi đối diện với nguy cơ đóng cửa được dự đoán có thể không chỉ là một tuần ngay sau khi kỳ nghỉ Tết dài vừa kết thúc. Các trường đều nhận thấy cần sớm ứng dụng công nghệ để bù đắp lượng kiến thức thiếu hụt. Bởi vậy, trong lúc học sinh ở nhà, các thầy cô vẫn đến trường chuẩn bị bài giảng, tập huấn cách dạy online, dạy học, chấm chữa bài qua email, qua các nhóm chat Facebook, Zalo của lớp...
Chia sẻ với cộng đồng giữa dịch bệnh, các ứng dụng học online của các tập đoàn lớn trong nước như FPT, Viettel, VNPT hay của các trung tâm giáo dục tư nhân như hocmai, tuyensinh247 đã mở miễn phí trong 2 tuần nghỉ, hoặc hợp tác với các trường một cách nhanh chóng, với hàng trăm nghìn học sinh đăng ký sử dụng, gấp nhiều lần so với thông thường. Trong các diễn đàn giáo dục trên FB, nhiều thầy cô chủ động chia sẻ những lớp học trực tuyến miễn phí của riêng họ ở các môn Toán, tiếng Anh.
Ở cấp đại học, việc giảng dạy trực tuyến được thực hiện rộng rãi hơn bởi các sinh viên đều có điện thoại thông minh. Nhiều trường đại học tại Hà Nội và THPCM đã tổ chức các giờ học online bình thường như lên lớp, hoặc cung cấp clip bài giảng, tài liệu học tập, tài liệu để sinh viên tự ôn luyện, và việc kiểm tra đánh giá cũng được thực hiện online, được công nhận như học trên lớp.
Hóa ra ngược với nỗi lo ban đầu của các phụ huynh và giáo viên, dịch bệnh không làm hạn chế khả năng học tập, mà lại mở ra cơ hội để các trường sáng tạo và thích nghi, vừa đảm bảo chương trình học, vừa giúp học sinh học được nhiều kỹ năng mới về công nghệ, rèn luyện cách tự học, sự năng động, kỷ luật… Tất nhiên, việc ứng dụng công nghệ dạy và học trực tuyến cho các trường ở Việt Nam còn rất nhiều yêu cầu trước mắt, từ chính sách của Bộ Giáo dục và Đào tào đến việc trang bị thêm cơ sở vật chất, phần mềm, đào tạo giáo viên, giảng viên cho các trường.
Sự cố đẩy mạnh nền công nghiệp giáo dục online
Học trực tuyến cũng là cách mà nhiều nước đang ứng dụng trong mùa dịch bệnh.
Báo chí Trung Quốc cho biết, Bộ Giáo dục nước này đã cho học sinh nghỉ thêm vài tuần sau Tết, thậm chí chính quyền nhiều địa phương như Thượng Hải, Triết Giang, Quảng Đông đã thông báo trường học nghỉ đến cuối tháng 2/2020. Sự cố đã đẩy mạnh nền công nghiệp giáo dục online ở Trung Quốc. Một cổng kinh doanh cho biết, các cơ sở dạy học online có số người sử dụng tăng gấp 10 trong 2 tuần qua. Học online vốn là tiềm năng vô tận ở Trung Quốc. Tờ South China Morning Post (Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng) hôm 4/2 cho biết, năm 2019 thị trường giáo dục onine của Trung Quốc tăng 25,7% so với năm 2018, lên tới 251,76 tỉ nhân dân tệ (tương đương khoảng 36 tỷ USD). Bộ Giáo dục Trung Quốc, sau khi khuyến khích các trường dùng nền tảng Internet học bù trong thời gian dịch, đã thông báo dự kiến đưa ra lớp học đám mây trên toàn quốc vào ngày 17/2, cung cấp toàn bộ tư liệu giảng dạy và các khóa học cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12.
Tại Singapore, các trường đại học đã mở các lớp học online do sinh viên cũng phải nghỉ vì dịch. Từ tuần trước, Đại học Công nghệ Nanyang đã thông báo các giờ giảng đông người sẽ được live stream hoặc được đưa lên mạng cho sinh viên truy cập. Trường Quản lý Singapore cho biết, từ ngày 10/2, các lớp học có trên 50 sinh viên sẽ chuyển sang hình thức học online. Với sinh viên năm thứ nhất, các giờ học cốt lõi sẽ được dạy online muộn nhất vào ngày 17/2. Các giờ học không phải do giảng viên của trường trực tiếp giảng dạy sẽ được thay thế bằng các hội thảo từ xa hoặc hội thảo video. Một số sự kiện của trường, trong đó có Hội chợ nghề nghiệp, sẽ được biến thành sự kiện ảo. Với Đại học Quốc gia Singapore, các lớp học trên 50 sinh viên sẽ chuyển sang học online, còn các lớp dưới 50 sinh viên vẫn học bình thường nhưng được đo nhiệt độ ngay tiết đầu.
Tại Canada hoặc Australia, nơi có rất nhiều sinh viên Trung Quốc theo học, các trường phải đối mặt với việc sinh viên không thể trở lại trường vì dịch bệnh, sau khi về nước nghỉ Tết, đã thông báo mở các giờ học online để tạo điều kiện học tập cho sinh viên vắng mặt.