Ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm tham gia các dự án Chương trình Nông thôn Miền núi*; thống kê sơ bộ cho thấy 70% các dự án của chương trình do doanh nghiệp chủ trì.

Điều đó đảm bảo các doanh nghiệp là hạt nhân trong chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đồng thời trực tiếp sản xuất, tạo được sự kết nối trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Thông tin được TS Nguyễn Văn Liễu – Vụ trưởng Vụ Phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) địa phương chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến “Đưa tiến bộ về nông thôn miền núi” do Báo Khoa học và Phát triển phối hợp với Trung tâm truyền thông KH&CN tổ chức ngày 22/12. Tại buổi giao lưu, các khách mời đã trả lời câu hỏi của độc giả xung quanh các cơ chế, chính sách, giải pháp để thúc đẩy nhanh các thủ tục hành chính cũng như bài học kinh nghiệm để các dự án thuộc chương trình Nông thôn - Miền núi được triển khai có hiệu quả.

Phát huy sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương

Nhờ các dự án từ Chương trình Nông thôn – Miền núi mà nhiều sản phẩm chủ lực nổi tiếng của Bắc Giang đã được chuyển giao ứng dụng các tiến bộ KH&CN, nhờ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, và xây dựng được thương hiệu không những ở trong nước mà còn được bảo hộ ở nước ngoài, theo chia sẻ của ông Nguyễn Đức Kiên – Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang, tiêu biểu như các sản phẩm gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn, các giống cây lâm nghiệp, nấm, gạo thơm Yên Dũng, mỳ kế, mỳ chũ, cây ăn quả có múi. Nhờ đó, quy mô sản xuất và giá trị kinh tế mang lại tăng mạnh, đơn cử như sản phẩm gạo thơm Yên Dũng, sau khi được triển khai đề tài đã nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh, sản phẩm được nhiều doanh nghiệp bao tiêu, dẫn tới quy mô sản xuất 40 ha năm 2014 đã mở rộng lên gần 1.000 ha.

Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, các dự án còn giúp hình thành các ngành nghề và tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con, theo đánh giá của ông Nguyễn Thế Ích – Chánh văn phòng Chương trình Nông thôn – Miền núi. Đơn cử như dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cao sản xuất rau trái vụ đạt tiêu chuẩn VietGap và hoa chất lượng cao tại Sơn La” đã giúp hình thành nghề trồng hoa và rau chất lượng cao trái vụ tại địa phương, tạo thu nhập ổn định bình quân 5.000.000đ/người/tháng cho hơn 150 lao động.

Dây chuyền sản xuất thuốc của Công ty cổ phần dược Danapha – doanh nghiệp tham gia dự án chuỗi sản xuất dược liệu thuộc giai đoạn 2016-2025. Ảnh: Phượng Hằng

Những lợi ích mang lại cho cộng đồng có được là do gắn kết trực tiếp với lợi ích kinh tế của doanh nghiệp. Trước khi tham gia dự án về hoa chất lượng cao tại Sơn La, doanh thu của Công ty cổ phần Hoa Nhiệt Đới năm 2011 chỉ đạt 80 tỷ đồng/năm, sau 3 năm thực hiện dự án (năm 2012-2014) đã tăng lên 131 tỷ đồng. Khi dự án kết thúc, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô trồng hoa đưa doanh thu năm 2016 đạt 230 tỷ đồng. “Chính các doanh nghiệp mới có nhiều điều kiện về tiếp thu công nghệ, tư liệu sản xuất, vốn và có điều kiện phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ” - ông Kiên nói.


Chú trọng bảo quản sau thu hoạch

Thách thức cơ bản vẫn tồn tại trong những năm qua, theo ông Nguyễn Thế Ích, là rất nhiều dự án thuộc Chương trình thực hiện thành công và sau khi kết thúc dự án đã tự mở rộng được nhiều mô hình sản xuất sản phẩm, nhưng sau đó lại rơi vào tình trạng được mùa mất giá, người dân không tìm được đầu ra cho sản phẩm, dẫn đến việc các mô hình mở rộng không hiệu quả. Vì vậy, “Chương trình xác định ưu tiên hỗ trợ các dự án về chế biến bảo quản sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch” – ông Ích cho biết.

Hiện nay, phần lớn các nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm tới những dự án có ứng dụng công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch, do đòi hỏi mức đầu tư lớn và thường khai thác không hết công suất thiết kế bởi tính thời vụ của nông sản, khiến hiệu quả không cao bằng đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất khác.

Nhưng chính trở ngại đó càng cho thấy các dự án cần những doanh nghiệp giàu tiềm lực tham gia đầu tư bảo quản sau thu hoạch, bởi họ có điều kiện hơn về vốn đối ứng tự có cũng như khả năng huy động vốn vay ngân hàng để thực hiện, TS Nguyễn Văn Liễu nhận xét.

----------------------
*: Tên đầy đủ là Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025