Bằng cách nào nhà khoa học và doanh nghiệp, một bên có know-how và một bên cần công nghệ, có thể kết nối được với nhau, tạo ra một hợp tác bền chặt và qua đó, làm ra những sản phẩm mới mang tính sáng tạo?

Đã nhiều năm nay, khi nói đến chuyển giao công nghệ, người ta hoặc nghĩ ngay đến nguyên nhân vẫn được cho là nhà khoa học không làm ra nổi công nghệ doanh nghiệp cần, hoặc nguyên nhân doanh nghiệp không muốn đầu tư cho R&D, không biết cách hợp tác với nhà khoa học để giải quyết vấn đề của mình, mà quên đi một điều: chưa thực sự có một môi trường đủ tốt và đủ phù hợp để bắc cầu và duy trì mối quan hệ nhà khoa học – doanh nghiệp. Thật khó hình dung ra việc duy trì và phát triển một môi trường như thế mà lại thiếu đi bàn tay của nhà nước. Nếu không có sự thúc đẩy của nhà nước thông qua cơ chế chính sách khuyến khích thì hợp tác chuyển giao công nghệ, có lẽ, chỉ là ước mơ đẹp đẽ.

Trong phòng thí nghiệm của Trung tâm Nano và Năng lượng, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN.
Ảnh: Hoàng Nam

Ở đâu đó, nếu có tồn tại một vài thành công thì cũng chỉ ở quy mô nhỏ hoặc đơn lẻ. Rất khó nhân rộng những trường hợp thành công như thế này bởi nó đòi hỏi những điều kiện đi kèm rất đặc biệt. Một trong những trường hợp thành công theo cách này là sự hợp tác giữa Viện AIST (trường ĐH Bách khoa HN) và Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, vốn được khởi đầu từ sự chủ động của AIST. Vào năm 2010, AIST mới bắt đầu hình thành dự án đầu tư vào phòng thí nghiệm nên giáo sư Phạm Thành Huy (khi đó còn phụ trách AIST) “phải đi nhờ khắp nơi, phải nghĩ đến chỗ nào đấy có thể giúp mình, hỗ trợ mình mở phòng thí nghiệm” và gặp được Rạng Đông đúng lúc công ty này đang cần “phép màu” khoa học để thoát nguy cơ bị phá sản. Rạng Đông khi đó đang bị kẹt giữa “cuộc chiến đất hiếm” của Mỹ và Trung Quốc, thiếu nguyên liệu sản xuất nên cần giải pháp thu hồi bột huỳnh quang từ những sản phẩm lỗi. Không chỉ là một chuyên gia về quang lượng tử, giáo sư Phạm Thành Huy còn có được sự hỗ trợ của một nhóm nghiên cứu xuất sắc nên đã giải thành công bài toán này, qua đó tiến tới một hợp đồng chuyển giao công nghệ thu hồi và tinh chế bột huỳnh quang ba phổ pha tạp đất hiếm và thủy tinh không chì.

Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh thường chủ động liên hệ với các nhà nghiên cứu Việt Nam để đón nhận kết quả nghiên cứu, Phó giám đốc Bệnh viện Lê Thị Bích Phượng cho biết tại hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ. Ảnh: Bệnh viện Vạn Hạnh

Đây là một trong những yếu tố quan trọng để vực dậy Rạng Đông và đưa công ty này trở lại đường đua của thị trường chiếu sáng và ăn nên làm ra. Thế nhưng sau Rạng Đông, có mấy doanh nghiệp làm được như vậy? tại sao mô hình Rạng Đông không thể nhân rộng? - trong cuộc tọa đàm tại trường ĐH Ngoại thương vào năm 2016, tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã thử đặt vấn đề.

Một phần quan trọng của đáp án nằm ở chính cơ chế và chính sách.

Thiếu sự tương tác và kết nối

Không phải chỉ người trong cuộc mới biết đến sự tồn tại một cách riêng rẽ lâu nay của hai khối doanh nghiệp và nhà khoa học trong viện, trường. Ngay cả những chuyên gia quốc tế cũng bắt đầu nhận thấy điều này. Tại hội thảo trực tuyến Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2018 diễn ra vào tháng 7/2018, ông Sacha Wunsch-Vincent, chuyên viên cao cấp của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã nhận xét là Việt Nam hiện có sẵn nguồn nhân lực R&D trong các trường đại học và viện nghiên cứu, tuy nhiên nguồn nhân lực quý này vẫn “như ở trong ốc đảo” do không có mối liên hệ nào với doanh nghiệp bên ngoài, trái ngược hẳn những điều thường diễn ra ở các quốc gia khác.

Ba năm sau, vấn đề này một lần nữa lại được nhắc lại tại buổi sinh hoạt chuyên đề về đổi mới sáng tạo ở Bộ KH&CN, khi Thứ trưởng Bùi Thế Duy trao đổi về những nhận xét mà chuyên gia World Bank rút ra quá quá trình tìm hiểu về đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, liên quan đến chuyển giao công nghệ: tương tác của doanh nghiệp và trường, viện vẫn còn ở mức thấp và trường, viện mới đóng vai trò hỗ trợ chứ chưa dẫn dắt đổi mới sáng tạo; các thể chế hỗ trợ đổi mới sáng tạo thì yếu và thiếu; các cơ quan của chính phủ thì phân tán theo nhiều mục tiêu ưu tiên đổi mới khác nhau.

Sự biệt lập này dẫn đến một số hệ quả nhất định, một trong số đó là tư duy và cách nhìn nhận về công nghệ của hai bên hoàn toàn khác nhau. Mới đây tại hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ”, diễn ra vào ngày 25/3/2022 tại TP.HCM, TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan đã phân tích về sự khác biệt này và lấy ví dụ về đồng hồ đo nước – một sản phẩm mà vô tình cả công ty của ông lẫn trường Đại học Bách khoa TP.HCM cùng phát triển. “Chúng tôi phát triển đồng hồ này và trường Bách khoa cũng có một cái nhưng ở đây, các thầy phát triển công cụ đo đếm nước để phục vụ việc thu tiền nước còn chúng tôi chế tạo công cụ có thể tương tác với người tiêu dùng nước để tăng giá trị dịch vụ. Do đó sản phẩm nó khác và chức năng của nó cũng khác”, ông nói.

Liệu có cách nào để giảm thiểu sự sai khác trong cái nhìn về công nghệ và sản phẩm giữa doanh nghiệp và trường, viện, hai nơi vốn dĩ không có sự tương đồng về văn hóa, tổ chức và vận hành như nhận xét của TS. Nguyễn Thanh Mỹ, bởi đây chính là những rào cản của sáng tạo? Trong cuộc trao đổi với Bộ KH&CN, ông Sacha Wunsch-Vincent đã cho rằng, để phát huy năng lực sẵn có của khối trường, viện, nhà nước cần hỗ trợ sự hình thành mối liên kết chặt chẽ trường/viện với doanh nghiệp nhằm giải quyết những vấn đề đặc thù của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu của thị trường nội địa. Việc cùng nhau giải quyết những vấn đề chung như vậy sẽ là khởi điểm để phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo trong mọi lĩnh vực ngành nghề.

Trên thế giới, những quốc gia đi đầu về công nghệ đã áp dụng một cơ chế điển hình để khuyến khích sự hợp tác này, đó là cho phép các nhà nghiên cứu ở trường, viện một năm tới làm việc ở doanh nghiệp (sabbatical year) để cùng doanh nghiệp giải quyết vấn đề của họ. Tuy nhiên ở Việt Nam chưa có một cơ chế nào tương tự như vậy. Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) trong buổi sinh hoạt chuyên đề cũng đã chỉ ra cái khó trong hướng khai thác nguồn nhân lực của viện, trường cho doanh nghiệp. “Chúng ta chưa có cơ chế hỗ trợ nào cho việc này. Hiện nay, chúng ta mới chỉ nghiệm thu xong kết quả đề tài và những người chủ nhiệm chương trình tự đi tìm doanh nghiệp chuyển giao kết quả đó”, ông nói.

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp Việt Nam, phần lớn ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, không có đủ nguồn lực đầu tư cho R&D, nên nếu muốn đón nhận công nghệ mới từ trường, viện cũng không dễ. Dù có rất nhiều luật, nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn… liên quan đến chuyển giao công nghệ được ban hành nhưng yếu tố này vẫn bị bỏ qua. “Nếu doanh nghiệp muốn mời các thầy đến để chuyển giao tri thức và kỹ thuật thì không có cơ chế nào cho làm việc đó, không có kinh phí liên quan đến hậu chuyển giao như thế này. Ngay cả Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 cũng không có quy định để có thể làm hậu chuyển giao”, ông Phạm Hồng Quất phân tích.

Chính sách còn điểm nghẽn

Những cơ chế chính sách khuyến khích cho đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ vì thế chưa thể phát huy được ảnh hưởng của mình, mặc dù trong các bộ luật liên quan như Luật KH&CN, Luật Chuyển giao công nghệ và các văn bản liên quan “có một số nội dung được đưa vào có tính cấp tiến, ví dụ như Luật Chuyển giao công nghệ đã có nội dung về mua sắm công cho các sản phẩm công nghệ do doanh nghiệp trong nước tạo ra”, ông Phạm Hồng Quất nói. Tuy nhiên ông cũng cho biết thêm là hiện nay “chưa có cơ chế để chúng ta thực hiện nội dung này”.

Đây không phải là rào cản duy nhất. Rất nhiều nhà nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực nghiên cứu, từ Bắc vào Nam, đều có chung một nỗi than thở, đó là cái khó từ Nghị định 70/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước. Bởi theo nghị định này, kết quả của nhiệm vụ KH&CN được ngân sách hỗ trợ trên 30% thuộc quyền sở hữu của nhà nước và người chủ trì thực hiện không được tự phép chuyển giao cho doanh nghiệp. Như vậy, những know-how kỹ thuật và tri thức từ việc thực hiện nhiệm vụ không có nhiều cơ hội để đến với doanh nghiệp, thậm chí các nhà khoa học làm ra nó cũng cảm thấy không còn tha thiết, mặn mà tối ưu thêm kết quả để biến nó thành công nghệ thực thụ. Trong hội thảo Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ, PGS.TS Lâm Quang Vinh - Trưởng ban Ban KH&CN (ĐHQG TP.HCM) cũng nhắc đến hiện trạng này như một trong những nguyên nhân khiến công nghệ không đến được với doanh nghiệp là vướng Nghị định 70.

Mặt khác ông cho rằng, nếu muốn tuân thủ quy định của nhà nước để “mua đứt” công nghệ cũng rất phức tạp vì khó định giá được sản phẩm trí tuệ. Lâu nay người ta biết việc định giá rất phức tạp bởi rất nhiều nguyên nhân, trong đó có sự hạn chế về nguồn nhân lực chuyên trách đủ năng lực thẩm định. Ông Võ Hưng Sơn, Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ (Sở KH&CN TP.HCM) cho biết trong hội thảo quản lý sở hữu trí tuệ toàn quốc vào tháng 4/2019, cho biết, ở TP.HCM có khoảng 100 đơn vị được Bộ Tài chính cấp phép thẩm định sở hữu trí tuệ nhưng họ hầu như không có kinh nghiệm thẩm định những tài sản đơn giản nhất như nhãn hiệu chứ chưa kể đến những tài sản lớn như công nghệ, sáng chế.

Cơ chế không thuận như vậy khiến các nhà khoa học ngần ngại chuyển giao công nghệ là sản phẩm từ những đề tài nghiên cứu mà nhà nước tài trợ. PGS. TS Nguyễn Ái Việt (Viện Công nghệ thông tin, ĐHQGHN), tại tọa đàm “Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực vật lý” vào tháng 7/2020, cho rằng cơ chế sử dụng tài sản đó “rất phức tạp do không rành mạch về chủ sở hữu nên rất khó trong áp dụng với các hoạt động đổi mới sáng tạo. Vì thế nếu ‘ông’ làm danh chính ngôn thuận thì không được còn ứng dụng ‘chui lủi’ thì được”.

Nhận xét về tình huống trớ trêu này sau bốn năm nghị định được ban hành, TS. Nguyễn Thanh Mỹ cho rằng “[Nhà nghiên cứu] Việt Nam mình bỏ bao công sức ra rồi không có quyền lợi gì nên phải làm lén”.

Cách nào để vượt qua?

Những khó khăn và vướng mắc này có khiến các nhà nghiên cứu không còn đường phát triển công nghệ và chuyển giao?

Dĩ nhiên, vẫn có những nhà nghiên cứu không muốn “làm lén”, không muốn phải chuyển giao “chui lủi”, họ chọn một cách làm tưởng chừng khôn ngoan hơn, đó là “tự bỏ công sức và tiền bạc làm khâu đầu - tức là khâu nghiên cứu phát triển công nghệ mới”, tiếp theo là thực hiện chặng đường gian nan “tìm kiếm người đồng hành để thực hiện khâu hoàn thiện và ứng dụng công nghệ”, tức là thực hiện những dự án hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm (theo đó, doanh nghiệp bỏ vốn đối ứng 70% và sở hữu kết quả, ngân sách hỗ trợ 30%). Tuy nhiên, khi chọn cách làm này, họ phải đối đầu với một khó khăn khác, đó là “phải bỏ ra rất nhiều tiền trên cả một chặng đường dài, và chỉ phù hợp với việc ‘say sưa’ phát triển những công nghệ/sản phẩm ‘mới và độc đáo, có giá trị gia tăng rất cao’ khi được đưa vào ứng dụng đúng quy mô và cách thức”, GS. TS Vũ Thị Thu Hà (Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ Lọc hóa dầu) cho biết.

Dẫu vậy, việc đi theo hướng này cũng tiềm ẩn quá nhiều rủi ro bởi “trong nghiên cứu tạo ra công nghệ chỉ rủi ro 30% nhưng khi 30% đó nhân lên về quy mô thì lại là con số rất lớn, còn rủi ro trong nghiên cứu cơ bản cao tới 90% nhưng ở quy mô ‘bình cầu’ nên nếu có rủi ro thì con số nhỏ hơn rất nhiều”, chị giải thích. Trong phát triển công nghệ, phòng thí nghiệm của chị thường xuyên phải đối mặt với việc “làm hàng trăm thí nghiệm mới có một thí nghiệm thành công. Không thể duy ý chí, cứ nghĩ làm là thành công”.

Không hiếm những trường hợp như thế này trong thực tế. Trong một bài báo trên Tia Sáng vào năm 2013, GS. TS Phạm Thành Huy cũng chia sẻ điều nằm sau hợp đồng chuyển giao công nghệ thu hồi và tinh chế bột huỳnh quang ba phổ pha tạp đất hiếm và thủy tinh không chì cho Rạng Đông: để đảm bảo chất lượng công nghệ, Viện AIST đã phải ba lần thay thế thiết bị công nghệ chính với giá trị của ba lần nhập thiết bị gần bằng tổng giá trị của cả hợp đồng.

Và như thế, con đường đưa công nghệ từ trường, viện đến doanh nghiệp vẫn còn những điểm vướng mắc chưa thể vượt qua trong một sớm một chiều. (Còn tiếp).