Chương trình 562 đã mang lại những giá trị không dễ đo đếm được trong nâng cao tiềm lực KH&CN trong các lĩnh vực hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển.

Mở đường cho các nghiên cứu định hướng ứng dụng

Nếu đặt cạnh những chương trình nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng từng được triển khai trước đây, người ta sẽ thấy Chương trình Phát triển khoa học cơ bản trong các lĩnh vực hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển giai đoạn 2017-2025 (Chương trình 562) do Bộ KH&CN chủ trì “vừa lạ vừa quen”: bao gồm cả đề tài nghiên cứu cơ bản và đề tài định hướng ứng dụng. Trong đó, đề tài khoa học cơ bản phải có công bố quốc tế và đề tài định hướng ứng dụng phải có phẩm sản xuất ở quy mô pilot hoặc mẫu prototype.

Sự kết hợp trên đã mang đến cơ hội giải quyết những bài toán đặc biệt, còn đang “lửng lơ” giữa hai bên. Chẳng hạn như sản xuất rượu vang, tuy có vùng trồng nho Ninh Thuận nổi tiếng cũng như có nhiều loại hoa quả nhưng việc sản xuất rượu vang ở Việt Nam vẫn còn hạn chế. Không ít người cho rằng vấn đề nằm ở nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, hoặc do truyền thống sản xuất của Việt Nam. Thực chất, đây là bài toán khó về công nghệ thực phẩm: “Ở Việt Nam có hàng trăm đề tài khác nhau về sản xuất rượu vang, nhưng cuối cùng Việt Nam không có loại rượu vang nào cả. Bởi có những vấn đề cần giải quyết liên quan đến kết lắng, tạo màu… nhưng không có đề tài nghiên cứu ứng dụng nào cho những vấn đề như thế, mọi người bảo đấy là nghiên cứu cơ bản. Tuy nhiên, nếu đề xuất nghiên cứu về quá trình tạo màu kết lắng thì chắc Quỹ NAFOSTED cũng khó coi đây là nghiên cứu cơ bản”, PGS.TS Vũ Nguyên Thành, Viện Công nghiệp thực phẩm (Bộ Công thương), nhận xét trong hội nghị sơ kết Chương trình 562 diễn ra vào cuối tháng 7/2024. “Chương trình 562 đã tạo ra sân chơi cho những vấn đề như vậy”.

Việc phát triển các nghiên cứu cơ bản có định hướng ứng dụng là một trong ba mục tiêu mà Chương trình đã đặt ra ngay từ khi ra đời vào năm 2017. Bao gồm: (1) Xây dựng đội ngũ các nhà khoa học có trình độ cao, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế; (2) Nâng cao vị thế của khoa học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; (3) Phát triển một số hướng nghiên cứu cơ bản trọng điểm có định hướng ứng dụng có tính liên ngành, đa ngành để tiếp thu, làm chủ các công nghệ tiên tiến để phục vụ sản xuất và đời sống. Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Chương trình đã được triển khai theo 10 nhóm giải pháp, nhiệm vụ trải rộng từ triển khai các hướng nghiên cứu gắn liền với bốn lĩnh vực, cho đến đầu tư cho các phòng thí nghiệm, tăng cường đào tạo nhân lực, khen thưởng cho bài báo quốc tế, nâng cấp các tạp chí chuyên ngành, đẩy mạnh hợp tác quốc tế…

Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) cứu hộ một cá thể vích gần 100 kg trở về biển an toàn.
Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) cứu hộ một cá thể vích gần 100 kg trở về biển an toàn.

Với những cơ hội đầy hứa hẹn, ngay từ khi triển khai, Chương trình 562 đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các nhà nghiên cứu. “Nhìn chung, Chương trình được tổ chức một cách hết sức gọn nhẹ, linh hoạt, các bộ, ngành và các đơn vị nghiên cứu tham gia hết sức tích cực. Các nhiệm vụ KH&CN được triển khai ở nhiều cấp độ, từ nhiệm vụ cấp quốc gia, cấp Bộ, nhiệm vụ do Quỹ NAFOSTED tài trợ. Về cơ bản, Chương trình cũng đạt được mục tiêu nâng cao tiềm lực quốc gia trong bốn lĩnh vực trong khu vực và trên thế giới”, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên (Bộ KH&CN), báo cáo tại hội nghị sơ kết. Đến nay, Chương trình đã triển khai khoảng hơn 800 đề tài nghiên cứu, bao gồm hơn 90 đề tài cấp quốc gia; 334 đề tài cấp Bộ; 448 đề tài nghiên cứu cơ bản được Bộ KH&CN tài trợ thông qua Quỹ NAFOSTED (chiếm 44% tổng số đề tài của Quỹ). Trong đó, đơn vị thực hiện nhiều đề tài cấp quốc gia nhất là Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (31 đề tài), còn đơn vị có nhiều đề tài cấp Bộ nhất là Đại học Quốc gia Hà Nội (118 đề tài).

So với trước và sau khi triển khai Chương trình, cả bốn lĩnh vực của Việt Nam đã có sự thay đổi rõ nét. Cụ thể, theo báo cáo sơ kết trong hội nghị, trước khi triển khai Chương trình 562, bốn lĩnh vực này của Việt Nam nằm trong top 55-65 thế giới (năm 2016) - theo dữ liệu của SCImago. Nhưng đến năm 2020, các lĩnh vực đã vươn lên top 30-45 thế giới (năm 2020) và giữ nguyên thứ hạng đến thời điểm hiện nay. “Thông qua việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN các cấp, số lượng các sản phẩm nghiên cứu khoa học [trong bốn lĩnh vực] đã gia tăng [so với trước khi có Chương trình], đặc biệt là số lượng công bố quốc tế, có nhiều bài được công bố trên các tạp chí thuộc Science và Nature Index. Tổng số lượng bài báo trong giai đoạn 2018-2022 là 76.438 bài. Điều này đã góp phần cải thiện thứ hạng của khoa học Việt Nam nói chung từ vị trí thứ 57 (số lượng bài báo là 6.709) năm 2017 và vươn lên vị trí 46 (số lượng bài báo là 18.446) năm 2022”, theo báo cáo. Đáng chú ý, chất lượng các bài báo cũng tỉ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng. Từ tỉ lệ trung bình có khoảng 40% bài báo quốc tế nằm trong danh mục Q1, Q2 vào năm 2019 đã tăng lên 60% vào năm 2022.


Bên cạnh công bố quốc tế, Chương trình cũng đem lại nhiều sản phẩm mang định hướng ứng dụng, từ các mẫu vật liệu mới, các quy trình, thiết bị ở dạng pilot cũng như các sản phẩm ứng dụng trong y dược, môi trường… Nổi bật là các kết quả trong lĩnh vực hóa học như tách chiết các polysacharide và hợp chất có hoạt tính sinh học từ rong nâu Việt Nam định hướng phát triển dược liệu; mực in sinh học trên nền carboxymethyl chitosan cho ứng dụng tạo khung xương 3D; công nghệ xử lý một số hợp chất hữu cơ độc hại khó phân hủy (POPs) trên cơ sở sử dụng xúc tác dị thể dạng màng… Hoặc trong lĩnh vực khoa học sự sống, các nhà nghiên cứu đã xây dựng cơ sở dữ liệu về phân loại học, phân bố của những loài thực vật, động vật có xương sống trên cạn, côn trùng đặc hữu, quý hiếm ở Việt Nam để phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững.


Tất nhiên, sự thăng hạng của bốn lĩnh vực kể trên là kết quả nỗ lực lâu dài từ nhiều phía chứ không chỉ riêng một Chương trình 562. Nhưng chắc chắn, Chương trình đã góp phần không nhỏ. “Rõ ràng Chương trình 562 kết hợp với nhiều chương trình khác đã góp phần cải thiện vị thế của khoa học Việt Nam. Đặc biệt là ngành hóa, tăng trưởng nhanh nhất, từ vị trí 53 năm 2017 lên vị trí 38 năm 2022. Chương trình 562 đã đầu tư cho các nhóm nghiên cứu mạnh, trong đó nhóm nghiên cứu mạnh của ngành hóa cũng được đầu tư nhiều nhất, cho nên số công bố tăng lên, xếp hạng của ngành hóa cũng tăng lên tương ứng”, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM nhận xét.

Những hạn chế cần khắc phục

Sự vượt trội của hóa học so với ba lĩnh vực còn lại cũng phản ánh một trong những điểm yếu mà Chương trình 562 đang gặp phải - thiếu đồng đều giữa các ngành. Dù bước vào giai đoạn nước rút, chỉ còn một năm nữa là tổng kết song đến nay, chỉ có lĩnh vực hóa học tiệm cận các mục tiêu đề ra. Cụ thể, từ năm 2018-2020, chỉ có lĩnh vực hóa học và khoa học Trái đất đạt mục tiêu tăng 20-25% mức độ tăng trưởng số bài báo quốc tế trung bình hằng năm, còn lĩnh vực khoa học sự sống và khoa học biển thì năm tăng năm giảm. Từ năm 2021 đến nay tốc độ tăng trưởng đã bị chững lại. Việc triển khai các đề tài cũng bị chậm tiến độ, hiện tại đa phần các nhiệm vụ cấp quốc gia đều đang triển khai, chỉ có 11 nhiệm vụ đã được nghiệm thu. Theo báo cáo sơ kết, một số mục tiêu như mức độ tăng bài báo quốc tế trong lĩnh vực khoa học sự sống hay mục tiêu hình thành 15-20 nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực khoa học Trái đất và khoa học biển có khả năng sẽ không đạt được.

Sự chậm trễ của các lĩnh vực như khoa học biển cũng không có gì khó hiểu. Bởi lẽ khoa học biển vốn là một lĩnh vực phức tạp và tốn kém, “một chuyến tàu đi biển mất cả hàng chục tỷ đồng, với kinh phí cho chương trình về biển chỉ chiếm 1/4 ở đây, tôi nghĩ rất khó để có được nhiều kết quả, mà phải trong những chương trình dành riêng cho lĩnh vực này”, PGS.TS Trần Quốc Bình, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN), nhận xét. Quá trình triển khai các đề tài cũng bị gián đoạn vì một số nguyên nhân khách quan như dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, các đề tài cũng gặp khó khăn trong công tác đấu thầu, mua sắm nguyên vật liệu, thiết bị. “Luật Đấu thầu 2023 mới có hiệu lực đầu tháng 1/2024 và Nghị định 24 hướng dẫn Luật Đấu thầu có hiệu lực từ tháng hai năm nay đã gây chậm tiến độ với các gói thầu năm 2024, dẫn đến chậm tiến độ chung của các đề tài, dẫn đến đa số đề tài phê duyệt thực hiện trong ba năm (2023-2025) sẽ không thể hoàn thành đúng hạn”, theo báo cáo. “Việc hỗ trợ cho các nhóm nghiên cứu mạnh trong bốn lĩnh vực nghiên cứu cơ bản thông qua Quỹ NAFOSTED cũng bị chậm. Trong những năm gần đây, ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ (trung bình dưới 300 tỷ đồng/năm) chưa đảm bảo theo điều lệ hoạt động. Hậu quả là sự sụt giảm về số lượng tài trợ mới cho đề tài nghiên cứu cơ bản năm 2020 và sự gián đoạn tài trợ cho các năm 2021, 2022. Điều này ảnh hưởng lớn tới khả năng hoàn thành các nhiệm vụ mà Quỹ được giao nói chung và nhiệm vụ thuộc Chương trình 562 nói riêng”.

Dự án “Phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái đất". Ảnh minh họa: phongchongthientai.mard.gov.vn
Dự án “Phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái đất". Ảnh minh họa: phongchongthientai.mard.gov.vn

Số lượng các đề tài cũng chỉ tập trung ở một số đơn vị lớn ở phía Bắc như Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội. “Hiện nay số lượng các đề tài phân bố không đều lắm, có những bộ ngành lớn nhưng chỉ có một đề tài (cấp quốc gia), nghiêng về phía Bắc nhiều, phía Nam hơi ít. Chúng ta cần phân bổ sao cho đồng đều, bởi mục tiêu lớn của Chương trình là xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trên phạm vi toàn quốc chứ không riêng một địa phương nào”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái nhận xét trong hội nghị. “Chúng ta phải hướng đến xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh tại địa phương để vừa xây dựng mạng lưới khoa học trên phạm vi toàn quốc, vừa góp phần giải quyết các vấn đề tại địa phương hiệu quả hơn”.

Có lẽ, điều quan trọng để xây dựng một sân chơi hấp dẫn cho các nhà khoa học là phải tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục, giúp họ yên tâm dành thời gian nghiên cứu. “Về nguyên nhân ĐHQG TPHCM ít đề tài cấp nhà nước so với các đơn vị khác trong Chương trình, thú thật là các nhà khoa học rất ngại làm các nhiệm vụ cấp Bộ, cấp nhà nước vì quy trình thủ tục rất phức tạp và rắc rối. Các thầy cô ở phía Nam cũng xa xôi, nên càng ngại khi làm các đề tài này”, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai chia sẻ. “Tôi nghĩ làm sao để các nhiệm vụ cấp nhà nước đơn giản hóa thủ tục quy trình, nếu được như Quỹ NAFOSTED thì sẽ dễ dàng hơn cho các nhà khoa học. Tuy những năm gần đây gặp vấn đề về tài chính song quy trình thủ tục của Quỹ rất đơn giản”.

Dù còn nhiều vướng mắc khác trong quá trình triển khai như xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng tạp chí trong nước… song việc khắc phục và tiếp tục duy trì Chương trình 562 là điều cần thiết. “Chương trình đã mang lại nhiều kết quả giá trị không thể đo đếm được, đó là duy trì và phát triển đội ngũ các nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học cơ bản - vốn khó và ít được quan tâm. Về lâu dài, nếu muốn phát triển khoa học cơ bản trở thành nền tảng, động lực phát triển của quốc gia, chúng ta cần có các chương trình như 562. Có thể nó chưa hiệu quả như mong đợi, song là điều cần thiết để giữ chân các nhà khoa học”, PGS.TS Trần Quốc Bình nói.