Trong khi Hoa Kỳ và Úc giữ thái độ thận trọng trong tài trợ cho các nhà khoa học có mối quan hệ với Trung Quốc vì sợ bị mất bí quyết công nghệ về tay quốc gia này thì thái độ của các quốc gia châu Âu hoàn toàn khác biệt: họ không hề e ngại khi tài trợ cho các nhà khoa học này.
Giữ chính sách cởi mở trong hợp tác nghiên cứu
Giữa những ồn ào trong mối quan hệ nghiên cứu khoa học giữa các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc, Katharina Kohse-Höinghaus, giáo sư hóa học ở Đại học Bielefeld, Đức, vẫn giữ mối quan hệ hợp tác với nhiều cơ sở nghiên cứu hàng đầu quốc gia châu Á này. “Tôi không chỉ là thành viên ban cố vấn của Trung tâm năng lượng sạch trường Đại học Thanh Hoa, mà còn là người thiết lập mối hợp tác với Trường Kỹ thuật cơ khí (Đại học Giao thông Thượng Hải), Khoa Kỹ thuật nhiệt, Đại học Nam Kinh. Ngoài ra, tôi còn là giáo sư thỉnh giảng về vật lý nhiệt ở Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc”, Kohse-Höinghaus liệt kê các mối quan hệ hợp tác của mình.
Kohse-Höinghaus cho biết, ở mỗi tổ chức bà đều hợp tác với một nhà khoa học Trung Quốc đã từng đi du học trước khi về nước theo Chương trình Ngàn nhân tài của Chính phủ Trung Quốc, chính sách lập ra nhằm chiêu mộ các nhà nghiên cứu Trung Quốc, đang làm việc ở nước ngoài.
Có lẽ chỉ có Mỹ mới “cảnh giác” trước các nhà khoa học Trung Quốc bởi cho rằng các chương trình chiêu mộ nhân tài là một phần trong mưu đồ của Trung Quốc nhằm “đánh cắp” những thành quả nghiên cứu mà họ đã tài trợ. Các cơ quan tài trợ châu Âu và Anh không mấy nghi ngờ những nhà nghiên cứu nhận được tài trợ có mối quan hệ gắn bó với Trung Quốc. Với những tổ chức nghiên cứu nhỏ, từ lâu đã coi việc hợp tác quốc tế là điều có lợi. “Có rất ít nghi ngờ về Trung Quốc ở Anh”, theo nhận xét của John Speakman, một nhà sinh lý học Scotland đã dành phần lớn thời gian trong 8 năm qua làm việc ở Viện Di truyền học & Sinh học phát triển CAS ở Bắc Kinh (CAS) đồng thời vẫn giữ vị trí nghiên cứu ở Đại học Aberdeen, Anh.
Science cho biết, không có cơ quan tài trợ châu Âu nào thực hiện các điều tra về những tác động xấu trong việc tài trợ cho các nhà khoa học nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc như các cơ quan Mỹ. Ví dụ Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ (NIH) đã tiến hành điều tra hơn 180 nhà khoa học đã nhận tài trợ, khiến ít nhất 2 trường đại học Hoa Kỳ sa thải giảng viên - tất cả đều là người gốc Á, vì không công khai chính xác quan hệ với Trung Quốc hoặc vi phạm tính bảo mật trong quá trình bình duyệt. Ở châu Âu, những mối liên hệ với nước ngoài như trên lại là yếu tố mang lại lợi thế cạnh tranh cho những người xin tài trợ. “Nếu Quỹ khoa học Đức (DFG) tiếp nhận đề xuất tài trợ cho một trung tâm lớn và bỏ qua một số tổ chức ở ngoài nước có uy tín thì những người đánh giá sẽ chỉ ra điều đó”, Rainer Gruhlich ở văn phòng đại diện của DFG tại Washington DC cho biết. “Họ có thể hỏi ‘Bạn đã biết những gì đang diễn ra ở trường đại học [nước ngoài] này chưa?’ hoặc thậm chí ‘Vì sao lại mời nhà nghiên cứu này trong khi có nhà khoa học Trung Quốc khác giỏi hơn nhiều?’”
Trả lời Science, đại diện các cơ quan tài trợ châu Âu cho biết họ cũng để ý đến những xung tột lợi ích tiềm ẩn và cũng có những chính sách ngăn chặn việc gian lận – một công trình nhận được hai nguồn tài trợ. Đại diện của DFG cũng lo rằng việc hợp tác quốc tế có thể mở cửa cho vấn đề “phá hủy đạo đức học thuật” - ám chỉ việc hạ thấp những tiêu chuẩn đạo đức về liêm chính khoa học, cách đối xử với phụ nữ, nhóm ít có tiếng nói trong cộng đồng khoa học và ảnh hưởng đến nỗ lực thúc đấy sự nghiệp của các nhà khoa học trẻ. Tuy vậy, Gruhlich cho biết cơ quan của ông ít quan tâm đến việc giám sát chặt chẽ lịch làm việc cụ thể. “Chúng tôi tài trợ cho nghiên cứu cơ bản và muốn biết liệu nhà khoa học đó có thể đảm đương dự án hay không chứ không quan tâm họ dành thời gian của mình ở đâu”, ông nói.
Với nhà sinh lý học Speakman – một năm ông dành 9 tháng ở Đại học Bắc Kinh và 3 tháng ở Đại học Aberdeen để thực hiện những nghiên cứu về sự trao đổi chất, dường như đây là cách tiếp cận hoàn hảo: “Đại học Aberdeen biết tôi đến Trung Quốc và những gì tôi đang làm”. Một chính sách tương tự Chương trình ngàn nhân tài của Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc đã giúp phòng thí nghiệm của Speakman ở Bắc Kinh duy trì hoạt động, còn phòng thí nghiệm ở Aberdeen nhận tài trợ của UKRI. “Chẳng có vấn đề gì với chuyện này cả”, ông cho biết.
Vẫn cần xem xét kỹ mối quan hệ hợp tác
Các quốc gia châu Âu thường trở nên cởi mở hơn với các mối quan hệ hợp tác quốc tế kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II, Gruhlich nhận xét. Một lý do là các tổ chức nghiên cứu của họ không đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của các nhà khoa học nơi đây. “Trái ngược với Mỹ, hợp tác quốc tế không phải là vấn đề quan trọng với nhiều viện nghiên cứu ở đó”, ông nhấn mạnh.
Kohse-Höinghaus đã có quan hệ hợp tác với Trung Quốc từ những năm 1990, cho rằng việc hạn chế hợp tác quốc tế sẽ gây hại hơn là có ích. Chẳng hạn, bà nhấn mạnh rằng hiện nay Trung Quốc là thành viên lớn nhất của Viện nghiên cứu quốc tế Combustuon, một tổ chức phi chính phủ về giáo dục, khoa học và kỹ thuật với nhiều thành viên trên thế giới do bà đứng đầu gần đây. Và Kohse-Höinghaus không thể tưởng tượng được lý do khiến các cơ quan tài trợ của châu Âu hoặc Hoa Kỳ sẽ cắt đứt quan hệ hợp tác với các nhà khoa học nơi đây.
“Vấn đề chúng ta gặp phải trong lĩnh vực năng lượng rất lớn tới mức cần có sự hợp tác toàn cầu”, Kohse-Höinghaus cho biết. “Bởi vậy chỉ cần không gây hại, tôi hy vọng chúng ta có thể tập trung vào những mặt tích cực của việc hợp tác quốc tế”.
Các nhà khoa học nước ngoài đang làm việc ở Trung Quốc cho biết, họ đã nhận được sự hỗ trợ hào phóng trong thành lập phòng thí nghiệm và tài trợ cho nghiên cứu cũng như các khoản trợ cấp nhà ở, đi lại bên cạnh tiền lương. Theo Babak Javid, một bác sĩ và nhà khoa học người Anh, hiện đang làm việc ở Đại học Thanh Hoa, tổng số tiền anh đã nhận được là hơn 2 triệu USD, tương đương mức tài trợ của nhiều người khác. |