Đó là ý kiến của GS-TS Trần Đức Viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tại hội thảo “Giải pháp hợp tác bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân – Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN trong nông nghiệp” diễn ra tại Bến Tre ngày 18/11.
Hội thảo do Tạp chí Tia sáng, UBND tỉnh Bến Tre và Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức.
Theo GS-TS Trần Đức Viên, KH&CN trong nông nghiệp cần phải có sân chơi riêng bởi những đặc thù của ngành. Ví dụ, thời gian để nghiên cứu và làm ra sản phẩm rất dài, thông thường ở phía Bắc phải mất từ 5-10 năm mới làm ra một giống. Tuy nhiên đề tài nghiên cứu của nhà nước thường chỉ kéo dài 2 năm, lại yêu cầu về địa điểm áp dụng thực tế.
Ban tổ chức tặng hoa cảm ơn cho các diễn giả tham gia hội thảo. Ảnh: Quỳnh Trần.
"Thêm vào đó, các công nghệ trong nông nghiệp rất dễ bị bắt chước, đặc biệt là giống lúa thuần. Chỉ cần cho ra một vụ thôi là bị bắt chước ngay, sản phẩm nghiên cứu mấy năm mà bán được một vụ, vụ sau là coi như trắng tay. Vì thế, các nhà khoa học thường thích làm lúa lai" - GS Viên nói.
Từ thực trạng đó, GS Viên đề xuất, Bộ KH&CN nên tham mưu cho Chính phủ coi việc nghiên cứu các tiến bộ KH&CN trong nông nghiệp là dịch vụ công: "Không nên coi đó là bản quyền và bắt người nông dân trả tiền. Nếu là dịch vụ công thì ai cũng phải mua, nông dân mua, nhà nước cũng phải mua".
Toàn cảnh hội thảo Giải pháp hợp tác bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân – Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học & công nghệ trong nông nghiệp. Ảnh: Quỳnh Trần.
Trích dẫn một nghiên cứu của World Bank về liên kết ngang và liên kết kết dọc trong nông nghiệp, GS Viên đánh giá: “Những liên kết này không bền vững. Theo điều tra trong 9.200 hợp tác xã thì có tới 85% không tổ chức sản xuất theo hướng thị trường thương mại. Như vậy tức là đa phần người nông dân cứ sản xuất mà không biết khi thu hoạch sản phẩm sẽ được bán đi đâu, bán cho ai với giá thế nào. Đa phần các công ty đều "ăn sẵn”, không đầu tư, chỉ quan tâm tới thu mua. Tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu cho nông nghiệp cũng rất thấp. Hầu hết các doanh nghiệp chỉ nghe ngóng ở đâu có công nghệ mới là đến thu mua luôn chứ không bao giờ đầu tư để tăng tiềm lực KH&CN quốc gia. Theo điều tra của chúng tôi, có tới 58% doanh nghiệp chế biến nông sản phía Bắc vẫn dùng thiết bị từ thế kỷ 20. Các doanh nghiệp có mua mới nhưng không thay hết toàn bộ máy móc thiết bị cũ”.
Từ góc nhìn của cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương cho biết: “Bộ KH&CN, với vai trò là cơ quan quản lý và cơ quan tham mưu cho chính phủ về KH&CN, luôn dành sự quan tâm cho việc triển khai các tiến bộ vào nông nghiệp, cụ thể như các chương trình sản phẩm quốc gia, ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp... Đặc biệt, ngày 4/11/2016, Bộ KH&CN đã ký với Bộ Nông nghiệp Phát triển và Nông thôn chương trình phối hợp hoạt động KH&CN trong giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng trong nông nghiệp, đặc biệt là nghiên cứu phát triển chế biến, công nghệ bảo quản nhằm nâng cao giá trị gia tăng của nông sản Việt Nam”.
GS-TS Trần Đức Viên cũng khẳng định rằng, cần phát triển mạnh chương trình sản phẩm quốc gia để có nông sản chủ lực bày ra với quốc tế, cạnh tranh trên thương trường. Đây là vấn đề mà Bộ KH&CN nên tập trung đẩy mạnh, đầu tư nghiên cứu trong thời gian tới.