Tình trạng thiếu hụt chip đang khiến nhiều doanh nghiệp, từ các nhà sản xuất xe hơi, thiết bị hàng không vũ trụ, quốc phòng, ... cho đến đồ gia dụng điêu đứng.

Giữa tháng 5 vừa qua, Toyota đã phải tạm ngưng hoạt động của hai nhà máy tại Nhật, trong khi Ford, General Motors và Jaguar Land Rovers cũng cho hàng loạt công nhân nghỉ việc. Các chính phủ thì cực kỳ quan ngại. Mỹ đã triệu tập hai hội nghị thượng đỉnh trong tháng 4 và tháng 5/2020 để bàn về giải pháp khắc phục. Bộ trưởng tài chính Đức viết thư cho chính quyền Đài Loan - nơi đang có nhiều xưởng đúc (fab) bán dẫn nắm giữ thị phần chip lớn nhất toàn cầu - đề nghị ưu tiên nguồn cung cho các nhà sản xuất ô tô. Tuy nhiên, những nỗ lực ấy vẫn chưa đủ để thay đổi tình hình. Theo báo cáo do hãng tư vấn Gavekal Research công bố hôm 4/5, sự khan hiếm chip sẽ đe dọa hoạt động xuất khẩu của một số nền kinh tế Đông Á.

.

Thế giới đang đau đầu vì thiếu chip.

Bên cạnh tác động do Covid-19, tình trạng thiếu hụt chip còn là hệ quả của sự phát triển thiếu nhất quán, phập phù trong một ngành công nghiệp quan trọng. Điều này chắc chắn sẽ còn kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.

“Thiếu hụt là hiện tượng bình thường trong ngành vi mạch”, Malcolm Penn - nhà điều hành hãng sản xuất cảm biến Future Horizons - nhận định. Đây là ví dụ điển hình cho khái niệm “chu kỳ giá thịt heo” (pork cycle) được các nhà kinh tế phát hiện khi nghiên cứu sự biến động thường xuyên của nguồn cung thịt heo trên thị trường Mỹ (lúc quá thừa, khi lại quá thiếu) trong thập niên 1920. Tương tự thịt heo là khoai tây chiên và nhiều mặt hàng khác, không thể phản ứng kịp trước nhu cầu thay đổi quá nhanh.

Nguồn cung chip trước đại dịch vốn đã không dồi dào - Penn nói và dẫn chứng việc vốn đầu tư mua sắm thiết bị mới của các nhà sản xuất giảm xuống thấp hơn mức trung bình trong nhiều năm.

Covid, trên thực tế đã tới đúng vào thời điểm tồi tệ nhất. Alan Priestley từ công ty tư vấn Gartner cho biết: sau giai đoạn suy thoái ban đầu, nhu cầu chip ở một số phân khúc lại tăng trưởng mạnh. Giãn cách xã hội khiến người tiêu dùng mua laptop, smartphone và các thiết bị cầm tay khác nhiều hơn. Những đơn vị khai thác sức mạnh điện toán đám mây, vốn sử dụng rất nhiều chip cao cấp, đã lắp đặt thêm máy chủ để đáp ứng nhu cầu làm việc tại nhà. Còn ngành công nghiệp xe hơi, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi quyết định cắt giảm đơn hàng trong thời gian bùng dịch nhưng nhu cầu về xe đang dần phục hồi. Tuy nhiên, sản xuất bán dẫn lại là một quy trình hết sức phức tạp, thường phải mất 3 - 4 tháng để biến một tấm silicon thô thành một mảng bao gồm những con chip hoàn thiện. “Tôi có thể nhanh chóng hủy đơn đặt hàng, nhưng sẽ phải mất hàng tháng để đặt lại vì lúc đó nhà sản xuất còn đang bận phục vụ khách hàng khác”, Penn nói.

Bản thân ngành vi mạch cũng gặp những vấn đề riêng. Tháng 3/2020, một nhà máy sản xuất chip của tập đoàn Renesas (Nhật Bản) gặp hỏa hoạn, khiến nguồn cung cho chip xe hơi bị gián đoạn. Trong khi đó, chính các nhà sản xuất chip cũng đối mặt với tình trạng thiếu hụt. Nhiều chi tiết giá rẻ thường dùng, vốn được sản xuất tại những nhà máy cũ - chuyên gia công các tấm silicon có đường kính 200mm hoặc nhỏ hơn (tiêu chuẩn hiện nay là 300mm). Priestley cho biết những nỗ lực tăng cường sản lượng cũng bị hạn chế bởi có rất ít cơ sở chế tạo máy móc kiểu cũ, trong khi thị trường thiết bị (cho sản phẩm chip tiêu chuẩn 200 mm) đã qua sử dụng thì không tồn tại.

Nhưng “chu kỳ giá thịt heo” đang quay trở lại. TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, có kế hoạch tăng chi tiêu thêm 30 tỷ USD trong năm 2021. Samsung Electronics và Intel cũng dự kiến đầu tư lần lượt 28 và 20 tỷ USD. Các hãng sản xuất chip khác nhỏ hơn cũng phải chạy theo ba đại gia này. Priestley nói đây là động thái tốt cho thị trường, nhưng không phải ngay lập tức. Hôm 14/5, chủ tịch IBM Jim Whitehurst còn dự báo tình trạng thiếu hụt chip có thể kéo dài tới 2 năm. Khi cơn sốt qua đi, các nhà sản xuất có thể sẽ lại đối mặt với vấn đề muôn thưở nhưng trên quy mô lớn hơn nhiều: dư thừa sản lượng.