Một bầu không khí ảm đạm đang bao phủ khoa học Mexico khi chính phủ liên tục cắt giảm các nguồn tài trợ cho khoa học, nhất là cắt giảm tài trợ cho các nhà nghiên cứu trẻ, ảnh hưởng trực tiếp đến lực lượng khoa học Mexico trong tương lai.
Vào tháng 10/2020, các nhà nghiên cứu và học viên sau đại học đã cùng hô vang “Không khoa học, không tương lai” để phản đối việc cắt giảm ngân sách đầu tư của chính phủ. Năm nay, tình trạng không khá gì hơn. Hội đồng KH&CN quốc gia (CONACYT), cơ quan đầu tư cho khoa học lớn nhất Mexico, thành lập chương trình Cátedras CONACYT vào bảy năm trước nhưng nay đã đột ngột dừng các khoản đầu tư mà không hề giải thích. Vào tháng 2/2021, khoảng 200 nhà nghiên cứu được hưởng tài trợ của chương trình Cátedras đã tập hợp thành một nhóm để kiến nghị cải thiện điều kiện làm việc, giữ nguồn tài trợ bền vững. Nhiều người trao đổi như vậy với Science và cho rằng, có thể CONACYT sẽ giải thể chương trình Cátedras.
Các nhà nghiên cứu Mexico trẻ được hưởng lợi từ chương trình Cátedras CONACYT. Nguồn: CONACYT
Cắt giảm tài trợ theo nhiều cách
Năm 2014, CONACYT thành lập chương trình Cátedras để mời gọi các nhà nghiên cứu Mexico ở nước ngoài trở về làm việc toàn thời gian trong các trường đại học và viện nghiên cứu của đất nước và giảm bớt dòng chảy máu chất xám của quốc gia này. Mục tiêu của chương trình này là tuyển dụng ít nhất 3.000 nhà nghiên cứu vào năm 2018. “Đây là chương trình mang tính đổi mới sáng tạo”, Rosalba Ramírez García, một nhà nghiên cứu về giáo dục tại Trung tâm nghiên cứu khoa học tiên tiến của Viện nghiên cứu Đa khoa quốc gia và đã tập trung vào tìm hiểu chương trình này ngay từ lúc khởi đầu. Khi các nhà nghiên cứu tìm được cơ sở nghiên cứu phù hợp, được cung cấp không gian làm việc và cơ sở vật chất để tiến hành nghiên cứu thì CONACYT tuyển dụng họ trong vòng 10 năm và trả cho họ lương bổng. Đây là một trong số ít cơ hội làm khoa học ở Mexico.
Một trong những điều chương trình Cátedras làm được là “nhiều nhà nghiên cứu Mexico đã chọn ở lại đất nước và làm khoa học một cách toàn tâm toàn ý”, đồng thời nhiều người trở lại từ nước ngoài làm việc cùng với họ.
Hiện giờ, chương trình Cátedras bộc lộ nhiều nhược điểm, ví dụ như mâu thuẫn trong quản lý bộ máy vốn đã quan liêu. Những nhà nghiên cứu được hưởng lương của chương trình không phải là thành viên chính thức của cơ sở nghiên cứu mà họ đang làm việc nên có thể bị cản trở trong việc thực hiện các dự án. Tài chính cũng là thách thức: nguyên nhân cơ bản là thiếu kinh phí, vì vậy đến năm 2018 thì Cátedras chỉ tuyển dụng được một nửa số đề ra trong kế hoạch.
Cung cách quản lý của CONACYT làm trầm trọng hơn vấn đề. María Elena Álvarez-Buylla Roces, giám đốc CONACYT, đã chỉ những nhà nghiên cứu được Cátedras tài trợ là “những kẻ ăn bám bảng lương” và cho rằng cần phải đánh giá hiệu quả kinh tế của chương trình này và xem xét tái cấu trúc nó. Hành động của bà dẫn đến sự phá vỡ mối quan hệ giữa CONACYT và cộng đồng khoa học.
Theo thông tin từ tài liệu của CONACYT, có ít nhất 425 nhà nghiên cứu rời chương trình Cátedras, nhiều nhất là từ năm 2019; hiện tại họ đang hỗ trợ 1284 nhà nghiên cứu. Nhiều nguồn tin tiết lộ với Science là các biện pháp cắt giảm của chính phủ đằng sau hành động của CONACYT có thể dẫn đến sự kết thúc Cátedras. Nhưng điểm chung trong môi trường chính trị Mexico là chính quyền hiện tại thường có xu hướng xóa bỏ hoặc thay thế chương trình của chính quyền trước, Ramírez García lưu ý. Ví dụ Tổng thống López Obrador kế nhiệm Enrique Peña Nieto sau cuộc bầu cử năm 2018 nên sau khi nhậm chức, có thể ông không muốn thực hiện tiếp chương trình Cátedras nữa.
María Elena Álvarez-Buylla Roces, Giám đốc CONACYT, phản đối cách nhìn nhận này: “Không, đó không phải sự thật”. Bà không phản hồi về những câu hỏi thêm của Science.
Các nhà nghiên cứu bị thôi trả lương từ chương trình đều có những nhận xét tương đồng.
Thứ nhất, CONACYT cố gắng buộc họ phải thôi việc với lời hứa hẹn một khoản đền bù. Nếu họ từ chối thì cơ quan này sẽ dừng trả lương. Ví dụ, kỹ sư hàng không Oliver Huerta tham gia chương trình từ năm 2014 và làm việc tại Viện Nghiên cứu Tiên tiến về kỹ thuật tại Ecatepec, Mexico trong vòng năm năm. Vào năm 2019, ông nhận được email của viện nghiên cứu thông báo ngăn không cho truy cập một báo cáo năm. Huerta liên hệ với López Peláez, Phó giám đốc CONACYT và cuộc gặp gỡ giữa họ tại trụ sở của CONACYT kết thúc bằng việc López Peláez đề nghị Huerta ký vào đơn thôi việc. Sau khi Huerta từ chối thì vài tuần sau, CONACYT thông báo không trả lương và giám đốc tại Viện nghiên cứu nói ông đã bị loại khỏi chương trình. “Họ đã cho chúng tôi ‘đi trên mây’”, Huerta đề cập đến tình huống của mình và đồng nghiệp.
Thứ hai, một số bị loại khỏi chương trình vì mang thai hoặc nuôi con nhỏ. Claudia Patricia Juan Pineda, một luật sư chỉ ra 20 nhà nghiên cứu của Cátedras rơi vào trường hợp này. “Dường như việc mang thai như trở thành kẻ phạm tội vậy”. Trong trường hợp nhà khảo cổ giấu tên, sau một vài tháng mang thai, cô cố gắng tải xuống bản báo cáo năm nhưng không được. Sau đó cô liên hệ với López Peláez và được báo là cô bị sa thải. Vài ngày sau, chương trình thôi trả lương và CONACYT thông báo qua email.
Ánh sáng cuối đường hầm?
“Khoa học Mexico chưa bao giờ được đầu tư tốt”, Antonio Lazcano, một nhà sinh học tại trường Đại học Tự trị quốc gia Mexico (UNAM) ở Mexico City, nhận xét với Nature. Các biện pháp thắt chặt quản lý ngân sách của chính phủ với CONACYT, ảnh hưởng đến việc tuyển dụng các nhà nghiên cứu đầu sự nghiệp cũng như việc quản lý các nỗ lực nghiên cứu về các vấn đề tiềm năng trong tương lai, như động đất hoặc đại dịch.
Hiện tại, một số nhà khoa học từng được hưởng tài trợ của Cátedras hi vọng vào một tổ chức mới được CONACYT thành lập là Siintacatedras để hỗ trợ các nhà khoa học trong công việc và đảm bảo sự bền vững nghề nghiệp. “Chúng tôi tin chắc là một khi chúng tôi đối thoại được với CONACYT, chúng tôi có thể hiểu được thêm về chương trình mới”, Mateo Mier y Terán Giménez Cacho, Tổng thư ký Siintacatedras, một nhà nghiên cứu về chính sách sinh thái học nông nghiệp tại College of the Southern Border, hi vọng. CONACYT không phản hồi về việc mời lại đàm phán nhưng lại yêu cầu những người lãnh đạo Siintacatedras ngồi lại ký một thỏa thuận vào ngày 7/7 tới.
María del Carmen Domínguez Robles - nhà nghiên cứu ung thư vú ở Trung tâm nghiên cứu và Khoa học tiên tiến (Cinvestav) nhấn mạnh, “Nếu cuộc đàm phán không mang lại kết quả, thì có thể chúng tôi sẽ đi giật lùi khoảng 20 đến 40 năm”.