Để giảm thiểu gánh nặng, đại diện nhiều đơn vị đề xuất việc giao cho các Viện nghiên cứu, trường đại học, Hiệp hội, doanh nghiệp thực hiện để giảm bớt gánh nặng cho cơ quan quản lý nhà nước.
Nợ đọng nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn
Theo bà Nguyễn Giang Thu - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc hoàn thiện hệ thống TC, QC phục vụ quản lý vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng được Bộ NN & PTNT ưu tiên nguồn lực thực hiện.
“Từ năm 2016 đến nay, dù ngành nông nghiệp đã tập trung xây dựng các TC, QC nhưng việc tổ chức triển khai còn chậm, nguồn nhân lực thiếu và yếu về nghiệp vụ dẫn đến nợ đọng nhiều. Cụ thể, năm 2017, có 102 TC và 58 QC không hoàn thành so với tiến độ được Bộ giao. Năm 2018, mặc dù phải hoàn thành 153 TC và 31 QC nhưng đến tháng 6/2018 còn 31 QC và 122 TC chưa hoàn thành ” - bà Giang Thu cho biết.
Để khắc phục việc này, bà Giang Thu cho rằng cần tính đến việc giao việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các Viện nghiên cứu, trường đại học, Hiệp hội, doanh nghiệp thay cho việc giao cho đơn vị thuộc Cục, Tổng cục như một số lĩnh vực đang thực hiện như hiện nay.
Dưới góc nhìn của Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Lê Bá Anh - Phó Cục trưởng chia sẻ thêm một số khó khăn khác. Lâu nay, các quy định an toàn thực phẩm đang phải tuân thủ theo 3 hệ thống quản lý là luật an toàn thực phẩm của Bộ Y tế, các TCVN và QCVN do Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn ban hành và các nhóm quy định của thị trường và tổ chức quốc tế như CODEX,...
Vải được chiếu xạ bằng tia gamma trước khi xuất khẩu sang thị trường Úc. Ảnh: Loan Lê
“Các quy định về an toàn thực phẩm được ban hành dưới dạng tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể cho một sản phẩm hàng hóa với tư cách là sản phẩm cuối cùng. Tuy nhiên, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của thế giới đã thay đổi theo hướng kiểm soát từ trang trại đến bàn ăn. Theo đó, cơ quan quản lý cũng cần thay đổi các quy định để kiểm soát quá trình này. Việc này đòi hỏi phải có hệ thống quy định chi tiết cụ thể hơn trong quá trình sản xuất chứ không phải xem xét đánh giá các tiêu chí của sản phẩm cuối cùng. Ví dụ khi kiểm soát đối tượng nhuyễn thể hai mảnh vỏ không chứa các độc tố cần kiểm soát cả vùng nước nuôi, bởi trong nước có thể có tảo độc. Thế nhưng, tiêu chuẩn hay quy chuẩn cho sản phẩm cuối cùng với nhuyễn thể hai mảnh vỏ không có tiêu chí nào về tảo độc hay nhắc tới việc kiểm soát tảo độc trong vùng nước nuôi. Rõ ràng, cần phải có sự thay đổi trong việc quản lý để kiểm soát tốt hơn về an toàn thực phẩm” - ông Bá Anh nêu ví dụ và phân tích.
Để khắc phục điều này, ông Bá Anh cho rằng, cần phải xây dựng TC, QC có tính đặc thù theo hướng kiểm soát toàn chuỗi với các quy định mới cụ thể. Nếu tách nhỏ các đối tượng và công đoạn thực hiện như hiện nay, hệ thống TC, QC của Việt Nam sẽ khó có thể xây dựng đủ các tiêu chuẩn theo yêu cầu của thực tế cuộc sống.
Bên cạnh đó, cũng cần tính đến việc quy hoạch hệ thống TC, QC trong một ngành và theo một chuỗi. Ví dụ, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xây dựng chuỗi TC, QC trong ngành thủy sản, nông sản… với lộ trình, quy cách thực hiện.
Một đại diện của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, nhiều doanh nghiệp có nguyện vọng sử dụng miễn phí các TC, QC quốc gia. Vì vậy, đại diện này đề nghị Bộ KH&CN phát hành miễn phí để TC, QC được áp dụng rộng rãi, tăng chất lượng hàng hóa.
Xã hội hóa xây dựng TC, QC?
Theo ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục tiêu chuẩn Đo lường chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện Việt Nam đang có khoảng 10.500 TC quốc gia, trong đó 47% là hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Nói một cách giản dị là chúng ta dựa vào tiêu chuẩn quốc tế để xây dựng chuyển dịch thành tiêu chuẩn quốc gia. Điều này được ông Hải cho là dễ hiểu khi trình độ nghiên cứu, làm chủ công nghệ của Việt Nam còn nhiều hạn chế, trong khi lĩnh vực tiêu chuẩn phản ánh chính xác trình độ phát triển công nghệ của một quốc gia.
“Vì sao nhà nước phải bỏ tiền ra làm tiêu chuẩn mà không phải doanh nghiệp? Bởi trong hàng trăm nghìn doanh nghiệp, số doanh nghiệp nội địa có khả năng nghiên cứu cơ bản rất ít. Trong bối cảnh đó, để doanh nghiệp làm tiêu chuẩn và để đưa tiêu chuẩn của một công ty phát triển thành tiêu chuẩn quốc gia và mang ra thị trường nước ngoài cạnh tranh với hàng hóa quốc tế là chuyện không tưởng. Thực tế, khi xây dựng Nghị định 78/2018/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều của nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chúng tôi đã nghĩ tới việc xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp tổ chức xã hội tham gia việc xây dựng TC, QC. Đây là xu thế tất yếu trên thế giới, là con đường chúng ta phải đi. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của 20-30 năm sau. Thực tế, nghị định 78 cũng đã có những điều khoản khuyến khích để việc doanh nghiệp nắm bắt, đầu tư cho xây dựng TC, QC”.
Hiện nay, Việt Nam đang là thành viên của nhiều tổ chức tiêu chuẩn quốc tế và có nghĩa vụ trách nhiệm thực hiện quy định của các tổ chức này. Các TC, QC là kết tinh tài sản trí tuệ của nhiều cá nhân tổ chức, do vậy, nó cần được bán chứ không thể phát miễn phí như mong muốn của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Nam Hải cho biết, nguyên tắc của các tổ chức quốc tế là không phát miễn phí.
“TC, QC phải được bán và doanh nghiệp phải mua để sử dụng như một tài sản trí tuệ. Đó là nguyên tắc và chúng ta không được phép đi ngược xu thế chung. Chỉ những tiêu chuẩn quốc gia do Việt Nam phát triển độc lập từ tài sản trí tuệ của VIệt Nam, không tham khảo, viện dẫn từ tiêu chuẩn quốc tế thì chúng ta mới có quyền cung cấp miễn phí cho doanh nghiệp, nếu muốn” - ông Hải nhấn mạnh thêm.
Đối với vấn đề quy hoạch TC, QC theo chuỗi, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường, Chất lượng cho biết, thực tế, năm 2013, Bộ KH&CN đã chủ trì việc phối hợp với các bộ ngành để xây dựng quy hoạch tiêu chuẩn quốc gia đến năm 2020.
“Thời điểm đó, thực tiễn chưa có yêu cầu phát triển chuỗi, chưa có yêu cầu Việt Nam cần đứng trong chuỗi cung ứng quốc tế nên quy hoạch chưa có trọng tâm trọng điểm. Trước những yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, Bộ KH&CN sẽ cùng các Bộ ngành cập nhập lại và xây dựng quy hoạch cho giai đoạn mới, giải quyết vấn đề mới” - ông Nguyễn Nam Hải cho biết.