Các Viện Khổng Tử, vốn hoạt động như trung tâm ngôn ngữ và văn hóa với tài trợ của chính phủ Trung Quốc, đã đóng cửa hàng loạt ở Mỹ trong khoảng 4 năm qua dưới sức ép từ Cục Điều tra Liên bang, Bộ Ngoại giao, Quốc hội và các cơ quan lập pháp bang do lo ngại về ảnh của Trung Quốc lên giáo dục đại học.
Sinh viên từ một Viện Khổng Tử ở Mỹ tham quan Đền thờ Khổng Tử ở TP Khúc Phụ (tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc), quê hương của ông, tháng 4/2013. Nguồn: AP
Trong số 118 Viện Khổng Từ từng mở ở Mỹ, 104 đã hoặc đang trong quá trình đóng cửa tính đến cuối năm 2021. Nhiều viện trong số đó bị buộc phải hoàn trả tài trợ của chính phủ Trung Quốc. Tuy vậy, theo một báo cáo được công bố mới đây có tên “Sau Viện Khổng Tử: Các ảnh hưởng tiếp diễn của Trung Quốc lên giáo dục đại học Mỹ” (After Confucius Institutes: China’s enduring influence on American higher education) của ba nhà nghiên cứu thuộc Hiệp hội Học giả Quốc gia Mỹ (National Association of Scholars), nhiều Viện Khổng Tử đã tái xuất dưới các diện mạo khác.
Các nhận định của Báo cáo dựa trên bộ dữ liệu được nhóm tác giả công khai trên trang web
https://data.nas.org/confucius_institute_contracts, bao gồm các hợp đồng gốc của các Viện Khổng Tử, thư từ với chính phủ Trung Quốc, hồ sơ tài chính liên quan đến việc tài trợ cho các viện. Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng thực hiện các nghiên cứu trường hợp chuyên sâu với 4 cơ sở gồm Đại học Washington, Đại học Western Kentucky, Đại học Bang Arizona và Đại học Purdue để có dữ liệu chi tiết hơn về chủ đề này.
Báo cáo cho biết, nhìn chung, chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực thương thảo với các trường đại học Mỹ để thuyết phục họ giữ lại các Viện Khổng Tử hoặc mở các chương trình tương tự với cái tên khác.
Hán Biện - tổ chức phi lợi nhuận chịu trách nhiệm về tài chính của các Viện Khổng Tử - đã đổi tên thành Trung tâm Giao lưu hợp tác về ngôn ngữ với nước ngoài thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc (CLEC) và thành lập một tổ chức riêng tách ra khỏi nó có tên Quỹ Giáo dục Quốc tế Trung Quốc (CIEF) để phụ trách việc tiếp tục tài trợ các Viện Khổng Tử và các chương trình thay thế.
Theo Báo cáo, có ba chiến lược thay đổi thương hiệu Viện Khổng Tử ở Mỹ: “bình mới rượu cũ”, duy trì quan hệ với đối tác Trung Quốc ở nhiều mức độ, và chuyển tới một “mái nhà” mới.
Bình mới rượu cũ
Mặc dù nhiều cơ sở rất nóng lòng muốn loại bỏ cái tên “Viện Khổng Tử”, phần lớn lại vẫn duy trì mối quan hệ với trường đại học đối tác ở Trung Quốc và nhận tài trợ của Hán Biện.
Báo cáo nhận thấy, ít nhất 28 cơ sở đã thế chỗ Viện Khổng Tử với một chương trình tương tự. Và trong nhiều trường hợp, chương trình thay thế đó có mô hình giống với Viện Khổng tử tới mức nhóm nghiên cứu nói rằng họ muốn gọi nó là “Viện Khổng Tử được đổi tên”.
Trong số này, có một số cơ sở đã xây dựng những trung tâm về Trung Quốc mà vẫn giữ nguyên nhân sự và chương trình của Viện Khổng Tử, và vẫn nhận tài trợ từ CLEC hoặc CIEF.
Chẳng hạn, Đại học Michigan đã tìm cách duy trì nhận tài trợ từ Hán Biện ngay cả sau khi đã đóng cửa Viện Khổng Tử của mình. Các trích dẫn trong Báo cáo tiết lộ trường đại học này đã nhận hơn 300.000 đô-la Mỹ từ Hán Biện vào tháng 5 và tháng 6/2019, ngay khi Viện Khổng Tử đã đóng cửa vào tháng 6/2019. Tuy vậy, những thông tin này hiện đã được xóa khỏi trang web của Bộ Giáo dục Mỹ.
Một buổi học ở Viện Khổng Tử thuộc Đại học cộng đồng Denver, Colorado, Mỹ.
Nguồn: nypost.com. Nguồn: nypost.com
Duy trì quan hệ hợp tác
Kết quả của Báo cáo cho thấy lý do được đưa ra nhiều nhất về việc đóng cửa Viện Khổng Tử là để thiết lập các mối quan hệ hợp tác mới với các trường đối tác ở Trung Quốc. 40 trong số 104 cơ sở nói rằng họ sẽ thay thế Viện Khổng Tử bằng một mối quan hệ hợp tác mới, thường là khá tương tự với Viện Khổng Tử. Bên cạnh đó, báo cáo cho biết, nhiều trường khác vẫn đang lên kế hoạch cho các hợp tác mới dù không đưa ra tuyên bố về việc này trong thông báo đóng cửa Viện Khổng Tử của họ.
Chính phủ Trung Quốc thường khuyến khích các trường đại học Mỹ thiết lập mối quan hệ kết nghĩa với một trường đại học ở Trung Quốc khi họ đăng ký thành lập Viện Khổng Tử. Ví dụ, Đại học Bang Arizona (ASU) đã trở thành trường đại học đối tác với Đại học Tứ Xuyên do được thuyết phục rằng điều đó giúp việc mở Viện Khổng Tử ở trường trở nên dễ dàng hơn. Mối quan hệ kết nghĩa này vẫn được duy trì sau khi Viện Khổng Tử đóng cửa. Trường Đại học William và Mary đã thay thế Viện Khổng Tử của mình bằng một chương trình hợp tác với Đại học Sư phạm Bắc Kinh, đối tác cũ của họ khi thành lập Viện Khổng Tử. Một ngày sau khi học đóng cửa vào ngày 30/6/2021, hai trường đã ký thỏa thuận “kết nghĩa” mới để thiết lập chương trình mới.
Các trường đại học Trung Quốc cũng đã đề xuất các chương trình tương tự như Viện Khổng Tử nhưng do chính trường đại học Trung Quốc tài trợ. Ví dụ, Jinlin Li, chủ tịch Đại học Dân tộc Trung Nam (SCUN), đã viết thư cho Hiệu trưởng Đại học Wisconsin-Platteville, Dennis J Shields, đề nghị rằng “chúng ta tiếp tục làm việc cùng nhau ở cấp đại học để tiếp tục cung cấp các khóa học tín chỉ tiếng Trung và các chương trình kungfu”. Ông nói thêm rằng “SCUN sẽ vui lòng tài trợ cho hoạt động này”.
“Chuyển nhà”
Khi được thông báo về việc đóng cửa các Viện Khổng Tử, Hán Biện đã phản hồi rằng ban đầu họ cảm thấy sốc và phẫn nộ, sau đó có phần tiếc nuối nhưng cuối cùng thì được xoa dịu bởi “những nỗ lực phối hợp nhịp nhàng để thu hút các cơ sở giáo dục đại học thiết lập những mối quan hệ đối tác mới.”
Richard Benson, chủ tịch của Đại học Texas Dallas, viết trong một bức thư được Báo cáo trích dẫn: “Chúng tôi sẽ sắp xếp một thỏa thuận song phương mới với Đại học Đông Nam để tiếp tục các cam kết cùng có lợi.” Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Texas Dallas mới được thành lập vẫn tích hợp nhiều chương trình mà Viện Khổng Tử từng thực hiện, và do cựu giám đốc của Viện Khổng Tử quản lý.
23 trường đại học cho biết sẽ thay thế Viện Khổng Tử bằng các chương trình nội bộ của riêng họ. Tuy nhiên, ít nhất bốn trường - Đại học Idaho, Đại học Illinois Urbana-Champaign, Đại học Montana và Đại học Purdue - trên thực tế đã vận hành các chương trình này với sự hợp tác của đối tác Viện Khổng Tử cũ của họ. Sáu trường đại học - gồm Đại học Pfeiffer, Đại học Bang San Diego, Đại học Maryland, Đại học Arizona, Đại học Washington và Đại học Western Kentucky - cho biết dự định tìm một ngôi nhà mới cho Viện Khổng Tử bằng cách chuyển nó đi nơi khác.
Lý do đóng cửa các Viện Khổng Tử ở Mỹ
Báo cáo đã xem xét các bức thư mà các cơ sở giáo dục đại học gửi cho chính phủ Trung Quốc hoặc trường đại học đối tác Trung Quốc của họ; thư gửi cho các cơ quan chính phủ Mỹ; thông báo nội bộ cho nhân viên, giảng viên và cộng đồng nhà trường; và các tuyên bố được công bố trên trang web của các cơ sở đó hoặc được công bố bởi các phương tiện truyền thông để tìm hiểu về các lý do dẫn tới quyết định đóng cửa Viện Khổng Tử.
Trong khi hầu hết những lời chỉ trích xung quanh Viện Khổng Tử liên quan đến các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, xâm phạm quyền tự do học thuật và vấn đề kiểm duyệt, thì đây lại hiếm khi là những lý do mà các cơ sở giáo dục đại học đưa ra khi họ công bố kế hoạch đóng cửa Viện Khổng Tử. Báo cáo chỉ ra rằng những lý do được viện dẫn thường xuyên nhất là sự phát triển của các quan hệ đối tác thay thế với Trung Quốc và những thay đổi trong chính sách công của Mỹ.
Chỉ có 5 trong số 104 cơ sở viện dẫn những lo ngại về mối quan hệ của chính phủ Trung Quốc với các Viện Khổng Tử. Hai trong số đó nêu các vấn đề có thể xảy ra với sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc nhưng vẫn kết luận rằng đây không phải là trường hợp xảy ra đối với trường đại học của họ.
Trong số 33 trường đại học viện dẫn chính sách công là lý do khiến Viện Khổng Tử đóng cửa, 19 trường trích dẫn khả năng mất ngân quỹ liên bang và 11 trường hợp trích dẫn cụ thể Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng, cấm một số khoản tài trợ nhất định từ Bộ Quốc phòng cho các trường đại học có Viện Khổng Tử. Ba trường đại học đã trích dẫn các cảnh báo mà họ nhận được từ Bộ Ngoại giao Mỹ.
Ngoài ra, 7 cơ sở cho biết sự không hứng thú của học viên và sinh viên là lý do chính khiến họ đóng cửa Viện Khổng Tử.
Viện Khổng Tử là sáng kiến được Hán Biện - một tổ chức phi lợi nhuận liên kết với chính phủ Trung Quốc - đề xuất và tài trợ nhằm quảng bá văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc ở nước ngoài.
Được triển khai từ năm 2004, đến nay, có hơn 500 Viện Khổng Tử đã được mở ở 146 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, các viện này cũng làm việc với các trường phổ thông ở địa phương để mở các Lớp học Khổng Tử, cung cấp các chương trình giảng dạy tương tự cho học sinh.
Chiến lược của Viện Khổng Tử khá tương đồng với các viện văn hóa khác như Hội đồng Anh hay Viện Goethe, tức cung cấp các khóa đào tạo ngôn ngữ và quảng bá văn hóa thông qua các khóa học nấu ăn, lớp thư pháp và chương trình kỷ niệm các ngày lễ Trung Quốc. Tuy vậy, điểm khác của Viện Khổng Tử là nó được thành lập như một đơn vị trực thuộc trường đại học tiếp nhận (host university).
Để thành lập một Viện Khổng Tử, Hán Biện yêu cầu cơ sở tiếp nhận thiết lập quan hệ đối tác với một cơ sở giáo dục tại Trung Quốc, khiến việc thành lập giống như một sáng kiến địa phương chứ không phải là một tổ chức do cơ quan bên ngoài đưa vào, từ đó góp phần củng cố diễn ngôn “thế giới chào đón Trung Quốc”. Sau khi mối quan hệ hợp tác được Hán Biện phê duyệt, mỗi bên được yêu cầu bổ nhiệm một giám đốc để quản lý viện này, và tuân theo quy định giám đốc kép của chính phủ Trung Quốc.
Viện Khổng Tử không chỉ củng cố sự hiện diện của Trung Quốc ở nước ngoài thông qua các chương trình giảng dạy. Các cơ hội học bổng và giải thưởng hào phóng là một chiến lược mạnh mẽ giúp thúc đẩy công dân của các quốc gia sở tại tham gia vào các hoạt động của viện. Việc nhanh chóng mở rộng các lớp học và cung cấp các giáo viên tình nguyện giúp viện tạo ra các tác động ở những khu vực vốn khan hiếm cơ hội giáo dục.
Kể từ khi thành lập, sáng kiến của Hán Biện được coi là bằng chứng thành công cho chiến lược “quyền lực mềm” của Trung Quốc, đồng thời động cơ đằng sau việc thiết lập các Viện Khổng Tử và việc tích hợp nó vào các trường đại học không ngừng bị đặt dấu hỏi. Đặc biệt, một trong những điểm khiến nó bị chỉ trích nhiều nhất là không tạo ra không gian cho các thảo luận về Trung Quốc. Nó cung cấp các tin tức về các sự kiện đang diễn ra với quan điểm chính thức của của CHND Trung Hoa, và chỉ tập trung giảng dạy các nội dung được đóng gói sẵn về văn hóa chứ không tạo cơ hội cho các thảo luận về các vấn đề trái chiều của quốc gia này. |