Trong Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, có 9 nhóm sản phẩm khoa học chính thức và 3 nhóm dự bị được nêu tên.

Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, các sản phẩm mang thương hiệu Việt phải đối mặt với những thách thức lớn từ sự bất ổn định của thị trường xuất nhập khẩu, xu hướng cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu nước ngoài, và đặc biệt là quy trình sản xuất lạc hậu dẫn đến chất lượng và năng suất sản xuất còn thấp.

Mặc dù nỗ lực đưa sản phẩm Việt ra thế giới nhưng số lượng sản phẩm đứng trên bản đồ thương hiệu toàn cầu vẫn còn rất ít.

Từ những năm 2010, để bắt kịp với xu thế phát triển của thế giới cũng như nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế, Bộ KH&CN đã đề xuất “Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020” và được Thủ tướng chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 2441/QĐ-TTg ngày 31/12/2010.

Mục tiêu của chương trình là hình thành, phát triển sản phẩm khoa học, hàng hóa mang thương hiệu quốc gia gắn với việc công nghệ chất lượng cao.

Theo đó, danh mục các sản phẩm quốc gia ưu tiên phát triển gồm 9 nhóm sản phẩm, trong đó có 9 sản phẩm chính thức và 3 sản phẩm dự bị, thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, thông tin truyền thông, y tế, quốc phòng an ninh.

Cụ thể, 9 nhóm sản phẩm chính thức bao gồm:

#1. Sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao

Trong giai đoạn từ năm 2010-2018, sản lượng gạo tiêu dùng của Việt Nam đạt xấp xỉ 23 triệu tấn/năm. Sản lượng gạo xuất khẩu ấn tượng với con số 4,9 – 7,7 triệu tấn/năm, tương đương giá trị 2 tỷ USD mỗi năm và đến năm 2018 đã đạt kỉ lục xuất khẩu 3,08 tỷ USD.

Tuy nhiên vì ứng dụng công nghệ trong chuỗi giá trị lúa gạo chưa cao nên nông dân và các doanh nghiệp lúa gạo chưa có mức thu nhập ổn định. Do đó, đây là nhóm sản phẩm đầu tiên được nhà nước hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, nhằm thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ cao trong doanh nghiệp lúa gạo nói riêng và các ngành nghề khác nói chung.

Sản phẩm này do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm cơ quan chủ quản.

#2. Sản phẩm thiết bị siêu trường, siêu trọng

Những năm gần đây, ngành logistic của Việt Nam phát triển mạnh mẽ, dẫn đến nhu cầu cần phải đầu tư vào các thiết bị siêu trường, siêu trọng.

Những mặt hàng này thường không thể tháo rời, có trọng lượng trên 32 tấn. Do đó việc vận chuyển tương đối khó khăn, cần dùng các thiết bị chuyên biệt. Các thiết bị này cần phải được đầu tư trên cả 2 loại hình giao thông là đường bộ và đường thủy.

Sản phẩm của chương trình quốc gia này bao gồm Thiết bị nâng hạ có sức nâng lớn (gồm 09 nhóm sản phẩm nâng hạ) do Bộ KH&CN quản lý và Giàn khoan dầu khí di động do Bộ Công Thương quản lý.

Sản phẩm cổng trục bốc xếp vật liệu cho tổ hợp Nhà máy Điện đạm Cà Mau do Công ty CP kết cấu thép và thiết bị nâng Việt Nam – VINALIFT thiết kế, chế tạo. | Nguồn: KHPT
Sản phẩm cổng trục bốc xếp vật liệu cho tổ hợp Nhà máy Điện đạm Cà Mau do Công ty CP kết cấu thép và thiết bị nâng Việt Nam – VINALIFT thiết kế, chế tạo. | Nguồn: KHPT

#3. Sản phẩm bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin

Tình hình mất an toàn trên mạng Internet và các mạng cục bộ vẫn luôn là một trong những vấn nạn nhức nhối và khó kiểm soát của nhiều quốc gia trên thế giới. Các cuộc tấn công mạng ngày càng trở nên mạnh mẽ, khó lường. Việt Nam thường xuyên nằm trong Top kém an toàn nhất thế giới, có nguy cơ bị tấn công cao.

Do đó việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm an ninh mạng không chỉ góp phần đảm bảo an toàn cho mọi cá nhân trên mạng, mà còn là một phương thức bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Nhóm sản phẩm liên quan đến an toàn mạng thông tin này sẽ do Bộ KH&CN làm cơ quan chủ quản.

#4. Sản phẩm động cơ sử dụng cho phương tiện giao thông vận tải

Phát triển sản phẩm động cơ dùng cho các phương tiện giao thông vận tải sẽ giúp tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc đáng kể, đặc biệt trong hoạt động giao thương, thương mại hàng hóa.

Nhóm sản phẩm bao gồm sản phẩm Động cơ Diesel D4 và Động cơ xăng dùng cho ô tô công suất 55 - 150 mã lực đạt tiêu chuẩn khí thải EURO4. Bộ KH&CN là cơ quan chủ quản cho nhóm sản phẩm này.

#5. Sản phẩm vắc-xin phòng bệnh cho người và vật nuôi của Việt Nam

Một quốc gia phát triển hay không phụ thuộc phần lớn vào yếu tố con người. Dù ở thời đại nào, Chính phủ cũng thường ưu tiên lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho người và vật nuôi.

Một trong những phương thức để phát triển y tế đó là đầu tư nghiên cứu các sản phẩm vắc-xin phòng bệnh. Ở Việt Nam nói riêng và các nước phát triển nói chung, rất nhiều bệnh nguy hiểm đến tính mạng chưa hề có vắc-xin.

Do đó nhóm sản phẩm này đã được Chính phủ phê duyệt trong chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, bao gồm Vắc-xin phòng bệnh cho người do Bộ Y tế quản lý và Vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi do Bộ KH&CN quản lý.

Ứng dụng công nghệ trong sản xuất vắc-xin phòng các chủng virus mới của cúm A/H5N1 | Nguồn: VNE
Ứng dụng công nghệ trong sản xuất vắc-xin phòng các chủng virus mới của cúm A/H5N1 | Nguồn: VNE

#6. Sản phẩm phục vụ an ninh và quốc phòng

Phát triển an ninh và quốc phòng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của mỗi quốc gia trong việc đảm bảo chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh khu vực. Chính phủ khuyến khích nghiên cứu và đầu tư vào nhóm sản phẩm này, tuy nhiên hiện chưa có thông tin về các nhiệm vụ triển khai.

Đến năm 2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia tại Quyết định số 787/QĐ-TTg, bao gồm:

#7. Tôm nước lợ (Tôm sú và Tôm thẻ chân trắng)

Từ trước tới nay, môi trường nước lợ chỉ chuyên nuôi tôm cá truyền thống. Tuy nhiên kết quả thống kê cho thấy nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng có thể cho hiệu quả kinh tế gấp 5 lần mô hình tôm cá bình thường. Với kết quả này, nếu việc nuôi tôm nước lợ được đẩy mạnh, chắc chắn kim ngạch xuất nhập khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa. Đồng thời, phát triển ngành nuôi tôm nước lợ có thể mở ra một tiềm năng mới mang lại hiệu quả kinh tế vô cùng cao.

#8. Cà phê Việt Nam chất lượng cao

Việt Nam là một trong những quốc gia trồng và xuất khẩu cà phê lớn nhất trên Thế giới, bên cạnh Ấn Độ và Indonesia. Tuy nhiên vì một số điều kiện khách quan và chủ quan, ngành cà phê Việt Nam mới đây đã bị giảm cả sản lượng và kim ngạch. Vì thế để lấy lại vị thế của cà phê Việt Nam trên thị trường Thế giới, nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm này.

#9. Sâm Việt Nam

Sâm là một trong những mặt hàng mang lại vị trí cao cho ngành dược liệu tại Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang tích cực mở rộng diện tích trồng sâm và nâng cao chất lượng cây sâm. Các vùng trọng điểm trồng sâm tại Việt Nam là Quảng Nam, Kon Tum.

3 nhóm sản phẩm dự bị bao gồm:

1. Sản phẩm cá da trơn chất lượng cao và các chế phẩm từ cá da trơn

Với ưu điểm về giá cả và chất lượng, nhu cầu nhập khẩu cá da trơn ở các thị trường như Mỹ, EU,... ngày càng tăng. Hằng năm, Việt Nam đều xuất khẩu khối lượng lớn cá da trơn sang những thị trường này, điều này đã đóng góp lớn vào sự tăng trưởng ổn định ngành nuôi trồng thủy sản nước ngọt của nước ta.

Xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng trên, Việt Nam đã đưa cá da trơn vào danh sách sản phẩm dự bị quốc gia; từ đó, xây dựng chiến lược phát triển nhóm sản phẩm này nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Sản phẩm này do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm cơ quan chủ quản.

2. Các sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu

Trong đời sống hiện nay, nấm ngày càng thể hiện ý nghĩa quan trọng đối với con người và nhân loại. Trừ những loại nấm có độc thì phần lớn loài nấm được sử dụng làm thực phẩm giàu dinh dưỡng hoặc làm thuốc chữa trị một số bệnh như tim mạch, béo phì, loãng xương…

Là nước nông-lâm nghiệp với nguồn phế phụ phẩm (rơm, rạ, mùn cưa, thân ngô…) đạt trên 40 triệu tấn/năm, cùng với điều kiện tự nhiên phù hợp, Việt Nam có đầy đủ tiềm năng để phát triển ngành nuôi trồng nấm không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn có thể xuất khẩu ra nước ngoài, trở thành nguồn thu ngân sách đáng kể cho quốc gia. Sản phẩm này do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm cơ quan chủ quản.

Nấm bào ngư sản xuất trên quy mô công nghiệp ở Việt Nam | Nguồn: VNE
Nấm bào ngư sản xuất trên quy mô công nghiệp ở Việt Nam | Nguồn: VNE

3. Sản phẩm vi mạch điện tử

Vi mạch là một sản phẩm công nghiệp mấu chốt trong ngành công nghiệp điện tử. Việc cập nhật công nghệ hiện đại nhất cho các vi mạch sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm điện tử sản xuất tại Việt Nam.

Ngoài ra, việc nghiên cứu và chế tạo thành công vi mạch mang thương hiệu Việt sẽ giảm số lượng siêu linh kiện điện tử và giải pháp công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài; tạo ra các sản phẩm có ưu thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; từ đó, đẩy mạnh quá trình chuyển giao công nghệ, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhóm sản phẩm này sẽ do Bộ KH&CN làm Cơ quan chủ quản.

Mỗi nhiệm vụ thuộc chương trình phát triển 9 nhóm sản phẩm nêu trên có thể bao gồm các hoạt động: (i) Nghiên cứu phát triển sản phẩm, (ii) Sản xuất thử nghiệm, (iii) Thương mại hóa sản phẩm và phát triển thị trường.

Hiện các dự án thực hiện chương trình đã hoàn thành hoặc chuẩn bị nghiệm thu.

Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất không được nêu trên vẫn có thể tham gia vào các chương trình khoa học công nghệ khác của Bộ KH&CN như:
  • Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020;
  • Chương trình quốc gia Phát triển công nghệ cao đến năm 2020;
  • Chương trình Tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020;
  • Chương trình Hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về khoa học và công nghệ đến năm 2020;
  • Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”;
  • Chương trình Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm;
  • Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo nghị định thư.
  • ...