Để phát triển thị trường KH&CN, Nhà nước Đức thường tạo ra các điều kiện khung, các biện pháp khuyến khích, cụ thể là hỗ trợ tăng cường năng lực làm nghiên cứu và phát triển (NC&PT), khuyến khích chuyển đổi cơ cấu, giúp đỡ các dự án chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp.

Ở Đức, việc mua bán, chuyển giao công nghệ giữa viện và doanh nghiệp được thực hiện qua hai hình thức: Chuyển giao công nghệ gián tiếp và Chuyển giao công nghệ trực tiếp. Ngoài ra còn có các tố chức hiệp hội của những tổ chức hỗ trợ chuyển giao công nghệ cũng được thành lập và hoạt động rất mạnh để giúp đỡ các tổ chức này tham gia có hiệu quả vào hoạt động chuyển giao công nghệ.

Mô hình chuyển giao gián tiếp qua trung gian, môi giới

Các tổ chức trung gian, môi giới

Tổ chức trung gian, môi giới thường được gọi bằng một khái niệm chung là Trung tâm công nghệ và có chức năng hỗ trợ cho các hoạt động chuyển giao công nghệ tiến hành nhanh hơn và có hiệu quả hơn. Hình thái tổ chức của Trung tâm này đa dạng gồm:

- Các Trung tâm tư vấn: Thực hiện các dịch vụ tư vấn, giúp đỡ trọn gói một việc tư vấn chuyển giao (chủ yếu dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ); Giúp đỡ tìm kiếm thông tin và xử lý theo yêu cầu; Môi giới các đối tác hợp tác và đối tác chuyển giao; Tổ chức các mạng liên kết, các quan hệ hợp tác liên kết với các đổi tác,...

- Các Trung tâm thông tin patent: Chỉ dẫn về bảo vệ và hỗ trợ patent; Giúp tìm kiếm patent; Tổ chức, môi giới làm việc với các nhà sáng chế; Tổ chức các hội thảo, lớp học,...

- Các Trung tâm chuyển giao, trình diễn công nghệ: Tư vấn và trình diễn công nghệ đặc thù; tiến hành các công việc thường xuyên liên quan đến các dự án chuyến giao công nghệ do Nhà nước tài trợ; Tra cứu, cung cấp các kết quả nghiên cứu cơ bản; Giúp chuẩn bị khi đưa các công nghệ mới vào sử dụng,...

- Các Trung tâm hỗ trợ khởi lập doanh nghiệp (incubator): Tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp trẻ giai đoạn khởi lập; Duy trì các hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp tục phát triển; Cung ứng cơ sở hạ tầng và các diện tích cho thuê (phòng họp, phòng thí nghiệm....); Tiến hành các dịch vụ chung (điện thoại, văn thư..); Môi giới các dịch vụ và tiến hành các tư vấn ( ngân hàng, kế toán...).

Tên các Trung tâm nêu trên thể hiện chức năng chính của Trung tâm. Còn trên thực tế thì các Trung tâm hoạt động theo phương thức kết hợp các chức năng kể trên.

Đầu tư của Nhà nước cho các Trung tâm công nghệ

CeBit - Hội chợ công nghệ thông tin lớn nhất thế giới tại Đức. Nguồn: Sividuc.org

Về hỗ trợ hạ tầng cơ sở cho các trung tâm: Nhà nước thực hiện dưới dạng một chương trình, trong đó các Trung tâm được nhà nước tài trợ tối đa 80% (liên bang: 50%, bang: 50%); không có giới hạn giá trị hỗ trợ tuyệt đối.

Về chi phí bộ máy và hoạt động của trung tâm: Nhà nước hỗ trợ dưới dạng một chương trình, trong đó các trung tâm được tài trợ tối đa 60% (liên bang: 75%, bang: 25%); số tuyệt đối không quá 200 ngàn euro/năm và cho 1 cơ sở.

Trung tâm hỗ trợ khởi lập doanh nghiệp

Trung tâm hỗ trợ khởi lập doanh nghiệp (incubator) có nhiệm vụ tổ chức các liên kết giữa các đối tác cần thiết cho việc khởi lập doanh nghiệp như ngân hàng, cơ quan chính sách của nhà nước, nhà khoa học... Trung tâm tạo điều kiện khung cho việc hình thành quan điểm, ý tưởng kinh doanh; cho giai đoạn đầu của doanh nghiệp trẻ, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ và tạo các điều kiện cho các doanh nghiệp đó tiếp tục phát triển ở thời gian ban đầu (3-5 năm).

Về góp vốn xây dựng trung tâm có rất nhiều nguồn khác nhau. Nhiều nhất là Chính quyền liên bang chiếm 23%, chính quyền bang chiếm 13%, doanh nghiệp chiếm 12%, ngân hàng thương mại chiến 11%, phòng thương mại và công nghiệp chiếm 9% và các thành phần khác trong xã hội... Tổng hợp lại thì đóng góp của nhà nước thường chiếm 40-60% tổng chi phí của trung tâm, nhất là giai đoạn hình thành rất cần vốn của nhà nước, ở giai đoạn phát triển và củng cố thì các Trung tâm có thể trang trải được chi phí của mình.

Mục tiêu của các Trung tâm này là hỗ trợ và giúp đỡ cho việc thành lập các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp công nghệ. Qua đó Trung tâm thực hiện công tác hỗ trợ chuyển giao tri thức và chuyển giao công nghệ nhằm tăng cường tiềm lực đổi mới của vùng và tạo mạng liên kết quốc gia và quốc tế. Thông qua hoạt động, các Trung tâm sẽ hỗ trợ cho việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của vùng và cuối cùng mục tiêu là các Trung tâm phấn đấu để có thể tự hoạt động để bù đắp chi phí.

Mô hình hỗ trợ chuyển giao trực tiếp

Giải pháp để thực hiện chuyển giao trực tiếp và hỗ trợ đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp đã được CHLB Đức triển khai dưới dạng các chương trình hỗ trợ trực tiếp cho đổi mới doanh nghiệp, ví dụ Chương trình hỗ trợ đổi mới công nghê (Pro-Inno) bao gồm các chương trình thành phần đặc trưng như: Chương trình nghiên cứu chung giữa viện nghiên cứu và doanh nghiệp; Chương trình nghiên cứu ủy thác giữa viện nghiên cứu và doanh nghiệp; Chương trình hỗ trợ phát triển nhân lực KH&CN giữa viện nghiên cứu và doanh nghiệp.

Các chương trình này đều chú ý và đặc biệt nhấn mạnh đến việc ưu đãi đối với doanh nghiệp ở phần Đông Đức và Đông Berlin nơi có nhiều chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường. Các Chương trình này được giao cho Hiệp hội nghiên cứu của các ngành công nghiệp Đức (AiF) chủ trì thực hiện với vai trò tổ chức tuyển chọn và theo dõi thực hiện (một dạng của ban quản lý chương trình).

Hiệp hội nghiên cứu của các ngành công nghiệp Đức (AiF) được thành lập cách đây 50 năm. Các doanh nghiệp công nghiệp Đức tham gia hiệp hội đưa ra nhu cầu nghiên cứu chung để cùng nhau giải quyết, sau đó kết quả được chuyển giao cho tất cả doanh nghiệp trong Hiệp hội. Đó là công nghệ mà tất cả các hội viên đều cần, (ví dụ công nghệ đóng bao bì cho công nghiệp, công nghệ xử lý môi trường), còn những vấn đề công nghệ đặc thù của từng doanh nghiệp có thể lập dự án xin hỗ trợ kinh phí của nhà nước thuộc các chương trình nghiên cứu của nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, AiF khi đó có vai trò như ban quản lý đề tài, sẽ ký hợp đồng hoặc đặt hàng với các trường đại học, viện nghiên cứu.