Một trong những vụ việc gây tranh luận mạnh mẽ trong năm 2018 vừa qua là chương trình thực nghiệm công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.
Không bàn về hay dở tốt xấu của chương trình này, nhưng thật khó hình dung một chương trình thực nghiệm lại có thể kéo dài đến 40 năm mà vẫn là thực nghiệm và không có kết luận chính thức về việc liệu có thể đem chương trình này áp dụng cho giáo dục đại trà trên diện rộng được không và nếu có thì như thế nào.
Có thể nói cả hai bên ủng hộ và phản đối chương trình thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại đều không có chứng cứ thực sự thuyết phục. Một vài tấm gương thành công chưa thể coi là chứng cứ khoa học đầy đủ, vì những trường hợp thành công này có thể phụ thuộc nhiều yếu tố khác, do đó nó chưa có ý nghĩa thống kê và kết luận.
Sở dĩ có tình trạng đó là vì không có bất cứ một khuôn khổ hay thiết chế pháp lý nào cho phép tiến hành thực nghiệm giáo dục. Ai cũng hiểu nếu GS. Hồ Ngọc Đại không phải là con rể cố Tổng Bí thư Lê Duẩn thì việc triển khai một chương trình thực nghiệm như thế là điều hầu như không thể. Tình trạng đó đã đến lúc cần phải thay đổi.
Nhu cầu về thực nghiệm giáo dục
Cuộc sống đang thay đổi rất nhanh về mọi phương diện, đòi hỏi giáo dục cũng phải thay đổi. Chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện trong giáo dục là một chủ trương đúng và cần được thực hiện với sự thận trọng cần thiết.
Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi có nêu “Chương trình giáo dục phổ thông phải được tổ chức thực nghiệm trước khi ban hành”, và giao cho Bộ GD-ĐT “quy định việc thực nghiệm một số nội dung, phương pháp giáo dục mới trong cơ sở giáo dục phổ thông” (Điều 30). Đây là một bước tiến rất quan trọng so với trước đây, và chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu biên soạn và ban hành Chương trình Giáo dục Phổ thông Tổng thể. Như vậy, Luật đã mở đường để có thể thực hiện những chương trình giáo dục thực nghiệm.
Tuy nhiên, quy định như vậy mới chỉ tháo gỡ khó khăn trước mắt cho việc thực nghiệm Chương trình Phổ thông Tổng thể, mà chưa đủ để tạo ra một cơ chế đáp ứng cho việc phát triển bền vững những sáng kiến đổi mới trong giáo dục. Những sáng kiến này không phải là việc làm một lần là xong, nó phải là nỗ lực thường xuyên không ngừng nghỉ trên mọi lãnh vực của hoạt động giáo dục, vừa là phương pháp giảng dạy, đánh giá, cách tổ chức dạy và học, cách quản trị nhà trường.
Những rào cản
Hiện nay, không thể thực hiện được những thực nghiệm có tính chất căn bản về nội dung và phương pháp giảng dạy. Lý do không chỉ là chưa có thiết chế pháp lý cho việc này, mà còn là rào cản trong vấn đề thi cử.
Luật Giáo dục quy định học sinh học hết chương trình trung học phổ thông nếu đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được Giám đốc sở giáo dục và đào tạo cấp tỉnh, thành phố cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (Điều 31- Luật GD sửa đổi 2015). Luật quy định như vậy chỉ đòi hỏi phải thi để được cấp bằng tốt nghiệp chứ thực ra không yêu cầu phải tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp chung cho cả nước. Thế nhưng thực tế từ xưa đến nay cả nước đều thi tốt nghiệp phổ thông chung một ngày và chung một đề. Tình hình này khiến việc tổ chức thực nghiệm giáo dục trở thành bất khả thi, vì đánh giá học sinh thực nghiệm bằng thước đo áp dụng với chương trình đại trà là hoàn toàn bất hợp lý. Thế nhưng Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi vẫn giữ nguyên điều này.
Hiện nay chúng ta có một số trường thực hành đặt tại các trường sư phạm. Tiếng là trường thực hành, nhưng nó hoàn toàn thuộc quyền quản lý về chuyên môn của Sở GD- ĐT, tức là hoạt động không khác gì mọi trường phổ thông khác về chương trình, nội dung và phương pháp dạy học hay đánh giá. Vì thế nó không có ý nghĩa thực nghiệm, tức là thử nghiệm cái mới, theo dõi và đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm và cải tiến.
Cần một mô hình
Trước năm 1975, miền Nam có ba trường kiểu mẫu, một ở Thủ Đức, một ở Cần Thơ và một ở Huế. Ba trường này được chính phủ đầu tư những điều kiện tốt nhất để làm việc. Trường kiểu mẫu Huế là do kiến trúc sư lừng danh Ngô Viết Thụ thiết kế. Hiệu trưởng Trường Kiểu mẫu Thủ Đức chính là GS Dương Thiệu Tống, người Việt Nam đầu tiên đỗ bằng tiến sĩ giáo dục ở Mỹ. Người dạy ở các trường này được chọn lọc rất kỹ, thường là người đỗ thủ khoa các khóa. Nhưng điều quan trọng nhất là cơ chế tự do. Ở các trường này, lãnh đạo trường và các thầy cô toàn quyền đề xuất và thực hiện những nội dung hay phương pháp hoàn toàn mới. Họ thậm chí còn dạy cả triết gia Trần Đức Thảo trong chương trình. Họ tự ra đề cho học sinh thi, và văn bằng trường cấp có giá trị như văn bằng trong hệ thống quốc gia.
Mô hình kiểu mẫu này hoạt động tương tự như con tàu phá băng. Sức mạnh mà nó có được là do mức độ tự do và tự chủ mà nó được hưởng, bên cạnh mức đầu tư mạnh mẽ của nhà nước. Tất nhiên điều rất quan trọng là phẩm chất và tầm nhìn của lãnh đạo trường. Trường kiểu mẫu phải được trao cho những người có hiểu biết sâu sắc về bản chất của giáo dục, có kiến thức rộng về thực tiễn giáo dục trong và ngoài nước, có hoài bão, khát vọng tạo ra thay đổi. Họ được bảo đảm không bị hạn chế bởi những rào cản trong hệ thống, vì đó là điều kiện thiết yếu để sáng tạo và tạo ra một kết quả khác đi.
Mọi ý tưởng dù hay đến đâu về mặt lý thuyết, được đề xuất bởi những người đáng kính thế nào đi nữa, thì cũng cần được kiểm nghiệm trong thực tế. Bao giờ cũng có những yếu tố mà người ta không thể tính toán trước được hết, đặc biệt là trong giáo dục, vì kết quả giáo dục còn phụ thuộc vào nhiều bên. Chính vì thế, trường thực nghiệm đóng vai trò kiểm nghiệm để khẳng định hay phủ định một cách làm mới thông qua nghiên cứu cụ thể và phân tích về kết quả đạt được. Trước khi miền Nam trước năm 1975 chuyển việc thi tú tài bằng bài thi viết theo lối truyền thống sang thi trắc nghiệm chấm bằng máy, việc này đã được thử nghiệm tại các trường kiểu mẫu, đó là một ví dụ.
Hai điểm cần lưu ý đối với các trường thực nghiệm là:
Một, trường thực nghiệm nên gắn với các trường ĐH Sư phạm, ĐH Giáo dục, vì điều này sẽ tạo điều kiện để giới nghiên cứu ở các trường gắn bó với những vấn đề thực tế và giải quyết những vấn đề của thực tế.
Hai, cần có bài bản cho mọi kế hoạch thực nghiệm. Nội dung, cách làm, cách đánh gía cần được dự liệu trước, được hoàn thiện qua phản biện đồng nghiệp trước khi thực hiện. Quan trọng nhất là kết quả cần được nghiên cứu, phân tích một cách khách quan, và đem vào áp dụng đại trà sau khi thử nghiệm.
Những điểm này cần được xem xét đưa vào Luật Giáo dục để tạo ra hành lang pháp lý vững chắc cho việc thực nghiệm. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện trong giáo dục.