Tại cuộc họp tại Brussels ngày 20/2/2019, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo, do hơn 40% kinh phí đầu tư cho R&D đến từ 200 công ty nên các chính phủ có nguy cơ mất quyền kiểm soát đối với hướng nghiên cứu công nghệ và lo ngại về những mặt trái của công nghệ đang gia tăng.
Từ năm 2009 đến 2016, tỷ lệ GDP dành cho R&D ở các nước phát triển giảm bốn phần trăm, từ 31% xuống còn 27%. Trong thời gian này, thay vì trợ cấp trực tiếp như trước, các chính phủ chủ yếu hỗ trợ cho R&D một cách gián tiếp như giảm thuế và gia tăng mối quan hệ hợp tác. Do đó, “chính phủ không phải lúc nào cũng giữ vai trò nhà đầu tư lớn nhất trong hệ thống R&D như trước đây”, theo Michael Keenan - chuyên gia phân tích cao cấp của OECD.
Mặc dù ưu đãi thuế khuyến khích đầu tư vào R&D nói chung, các nhà kinh tế cho rằng ưu đãi thuế thường không có tác dụng thúc đẩy chi tiêu cho các mục tiêu chính sách cụ thể, chẳng hạn như cải thiện khí hậu. “Ưu đãi thuế ít cho phép các chính phủ tác động đến hướng chi tiêu”, ông Keenan nhận xét. Điều này có thể sẽ dẫn đến khả năng các chính phủ đang ít cơ hội gây ảnh hưởng đến cách thức phát triển công nghệ.
Kết luận này gây tranh cãi - và thực sự tại cuộc họp ngày 20/2/2019, nó đã ngay lập tức bị một số quan chức của một số quốc gia và Ủy ban châu Âu phản đối. Tuy nhiên dữ liệu cũng phù hợp với cảm nhận ngày càng rõ ràng hơn của các nhà hoạch định chính sách KH&CN là họ ngày càng có ít kiểm soát với công nghệ hơn so với trước đây.
OECD cho biết, một biểu hiện của vấn đề này là sự lo ngại về hoạt động và ảnh hưởng của Facebook và các công ty công nghệ lớn khác. Lo ngại này là có cơ sở bởi nhiều công ty công nghệ có ngân sách đầu tư cho R&D lớn hơn so với hầu hết các chính phủ và có thể thúc đẩy các công nghệ như xe không người lái sang những hướng mới chưa được luật pháp điều chỉnh.
Dữ liệu của OECD cho thấy, 200 công ty đa quốc gia chiếm 42% kinh phí R&D toàn cầu và chỉ tính riêng lĩnh vực trong máy tính và truyền thông, 200 công ty hàng đầu đóng góp 51% số bằng sáng chế của thế giới.
Góc nhìn trái chiều
Tất nhiên, không phải ai cũng cho rằng đây là một vấn đề. Theo góc nhìn của một quan chức cấp cao của Áo tại cuộc họp, sự sụt giảm trong chi tiêu R&D của chính phủ thực sự phản ánh sự gia tăng của doanh nghiệp - và đó là cách phát triển lành mạnh chứ không có hại. Ở Áo, trong thập kỷ qua, thị phần của các tập đoàn trong đầu tư R&D đã tăng từ 60 lên 66%. Điều này đơn giản là vì ngay cả khi ngân sách Chính phủ Áo dành cho R&D vẫn tăng thì chi tiêu của các tập đoàn còn tăng nhanh hơn, dẫn đến thị phần của chính phủ trong đầu tư R&D giảm.
Theo các nhà phân tích của OECD, mặc dù điều đó đúng ở Áo, ở nhiều nước phát triển khác, số tiền chi tiêu thực tế của chính phủ, thay vì chỉ là điểm phần trăm, vẫn chưa phục hồi sau khủng hoảng năm 2008.
Đồng thời, một số bước phát triển mới có thể giúp các chính phủ giữ vai trò trong R&D. Một ví dụ là áp dụng các công nghệ kỹ thuật số, như trí tuệ nhân tạo và học máy, để theo dõi những gì doanh nghiệp đang làm với tiền đầu tư vào R&D của họ, hoặc để phát hiện các công nghệ và xu hướng mới nổi nhanh hơn. Một cách khác là thúc đẩy hợp tác quốc tế hơn nữa về KH&CN để phối hợp chi tiêu công cho phù hợp với các mục tiêu chung toàn cầu như làm chậm biến đổi khí hậu.
Thật vậy, OECD lưu ý, các chính phủ nói chung dường như quan tâm hơn bao giờ hết đối với việc định hướng công nghệ - để thúc đẩy nền kinh tế của họ hướng tới sự phát triển bền vững, dịch vụ y tế tốt hơn hoặc các nhiệm vụ khác. Nghịch lý là những chính sách này đang được thúc đẩy trong khi chi tiêu chính phủ cho R&D đang giảm. Theo Dominique Guellec, người phụ trách bộ phận KH&CN của OECD, điều này “không hoàn toàn xấu” nhưng có thể ảnh hưởng đến năng lực định hướng công nghệ của các chính phủ.
Khi đánh giá tầm ảnh hưởng của chính phủ đối với công nghệ, thì vấn đề quan trọng là chính phủ có bao nhiêu tiền để chi cho nghiên cứu, Guellec nói. “Sự giàu có có thể không làm cho bạn hạnh phúc, nhưng vẫn rất có ích”.
Nguồn: https://sciencebusiness.net