Tại hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Đối tác Chính phủ mở (OGP) hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs)” do Towards Transparency (Hướng tới Minh bạch) phối hợp cùng Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam tổ chức hôm 24/2, TS Lê Đăng Doanh đã có bài tham luận, dẫn chứng nhiều số liệu để làm rõ cho nhận định trên.
Cụ thể, theo báo cáo Doing Business 2019 của World Bank, môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp ở hạng 69 trên 190 nền kinh tế được khảo sát – kết quả không mấy ấn tượng, thậm chí còn tụt một bậc so với 2018. Trong khi ở chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI (Global Competitiveness Index) 2018 do Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF) xây dựng nhằm đo lường, đánh giá tác động của các khuynh hướng thể chế, chính sách đối với viễn cảnh thịnh vượng của toàn nền kinh tế, chúng ta cũng chỉ đứng rất khiêm tốn ở hạng 77/140.
Thăng tiến về chỉ số Đổi mới sáng tạo, nhưng chưa đủ
Nghiêm trọng hơn, liên quan đến sứ mệnh chống tham nhũng và làm trong sạch hóa bộ máy công quyền, trong bảng xếp hạng chỉ số Cảm nhận tham nhũng CPI (Corruption Perception Index) 2018 của Transparency International (Tổ chức minh bạch quốc tế), Việt Nam bị hạ 2 điểm và tụt 10 bậc so với 2017, đứng thứ 117/180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vì vậy, mặc dù không thể phủ nhận một số thành tựu, như báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index) 2018 do WIPO (Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới) thực hiện đã ghi nhận Việt Nam có mức thăng tiến đáng kể khi vươn lên xếp thứ 45/127, tăng 2 bậc so với năm 2017 và 14 bậc so với 2016, tuy nhiên dường như chúng ta vẫn chưa làm tốt nhất có thể, và thậm chí còn đang có xu hướng bị một số nước tương đối kém phát triển hơn như Lào hay Campuchia vượt mặt.
Bản thân Chính phủ cũng từng nhiều lần thừa nhận về những yếu kém còn tồn động, đồng thời kêu gọi công khai, minh bạch và thúc đẩy cải cách thể chế toàn diện, sâu rộng nhằm nâng cao hiệu quả của môi trường đầu tư kinh doanh. Như trong chuyến thăm và làm việc đầu năm với Bộ Kế hoạch Đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt cảnh báo về nguy cơ Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình (middle income trap), bên cạnh nhiều vấn đề nổi cộm khác như tình trạng suy đồi văn hóa, gia tăng bất bình đẳng và già hóa dân số …
Cuối năm 2016, trong báo cáo phát triển do World Bank phối hợp cùng Bộ Kế hoạch Đầu tư thực hiện, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2035 xây dựng thành công nền tảng cơ bản cho một xã hội thịnh vượng (thuộc nhóm nước thu nhập trung bình cao), sáng tạo, công bằng và dân chủ, trong đó nhấn mạnh vai trò dẫn dắt của khu vực tư nhân để nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Khi ấy, tất cả các doanh nghiệp, cho dù là tư nhân hay nhà nước thì cũng đều phải tuân thủ những kinh nghiệm và nguyên tắc mang tính phổ quát toàn cầu về quản trị doanh nghiệp (governance) để cạnh tranh trong một sân chơi bình đẳng, nơi sẵn sàng kiến tạo cơ hội cho tất cả các chủ thể (stakeholder) – thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam bắt buộc phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, bao gồm cả cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng cởi mở và minh bạch.
Gợi mở về chính phủ mở của Việt Nam
Thông qua hai Nghị quyết NQ-19 (ban hành năm 2016) và NQ-35 (ban hành năm 2018), Chính phủ thực sự đang rất khẩn trương và muốn cụ thể hóa quyết tâm đưa Việt Nam lọt top 4 ASEAN về môi trường kinh doanh thuận lợi, với bốn ưu tiên cụ thể: 1) Cải cách thủ tục hành chính, xây dựng hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp; 2) Kiến tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp và hoạt động của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; 3) Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doan nghiệp, trong đó có quyền kinh doanh, bình đẳng và khả năng tiếp cận nguồn lực cùng các cơ hội; 4) Cắt giảm tối đa chi phí hoạt động và kinh doanh của doanh nghiệp …
Trong bối cảnh như vậy, đề xuất Việt Nam tham gia Sáng kiến Đối tác chính phủ mở (OGP) có thể được xem như một chất xúc tác giúp đẩy nhanh tiến trình. Về bản chất, OGP không phải là diễn đàn hay sân chơi ngoại giao, mà đúng là một sáng kiến (với sự tham gia tự nguyện của các thành viên: quốc gia, vùng lãnh thổ, chính quyền địa phương) được thế giới đánh giá thuộc loại nổi bật nhất hiện nay nhằm thúc đẩy cải thiện tính minh bạch thông qua cơ chế đối thoại, hợp tác và làm việc với khu vực dân sự để đi đến những cam kết cụ thể. Vì thế, một khi đã nộp đơn xin gia nhập, Việt Nam cần phải nỗ lực để chứng tỏ với một ủy ban kiểm tra, đánh giá độc lập về sự tiến bộ trên 4 nguyên tắc căn bản của OGP: 1) Tăng cường cung cấp thông tin về hoạt động của chính quyền (các cấp), trong đó có công khai số liệu chi tiêu lẫn hiệu quả chi tiêu để tham vấn ý kiến người dân; 2) Hỗ trợ, thúc đẩy sự tham gia của công dân và khối xã hội dân sự (XHDS) đối với các chương trình nghị sự, minh bạch quá trình soạn thảo chính sách, tạo lập cơ chế hợp tác giữa các cơ quan chính phủ với tổ chức XHDS; 3) Áp dụng những tiêu chuẩn liêm chính cao nhất trong toàn thể bộ máy hành chính, công quyền, kiêm quyết chống tham nhũng, nghiêm trị tội danh hối lộ và công khai cả hoạt động của các cơ quan chống tham nhũng; 4) Tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trên nền tảng internet, di động và kết nối IoT để thúc đẩy minh bạch hóa, khuyến khích người dân tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng ý tưởng … Hiện nay, theo 4 tiêu chí tính điểm của OGP thì Việt Nam mới chỉ đạt 8/16, tức còn thiếu 4 điểm so với yêu cầu tối thiểu để trở thành thành viên, tuy nhiên nếu chúng ta quyết tâm, cùng với chiến lược và kế hoạch hành động cụ thể, trọng tâm, thì viễn cảnh gia nhập là hoàn toàn khả thi.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia thể chế, dư địa cải cách để Việt Nam nâng cao vị thế cạnh tranh hãy còn rất lớn khi nút thắt chủ yếu nằm ở tính thiếu đồng đều trong hoạt động triển khai ở các bộ, ngành, địa phương, dẫn đến tình trạng “trên nóng, dưới lạnh ”. Do đó, để biến mục tiêu của chính phủ trở thành hiện thực, rất cần sự vào cuộc và quyết tâm chính trị mạnh mẽ, nhất là từ phía thượng tầng nhằm dần dần tháo gỡ các rào cản. Sau cùng, cần gắn chặt trách nhiệm với công tác cán bộ, đề cao vai trò của người đứng đầu trong việc ra quyết định và phối hợp với cơ quan khác. Và đặc biệt, kết quả đầu ra phải được đo lường khách quan với sự phản ánh đầy đủ, chẳng hạn thông qua một nền tảng để người dân và doanh nghiệp có thể tự chấm điểm mức độ nghiêm minh của chính quyền.