Phần lớn các nhà nghiên cứu, trong đó có cả một nhà toán học, đang chạy đua trong cuộc bầu cử nghị viện vào tháng 2 vừa qua, đều hi vọng sẽ loại bỏ tác động của chính trị vào khoa học, cải thiện giáo dục và ngăn chặn nạn chảy máu chất xám trong đất nước nhỏ có vỏn vẹn 3,5 triệu người này.

Vadim Turcan, một phó giáo sư kỹ thuật xây dựng dân dụng tại trường Đại học Kỹ thuật Moldova ở Chişinău, ủng hộ các nhà nghiên cứu hàn lâm quyết định chạy đua vào nghị viện. “Các nhà nghiên cứu có thể đưa giá trị, phẩm hạnh và các tiêu chuẩn đạo đức vào các hoạt động chính trị,” ông nói hàm ý đến tình hình hiện tại của đất nước. Dragos Postolache, một nhà di truyền học Moldova làm việc tại Viện nghiên cứu và phát triển quốc gia về lâm nghiệp Marin Dracea (hợp tác với Romania), thì cho rằng: “Các nhà khoa học có thể sẽ đem lại một luồng gió mới vào môi trường chính trị Moldova”.

Cuộc bầu cử đã được diễn ra vào ngày 24/2 /2019 vừa qua. Cũng như với khoa học, quá trình xây dựng và điều hành đất nước là sự cân bằng giữa việc định hướng địa chính trị của quốc gia nằm cạnh Romania, Ukraine và thuộc khối các quốc gia Xô viết cũ này thật khó khăn. Nó luôn bị chia rẽ bởi ảnh hưởng của tư tưởng thân châu Âu và thân Nga: phần lãnh thổ phía đông của của đất nước – vùng đất Transnistria giữa sông Dniester và biên giới phía đông, có một phần ba dân số là người Nga, tách ra khỏi đất nước như một quốc gia độc lập mang tên Cộng hòa Moldova Transnistria nhưng chưa được quốc tế công nhận; nhưng phần còn lại của đất nước thì theo đuổi mục tiêu trở thành quốc gia thành viên EU một cách tích cực. Cuộc bầu cử này cũng phản ánh xu hương đó, một cuộc chạy đua giữa Đảng Dân chủ thân châu Âu – hiện đang nắm quyền, với Đảng Xã hội thân Nga.

Viễn cảnh đất nước từ góc nhìn học thuật

Trong số các viện sĩ hàn lâm chạy đua vào nghị viện là Serghei Cataranciuc, người phụ trách Khoa toán học trường Đại học Quốc gia Moldova tại Chişinău cùng một giáo sư kinh tế và 5 nhà khoa học chính trị, lịch sử. Phần lớn trong số họ, bao gồm cả Cataranciuc, đều thuộc nhóm thân EU có tên gọi ACUM – một liên minh giữa hai đảng mới thành lập và đối lập với cả hai đảng chiếm ưu thế hiện nay (một nhà nghiên cứu đang chạy đua vào nghị viện là thành viên của Đảng Các nhà kinh tế xanh). Các ứng cử viên này đều hy vọng sẽ cải cách khoa học Moldova bằng việc thúc đẩy đầu tư và hợp tác với các đồng nghiệp tại các quốc gia phương tây.

Giáo sư Serghei Cataranciuc, Khoa toán học trường Đại học Quốc gia Moldova.
Giáo sư Serghei Cataranciuc, Khoa toán học trường Đại học Quốc gia Moldova.

“Một nhà khoa học chỉ nên làm khoa học. Nhưng khi mọi điều trong đời sống chính trị trở nên kinh khủng thì điều cố gắng phải làm là thay đổi chúng theo chiều hướng tốt đẹp hơn”, Cataranciuc giải thích nguyên nhân vì sao ông lại chọn cách làm này.

Nếu trúng cử, mục tiêu của ông là chuyển đổi mô hình nghiên cứu theo kiểu Xô viết, vốn hoạt động theo cách phần lớn các tài trợ cho các viện nghiên cứu phụ thuộc vào ý chí chính trị của những người quản lý. Điều đó đã mở ra cơ hội cho chủ nghĩa thân hữu, do nhận được sự bảo hộ của các nhà chính trị, len lỏi vào các khoản đầu tư cho khoa học của chính phủ, thay vì đầu tư cho các nhà khoa học xuất sắc. Ông cũng cho biết thêm, các nhà chính trị cần phải bước ra khỏi lĩnh vực nghiên cứu và những đánh giá khoa học và đầu tư cho khoa học phải dựa trên cơ sở kết quả nghiên cứu.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa và Nghiên cứu Moldova đã từ chối bình luận về những liên quan của chính trị với hoạt động đầu tư cho khoa học.

Tái phục hồi chất xám

Cataranciuc mong muốn thấy nhiều khoản đầu tư hơn cho các trung tâm khoa học tại các trường đại học, nơi theo ông có hơn một nửa nghiên cứu sinh và học viên cao học Moldova đang nghiên cứu. “Vấn đề là các trung tâm này nhận được quá ít kinh phí và không thể tuyển được các nhà nghiên cứu giỏi,” ông giải thích.

Chỉ có một số khoa ở trường Đại học Kỹ thuật  Moldova là được trang bị các thiết bị thí nghiệm tốt. Nguồn: trường Đại học Kỹ thuật Moldova.
Chỉ có một số khoa ở trường Đại học Kỹ thuật Moldova là được trang bị các thiết bị thí nghiệm tốt. Nguồn: trường Đại học Kỹ thuật Moldova.

Về cơ bản, ông hy vọng sẽ khuyến khích được những bộ óc khoa học ở lại Moldova – một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu và là nơi có lương trung bình mỗi tháng là 6.500 Moldovan lei (tương đương 380 USD). Moldova có khoảng ít hơn 2.600 nhà nghiên cứu, theo công bố của tổ chức UNESCO, và số lượng này sẽ suy giảm vì các nhà nghiên cứu đang chuyển ra nước ngoài để có được điều kiện sống và làm việc tốt hơn.

“Trong ngành toán, phần lớn những con người nhiều tài năng và sáng tạo nhất đã rời khỏi đất nước”, Cataranciuc cho biết.

Aliona Onofrei, một cố vấn chính của Bộ Giáo dục, Văn hóa và Nghiên cứu ở Chişinău, hiểu rõ những vấn đề này và cho rằng ngay lập tức bộ cũng có một số dự án được lập với mục tiêu giải quyết vấn đề chảy máu chất xám.

Theo Cataranciuc, việc đem lại cho các nhà khoa học trẻ lương bổng và nhà ở mới là vấn đề cốt yếu. Để làm được điều đó, ông ước tính việc đầu tư cho R&D của Moldova sẽ cần tăng lên một cách bền vững từ mốc 0,4% GDP như hiện nay để đạt tới mức 3% GDP như mục tiêu của EU.

“Cataranciuc là một trong những nhà toán học xuất sắc nhất Moldova. Thật tuyệt là anh ấy chạy đua trong cuộc bầu cử vào nghị viện,” Mitrofan Cioban – chủ tịch Hội toán học Moldova tại Chişinău, nhấn mạnh. “Tôi hi vọng là anh ấy sẽ thắng cử bởi anh ấy sẽ luôn ủng hộ khoa học, giáo dục và văn hóa.”

Nhà lịch sử Octavian Țîcu, tại Viện nghiên cứu lịch sử của Viện Hàn lâm Khoa học Moldova, cũng chạy đua trong cuộc bầu cử vào nghị viện như một ứng cử viên của liên minh ACUM. Ông mong muốn cải thiện mối quan hệ quốc tế giữa các nhà nghiên cứu Moldova và phương Tây. Theo ông, bước đầu tiên cần thực hiện là thiết lập các khoản đầu tư cho việc tham dự các hội nghị quốc tế và các chuyến nghiên cứu ở nước ngoài. “Các nhà nghiên cứu đều miễn cưỡng bước vào chính trị sau cuộc khủng hoảng vào những năm 1990 và bây giờ đây lại là nơi khiến chúng tôi phải đấu tranh. Đây là thời điểm đem một số quy tắc đạo đức học thuật vào môi trường chính trị đất nước”, Țîcu nói.