Mối quan hệ Anh - EU không kết thúc bằng một tiếng súng nổ hay bằng tiếng khóc mà chỉ bằng những thông báo mang tính kỹ thuật được trưng một cách lặng lẽ trên trang web của Chính phủ Anh.
Chuỗi các cuộc họp – cuộc họp gần nhất được sắp xếp vào đầu tháng 9 – thảo luận về những hậu quả có thể xảy ra nếu Anh thất bại trong thỏa thuận với EU về việc rời khỏi khối liên minh này, Anh có thể bị mất cơ hội được hưởng hàng loạt điều luật và quy định của EU, trong đó có tự do di chuyển, hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới...và một vấn đề đang treo lơ lửng, trong đó là liệu Anh có thể tự quản lý các nghiên cứu hạt nhân của mình ngoài EU, và liệu việc nhập khẩu các thiết bị khoa học và hóa chất sẽ bị ảnh hưởng?
Kịch bản xấu nhất
Một số lĩnh vực đang tự chuẩn bị cho tình huống không đạt được thỏa thuận, ví dụ Văn phòng điều hành hạt nhân Anh cho biết đang tập huấn các nhân viên và phát triển cơ sở hạ tầng thông tin cần thiết để có thể hoạt động ngoài sự hỗ trợ của Euratom – cơ quan quản lý năng lượng nguyên tử châu Âu. Và một số trường đại học Anh đang tăng cường liên kết với nhiều viện nghiên cứu quốc tế với hy vọng điều đó sẽ giúp họ vẫn duy trì được dòng kinh phí đầu tư của EU.
Các nhà khoa học nằm trong số những người theo dõi một cách lo lắng các thông báo của chính phủ Anh. Phần lớn họ đều nghĩ đến những dự đoán về triển vọng ngân sách nghiên cứu (xấu), quyền truy cập vào các hệ thống định vị vệ tinh (tối thiểu) và cảnh báo về không gian di chuyển (hi vọng vào điều tốt nhất sẽ đến). Những người phát ngôn của chính phủ lại khiến cho mọi việc tồi tệ hơn khi lặp đi lặp lại cùng một câu nói “chúng tôi đang cố gắng hết sức có thể cho việc đi đến một thỏa thuận”.
Tương lai của nghiên cứu hạt nhân của Anh sau Brexit vẫn còn mờ mịt. Nguồn: Nature
Nhưng nếu không đạt được thỏa thuận thì khoa học Anh có thể mất quyền được nhận tài trợ từ ít nhất 3 nguồn kinh phí chính trong chương trình Horizon 2020 của EU, vốn đem lại cho các nhà nghiên cứu Anh 2 tỷ euro trong tổng số 4,8 tỷ euro (tương đương 5,5 tỷ USD) mà Anh đã nhận được từ chương trình Horizon 2020 kể từ năm 2014. Và trong một tương lai không thỏa thuận thì việc nhập khẩu và xuất khẩu các hàng hóa thiết yếu – bao gồm thực phẩm, trang thiết bị nghiên cứu, thuốc men – hầu như có thể bị gián đoạn.
Và nếu như vậy thì việc tự do và dễ dàng di chuyển của các nhà nghiên cứu giữa Anh và EU sẽ không còn nữa: tuần trước, một ủy ban quyền lực đã được thành lập để phụ trách chính sách di chuyển cho biết những lao động châu Âu khó tránh khỏi việc xin visa tương tự như những người di cư khác, dẫu cho Anh có thể sẽ có chính sách ưu đãi cho các đối tượng chọn lọc như một phần của những đàm phán thương mại.
Tương lai không xác định
Các nhà nghiên cứu đang cố gắng tự chuẩn bị, nhiều dấu hiệu cho thấy Anh có thể mất đi cơ hội nhận kinh phí đầu tư cho nghiên cứu của EU. Các nhà khoa học Anh bắt đầu ít nhận được lời mời hợp tác trong các dự án nghiên cứu bởi vì nhiều tổ chức châu Âu xem kết hợp với họ như một sự đánh cuộc đầy rủi ro và chuyển hướng sang những tổ chức nghiên cứu quốc tế khác. Một số nhà nghiên cứu Anh bắt đầu đi tìm các vị trí mới cho mình còn một số người khác cảm thấy không còn cơ hội để nộp hồ sơ xin tài trợ từ EU, và quốc gia này đang mất dần uy tín là một trung tâm quốc tế xuất sắc về nghiên cứu. Nhiều người cảm thấy mệt mỏi và thất vọng.
Nhà di truyền học biểu sinh Edith Heard tại Viện nghiên cứu Curie, Paris, làm việc ở ngoài Anh từ những năm 1990, đã mất ngủ cả đêm sau khi nhận được kết quả của cuộc trưng cầu Brexit. Như nhiều nhà khoa học Anh khác đang làm việc ở lục địa, để đảm bảo cho tương lai của mình, bà xin quốc tịch Pháp. “Các nhà khoa học Anh mà tôi trò chuyện đều đi xin thêm một quốc tịch châu Âu hoặc làm những gì họ có thể, bởi vì không ai thực sự biết hậu quả của Brexit sẽ là gì”, bà nói. Với cái nhìn từ châu Âu, Heard cho rằng, tình trạng thiếu chắc chắn hiện nay đang ảnh hưởng đến nghiên cứu: “Tôi nhận thấy là kể từ sau cuộc trưng cầu, các nhà khoa học Anh không thể đóng vai trò chính trong các dự án ở EU. Họ có thể là một phần của các dự án đó nhưng không thể dẫn dắt nó bởi sự rủi ro mà các đề xuất khoa học có thể gặp trong tương lai, khi còn chưa rõ là điều gì sẽ đến. Thật là một cú choáng váng cho khoa học’.
Brexit hiện đã ảnh hưởng đến sự nghiệp khoa học của Heard trong vai trò giám đốc Phòng thí nghiệm sinh học phân tử châu Âu (EMBL) - một tổ chức có tới 6 cơ sở khắp châu lục, trong đó có cả Viện nghiên cứu tin sinh học châu Âu tại Hinxton, Anh. Tuy tư cách thành viên của viện không thay đổi nhưng Heard đã thấy nơi này sẽ “là ốc đảo nhỏ của châu Âu trong lòng nước Anh”.
Edith Heard, nhà di truyền học biểu sinh Anh đã xin hộ chiếu Pháp. Nguồn: Nature
Đó cũng là mối lo tương tự của TS. Cesare Terracciano, chuyên gia tim mạch tại Học viện hoàng gia London, người chuyển từ Ý đến Anh vào năm 1991. “Nếu không vì Brexit thì nhiều người có thể đã tham gia phòng thí nghiệm của tôi”, ông nói và đưa ra dẫn chứng hai nhà nghiên cứu châu Âu đã quyết định rời đi. Kể từ cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, trung tâm của ông đã phải vật lộn với việc thu hút những tài năng xuất sắc nhất. Họ không chọn đến nơi này vì tình trạng tương lai không xác định ở Anh, Cesare cho biết.
Phòng thí nghiệm của ông nổi trội là nhờ vào tài năng nghiên cứu ngoài Anh: trong 13 thành viên, bao gồm cả ông, thì có 13 người châu Âu, tuy nhiên từ tháng 12/2016 đến tháng 12/2017, hai postdoc châu Âu – người mà Terracciano đã “trải thảm đỏ” mời cho biết họ không tới nữa. “Họ thay đổi bởi họ không thích tình trạng không chắc chắn và không biết là sự nghiệp của họ ở lại Anh có phát triển không,” ông giải thích.
Trước mắt thì Brexit không ảnh hưởng đến Terracciano: ông nhận được kinh phí đầu tư tốt từ Anh, vợ con ông đều là người Anh. Nhưng cuộc đời ông lại bị Brexit ảnh hưởng theo cách khác: tiếng nói của ông dẫu sao cũng sẽ trở nên thiếu trọng lượng hơn, và một chuyên gia từng làm việc trong nhóm ông nhiều năm đã quyết định chuyển tới Ireland. “Các thành viên của nhóm tôi đều sợ hãi Brexit bởi họ không biết điều gì sẽ đến. Chúng tôi không biết và không có cách nào đảm bảo được tương lai cho họ,” ông nói.
Không chỉ các nhà khoa học đang làm việc ở Anh lo lắng mà cả đối tác của họ ở châu Âu cũng vậy. Nhà di truyền học Edith Heard cho biết, các đồng nghiệp Pháp của bà bị sốc bởi tình trạng này và chuẩn bị cho tương lai bị chia tách. Họ đang cố gắng đảm bảo có kinh phí để duy trì mối quan hệ hợp tác Anh - EU, bất chấp sự không xác định về những điều quy định trong tương lai hợp tác và liệu các nhà khoa họ có thể di chuyển tự do giữa Anh và châu Âu hay không. “Đây là nỗ lực hướng tới và đảm bảo cho khoa học vẫn được tiếp tục. Nhưng ở thời điểm này, mọi người đều lẩn quẩn trong vùng xám của điều chưa biết”, bà nói.
EU vẫn cần Anh
Tuy nhiên một số nhà khoa học Anh lại nhìn thấy nhiều cơ hội sau Brexit. Đầu tháng 9/2018, các nhà khoa học thấy rằng trong trường hợp không đạt được đồng thuận Brexit có thể giúp họ “an toàn” hơn trước những động thái mới và gây tranh cãi ở Brussels về kỹ thuật chỉnh sửa gene. Điều đó có thể tốt cho họ nhưng cũng có thể góp phần đem lại những lo ngại cho tương lai của khoa học châu Âu. Trong các vấn đề từ cây trồng biến đổi gene đến việc cho phép nghiên cứu với các tế bào gốc phôi, Chính phủ Anh có xu hướng cấp tiến hơn nhiều quốc gia châu Âu khác, điều đó góp phần giúp cho lục địa này trở thành nơi dẫn đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực. Vắng sự đóng góp của Anh – một tiếng nói ôn hòa và lý trí trong những trường hợp đi đến quyết định quan trọng, tầm nhìn khoa học của EU sẽ bị ảnh hưởng.
Về điểm này, EU có thể phải tiến thêm một vài bước cụ thể để giữ được Anh cùng ngồi lại bàn bạc. Các quan chức Anh sẽ không còn có mặt trong các ủy ban tư vấn của EU sau Brexit nhưng khoảng 100 nhà khoa học Anh đang làm việc ở Brussels trong các vị trí thấp hơn như Trung tâm nghiên cứu liên hợp, vốn được hình thành để điều hành chính sách trong các lĩnh vực từ môi trường đến di cư. Việc cho phép họ ở lại sau Brexit cũng là cách để EU lưu giữ nước Anh. Châu Âu gắn kết là một thế lực trong khoa học toàn cầu, sự ra đi của Anh khiến sức mạnh này không còn như trước.