Ngày 7/10/2015, Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN phối hợp với Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH) tổ chức Hội thảo Quốc tế “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN)”.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đã tham dự và chủ trì hội thảo, cùng với hơn 200 đại biểu đến từ Hàn Quốc, viện nghiên cứu, trường đại học của Úc và các sở KH&CN, viện nghiên cứu, Khu CNC, các doanh nghiệp khu vực phía Nam.

Tại Hội thảo, các đại biểu trong và ngoài nước cùng nhau thảo luận, chia sẻ những thành công và bài học kinh nghiệm trong việc nghiên cứu, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, ươm tạo, chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất – kinh doanh của các DNVVN.
Ông Park Jun Ho – Trưởng Văn phòng đại diện KITECH tại Việt Nam cho biết, KITECH hiện đang thực hiện 13 dự án hướng dẫn hỗ trợ DNVVN. Trong những dự án này, một số được thực hiện từ việc hỗ trợ của ngân sách nhà nước (50 – 100%), một số do Viện tự huy động. Doanh nghiệp cũng phải chịu những chi phí liên quan từ 25 – 50% tùy theo từng lĩnh vực.

Một số dự án Việt Nam có thể học tập làm theo bởi chi phí không lớn nhưng mang lại hiệu quả cao như Xây dựng phòng thí nghiệm theo mô hình phát triển, Cử nhân lực đến doanh nghiệp, Hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, Hỗ trợ Trung tâm khởi nghiệp,... Ông Park Jun Ho cho biết thêm, các kỹ sư, tiến sĩ của Viện sẽ đến trực tiếp để giúp các doanh nghiệp tìm hiểu nguyên nhân và tháo gỡ khó khăn trong quá trình SX – KD.
PGS

Đến từ Australia, GS. Hamish Hawthorn (ĐH Sydney) chia sẻ kinh nghiệm để xây dựng một chương trình ươm tạo thành công, thì việc liên kết giữa các vườn ươm và các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng để tạo ra giá trị cho cả hai bên. Theo Giáo sư, cần phải sàng lọc những doanh nghiệp có chất lượng để ươm tạo nhằm hạn chế những rủi ro về mặt thời gian và tài chính. Đối với mỗi doanh nghiệp khác nhau thì cần những yêu cầu khác nhau (tư vấn, cơ sở hạ tầng). Vì vậy cần phải điều chỉnh các chương trình ươm tạo cho phù hợp với nhu cầu luôn thay đổi của doanh nghiệp.

PSG.TS. Huỳnh Quyền (ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết, quan điểm của ĐH Quốc gia TPHCM khi hợp tác với doanh nghiệp là phải thực hiện “4 cùng”: sáng tạo, đầu tư, thực hiện và chia sẻ lợi nhuận và rủi ro trong hoạt động NCKH và CGCN. Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với thực trạng hiện nay của doanh nghiệp còn non trẻ tại Việt Nam. Từ đó, hoạt động hợp tác với doanh nghiệp được kết nối, xúc tác bởi các đơn vị chuyên nghiệp như Trung tâm SHTT và CGCN, phòng KHCN,...

Năm 2015, Quy chế Quản trị về Tài sản được ban hành là bước đột phá lớn nhằm thúc đẩy, khai thác các sản phẩm của hoạt động KH&CN thông qua việc nâng cao quyền lợi của nhà nghiên cứu và các đơn vị quản lý trực tiếp. ĐH Quốc gia
TPHCM đã xây dựng một mô hình CGCN hiện đại, hoàn toàn mới ở Việt Nam, trong đó lấy doanh nghiệp và thị trường KHCN làm chủ đạo.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh, KH&CN là công cụ hữu hiệu để nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp. Vì vậy, những bài học kinh nghiệm về hoạt động KH&CN của các trường đại học, viện nghiên cứu của Hàn Quốc, Australia, Việt Nam không chỉ phục vụ cho sự phát triển của các DNVVN, mà còn đóng góp cho viện nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách và đề ra các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động KH&CN phục vụ SX – KD, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay.