Theo TS. Nguyễn Đức Thành, mỗi quốc gia trong TPP đều có những thế mạnh vượt trội, nên Việt Nam phải chấp nhận mất một vài lĩnh vực, nếu không có đủ lợi thế cạnh tranh.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã có cuộc trao đổi với Zing.vn về những tác động của "hiệp định thế kỷ" tới kinh tế, cũng như chính sách của Việt Nam trong thời gian tới.
- Việt Nam vừa trải qua một quá trình gần 5 năm từ lúc nhận thư mời đến khi trở thành một trong 12 thành viên của TPP. Theo ông, lý do nào khiến chúng ta quyết tâm theo đuổi TPP đến vậy?
TPP là một hiệp định thương mại có quy mô rất lớn, bởi dù số lượng thành viên không nhiều nhưng có sự góp mặt những quốc gia chủ chốt của nền kinh tế thế giới như Mỹ, Nhật, Canada, Australia... Ở trong khu vực Đông Nam Á thì có các nước Malaysia, Singapore - những bạn hàng quan trọng đối với Việt Nam.
Việc Việt Nam quyết tham gia vào TPP có nhiều lý do. Về kinh tế và thương mại, đây đều là các thị trường lớn, mở ra những hướng tự do trong các giao dịch và có tính hợp tác kinh tế rất sâu.
TPP cũng có ý nghĩa chiến lược cả về mặt chính trị đối với Việt Nam, vì sẽ tạo ra một cục diện mới cho nền kinh tế thế giới nhằm kiếm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trung Quốc đang muốn tạo ra những luật chơi mới, không theo khuôn khổ cũ, có thể gây ra những ảnh hưởng lên các bạn hàng thương mại theo hướng tiêu cục. Nguyên nhân là hàng Trung Quốc chất lượng thấp nhưng giá quá rẻ nên rất khó cạnh tranh.
Do đó, hiệp định này là cách để Mỹ, Nhật và các nước trong khối chuẩn bị sẵn, buộc Trung Quốc vào một cuộc chơi tôn trọng cách thức thương mại theo kiểu hiện đại hơn.
- Theo đánh giá của ông thì Việt Nam sẽ thêm lợi thế gì khi gia nhập TPP nếu so với xuất phát điểm khi vào WTO?
Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vốn mang tính tự do hóa đối với vấn đề lưu thông hàng hóa cho rất nhiều nước. Vì thế, điều kiện của WTO cũng tương đối không chặt chẽ. Bởi có những nguyên tắc của kinh tế thị trường được tổ chức này áp dụng chung cho toàn cầu.
Nhưng với TPP, việc tham gia đòi hỏi các doanh nghiệp, Chính phủ phải thay đổi cách thức sản xuất của mình, tuân thủ những nguyên tắc thương mại, tổ chức sản xuất, tổ chức xã hội mới. Ví dụ, về vấn đề người lao động, hiệp định này có những nguyên tắc nhất định để bảo vệ họ, cho phép họ thể hiện, đấu tranh để đòi quyền lợi một cách rõ ràng, Ngoài ra, TPP cũng quy định những tiến trình rõ ràng về bảo vệ môi trường, yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, bản quyền, sở hữu trí tuệ. Những nguyên tắc này đảm bảo cho các nước thành viên quan hệ với nhau trên một bình diện rất văn mình, có chất lượng rất cao.
- Với ngành nông nghiệp, cụ thể là chăn nuôi, được xác định sẽ rất khó khăn. Theo ông, chúng ta cần làm gì để nông dân không thua trên sân nhà?
Nông nghiệp Việt Nam có đặc thù là năng suất rất thấp. Điều này xuất phát từ cái gốc ban đầu là số lượng người sống ở nông thôn rất lớn trên một diện tích đất đai hạn chế. Năng suất thấp khiến khả năng cạnh tranh kém, và dẫn tới nhiều thiệt thòi cho người nông dân.
Để gỡ khó cho nông dân, chắc chắn phải tăng năng suất. Mà cách tăng bền vững nhất là dịch chuyển lao động từ ngành này sang các ngành phi nông nghiệp, ví như sản xuất hàng hóa xuất khẩu. TPP thực tế tác động rất mạnh vào quá trình dịch chuyển này, tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn cho lao động, bởi nó giúp phát triển các ngành công nghiệp nhẹ, như da giày, dệt may, hay điện tử. Điểm thứ 2 là nâng cao trình độ của người dân và nâng cao công nghệ canh tác. TPP vốn bao hàm tiêu chuẩn môi trường rất cao, nên tập quán làm nghề nông của người Việt Nam vì thế cũng cần thay đổi, mặc dù thói quen sản xuất lâu đời vốn khó từ bỏ.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tiến hành doanh nghiệp hóa, thị trường hóa lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, để các doanh nghiệp vào tổ chức sản xuất và người nông dân phải tuân thủ những cách làm của những đơn vị này.
Với TPP, dù muốn dù không, ngành nông nghiệp cũng sẽ phải tự cơ cấu. Những gì Việt Nam có lợi thế thì làm, những điều không lợi thế thì nên rời bỏ bởi cố gắng cũng không thể cạnh tranh được.
- Như vậy khác gì chúng ta sẽ từ bỏ cả một phần thị trường cho các nước khác nhảy vào thế chân?
Không có gì bất thường nếu chúng ta làm như vậy, bởi mỗi nước chỉ có thế mạnh về một vài loại sản phẩm nông nghiệp. Việt Nam cũng thế. Trong khi đó, việc nhập khẩu giúp chúng ta được hưởng giá rẻ và sản phẩm chất lượng tốt từ những quốc gia khác. Đó vốn là chuyện bình thường trong nền thương mại tự do. Vì vậy, ngành nông nghiệp cần phải thay đổi đi, để chuyên sâu vào những thứ mình có lợi thế thực sự. Những ngành không có lợi thế (vốn rất nhiều) thì rõ ràng không nên cố.
- 11 thành viên còn lại của hiệp định đều là những quốc gia phát triển, trong khi Việt Nam còn chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường. Điều này có gây bất lợi đối với các doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu hàng hóa sang các nước trong nội khối không, thưa ông?
Với những nước đi sau như Việt Nam, TPP cũng có sự chiếu cố nhất định. Tuy vậy, các doanh nghiệp của chúng ta chắc chắn cũng sẽ gặp bất lợi hơn so với những công ty đi trước. Bởi TPP đang áp dụng luật chơi vốn quen thuộc với các công ty này, như tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng, lao động, xuất xứ hàng hóa hay nhãn mác...
Chúng ta vốn không còn con đường nào khác là phải cố gắng nỗ lực, nếu rút lui là chắc chắn mất thị trường. Việc tham gia vào TPP thực chất cũng là cách để tạo ra sức ép phát triển, một cam kết thay đổi thực sự và nhanh chóng cho các doanh nghiệp, cũng như Chính phủ khi hoạch định chính sách.
- Ông dự đoán sẽ phải mất bao lâu để chúng ta có thể hấp thu toàn bộ tác động của TPP vào nền kinh tế?
Tôi nghĩ, bản thân TPP là một tiến trình không nhanh, vài năm tới chỉ là thời gian đủ để các nước hoàn thiện nền tảng cho sân chơi này.
Có nhiều ngành, nhiều sản phẩm do những điều kiện thảo luận rất khó khăn, thời gian hạ thuế xuống bằng điều kiện chuẩn của TPP lên tới 10 hay 20 năm. Đây là cơ hội cho các nước điều chỉnh, để có thể tận dụng tối đa lợi ích mà TPP mang lại.
Tất nhiên, việc có điều chỉnh được hay không là do nỗ lực riêng của từng nước, bởi nếu không, chính trong nội khối sẽ xuất hiện sự lấn át, sự cạnh tranh có thể đẩy đến chỗ tiêu diệt các doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- TPP không chỉ tác động vào nền sản xuất, dịch vụ, mà còn ảnh hưởng sâu sắc tới chính sách và nền tảng pháp lý của các quốc gia. Theo ông, các nhà hoạch định của Việt Nam cần làm gì để phù hợp với sân chơi này?
Vì yêu cầu của TPP gắt gao như vậy, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cần nhìn thấy rõ những yêu cầu cải cách cho chính xã hội, để Việt Nam có thể tham gia vào quá trình sản xuất toàn cầu và tận dụng tối đa lợi thế. Nếu Việt Nam mãi không thể đáp ứng được những tiêu chuẩn này thì hàng hóa sẽ không sẽ mất thị trường.
Ngoài ra, khi vào TPP, những điều kiện về nhập khẩu hàng hóa sẽ giảm đi nhiều, nên Việt Nam có thể sẽ nhập nhiều hàng rất rẻ từ các nước khác, bao gồm nông sản từ Mỹ, New Zealand, Australia; những sản phẩm thuộc ngành công nghiệp ôtô, công nghiệp nặng hoặc điện tử từ Nhật hoặc Mỹ. Việt Nam phải nhận thức, thừa nhận và thực hiện những cải cách để nâng cấp cách thức tổ chức sản xuất, nhằm tạo ra sản phẩm tốt, có tính cạnh tranh cao hơn.