Cơ chế của Nhà nước chưa thể tách hoạt động khoa học ra khỏi hoạt động hành chính và xóa bỏ tình trạng hành chính hóa nghiên cứu khoa học.

Không phải ngẫu nhiên tại hội nghị trực tuyến toàn quốc chủ đề “Khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ KH&CN đề xuất lên Trung ương Đảng, Chính phủ cách tháo gỡ thể chế kìm hãm sự phát triển KH&CN. Điều đó nói lên rằng, cơ chế quản lý nhà nước hiện còn bất cập.

Không thể phủ nhận những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua có đóng góp quan trọng của KH&CN, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp và y tế. Tuy nhiên, hiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn xếp thứ 56, chỉ số sẵn sàng công nghệ đứng thứ 92/140 quốc gia và vùng lãnh thổ.


Theo Thủ tướng, kết quả này không phải do các nhà khoa học mà do cơ chế của Nhà nước khi chưa thể tách hoạt động khoa học ra khỏi hoạt động hành chính và xóa bỏ tình trạng hành chính hóa nghiên cứu khoa học. Khi các nhà khoa học phải nghĩ nhiều đến thủ tục hành chính, lo mua hóa đơn để quyết toán công trình thì rất khó để KH&CN phát triển đúng nghĩa là “then chốt” của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cũng do hành chính quan liêu, câu chuyện nghiên cứu nhiều nhưng ứng dụng ít vẫn luôn tồn tại. Điều đó trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư ngân sách nhà nước cho KH&CN. Nghĩa là không ít đề tài nghiệm thu xong vẫn “đút ngăn kéo”.

Đành rằng có những đề tài cần nhiều thời gian mới ứng dụng được, nhưng không có nghĩa là nghiên cứu xong rồi đắp chiếu, không đem lại giá trị nào cả về học thuật lẫn thực tiễn. Vì vậy, việc đầu tư cho KH&CN cần bám sát hơn nhu cầu đời sống, gắn với thị trường, ưu tiên các đề án, đề tài phục vụ thiết thực cho đất nước. Giá trị của sản phẩm công nghệ phải thực sự do thị trường quyết định.

Một vấn đề khác, đó là thu hút nguồn lực tri thức KH&CN, tạo cơ chế thông thoáng trong sử dụng người tài, kể cả người chưa vào Đảng, nhà khoa học ở nước ngoài. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định luôn lắng nghe và tiếp nhận mọi cán bộ khoa học có năng lực, muốn đóng góp xây dựng tổ quốc. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi Việt Nam kiến tạo lại nền hành chính để phát huy vai trò của KH&CN, nhất là con người và thể chế, tinh thần chung là khai phóng mọi nguồn lực sáng tạo để đưa đất nước tiến lên vững vàng.

Toàn cầu hóa là cơ hội to lớn mà nếu bỏ lỡ, chúng ta sẽ tụt lại xa hơn. Và trong công cuộc này, vai trò của các nhà khoa học, của nền tảng KH&CN nước nhà là hết sức quan trọng, không thể tách rời. Phải có những chính sách thiết thực hơn để khuyến khích doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho KH&CN.

Quan trọng hơn, cần tập trung tháo gỡ nút thắt trong thể chế về KH&CN. Đó là cơ chế tài chính, là tự chủ, tự quản, là hạch toán và nghiệm thu công trình, là bài toán sử dụng nhân tài... Nếu không tháo gỡ những bất cập, vướng mắc đó, nền KH&CN đất nước sẽ vẫn bị kìm hãm và không thể khai phóng được.