Cảm xúc của cha mẹ ảnh hưởng đến việc học tập tại trường của trẻ em như thế nào? Thông qua khái niệm “vốn cảm xúc” và sự bất bình đẳng giữa các giai tầng giàu/nghèo về “vốn cảm xúc”, bài viết này muốn khám phá sự bất bình đẳng vô hình trong tam giác giáo dục cha mẹ - học sinh – nhà trường.

Việc kèm con học không phải là một yêu cầu sư phạm thuần túy mà nó thường đòi hỏi rất nhiều về nguồn vốn cảm xúc. Ảnh minh họa: INT
Việc kèm con học không phải là một yêu cầu sư phạm thuần túy mà nó thường đòi hỏi rất nhiều về nguồn vốn cảm xúc. Ảnh minh họa: INT

Con hẻm khi chiều tà vang lên tiếng lách cách từ chiếc xe đạp cà tàng của chị Bình. Hôm nay không tăng ca, chị Bình tranh thủ ghé chợ gần khu công nghiệp mà chị đang làm để “nâng cao chất lượng bữa ăn” cho gia đình nhỏ. Ngày nào cũng vậy, vòng lặp cứ thế diễn ra: lao động liên tục, tan làm, về nhà, nấu bữa tối, học cùng con, đi ngủ, sáng dậy đi làm. Những ngày phải tăng ca thì phần “học cùng con” sẽ buộc phải cắt bỏ.

Mâm cơm của gia đình thường chỉ có chị Bình và cậu con trai đang học lớp 6. Chồng chị lái xe tải dọc tuyến đường Bắc – Nam ít khi ở nhà cùng với hai mẹ con. Sau bữa cơm, dù mệt mỏi đến mấy, chị Bình vẫn giữ thói quen hằng ngày cùng làm bài tập với con. “Chỉ sợ nó không học, lại làm chuyện khác”. Cái “chuyện khác” mà chị ám chỉ là chính chuyện làm lao động chân tay như vợ chồng chị.

Điều làm chị căng thẳng nhất không phải 8 tiếng lao động liên tục tại khu công nghiệp mà lúc cùng con học bài. Dù mới lớp 6 nhưng các kiến thức “mới” làm chị quay cuồng, chưa kể những câu chuyện về trường lớp (ngoại khóa, câu lạc bộ, hội diễn,…) cùng chẳng giống gì thời chị còn cắp sách đến trường. Tôi thường phải trấn an chị rằng các bà mẹ công sở cũng chẳng khác chị là mấy, có chăng khác là họ đủ tiền thuê gia sư riêng cho con.

Nhưng chị vẫn kiên quyết ngồi học cùng con bởi đó là lúc hai mẹ con gần gũi nhất, “thằng bé thương mẹ mà cố gắng học hành tử tế hơn”.

Các nghiên cứu cho thấy việc người mẹ thuộc giai cấp trung lưu làm bài tập cùng con như là cầu nối cảm xúc trong việc thúc đẩy trẻ em có động lực cố gắng học tập (Allatt, 1993; Hutchison, 2012). Mặt khác, người mẹ thuộc giai cấp lao động nghèo như chị Bình do thiếu hụt về kiến thức nên việc cùng làm bài với con không phải là điều dễ dàng.

Khám phá mối liên hệ giữa giai cấp và vốn cảm xúc, Reay (2004) đã lập luận rằng sự kết hợp của “nghèo đói, trải nghiệm tiêu cực khi đi học, không đủ kiến thức giáo dục và thiếu tự tin” và “mức độ thấp của vốn văn hóa, vốn kinh tế, vốn xã hội” góp phần làm giảm cơ hội của những người phụ nữ thuộc giai cấp lao động trong việc phát triển vốn cảm xúc để chuyển đổi chúng thành những lợi ích giáo dục cho con cái của họ.

Dù khó khăn trong việc kèm cặp con làm bài tập về nhà, không có nghĩa là những người như chị Bình bỏ bê việc học của trẻ. Người mẹ mong muốn con họ, bằng việc theo đuổi các mục tiêu của giáo dục, có thể thay đổi cuộc sống hiện tại, như một lời hứa hẹn về một xã hội công bằng của nền kinh tế tri thức.

Những định kiến về người mẹ nghèo

Việc “kèm cặp con cái” không phải là một yêu cầu sư phạm thuần túy, mà nó thường đòi hỏi rất nhiều về nguồn vốn cảm xúc, đặc biệt là ngay trong không gian riêng tư của gia đình.

Quay lại với chị Bình, buổi học của hai mẹ con không chỉ là vấn đề thời gian (chị có phải đi tăng ca hay không), không chỉ là vấn đề giáo dục (chị có đủ kiến thức để kèm con hay không), mà là vấn đề của tình cảm (cơ hội hai mẹ con được tương tác lâu với nhau duy nhất trong ngày), của truyền cảm hứng (mẹ học cùng con chứng tỏ việc học bài là quan trọng với cả gia đình, chứ không phải câu hô khẩu hiệu: “Học bài đi nhé”), của chia sẻ những câu chuyện thường nhật (con học không hiểu bài vì cô giảng nhanh quá, liệu con có nên góp ý với cô không), của kết nối ký ức gia đình (ngày xưa mẹ đi học ở trường làng nào có thế này,…).

Có một định kiến phổ biến ở Việt Nam rằng người mẹ trong các gia đình lao động nghèo thường vô trách nhiệm, thờ ơ, thiếu quan tâm đến giáo dục con cái là bởi họ thiếu hiểu biết về giáo dục đương đại và dồn sức cho việc lao động để kiếm tiền.

Nhưng thực tế là, những người mẹ đó rất quan tâm đến giáo dục con cái và có kỳ vọng đối với con cái cho mục tiêu giáo dục trong tương lai. Họ cho rằng những cảm xúc tích cực (tôn trọng thầy cô, dành một phần trong số thu nhập ít ỏi của mình cho con học thêm hoặc mua quà khi con được điểm cao,…) mà họ trao con mình là chìa khóa để con tin tưởng vào việc học – cơ hội đổi đời duy nhất của con và gia đình.

Định kiến trên, nhất là từ phía giáo viên, thường là do thiếu vắng sự đối thoại từ phía hai bên với nhau (Chi, 2011).

Một ví dụ cho sự thiếu đối thoại là trường hợp người mẹ chụp ảnh con phải đứng giữa trưa nắng để chờ các bạn ngủ bán trú xong mới được vào trường. Người mẹ thuộc giai cấp lao động bức xúc quay clip đăng lên mạng xã hội thay vì trao đổi với nhà trường (Eva.vn, 2020).

Việc thể hiện cảm xúc tức giận, nóng vội của người mẹ trên, như nghiên cứu của Gillies (2006) đã chỉ ra rằng, những người mẹ thuộc giai cấp lao động phần lớn khi gặp bất công bởi hệ thống giáo dục sẽ thất vọng, bất lực và cam chịu nhưng khi sự an toàn của đứa con bị đe dọa thì cảm xúc phẫn nộ và cảm giác bất công hừng hực trong tâm can họ sẽ chuyển hóa thành vốn cảm xúc như là sự bảo vệ và cam kết tình cảm đối với con.

Gilles (2006) cũng lưu ý rằng phụ huynh thuộc giai cấp trung lưu thường ít đối đầu trực tiếp với nhà trường mà chủ yếu sẽ cùng trao đổi và thảo luận với nhà trường để tìm ra giải pháp cho con em của họ.

Nhưng trong trường hợp người mẹ của trường Quốc tế bức xúc vì con của họ bị bạo lực học đường đã livestream trên mạng xã hội, thái độ phẫn nộ không khác gì giai cấp lao động (Doãn Hùng, 2022). Điều đáng lưu ý là chính người mẹ có con học trường Quốc tế này tự nhận mình là người làm việc trên “chợ trực tuyến”, sử dụng văn hóa bình dân như là một chiến thuật trong việc đối đầu với nhà trường “Quốc tế” khi mà nhà trường không thể giải quyết việc con của họ bị bạo lực học đường.

Mối quan hệ giữa vốn kinh tế và vốn cảm xúc

Trong bối cảnh giáo dục Việt Nam hiện nay, các cấp học đang trong quá trình chuyển dần sang tự chủ thì việc thí điểm tăng học phí ở trường công sẽ trở thành một gánh nặng vô cùng lớn đối với phụ huynh tầng lớp lao động.

Việc tăng học phí ở trường công - được cho là nhằm cải thiện chất lượng giáo dục, giảm chi tiêu công - vô tình lại đẩy phụ huynh của tầng lớp lao động vật lộn vất vả hơn với việc chi trả học phí cho con cái, làm mất đi nhiều cơ hội học tập của con em họ. Điều này cũng có thể dẫn đến việc họ phải làm thêm để kiếm thu nhập mà không còn thời gian để kết nối vốn cảm xúc với con cái trong quá trình học tập.

Tại Anh, với lý do rằng những người mẹ thuộc giai cấp lao động thường không quan tâm đến việc học của con cái, Thủ tướng Tony Blair đã ban hành chính sách nhấn mạnh vai trò nuôi dạy con và “trao quyền” cho phụ huynh.

Chính sách “trao quyền” này đã bị chỉ trích là đầy nghịch lý khi mà hệ thống trường công đang ngày càng tư nhân hóa cùng với việc học phí tăng cao, nhưng gia đình là không gian riêng tư thì lại càng bị biến thành không gian công khai, mà ở đó hoạt động trong gia đình như là giáo dục con cái chịu sự giám sát và phán xét (Reay, 2008). Phải gọi là “giám sát và phán xét” bởi trẻ học kém thì cả bố mẹ sẽ bị "khiển trách" và bố mẹ cũng phải báo cáo xem mình đã hỗ trợ con như thế nào với nhà trường. Việc học cùng con, thay vì cầu nối cảm xúc như gia đình chị Bình, bị biến thành một phần “chính quy” của trường học, nơi cố gắng cắt giảm các hoạt động sư phạm bởi nhu cầu tiết kiệm kinh phí nhằm tăng lợi nhuận.

Khi các nguồn vốn về kinh tế và văn hóa bị thiếu hụt, dễ dẫn đến các tổn thương và thất bại cho các đứa trẻ thuộc giai cấp lao động, thì vốn cảm xúc là một nguồn lực ít ỏi và quý giá mà đứa trẻ có thể nhận được từ người mẹ như là cách để xoa dịu cảm giác thất bại, chịu thiệt thòi cho trẻ em, giữ an toàn cho trẻ, đồng thời thách thức các bất công có thể đe dọa trẻ em trong hệ thống nhà trường. Tiếc thay, đã có những ví dụ thực tế cho thấy rằng, nguồn lực ít ỏi cuối cùng ấy cũng đang ngày bị xâm lấn và tổn hại.

Xuyên suốt ba bài viết về bất bình đẳng giáo dục tiếp cận từ hướng nhân học (từ Khoa học & Phát triển số 23/2022), chúng tôi muốn chỉ ra rằng còn có một hướng tiếp cận từ dưới lên (thay vì tiếp cận từ các giai tầng xã hội vĩ mô như chủng tộc, thu nhập,…): sự vui chơi của trẻ em; trải nghiệm thường ngày để đến ngưỡng “cộng cảm”, khi mỗi người trong cộng đồng đối xử bình đẳng với nhau; cảm xúc của mẹ khi học cùng con,… để vừa thấy sự kháng cự lại các hố sâu bất bình đẳng, đồng thời cảnh báo về việc những “hàng rào phòng ngự” này đang đối mặt với những tình thế đầy thách thức.

Vậy nên, ngoài những chính sách vĩ mô để bình ổn bất bình đẳng chung, sự nhân văn và phản tư đến cùng của những người trực tiếp tham giao quá trình giáo dục: nhà trường – phụ huynh – học sinh, cũng như cộng đồng đang dung chứa họ là phương cách để chúng ta giành lại môi trường giáo dục bình đẳng cho thế hệ tương lai.

Vốn cảm xúc là một nguồn lực ít ỏi và quý giá mà đứa trẻ có thể nhận được từ gia đình, giữ an toàn cho trẻ, đồng thời thách thức các bất công có thể đe dọa trẻ em trong hệ thống nhà trường. Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại
Vốn cảm xúc là một nguồn lực ít ỏi và quý giá mà đứa trẻ có thể nhận được từ gia đình, giữ an toàn cho trẻ, đồng thời thách thức các bất công có thể đe dọa trẻ em trong hệ thống nhà trường. Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại

Khởi nguồn từ ý tưởng về “vốn” gắn chặt với vấn đề giai cấp của Pierre Bourdieu, cảm xúc với tư cách là một loại vốn – vốn cảm xúc – chịu sự liên kết chặt chẽ với bốn loại vốn cơ bản khác: vốn văn hóa, vốn kinh tế, vốn xã hội và vốn biểu tượng.

Khái niệm vốn văn hóa khá phức tạp, có thể được hiểu là trình độ giáo dục và kiến thức được tiếp nhận và hình thành ở mỗi cá nhân. Vốn kinh tế, kinh điển hơn, bao gồm tài sản, thu nhập và tiền bạc. Vốn xã hội là các kết nối xã hội thông qua các mối quan hệ. Vốn biểu tượng đại diện cho tính hợp pháp, quyền lực và uy tín được rút ra từ vốn kinh tế, văn hóa và xã hội.

Lần đầu được định nghĩa bởi Helga Nowotny (1981), vốn cảm xúc được hình thành dựa trên các nguồn lực là vốn văn hóa và vốn kinh tế của phụ nữ trong phạm vi các mối quan hệ tình cảm riêng tư trong gia đình. Vốn cảm xúc bao gồm các nguồn cảm xúc cụ thể, được chuyển đổi trong các tình huống giao tiếp liên tục trong đời sống thường ngày, và vốn cảm xúc chỉ được thể hiện trong không gian phù hợp.

Trong bài viết “The Managed Heart: Commercialization of human feeling” (2010), nhà xã hội học Hochschild đã lập luận rằng phần lớn phụ nữ phải sử dụng cảm xúc trong lao động do kỳ vọng về giới của xã hội thường gắn vai trò của phụ nữ trong việc thể hiện cảm xúc (tươi cười niềm nở trong giao dịch, chu toàn trong công việc bàn giấy, xinh đẹp ưa nhìn trong các công việc cần giao tiếp như tổ chức sự kiện,…). Thêm nữa, phụ nữ phải dựa rất nhiều vào nguồn vốn cảm xúc do thiếu hụt vốn kinh tế, vốn văn hóa và vốn xã hội so với nam giới.

Đọc thêm:




Tài liệu tham khảo

Allatt, P. (1993). Becoming privileged: The role of family processes. Youth and Inequality, 139–159.

Bourdieu, P. (2011). The forms of capital. (1986). Cultural Theory: An Anthology, 1, 81–93.

Chi, T. H. (2011). They Think We Don’t Value Schooling: Paradoxes of Education in the Multi-Ethnic Central Highland of Vietnam. Education in Vietnam. Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 171–211.

Doãn Hùng. (2022). 10 vạn người xem livestream của phụ huynh tố con bị đánh ở Trường quốc tế TP.HCM. Vietnamnet. https://vietnamnet.vn/hon-10-van-nguoi-xem-livestream-phu-huynh-to-con-bi-danh-o-truong-quoc-te-2024272.html

Eva.vn. (2020). Vụ mẹ chụp ảnh con ở cổng trường giữa trưa nắng: Học sinh đã được ăn bán trú tại trường. https://eva.vn/tin-tuc/vu-me-chup-anh-con-o-cong-truong-giua-trua-nang-hoc-sinh-da-duoc-an-ban-tru-tai-truong-c73a433330.html

Gillies, V. (2005). Raising the ‘Meritocracy’: Parenting and the Individualization of Social Class. Sociology, 39(5), 835–853. https://doi.org/10.1177/0038038505058368

Gillies, V. (2006). Working class mothers and school life: Exploring the role of emotional capital. Gender and Education, 18(3), 281–293. https://doi.org/10.1080/09540250600667876

Hochschild, A. R. (2010). The managed heart: Commercialization of human feeling. The Production of Reality: Essays and Readings on Social Interaction, 320 & 336.

Hutchison, K. (2012). A labour of love: Mothers, emotional capital and homework. Gender and Education, 24(2), 195–212. https://doi.org/10.1080/09540253.2011.602329

Le-Phuong Nguyen, K., Harman, V., & Cappellini, B. (2017). Playing with class: Middle-class intensive mothering and the consumption of children’s toys in Vietnam. International Journal of Consumer Studies, 41(5), 449–456. https://doi.org/10.1111/ijcs.12349

Phinney, H. M. (2008). Objects of Affection: Vietnamese Discourses on Love and Emancipation. Positions: East Asia Cultures Critique, 16(2), 329–358.

Reay, D. (2004). Gendering Bourdieu’s Concepts of Capitals? Emotional Capital, Women and Social Class. The Sociological Review, 52(2_suppl), 57–74. https://doi.org/10.1111/j.1467-954X.2005.00524.x

Reay, D. (2008). Tony Blair, the promotion of the ‘active’ educational citizen, and middle-class hegemony. Oxford Review of Education, 34(6), 639–650. https://doi.org/10.1080/03054980802518821

Zembylas, M. (2007). Emotional Capital and Education: Theoretical Insights from Bourdieu. British Journal of Educational Studies, 55(4), 443–463. https://doi.org/10.1111/j.1467-8527.2007.00390.x