Cấu trúc của sự bất bình đẳng giáo dục nằm ngay ở các trải nghiệm hằng ngày của mỗi học sinh trong đời sống học đường chứ không chỉ nằm trong sự tiếp cận nguồn lực xã hội vĩ mô ở cấp giai tầng, chủng tộc, địa vị,…
Khi nghiên cứu về bất bình đẳng giáo dục, các nhà khoa học luôn chú trọng làm nổi bật những mâu thuẫn trong mối tương quan chặt chẽ với bất bình đẳng xã hội. Các nghiên cứu phổ biến thường miêu tả sự bất bình đẳng trầm trọng trong cơ hội tiếp cận giáo dục giữa học sinh thành thị và nông thôn, giữa các tỉnh giàu và nghèo, giữa con cái của lao động nhập cư và công dân thành thị, giữa trẻ em tộc người thiểu số và nhóm đa số ở trong quốc gia.
Tuy vậy, còn một hướng tiếp cận quan trọng khác là khám phá cấu trúc của sự bất bình đẳng nằm ngay ở các trải nghiệm hằng ngày của mỗi học sinh trong đời sống trường học chứ không chỉ nằm trong sự tiếp cận nguồn lực xã hội vĩ mô ở cấp giai tầng, chủng tộc, địa vị,…
Đối với nhà nhân học Victor Turner, các cấu trúc xã hội luôn bao gồm thứ bậc và sự bất bình đẳng như là độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, quan hệ họ hàng, cấp bậc danh hiệu, cấp bậc chức vụ. Nhưng để cấu trúc (structure) này hoạt động thì nó phải được đặt trong mối quan hệ với phản cấu trúc (anti-structure), mà ở đây chính là việc cộng đồng phải trải qua quá trình nghi lễ để đạt được cái gọi là “ngưỡng” (liminality).
“Ngưỡng” như là một dấu mốc đánh dấu trạng thái mà con người nằm ngay giữa sự chuyển đổi mơ hồ về địa vị, xã hội, tâm lý, hoặc văn hóa. Khi vượt qua “ngưỡng” thì mỗi người trong cộng đồng sẽ đối xử bình đẳng với nhau và Victor Turner gọi sự vượt ngưỡng này là “cộng cảm” (communitas). Mọi người cảm thấy “bình đẳng” với nhau khi đạt được “cộng cảm”, trạng thái chỉ xuất hiện trong quá trình diễn ra nghi lễ; và khi nghi lễ kết thúc, mọi thứ trở về bình thường. Turner tiếp cận bình đẳng và bất bình đẳng như là một cấu trúc phổ quát ở mọi cộng đồng của con người.
Nhà nhân học Louis Dumont lại cho rằng tiếp cận bình đẳng sẽ khác nhau ở mỗi nền văn hóa. Ông chỉ ra ở những xã hội tự do như phương Tây cũng tồn tại các bất bình đẳng cực đoan như ở xã hội Ấn Độ. Nhưng diễn ngôn của xã hội tự do phải luôn xem bất bình đẳng là một khiếm khuyết và phải bị phê bình chứ không được xem như điều hiển nhiên hay chính đáng về mặt diễn ngôn đạo đức và chính trị. Nói cách khác, trong các xã hội tự do, sự bất bình đẳng được tái sản xuất một cách âm thầm chứ không phải rõ ràng.
Trong lĩnh vực giáo dục hiện đại, các mâu thuẫn xuất phát từ các thực hành giáo dục sẽ tạo ra bình đẳng và bất bình đẳng. Các hệ thống giáo dục của mỗi quốc gia đều phải đối mặt với nhiệm vụ giáo dục công dân để chọn lọc ra tinh hoa, đồng thời phải giảng dạy và duy trì các nguyên tắc kỷ luật để học sinh cảm thấy được đối xử công bằng như nhau. Đây là được xem là một tình thế tiến thoái lưỡng nan mà mọi hệ thống giáo dục trên thế giới phải đối mặt.
Tạo ra bình đẳng trong trường học
Nhìn theo góc độ của Victor Turner thì trường học hiện đại như là một nghi lễ mở rộng mà học sinh phải trải qua. Turner quan niệm rằng, giáo dục làm cho học sinh được đặt trong trạng thái “ngưỡng” kéo dài. Học sinh phải chịu các quy định kỷ luật giống nhau trong nhà trường và phải đối xử bình đẳng với những người cùng cấp học. Tức là trường học như thể bỏ qua các cấu trúc mà hướng đến các phản cấu trúc nhằm đạt được sự “cộng cảm” nơi học sinh.
Cảm giác (như thể là) bình đẳng mà học sinh được trải nghiệm đầu tiên trong trường học chính là việc đều phải mặc đồng phục. Trong quan sát của nhà nhân học Andrew Kipnis ở các trường nông thôn của Sơn Đông, Trung Quốc, mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh cho thấy giáo viên thường xưng hô với học sinh là “đồng học” (同学). Học sinh thường xưng hô với nhau bằng tên hoặc biệt hiệu cá nhân. Chính việc xưng hô này góp phần làm cho học sinh trải nghiệm cảm giác bình đẳng trong nhà trường. Đó cũng là một hoạt động của “ngưỡng” để học sinh và giáo viên tạo ra “cộng cảm” với nhau trong giao tiếp hằng ngày.
Sách giáo khoa của Trung Quốc, khi dạy cho học sinh về tư tưởng chính trị, luôn nhấn mạnh rằng xã hội Trung Quốc là xã hội bình đẳng nơi mà pháp quyền là được ưu tiên; vì vậy quần chúng đều được đối xử công bằng trước pháp luật. Khái niệm “quần chúng” trong ngôn ngữ Trung Quốc không chỉ là nói về sự bình đẳng như nhau trong đời sống mà là sự đồng thuận cao về mặt tư tưởng.
Từ đó, giáo viên Trung Quốc phải chịu rất nhiều áp lực khi phải luôn đối xử bình đẳng với các học sinh. Những năm 1990 ở Trung Quốc, các nhà cải cách giáo dục lập luận rằng các kỳ thi khiến giáo viên bỏ qua các học sinh dưới trung bình. Họ thống kê chỉ có gần 15% học sinh có khả năng cao đậu vào đại học. Nếu chỉ quan tâm các học sinh này thì 50-60% các học sinh nhiều khả năng trượt đại học coi như bị bỏ qua.
Do đó, các nhà quản lý giáo dục đề nghị giáo viên phải đối xử và quan tâm các học sinh giống hệt nhau. Giải pháp là mọi học sinh đều phải làm các bài tập mang tính lặp đi lặp lại. Điều này có thể gây nhàm chán đối với học sinh giỏi nhưng lại là giải pháp an toàn nhất cho học sinh dưới trung bình để bắt kịp học sinh giỏi.
Một giải pháp hình thức khác là phân công lao động bình đẳng. Tại các trường nông thôn của Sơn Đông, học sinh sống nội trú đều phải ở ký túc xá. Trong ký túc xá, giường và các đồ dùng khác đều giống hệt nhau, đặc biệt là về kích thước, nhằm tạo ra cảm giác đơn nhất tuyệt đối như thể tất cả đều bình đẳng. Bên cạnh đó, học sinh cũng được yêu cầu lên lịch, chia việc đều nhau để dọn dẹp ký túc xá. Chính điều này, về lý thuyết, tạo ra cảm giác bình đẳng trong sự “cộng cảm” của các học sinh với nhau.
Tái sản xuất bất bình đẳng trong trường học
Việc tạo ra bình đẳng (ít nhất là về mặt hình thức) trong trường học chỉ là một phía của vấn đề. Phía bên kia, các kỳ thi ở Trung Quốc hay ở nhiều quốc gia Đông Á khác, tạo nên sự bất bình đẳng sâu rộng.
Đặc biệt là các kỳ thi chuyển cấp để vào các trường chuyên, lớp chọn đã tạo ra những hố sâu thứ bậc. Tại Trung Quốc, cho đến năm 2008, kết quả các kỳ thi được công bố công khai ở nơi công cộng trong trường, làm tăng thêm áp lực cho học sinh.
Những học sinh bị điểm kém đều phải chịu những đợt phê bình liên tục sau các kỳ thi, trong khi những học sinh giỏi được khen ngợi trước toàn trường. Việc công bố liên tục kết quả của các kỳ thi và kiểm tra như là sự biện minh cho phân cấp xã hội mà khởi đầu từ sự khác biệt điểm số giữa các học sinh với nhau.
Đến năm 2008, Phòng Giáo dục của tỉnh Sơn Đông đã cấm việc công bố công khai kết quả của học sinh để làm giảm áp lực của thi cử lên các em. Thay vào đó, chỉ ghi là Đạt hoặc Không đạt, hoặc là Xuất sắc, chứ không còn ghi rõ điểm số. Điều này, như Louis Dumont đã nói, công chúng được khuyến khích không thảo luận về bất bình đẳng nhưng bất bình đẳng vẫn ở đó thông qua các bài kiểm tra và kỳ thi.
Trong các diễn ngôn ở Trung Quốc, từ “tố chất” (素质) được lưu hành nhằm ngụ ý về tiềm năng bên trong con người bao gồm trí tuệ, thể chất, đạo đức, tính cách. Những học sinh không có “tố chất” bị cho là không thể phát triển trong tương lai và không xứng đáng được nhận nguồn lực để đào tạo. Khi một học sinh bị gọi là không có “tố chất”, thì đó gần như là sự công kích đối với xuất thân từ vùng quê nghèo nàn hay là con của gia đình nông dân.
Kết luận
Nền giáo dục đương đại đóng một vai trò lớn trong quá trình xã hội hóa trẻ em. Suốt quãng đời cắp sách đến trường, học sinh đều phải trải nghiệm qua lại giữa cảm giác bình đẳng và bất bình đẳng.
Nhiều hệ thống trường học trên thế giới, dù nỗ lực tạo ra các khuôn mẫu hình thức về bình đẳng (mặc đồng phục, trực nhật theo ca,…) nhưng các thực hành khác (đặc biệt là về tinh thần) lại khoét thêm vào hố sâu bất bình đẳng giữa các học sinh
Tình thế tiến thoái lưỡng nan này, một mặt là sự nối dài của những bất bình đẳng mang tính cấu trúc của xã hội; mặt khác là sự thiếu nhất quán trong triết lý giáo dục của các nhà sư phạm, từ đó dẫn đến trình trạng chỉ dừng lại ở các quy định “hiển ngôn” về bình đẳng mang tính hình thức mà thiếu đi việc xây dựng sự bình đẳng cao về mặt tư tưởng trong mỗi học sinh và mỗi hoạt động giáo dục.
Kỳ tới: Bất bình đẳng giáo dục từ góc độ vốn cảm xúc
Đọc thêm: