Bất bình đẳng trong giáo dục đang dần trở thành một hiện tượng toàn cầu, mà hẳn bất kỳ ai quan tâm đến giáo dục một cách nghiêm túc đều có mong muốn tìm hiểu, thảo luận về nó ở các khía cạnh.

Trong loạt bài viết này, chúng tôi xin đóng góp góc nhìn từ ngành nhân học nhằm trả lời câu hỏi: các nền văn hóa đa dạng cung cấp những bài học nào cho việc giải quyết vấn đề bất bình đẳng đang ngấm sâu và len lỏi vào cả cấu trúc vĩ mô lẫn vi mô của giáo dục.

Đối với các nhà nhân học, khái niệm “giáo dục” không bị bó hẹp trong phạm vi nhà trường chính quy mà ở quá trình trẻ em học hỏi mọi thứ trong nền văn hóa ngay khi còn bé thơ.

Nghiên cứu thâm nhập vào xã hội của tộc người săn bắt hái lượm, các nhà nhân học tin tưởng sâu sắc rằng loài người vẫn có thể tựu thành một nền giáo dục bình đẳng cho trẻ em, trái với những quan điểm tuyệt vọng cho rằng bất bình đẳng là một bản chất không thể loại bỏ trong lòng nền giáo dục đương đại.

Chính văn hóa của các tộc người săn bắt hái lượm đã tạo điều kiện cho trẻ thơ tựu thành những bài học sâu sắc: biết chia sẻ vì cộng đồng, giúp đỡ người khác, làm việc nhóm và tự do theo đuổi đam mê của riêng đứa trẻ - thứ mà hiện nay ta tin rằng chỉ có những trường học “tinh hoa” (với học phí cao cùng đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp) mới có thể truyền dạy.

Bắt đầu từ khái niệm “bản năng giáo dục”, các nhà nhân học (điển hình như Lee R) cho rằng một đứa trẻ phải tự học hỏi mọi thứ xung quanh để sống hòa hợp với nền văn hóa của chúng. Vì thế, bản năng giáo dục của mỗi đứa trẻ là chìa khóa quyết định cho đứa trẻ tự trải nghiệm và nhập thân trong việc học hỏi các giá trị của nền văn hóa mà đứa trẻ sinh ra.

Những kiến thức trong xã hội săn bắt hái lượm vô cùng phức tạp, không thể thụ đắc trong một thời gian ngắn, mà gần như là cả đời. Bắt đầu từ việc đơn thuần quan sát người lớn thực hành các kỹ thuật săn bắn hay sử dụng các công cụ như bẫy, giáo, mũi tên...; trẻ em dần chủ động làm quen cách theo dõi, xác định các động vật muốn săn; xác định và xử lý các củ quả ăn được hoặc có độc, cho đến tự học cách dựng chòi, đốt lửa, nấu ăn và dự đoán thời tiết.

Nhà nhân học Richard Lee đã điền dã tại cộng đồng tộc người !Kung ở sa mạc Kalahari. Khi sống với cộng đồng người !Kung, ông phải thốt lên rằng xã hội của người !Kung là một xã hội “theo chủ nghĩa quân bình một cách hết sức mãnh liệt”. Tại đây, không có ai là người đứng đầu, mọi người đều tránh các hành động kiểm soát người khác, mỗi người đều được quyền quyết định riêng của họ và có không gian tự chủ riêng không bị ai quấy rầy. Thức ăn luôn được sẻ chia cùng nhau dù người đó có kiếm được hay không.

Nghiên cứu về việc giáo dục con cái của tộc người săn bắt hái lượm có thể cung cấp những ý tưởng cho nền giáo dục đương đại trong việc nuôi dưỡng sự bình đẳng ngay từ thời thơ ấu cho trẻ. Trong ảnh: Hai đứa trẻ thuộc tộc người !Kung chia nhau nước lấy từ một cái cây rỗng ruột. Tộc người !Kung sinh sống bằng săn bắt hái lượm cho đến tận những năm 1970. Nguồn: digitalcommons.unl.edu

Những đứa trẻ của người !Kung cũng tương tự như vậy, không bao giờ bị người lớn áp đặt phải làm gì và phải làm như thế nào. Người lớn không bao giờ đánh đập, la mắng, chửi bới con cái. Hầu như không có một lời can ngăn nào cho đến khi đứa trẻ đến tuổi trưởng thành, những lời khuyên bảo rất nhẹ nhàng chứ không phải là những khiển trách đầy phẫn nộ.

Các nhà nhân học cho thấy, trong xã hội săn bắt hái lượm thì cha mẹ luôn đề cao khả năng tự lập và ý chí riêng của con cái. Trong khi đó, theo nghiên cứu của Barry và cộng sự (1959), những đứa trẻ trong xã hội làm nông nghiệp thì bị cha mẹ chuyên quyền và áp đặt.

Chơi và/là học

Vui chơi gần như là điều đương nhiên với trẻ em trong xã hội săn bắt hái lượm. Cha mẹ của những đứa trẻ luôn cho chúng rong chơi cả ngày (Sahlins, 2013). Bọn trẻ có thể tham gia các trò chơi mà chúng muốn từ việc đào củ, câu cá, trèo cây đến tạo ra công cụ, đốt lửa, hay chỉ đơn giản là nói chuyện hay tạo ra âm nhạc. Phần lớn các trò chơi của trẻ em là bắt chước hoạt động sống của người lớn.

Vì thế, thông qua việc vui chơi, bọn trẻ học hỏi về các kỹ thuật săn bắt hái lượm cũng như học tập các khía cạnh trong nền văn hóa mà chúng sống. Những đứa trẻ thường vui chơi với nhau thành các nhóm mà không phân chia tuổi tác cũng như luôn hợp tác, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau. Các nhà nhân học còn nhận thấy rằng chính trong lúc chơi với nhau theo độ tuổi hỗn hợp như vậy, trẻ em học tập các kỹ năng hợp tác và xã hội tốt hơn. Trong một xã hội quân bình như xã hội săn bắt hái lượm thì những đứa trẻ không cạnh tranh, ganh đua nhau mà luôn hợp tác với nhau để giải quyết mọi vấn đề.

Hiện nay ở Việt Nam chưa có một thống kê đầy đủ về thời gian vui chơi của trẻ em. Nhưng theo khảo sát của Young Lives, trong những năm từ 2006 đến 2016, trẻ em Việt Nam từ độ tuổi 5 – 17 tuổi dành thời gian cho việc học ở trường tăng trung bình từ 6 lên 8 tiếng mỗi ngày (Espinoza-Revollo & Porter, 2018). Theo nghiên cứu vào năm 2006, trẻ em Việt Nam ngoài giờ học trên lớp thì trung bình dành thêm 89 giờ mỗi năm để đi học thêm (Dang, 2014). Đồng thời, theo nghiên cứu ở các quốc gia phát triển như ở Anh thì trẻ em chơi ngoài trời chỉ có 4 giờ mỗi tuần so với 8,2 giờ vào thời của cha mẹ chúng (Bishop, 2013).

Trẻ em ngày càng dành nhiều thời gian hơn cho việc học, trong khi thời gian vui chơi ngoài trời giảm. Ảnh: mhomeschooling.com
Trẻ em ngày càng dành nhiều thời gian hơn cho việc học, trong khi thời gian vui chơi ngoài trời giảm. Ảnh: mhomeschooling.com

Nhà tâm lý học Peter Gray và các cộng sự đã nghiên cứu về Trường Sudbury Valley, Framingham, Massachusetts ở Mỹ (Gray, 2008) và chỉ ra rằng nghiên cứu về việc giáo dục con cái của tộc người săn bắt hái lượm có thể cung cấp những ý tưởng cho nền giáo dục đương đại trong việc nuôi dưỡng sự bình đẳng ngay từ thời thơ ấu cho trẻ. Cụ thể, những ý tưởng cơ bản đó là: (1) người học cần không gian trải nghiệm để tự hình thành tri thức trong mối tương tác với bạn hữu ở cùng một nền văn hóa; (2) người lớn cần tin tưởng vào ý chí và bản lĩnh độc lập của trẻ, từ đó sự học tập ở trẻ chỉ cần sự trợ giúp tương đối từ người lớn chứ không phải người lớn quyết định việc học tập cho trẻ; (3) hoạt động trao đổi thảo luận tự nguyện giữa các nhóm trẻ hỗn hợp (về giới tính, độ tuổi, giai tầng,…) là phương pháp tối ưu thúc đẩy sự hoàn thiện tri thức ở trẻ.

Những người sáng lập Trường Sudbury Valley không lấy cảm hứng từ những tộc người săn bắt hái lượm nhưng theo nhóm nghiên cứu của Peter Gray thì mô hình hoạt động của họ có nền dân chủ rất giống nền dân chủ của xã hội săn bắt hái lượm (Gray, 2008; School, 1970).

Tại Trường Sudbury Valley, trẻ em được tin tưởng khám phá không gian sống xung quanh bằng việc lang thang đó đây, tất nhiên vẫn sẽ có vài giới hạn trong bối cảnh xã hội hiện đại của nước Mỹ. Những đứa trẻ được tự do khám phá cánh đồng, con suối, khu rừng gần đó dưới dạng vui chơi với nhau một cách hỗn hợp về độ tuổi và chúng có thể học hỏi lẫn nhau.

Học sinh trong trường được thoải mái ra vào nơi của người lớn và nghe người lớn trao đổi, cũng như tự do phát biểu những suy nghĩ và ý kiến của mình mà không sợ hãi.

Điều thú vị là do trẻ em chơi với nhau trộn lẫn độ tuổi nên không xảy ra hiện tượng bắt nạt. Trong xã hội săn bắt hái lượm, nếu một đứa trẻ lớn hơn có thái độ gây khó khăn với đứa trẻ nhỏ tuổi hơn thì những đứa trẻ nhỏ tuổi khác sẽ nhanh chóng đứng ra ngăn cản. Điều này tương tự ở Trường Sudbury Valley: sự hiện diện của trẻ nhỏ tuổi trong nhóm có tác động làm cho những đứa trẻ lớn tuổi hòa hoãn hơn (Gray, 2010).

Đặc biệt, tại đây, học sinh được quyền đưa ra các quy tắc và có trách nhiệm thực thi các quy tắc mà mình đưa ra; do đó học sinh tôn trọng các quy tắc hơn so với trường hợp các trường áp đặt quy tắc lên học sinh. Nghiên cứu cũng cho thấy, các học sinh thường không tôn trọng các quy tắc do ít hoặc không có tiếng nói trong việc tạo ra các quy tắc trong nhà trường (Gray & Feldman, 2004).

Từ những ý tưởng trên, khi muốn hướng đến một xã hội bình đẳng hơn trong tương lai, ngoài việc rút ngắn khoảng cách vị thế kinh tế và xã hội của mỗi giai cấp, chúng ta cũng phải tạo ra không gian giáo dục bình đẳng cho trẻ ngay từ thời thơ ấu. Một không gian mà ở đó người lớn tin tưởng trẻ em, cho chúng trải nghiệm khám phá, cùng nhau chơi đùa, hợp tác và thảo luận dưới dạng hỗn hợp về chủng tộc, giai tầng, độ tuổi,... Cuối cùng, khi học về những kỹ năng xã hội thì chính trẻ em tự dạy cho chúng là tốt nhất thông qua việc vui chơi.

fdgfg
Một giờ học ở Trường Sudbury Valley. Nguồn: milliyet.com.tr

Trường tư thục Sudbury Valley được thành lập vào năm 1968 bởi những người dân tại Framingham, Massachusetts, Mỹ. Trường tọa lạc trong một tòa lâu đài theo phong cách Victoria rộng gần 40.000 mét vuông. Mỗi năm trường đón khoảng 120 học sinh từ 4-19 tuổi.

Triết lý giáo dục của trường là tin tưởng vào năng lực của trẻ em và từ đó định ra ba nguyên tắc cơ bản: (1) giáo dục tự do thông qua vui chơi, (2) quản trị dân chủ dựa trên lá phiếu của chính học sinh, và (3) trách nhiệm tự thân khi nhân viên nhà trường cũng chỉ là một thành viên của cộng đồng - chứ không phải “người giảng dạy”.

Hiện nay, nhiều nước như Úc, Canada, Pháp, Nhật, Bỉ, Đức, Israel và Thụy Sĩ đã dựa theo mô hình Trường Sudbury Valley để xây dựng những mô hình hướng đến tự quyết học tập.

Bài 2: Lý giải bất bình đẳng giáo dục