Cùng thời điểm đó một số nhà nghiên cứu Anh đã giành được tài trợ của Horizon nhận được thông báo rằng các khoản tài trợ của họ sẽ bị hủy.
“Liên kết với chương trình Horizon là lựa chọn tốt nhất cho khoa học Anh”, Sarah Main, giám đốc điều hành của Campaign for Science and Engineering [Chiến dịch Khoa học và công nghệ], một nhóm ủng hộ khoa học ở London, cho biết. Rời bỏ [Chương trình này] “sẽ là một động thái rất không hay vào thời điểm mà thủ tướng đang cố gắng nâng cao năng lực khoa học của Vương quốc Anh”.
Vào tháng 12/2020, trong một phần của cuộc đàm phán Brexit, EU và Vương quốc Anh đã đạt được một thỏa thuận để tiếp tục hợp tác Horizon Europe. Nhưng các vấn đề liên quan đến “Nghị định thư Bắc Ireland” (thỏa thuận về việc Bắc Ireland – ranh giới giữa EU và Anh, nằm ngoài thị trường chung của EU, nhưng các quy tắc tự do di chuyển hàng hóa của EU và các quy tắc của Liên minh thuế quan EU vẫn được áp dụng) đã khiến việc phê chuẩn thỏa thuận bị đình trệ. Chính phủ Anh và EU tiếp tục bất đồng về cách thi hành các quy định đường biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, là một phần của EU.
Quân bài trong thỏa thuận
Kieron Flanagan, nhà nghiên cứu chính sách khoa học tại Đại học Manchester, cho biết: “Sự tham gia của các nhà khoa học Anh vào Chương trình Horizon đang được sử dụng như một con bài mặc cả trong một cuộc đàm phán chính trị lớn hơn nhiều”. Và Kieron lo lắng về kết quả thỏa thuận.
Tuần trước, đại diện cho 140 trường đại học, đã gửi một lá thư tới Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo rằng “nếu thất bại trong hợp tác khoa học giữa Anh với Horizon Europe thì sẽ là một tổn thất cả về y tế, của cải và chất lượng sống”. Đại diện nhóm các các trường đại học viết thư cho biết rằng mặc dù vẫn còn hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận, nhưng tình hình “có vẻ ảm đạm” vì vấn đề Bắc Ireland.
Chính phủ Anh cho biết nếu không thể đạt được thỏa thuận, họ sẽ phát triển chương trình nghiên cứu trị giá 15 tỷ bảng Anh (18,7 tỷ USD) của riêng nước mình để cạnh tranh với Horizon Europe. George Freeman, Bộ trưởng Khoa học Vương quốc Anh, đã đến Brussels vào ngày 8/6 để trình bày lập trường của quốc gia này về tình hình với EC, mặc dù ông không có cuộc đàm phán chính thức với EU. Trong bài phát biểu của mình, ông đã kêu gọi EC đi đến một thỏa thuận. “Xin đừng sử dụng khoa học để phản ứng,” ông nói. “Nếu phải trừng phạt Anh, hãy làm theo cách khác”.
Ông nói thêm rằng Anh vẫn “cam kết 100% với chương trình nghiên cứu hợp tác của châu Âu”, bao gồm cả chương trình quan sát Trái đất của Copernicus – mà giờ đây cũng chưa chắc chắn là Anh có thể tham gia hay không. “Nhưng thời gian đang dần khép lại. Chúng ta đang ở thời điểm khó khăn”, ông nói.
Giới khoa học thất vọng
Người phát ngôn của EC trao đổi với tạp chí Nature rằng mặc dù EU tiếp tục “công nhận lợi ích chung trong hợp tác khoa học và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu hạt nhân và vũ trụ”, những khó khăn nghiêm trọng trong việc thực hiện thỏa thuận Brexit vẫn còn.
Bộ trưởng Bộ Khoa học Anh Freeman nhấn mạnh khả năng “hợp tác toàn cầu” với các quốc gia bao gồm Thụy Sĩ, Israel và Nhật Bản nếu Vương quốc Anh rời khỏi chương trình nghiên cứu chung lớn này EU. Tuy nhiên, cả Thụy Sĩ và Israel đều tham gia Horizon Europe và ngay cả Nhật Bản cũng như các quốc gia khác ngoài EU, bao gồm Hàn Quốc, New Zealand và Canada cũng đã đàm phán để tham gia Horizon. Martin Smith, người đứng đầu phòng nghiên cứu chính sách tại Quỹ Wellcome, một quỹ tài trợ nghiên cứu y sinh ở London, cho biết: “Horizon là một cộng đồng [nghiên cứu]”. Nên để thử và xây dựng một cộng đồng độc lập sẽ là “điều vô cùng khó khăn”.
Sự bất định bắt đầu xảy tới kể từ tháng 12/2020. Ben Sheldon, một nhà động vật học tại Đại học Oxford, đã được Hội đồng Nghiên cứu của Horizon Europe (ERC) trao khoản tài trợ trị giá 3,1 triệu euro vào đầu tháng tư để nghiên cứu phản ứng của động vật và thực vật ở Anh trước biến đổi khí hậu. Ông là một trong số hàng chục nhà nghiên cứu của Vương quốc Anh đã giành được quỹ ERC trong năm nay.
Nhưng những khoản tài trợ đó được trao với thời hạn hai tháng, hết hạn vào ngày 8/6, đòi hỏi Anh chính thức hóa mối hợp tác với Horizon, hoặc những người giành được khoản tài trợ phải chuyển đến EU hoặc một quốc gia liên quan thì mới không bị hủy tài trợ. Ben Sheldon cho biết: “Nếu chúng tôi không làm như thế, thì khoản tài trợ sẽ bị hủy”.
Tuy nhiên, hơn 140 người nhận các khoản tài trợ nhỏ hơn từ ERC thì đã bắt đầu nhận đã được thông báo rằng các đề xuất tài trợ của họ sẽ bị hủy nếu họ không đáp ứng các điều kiện.
Giải thích về điều này, người phát ngôn của EC cho biết “về mặt pháp lý thì không thể ký các khoản tài trợ với các tổ chức chủ quản không nằm ở một quốc gia thành viên EU hoặc ở một quốc gia liên quan”. Những nhà khoa học Anh được nhận tài trợ sẽ cần phải đưa ra quyết định cuối cùng trước ngày 29/6.
Lợi thế cạnh tranh
Về phía Anh, Bộ trưởng Freeman cho biết Chính phủ Anh sẽ tài trợ cho những người đã xin tài trợ của Horizon nếu đến tháng 12/2022 mà vẫn không đạt được thỏa thuận, đồng thời vạch ra kế hoạch cho một giải pháp thay thế tài trợ của Horizon ở trong nước Anh. Kế hoạch này được gọi là Kế hoạch B, cũng sẽ tương tự với chương trình tài trợ của Horizon, mặc dù các cơ quan quản lý khoa học vẫn chưa thông báo chi tiết rõ ràng về kế hoạch này.
Đánh giá về sự chuẩn bị này của Chính phủ Anh, James Wilsdon, một nhà nghiên cứu chính sách khoa học tại Đại học Sheffield, Vương quốc Anh, cho biết rằng mặc dù Chính phủ có thể sẵn sàng tài trợ thay thế cho Horizon, nhưng việc mất uy tín do không còn phối hợp với Horizon sẽ khó giải quyết hơn. Ông cho biết, với các nhà khoa học: “Một phần uy tín của việc giành được khoản tài trợ ERC là họ đã giành được một khoản tài trợ quốc tế có tính cạnh tranh, chứ không phải là một khoản tài trợ ‘cây nhà lá vườn’”.
Bộ trưởng Freeman cho biết Anh sẽ xem xét ban hành kế hoạch thay thế của mình nếu không đạt được thỏa thuận với EC ngay trong mùa hè này.