Chỉ cần đăng ký bảo hộ một thương hiệu như May 10 tại thị trường Mỹ, doanh nghiệp đã phải chi mất 5.000USD. Đăng ký sẽ bị hủy nếu sau 5 năm được bảo hộ doanh nghiệp không bán một sản phẩm nào ở thị trường này.
Bảo hộ tài sản trí tuệ - trăm nẻo khó
Tại hội thảo “Sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ (SHTT) để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dệt - may Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế” mới đây, ông Thân Đức Việt - Phó Tổng Giám đốc Công ty May 10 - cho biết: Tuy chú trọng vấn đề xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu từ nhiều năm qua, nhưng việc chống chọi với nạn vi phạm quyền SHTT thực sự là thử thách lớn. Doanh nghiệp này đã xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu đồng nhất từ biển hiệu, cách trưng bày đến trang phục và phong cách bán hàng. “Thế nhưng ngay sau đó đã xuất hiện cửa hàng nhái với phong cách y nguyên” - ông Việt chia sẻ.
May 10 là doanh nghiệp may đầu tiên ở Việt Nam dán mã số, mã vạch lên từng sản phẩm từ năm 1999, giúp người tiêu dùng kiểm tra xuất xứ bằng điện thoại. Công ty cũng đi đầu trong việc dùng sợi chống hàng giả và tem chống hàng giả công nghệ cao của Anh với ba cấp độ. Tem này có màu sắc biến đổi quang học, tránh sao chép hay bóc tách. Khi bị bóc, trên tem sẽ hiện lên chữ VOID (không giá trị), không thể tái sử dụng. May 10 còn dùng đặc điểm bí mật là in chìm sợi chống hàng giả dệt vào nhãn, khi phóng đại 500 lần sẽ hiện logo, số điện thoại và tên công ty.
Ông Việt cho biết, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn không nhỏ khi đăng ký bảo hộ thương hiệu ở thị trường quốc tế bởi sự đắt đỏ và khắt khe. Vào năm 2008, khi đăng ký thương hiệu May 10 tại Mỹ, doanh nghiệp này đã phải chi 5.000USD. “Sau 5 năm, nếu không bán một sản phẩm nào của May 10 ở Mỹ thì đăng ký này sẽ bị hủy. Biết vậy nhưng vẫn phải đăng ký vì đã có nhiều bài học từ càphê và nhiều sản phẩm khác - doanh nghiệp Việt đã phải khốn đốn vì mất thương hiệu” - ông Việt nói.
Chia sẻ với các doanh nghiệp dệt - may phải cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong bối cảnh hội nhập, ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục SHTT - nhấn mạnh vai trò của việc bảo vệ tài sản trí tuệ khi cho biết, nếu trong những năm 1970 trở về trước, giá trị tài sản vô hình đóng góp chưa đến 20% thì nay tỷ lệ này là hơn 80%. Điều đó cho thấy tài sản vô hình rất quan trọng và nếu không chú ý bảo vệ, doanh nghiệp sẽ bị thua thiệt.
“Hiện Tập đoàn Dệt - May có 49 doanh nghiệp, nhưng chỉ 33 doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu và thương hiệu. Với những doanh nghiệp không đăng ký, rủi ro bị làm giả, làm nhái là nhãn tiền. Một ngày nào đó, khi sản phẩm được người tiêu dùng yêu thích, bị làm giả, làm nhái, doanh nghiệp mới thấy sự thiệt thòi” - ông Lâm nói.
Gia công cũng chứa đựng rủi ro
Theo bà Nguyễn Như Quỳnh - Phó Chánh thanh tra Bộ KH&CN, ngay cả các doanh nghiệp chuyên gia công cũng cần lưu ý vấn đề thực thi quyền SHTT khi Việt Nam tham gia TPP. Bà Quỳnh nêu dẫn chứng vụ các doanh nghiệp gia công tại Phú Thọ, Hải Dương, Bình Dương… nhận đơn hàng gia công sản phẩm thời trang Millet từ doanh nghiệp Hàn Quốc. Sau đó, Thanh tra Bộ KH&CN nhận được đơn kiện của chủ nhãn hàng này từ Pháp với cáo buộc các doanh nghiệp Việt Nam xâm phạm nhãn hàng của họ.
“Ngay cả gia công cũng chứa đựng rủi ro về SHTT. Vì vậy, doanh nghiệp cần hết sức lưu ý khi chuyển giao sản phẩm hay hợp đồng gia công. Hành vi gia công không được phép của chủ sở hữu chắc chắn sẽ bị xử phạt” - bà Quỳnh lưu ý. Rất may trong trường hợp trên, khi truy xét hợp đồng, doanh nghiệp Hàn Quốc phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, đây cũng là bài học đáng lưu tâm.
Từ thực tế này, các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan quản lý đẩy nhanh việc xử lý đơn để họ sớm phát triển các dòng sản phẩm mới ra thị trường. Còn ông Thân Đức Việt đề xuất: “Phí đăng ký bảo hộ thương hiệu trên thị trường quốc tế rất đắt. UBND TP. Hà Nội từng hỗ trợ chúng tôi 50% phí đăng ký bảo hộ tại Mỹ. Nếu Chính phủ có chính sách này, doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi bảo hộ thương hiệu trên thị trường thế giới”.
Ông Nguyễn Sĩ Phương - Trưởng ban Kỹ thuật công nghệ, Tập đoàn Dệt - May Việt Nam - cho rằng sản phẩm dệt - may có vòng đời ngắn, trong khi phải chờ đăng ký nhãn hiệu là 12 tháng, nên rút ngắn thời gian này, đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái để bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính.