Tháng 6 này, cả thế giới lại “lên đồng” với vòng chung kết bóng đá thế giới World Cup 2018 tại Nga. Thế nhưng, không khí đã “nóng” lắm, đặc biệt tại các trung tâm yêu môn thể thao vua này.

Báo Khoa Học Phát Triển có dịp ghé ngang thành phố Manchester, nước Anh và được lôi tọt vào trong Bảo tàng Bóng đá được xem là lớn nhất thế giới. Ở đó, người ta kể về lịch sử 150 năm của quả bóng tròn với một chiều sâu khác: sự tổng hòa của đam mê, kỹ năng, lịch sử, phong cách, nghệ thuật trình diễn và niềm tin.

Nằm ở “khu đất vàng” của thành phố Manchester đắt đỏ của nước Anh, nhưng bảo tàng bóng đá quốc gia (The National Football Museum) lại không thu phí vào cửa. Bởi nó được vận hành như một công trình xã hội được tài trợ 9,3 triệu bảng Anh của quỹ Heritage Lottery Fund. Ngay từ ngày dựng lên, bảo tàng này đã được xem là “thánh đường” của bóng đá, bởi tên tuổi của những người ngồi trong hội đồng điều hành của nó: Bobby Charlton, Alex Ferguson, Trevor Brooking, Geoff Hurst và Mark Lawrenson.

Năm 2017, thống kê chính thức của bộ Văn hóa Truyền thông và Du lịch Anh quốc, bảo tàng đã đón tổng cộng 1,4 triệu lượt khách tham quan trong năm.

Bảo tàng được lập ra với một sứ mệnh tưởng chừng giản đơn nhưng đầy thách thức: “Quan sát và kể về bóng đá, cả chiều sâu lịch sử, hiện tại và tương lai”. Và ở đây, là nơi giải thích đầy đủ nhất lý do vì sao nước Anh luôn là một trong những cái nôi quan trọng nhất của bóng đá thế giới: bóng đá là một tôn giáo, một nghệ thuật và một đức tin.

Bảo tàng Bóng đá được lập ra để giải thích vì sao và làm thế nào bóng đá trở thành “trò chơi của mọi người”, là một phần di sản và lối sống của người Anh. Bảo tàng cũng là nơi trưng bày những chỉ dấu của nước Anh - nơi khai sinh bóng đá thế giới.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của bảo tàng là truyền cảm hứng và tình yêu bóng đá cho trẻ em. Trong ảnh là một trò chơi ghép tên và logo của các đội bóng nước Anh.

Bóng đá và những triết lý được lập ra. Cho tới giờ, một trong những chuyện vẫn gây tranh cãi là câu nói nổi tiếng của Cantona: “Những con hải âu thường đi theo những tàu đánh cá, đó là vì chúng nghĩ lũ cá mòi sẽ được ném xuống biển”.

Một triển lãm các logo của các đội bóng của nước Anh qua thời gian. Bạn có nhận ra Manchester United và Manchester City?

Mỗi cầu thủ huyền thoại trong lịch sử bóng đá đều xuất hiện tại đây với những câu truyền cảm hứng của họ. Trong ảnh là George Best với câu nói nổi tiếng: “Rời khỏi trường là chúng tôi đá bóng đến tận giờ ngủ...”.

Bảo tàng Bóng đá cũng tự nhận là “nơi chuyển hóa” những người không yêu bóng đá thành tín đồ của môn thể thao vua. Công thức sử dụng khá thường gặp là những đoạn truyền cảm hứng của những nhân vật hàng đầu, như Sir Alex Ferguson.

Không chỉ là một môn thể thao dành cho phái mạnh, phái đẹp cũng có không gian và đóng góp riêng của mình đối với lịch sử bóng đá thế giới. Trong ảnh là khu trưng bày các hiện vật của bóng đá nữ.

Cầu thủ, huấn luyện viên và thủ môn, ba thành tố cấu thành đội bóng cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho những triển lãm của các nghệ sĩ.

Tinh thần đồng đội là tài sản quý giá nhất của một đội bóng, không phải là những ngôi sao riêng lẻ.