Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo từ 9,9% vào năm 2016 giảm xuống còn 4,8% vào năm 2020. Trong đó, tỷ lệ nghèo đa chiều ở nông thôn cao hơn nhiều so với thành thị, nhưng khoảng cách đang giảm dần. Đồng bằng sông Hồng là vùng có tình trạng nghèo đa chiều thấp nhất.

Nhận thức được chất lượng cuộc sống của con người liên quan đến nhiều khía cạnh khác ngoài thu nhập, năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, đánh dấu bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam từ đo lường nghèo theo thu nhập sang đo lường đa chiều.

Theo báo cáo vào năm 2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê (GSO), Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, đo lường nghèo theo cách tiếp cận đa chiều, bao gồm cả thu nhập và các chiều phi tiền tệ như nhà ở, tiếp cận nước sạch và vệ sinh, dịch vụ giáo dục, y tế, bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội...

Là một trong số những nước đi đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong áp dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều để giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh, trong Kế hoạch phát triển Kinh tế Xã hội (2016-2020), Việt Nam đã đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều bình quân cả nước là 1% - 1.5%/năm và riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm.

Vào ngày 16/3 vừa qua, theo Tổng cục Thống kê, chỉ số nghèo đa chiều (MPI) chung cả nước giảm từ 0,035 năm 2016 xuống còn 0,016 năm 2020 cho thấy tình trạng nghèo đa chiều ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kế. Xu hướng này diễn ra ở cả khu vực thành thị, nông thôn và 6 vùng kinh tế. Tình trạng nghèo đa chiều trong giai đoạn 2016 – 2020 được cải thiện là do tỷ lệ hộ nghèo (độ rộng của nghèo) giảm nhanh, còn mức độ thiếu hụt (độ sâu của nghèo) không có sự thay đổi đáng kể.

Tình trạng nghèo đa chiều vẫn còn chênh lệch tương đối lớn giữa khu vực thành thị và nông thôn. Năm 2020, MPI của khu vực nông thôn là 0,019, cao gần gấp 2 lần khu vực thành thị. Các vùng có tình trạng nghèo đa chiều cao gồm: Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng bằng sông Hồng là vùng có tình trạng nghèo đa chiều thấp nhất.

Cụ thể hơn, xét trên các chỉ số như tài sản thông tin, tiếp cận dịch vụ thông tin, hố xí hợp vệ sinh, nguồn nước hợp vệ sinh, diện tích nhà, chất lượng nhà, bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh, giáo dục trẻ em, giáo dục người lớn, trong giai đoạn 2016 – 2019, báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ hộ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản có xu hướng giảm qua các năm ở đa số các chỉ số. Điều này cho thấy các hộ gia đình Việt Nam tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng nhiều hơn. Riêng năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19 nên xu hướng giảm này không còn diễn ra ở một số chỉ số.

Chỉ số có mức độ thiếu hụt nhiều nhất là bảo hiểm y tế, tuy nhiên đây cũng là chỉ số có mức giảm nhanh nhất, từ 40,6% năm 2016 giảm xuống còn 19,5% năm 2020. Khám chữa bệnh và giáo dục trẻ em là các chỉ số có mức độ thiếu hụt rất ít.

Các chỉ số có mức độ thiếu hụt không thay đổi đáng kể qua các năm là tài sản tiếp cận thông tin, khám chữa bệnh, giáo dục trẻ em và giáo dục người lớn.

Dưới đây là một số thông tin chính thức:



Số liệu về tình hình nghèo đa chiều ở Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020. Nguồn: Tổng cục Thống kê