Bông lúa vàng, búp chè xanh, tam giác mạch trắng… của mỗi vùng miền tạo nên bức tranh nông nghiệp Việt đa dạng, nhiều sắc màu.

Ngoài cao nguyên đá, Hà Giang còn nổi tiếng với những cánh đồng hoa tam giác mạch. Nhìn từ trên cao, những cánh đồng xanh nổi bật trên nền đất đỏ của vùng núi Hà Giang tạo thành những mảng màu rất đẹp mắt.

Những bông tam giác mạch trắng thuần khiết hấp dẫn đông đảo du khách khắp mọi nơi. Từ hạt hoa, người dân Hà Giang sẽ làm ra những chiếc bánh ngọt giòn, trở thành đặc sản không thể thiếu của địa phương.

Nếu một lần đến Tuyên Quang, bạn sẽ không thể quên được sắc xanh ngút ngàn của đồi chè tại thôn Làng Bát.

Búp chè xanh non mơn mởn còn đọng sương sớm dưới nắng ban mai là nguyên liệu chính làm nên những ấm chè thơm ngon, được nhiều người ưa chuộng trong dịp Tết.

Gạo là nông sản không thiếu trong bữa cơm gia đình. Những hạt gạo trắng ngần là tâm huyết và mồ hôi của những người nông dân cần cù, chịu khó.

Về Bắc Ninh vào mùa hè, bạn sẽ đắm mình trong những cánh đồng lúa vàng óng, thẳng cánh cò bay. Để làm ra những hạt "ngọc trời" trắng ngần, người dân chăm chút từ khâu chọn giống, trồng lúa, chăm sóc đến tận lúc thu hoạch. Tại đây, đất và nguồn nước được kiểm định đạt chuẩn, thuốc bảo vệ thực vật cũng sử dụng đúng cách để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng cũng như bảo vệ môi trường.

Bên cạnh lúa, Bắc Ninh còn có nhiều cánh đồng ngô xanh mướt trải dài bất tận.

Những bắp ngô hạt đều tăm tắp, vàng tươi óng ả đều chứa đựng công sức vất vả của người nông dân. Với mô hình chuẩn VietGap, người trồng chú trọng đến yếu tố sạch, đảm bảo an toàn, nâng cao giá trị của những bắp ngô.

Về Hưng Yên, mọi người có thể thấy sắc vàng cam của cá diêu hồng trên những mặt hồ rộng hàng nghìn ha. Người dân nơi đây đang xây dựng mô hình nuôi cá đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp nông sản sạch cho nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Những lồng cá trên sông Đà tuy đơn giản nhưng lại bắt mắt khi nhìn từ trên cao. Sắc xanh lục của dòng nước cùng bè lồng tạo nên mảng màu mới. Đây là mô hình nuôi cá kiểu mới với 50 lồng các loại. Mỗi năm, mô hình này cung ứng cho thị trường 100-130 tấn cá thành phẩm.

Đến "vương quốc hoa" Đà Lạt, du khách có thể thoải mái ngắm nhìn hàng trăm loại hoa rực rỡ sắc màu, trong đó có cẩm chướng. Người dân Đà Lạt áp dụng tiêu chuẩn GlobalGap vào hoa để nâng cao giá trị nông sản. Không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, hoa cẩm chướng còn xuất khẩu sang Nhật Bản.

Màu nâu của đất, màu xanh của cây lá, màu vàng lúa… đã góp phần tạo nên bức họa đồng quê giản dị mà rực rỡ sắc màu.