Chiến dịch "20 Kilomet Xanh cho thành phố an toàn" khuyến khích người dân sử dụng các cách di chuyển xanh - như đi bộ, xe đạp cá nhân, xe đạp công cộng, xe bus, xe điện, tàu điện – trong các cung đường di chuyển hàng ngày. Với mỗi 20km xanh, chiến dịch sẽ góp một cây vào quỹ trồng rừng.
Việt Nam hiện đang có hơn 70 triệu xe mô tô, xe gắn máy và 4,94 triệu xe ô tô. Một lượng lớn phương tiện cơ giới này tập trung tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM.
Việc gia tăng sử dụng phương tiện cá nhân đang góp phần kéo theo các vấn đề như ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm không khí, tiếng ồn, biến đổi khí hậu và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng và người dân.
Để thay đổi cách “đi” trong thành phố, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) đã khởi xướng chiến dịch
“20 Kilomet Xanh cho thành phố an toàn” với tài trợ của Đại sứ quán Đan Mạch.
Các đối tác đồng hành bao gồm đơn vị triển khai dịch vụ xe đạp công cộng TNGo hiện có mặt ở 6 tỉnh thành (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Vũng Tàu, Hồ Chí Minh), doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực năng lượng bền vững và giao thông xanh Green In, và Ứng dụng hỗ trợ người đi xe buýt BusMap.
“Chúng tôi muốn khuyến khích người dân sử dụng các cách di chuyển xanh - như đi bộ, xe đạp cá nhân, xe đạp công cộng, xe bus, xe điện, tàu điện – trong các cung đường di chuyển hàng ngày. Với mỗi 20km xanh, chiến dịch sẽ góp một cây vào quỹ trồng rừng của Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia”, chị Hồ Hà My, phụ trách chiến dịch cho biết.
Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia là một tổ chức phi chính phủ của Việt Nam, đang tổ chức các hoạt động trồng rừng tại nhiều nơi như Vườn Quốc gia Bến En, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên (Thanh Hóa), Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, Vườn Quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), Khu Dự trữ Sinh Quyển Cần Giờ (TPHCM)...
Chỉ trong vòng một tháng (từ 22/9/2023 đến 22/10/2023), chiến dịch đã được lan tỏa tới các cộng đồng trên toàn quốc với sự tham gia của các trường học, nhóm dân cư và doanh nghiệp. Người tham gia quay video về cung đường của mình và gửi cho Ban tổ chức để chấm điểm.
Kết quả, hơn 194 người đã hoàn thành thử thách với tổng độ dài quãng đường là 4.960 km xanh, giảm thải 620kg CO2 và đóng góp 248 cây xanh vào quỹ Gaia.
Nhiều nhóm cộng đồng di chuyển xanh như nhóm Vinhomes Central Park Running Club đã tổ chức sự kiện chạy bộ với 76 người tham gia, thu về tổng quãng đường 1470km; sự kiện khuyến khích các thành viên thực hiện ý thức sống xanh, lan tỏa chương trình đến toàn bộ cộng đồng dân cư. Nhóm FGreen từ trường Đại học FPT Cần Thơ huy động 30 bạn trẻ tham gia với tổng quãng đường hơn 500km.
Đại diện nhóm chạy bộ VLC tại TPHCM cho biết ngay cả khi chiến dịch kết thúc, họ sẽ vẫn tiếp tục tự tổ chức các chương trình tương tự để các thành viên tham gia bảo vệ môi trường.
Chia sẻ về lý do gắn bó với phương tiện công cộng, chị Tống Thị Huệ cho biết: “Mình biết đến chiến dịch nhờ thông báo của ban quản lý tòa nhà giới thiệu đến cư dân. Mình đi làm cách nhà hơn 10km và mình chọn xe bus là phương tiện di chuyển. Một số điều lý thú để mình yêu thích phương tiện này là không phải tự lái xe, hạn chế hít khói bụi, tha hồ làm những điều mình thích và thư giãn; hơn nữa, lại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đi xe bus cũng giúp tiết kiệm hơn mỗi tháng. Nếu đi xe máy, tiền xăng xe, bảo dưỡng, khấu hao xe mỗi năm ít nhất 15 triệu; trong khi, đi xe bus một năm chỉ 2,4 triệu.”
Chị Nguyễn Hồng Nhung, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, nói rằng: “Thay đổi thói quen đi lại thực sự không dễ dàng. Mình đã phải rất nỗ lực để điều chỉnh giờ giấc, thói quen vận động và sinh hoạt hàng ngày vì muốn bảo vệ sức khỏe và giảm dấu chân carbon. Mình đã chuyển sang đi phương tiện công cộng được 6 năm, và lần tham gia chiến dịch này để nhằm lan tỏa câu chuyện cho các em sinh viên”.
Cả chị Nhung và chị Huệ đều nằm trong top 5 người đạt giải Influencer, tức những người tham gia tích cực chia sẻ nội dung sáng tạo và tương tác để lan tỏa thông điệp di chuyển xanh đến cộng đồng.
Tại buổi lễ trao giải chiến dịch, ông Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, chia sẻ: Ở Đan Mạch, 50% các cuộc di chuyển không phải bằng xe bus, ô tô mà là bằng xe đạp. Xe đạp rất phổ biến ở các thành phố, đặc biệt là thủ đô Copenhagen. Nhiều đối tượng sử dụng xe đạp, từ trẻ em đi học, người lớn đi làm tại công sở, đến những người về hưu đi siêu thị. Chiến dịch 20km này – và rộng hơn là dự án Công dân Xanh - Chuyển dịch Xanh mà Đại sứ quán Đan Mạch đang hỗ trợ tại Việt Nam – là một cách để lan tỏa những thực hành giao thông xanh ở Đan Mạch tới Việt Nam.
“Trong 3 năm qua, chúng tôi [Đan Mạch] đã làm việc với chính phủ Việt Nam ở cấp độ đối thoại chính sách, chia sẻ chuyên gia, tổ chức hội thảo để hỗ trợ Việt Nam trong việc chuyển dịch năng lượng công bằng và đạt được các mục tiêu khí hậu. Nhưng chúng tôi nhận ra rằng điều quan trọng nhất còn thiếu là sự tham gia của người dân. Chuyển dịch xanh không chỉ là về những quyết định chính trị của chính quyền mà còn là những lựa chọn của công dân. Và chúng tôi muốn góp phần giúp nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, thúc đẩy người dân Việt Nam tiến nhanh hơn tới mục tiêu chuyển đổi”, ông Prytz nhấn mạnh.
Đại diện Live&Learn cho biết họ sẽ tiếp tục triển khai các chiến dịch cộng đồng tương tự như 20km xanh cho thành phố an toàn trong thời gian tiếp theo.
Một số bài chia sẻ thú vị tại chiến dịch 20km xanh. Ảnh: BTC